Nhiếp ảnh

Joel Meyerowitz – Bậc thầy nhiếp ảnh đường phố 05. 03. 16 - 8:27 am

Hoàng Lan st và dịch

“Trách nhiệm của một nghệ sĩ là không được đưa mắt làm ngơ. Có thể bạn sẽ chẳng sửa đổi được ai khi chỉ ra cái xấu, nhưng ít ra bạn cũng đảm bảo rằng bạn đã nhìn thấy điều xấu đó, và nó khiến bạn đau lòng”, Joel nói.

Joel Meyerowitz, chân dung tự chụp, 2001

Bên cạnh nội dung của các bức ảnh, Joel Meyerowitz còn có công chuyển hóa màu sắc thành một ngôn ngữ hoàn chỉnh. Cho đến tận giữa những năm 1960, ảnh màu vẫn gặp phải nhiều rào cản, một phần vì những khó khăn về kĩ thuật để có được màu trung thực khi in ảnh ra, phần lớn hơn nằm ở thói quen xem ảnh dưới dạng những tông màu xám đen trắng khác nhau của người dân. Meyerowitz hiểu được sức mạnh truyền tải ẩn trong các sắc màu, và nhờ vào hàng loạt những pô ảnh sống động đầy màu sắc của mình, ông đã góp phần giúp khán giả làm quen cũng như chấp nhận nhiếp ảnh màu như một cách mới để thể hiện cuộc sống.

New York, 1963, Meyerowitz.

Joel Meyerowitz sinh năm 1938 ở New York, tại khu Bronx, nơi ông sống “hài hòa cùng với năng lượng và sự điên rổ của cuộc sống”. Ông bắt đầu chụp ảnh màu vào năm 1962, và trở thành một trong những người người tiên phong cho dòng ảnh này vào cái thời đa số nghệ sĩ trong giới vẫn còn khá dè dặt với ý tưởng xem nhiếp ảnh màu như một thứ nghệ thuật nghiêm túc.

Meyerowitz xuất bản tập sách ảnh đầu tiên của mình – Cape Light (Ánh sáng vùng Cape Cod) – vào năm 1979. Tập sách ảnh màu này bây giờ đã trở thành cuốn sách ảnh kinh điển, bán được hơn 100.000 bản trong 25 năm nay. Mười bốn tập sách ảnh khác ra đời tiếp theo sau đó, trong đó bao gồm: Bystander: The History of Street Photography (Người bên lề: Lịch sử Nhiếp ảnh đường phố), và Tuscany: Inside the Light (Tuscany: Bên trong ánh sáng).

“Cây Đoan”, trong bộ ảnh chụp thành phố Tuscany của Meyerowitz.

 

“Bàn ăn”, cũng trong bộ ảnh chụp Tuscany, Meyerowitz

 

“Màu đỏ bên trong xe hơi”, 1977, trong series “Cape Light” chụp thành phố biển Cape Cod, Meyerowitz.

Thích đi đó đây, Meyerowitz ngao du khắp châu Âu chụp ảnh, và tất nhiên ông còn khi khắp nơi trên đất Mỹ, ghi lại khung cảnh cũng như cuộc sống thường nhật của người dân: một tấm chụp gương mặt của những con người ta gặp hàng ngày đang hối hả chạy đua đến chỗ làm, tấm khác chụp họ đang thư giãn trên ghế dài. Ông chăm chút cho tác phẩm của mình bằng cách để ý đến sự tương phản màu sắc, ánh sáng, cách bóng đổ… khi bấm máy, và Meyerowitz cũng thường chụp chủ thể ở góc độ gần.

“Đại lộ Madison”, New York, 1975, Meyerowitz.

Theo đúng “kiểu đường phố”, Meyerowitz là một phần của khung cảnh, ông không hề tìm cách ẩn mình đi. Với chiếc máy Leica 35mm, ông luôn “đứng giữa” mọi người và mọi đám đông. Trái với quy luật thường gặp trong nghề nhiếp ảnh, Meyerowitz thích lần tìm khung cảnh có ánh sáng mặt trời sáng choang – thứ sẽ tạo ra những đường bóng sắc nét trên các khuôn mặt và hình dáng, đồng thời cũng tạo nên sự tương phản lớn về màu sắc (vốn còn trở nên mạnh mẽ hơn vì Meyerowitz thích đưa vào ảnh của mình các biển hiệu, áp phích, và lắm kiểu quần áo lòe loẹt). Ông tác nghiệp trên đường phố cùng những huyền thoại khác như Garry Winogrand, Tony Ray-Jones, và thậm chí có hôm Meyerowitz còn bắt gặp Henri Cartier-Bresson ở ngoài đường.

