Gẫm & Bình

Bài 1: Ngoạn cái “Chinh (phu-phụ)” của Thái Nhật Minh 11. 05. 16 - 2:30 am

Vũ Lâm

Triển lãm điêu khắc “Chinh phu – Chinh phụ” của tác giả Thái Nhật Minh (sinh năm 1984) tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học) tuy chỉ diễn ra trong 5 ngày, từ 23 tới 27- 4-16, nhưng là một triển lãm ấn tượng của tháng Tư. Tôi chợt nghĩ ví rằng được xem một triển lãm đáng xem thì cũng giống như việc ta đi dự đám cưới của một người bạn thân. Ta không hề ngại ngùng khi nhận thiếp mời. Và giả sử nó quên thông báo hoặc ngại báo vì ta ở rất xa, không muốn ta vất vả về đi lại, thì ta vẫn muốn tìm mọi cách để về kịp …

.

Chữ “Chinh” dùng trong triển lãm của Minh, tra lại từ điển Hán Việt, thì nghĩa phổ thông nhất của nó có hai ý:
1: Người trên đem binh đánh kẻ dưới (kẻ dưới bị cho là có tội)
2. Đi xa (lâu dần chỉ giản tiện cho việc đi xa). Còn một nghĩa nữa là việc đánh thuế.

Nghĩa thứ nhất, chắc là ý dùng của kẻ xưng thiên tử đi “chinh” mấy thằng đàn em bốn phía bị gọi là Man, Di , Mọi, Rợ,… Mấy thằng ấy thì ở xa, chinh phạt chúng nó toàn đi bộ cũng khá vất vả, không chỉ lính chết như ngả rạ, mà tướng có khi cũng “ngỏm” dù có ngựa cưỡi. Chữ “chinh phu–chinh phụ” là nghĩa chữ nên thơ chỉ những người đi đánh trận nói chung, và vợ dài cổ chờ ở nhà, sinh ra biết bao nhiêu bi kịch vào văn học và các loại “đá vọng phu”. Nhưng tôi cho rằng khi triển lãm dịch ra tiếng Anh là “Soldier – Soldier’wife” theo kiểu trần sì ra lại đúng nghĩa với tính chất triển lãm của Minh hơn. Đó, đơn giản là “Lính – và Vợ Lính” mà thôi. Chứ thân phận những “nhân vật” trong triển lãm của Minh: “Chinh nhân” không phải là những “Chàng tuổi trẻ vốn dòng hào kiệt/ Xếp bút nghiên theo việc đao cung? Thành liền mong tiến bệ rồng/ Thước gươm thề quyết chẳng dung giặc trời…” (Chinh phụ ngâm khúc- Đặng Trần Côn- Đoàn Thị Điểm). Còn “Chinh phụ” thì không phải kiểu: “Khuê trung thiếu phụ bất tri sầu/ Xuân nhật ngưng trang thượng thúy lâu/ Hốt kiến mạch đầu dương liễu sắc/ Hối giao phu tế mịch phong hầu” (Khuê oán – Vương Xương Linh). Đó là loại tướng tá, vợ cũng con nhà dòng giống, đi đánh nhau là để mong tiến bệ rồng, kiếm quan tước. Chứ còn các anh đây là lính nông dân, bị tóm đi lính, giãi thây trăm họ làm công một người cho những mưu đồ bá chủ, những lợi ích nhóm, những trò chơi vương quyền, chết thay cho những thằng nghĩ ra từ “chinh” kia. Thắng trận, anh đem thân anh nguyên gáo nguyên cành về đã là may lắm. Vợ anh là nữ nông phu hay tiểu thương ở nhà, nông tang thúng mẹt con cái vất vả đủ đường, còn bị mẹ chồng hành hạ mắng chửi, bị từ thằng hàng xóm, thằng xã trưởng cho đến thằng trương tuần tăm tia. Khổ lắm, nhục lắm chỉ mong chồng về… Mà biết đến bao giờ các anh về??? Bao giờ? Bao giờ? Bao giờ? Nếu ai cũng về được thì đã chẳng có “hòn vọng phu”!

Giải thích kỹ điều này để có thể “thống nhất khái niệm” trước khi ngắm tác phẩm của Thái Nhật Minh. Tác giả bài trí hành trình đội “Chinh phu” này có diễn tiến thời gian và kết thúc như các phân cảnh của một kịch bản điện ảnh. Cứ 7 đơn vị tượng thành một tốp, đặt trên các thân gỗ sơn đen, bọc sắt giống như mũi lao treo lơ lửng. Một phòng là 21 mũi cùng hướng về cái đích