“Góc cua màu vàng”, New York, 1974, Meyerowitz.

 

New York, 1976 , Meyerowitz

Tất nhiên hiếm ai mới vào nghề đã giỏi ngay, Meyerowitz từng phải dày công mài dũa tay nghề, chụp liên tục không ngừng nghỉ để tự luyện cho bản thân “Tôi thấy choáng ngợp với các con phố, dòng người sôi nổi, ánh đèn chuyển sắc… đến độ không kịp trở tay. Nó làm tôi đờ ra. Tôi phải học cách tự xác định là mình đang phản ứng với cái gì, và liệu phản ứng của tôi có nhạy bén không. Cách duy nhất để làm việc đó là liên tục chụp ảnh, in ảnh, săm soi chúng và bàn luận về chúng với người khác”.

Chúng tôi [nhiếp ảnh gia đường phố] luôn nghĩ rằng: “Chúng ta có thể tiếp thu và trân trọng một khoảnh khắc vốn sẽ mất đi trong phút chốc đến mức độ nào?” và, “Liệu chúng ta có khá năng khiến khoảnh khắc ấy tồn tại như một tác phẩm nghệ thuật?”

“Áo khoác”, New York, 1975, Meyerowitz.

Meyerowitz luôn kiên nhẫn học hỏi. Vào thời kỳ đầu ông chụp ảnh đen trắng như bao đồng nghiệp khác, nhưng sau đó phim màu lại hấp dẫn ông. Meyerowitz thử nghiệm chụp ảnh màu theo nhiều khổ lớn nhỏ khác nhau. Ông nhận ra rằng đây là một quá trình dài hơi – thế nên cuối cùng ông quyết định: chụp luôn bằng khổ lớn 8×10 và cố theo đuổi để từng bước cải thiện kỹ thuật của mình.

“[Máy chụp ảnh khổ nhỏ] khiến tôi tràn trề năng lượng, quyết đoán và chụp theo kiểu cấp tốc… Máy ảnh lớn khiến tôi kiên nhẫn và trầm tư hơn”.

Không đề, Meyerowitz, không rõ năm.

 

“Ngã”, Paris, 1967, Meyerowitz.

“Tôi nghĩ [chụp khổ 8×10] đã thay đổi tôi, khiến tay nghề của tôi tốt hơn. Qua năm tháng tôi nhận thấy rằng – và nhiều người cũng hay hỏi tôi tại các buổi diễn thuyết, rằng ‘Ông có theo đạo Phật không?’ Bằng cách nào đó, thông qua việc dùng chiếc máy ảnh khổ lớn, với sự chậm rãi, tính cẩn trọng và sự trầm tư nó đem lại, một cảm xúc nào đấy đã nảy sinh, và dù nó là gì đi nữa, nó đã giúp tôi tĩnh tâm khi chụp ảnh”.

Corn Hill, thị trấn Truro, Cape Cod, 1976, Meyerowitz.

 

Truro, Cape Cod, 1976, Meyerowitz.

 

Cũng tại Truro, Cape Cod, 1976, Meyerowitz.

 

“Vùng quê”, Cape Cod, 1977, Meyerowitz.

Điều này, ngoài việc rõ ràng giúp Meyerowitz trở thành một trong những bậc thầy của thể loại ảnh màu, còn nâng ông lên đến tầm cỡ những nghệ sĩ đáng kính nhất. Các tác phẩm của ông từng được trưng bày tại bảo tàng MoMa ở New York, Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan và tại nhiều nơi khác nữa.

Điều dáng ngạc nhiên là, sau một thời gian khá dài nổi tiếng nhờ ảnh đường phố, hiện nay Meyerowitz còn nổi tiếng hơn nhờ chụp ảnh tĩnh vật. Chi tiết về ảnh tĩnh vật của ông xin chờ bài kế tiếp nhé.

Ý kiến - Thảo luận

10:30 Saturday,28.5.2016 Đăng bởi:  Hien Pham
Cảm ơn Hoàng Lan đã dịch bài này.
...xem tiếp
10:30 Saturday,28.5.2016 Đăng bởi:  Hien Pham
Cảm ơn Hoàng Lan đã dịch bài này. 
9:42 Saturday,5.3.2016 Đăng bởi:  Candid
Bài hay lắm. Suy nghĩ của mình về khổ phim khá giống với tác giả.
...xem tiếp
9:42 Saturday,5.3.2016 Đăng bởi:  Candid
Bài hay lắm. Suy nghĩ của mình về khổ phim khá giống với tác giả. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Vô cảm đến mức này thì bỏ xừ cái nền Mỹ thuật Việt

Bài của Hoàng Lan Anh từ Người Lao Động - Soi bình luận

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả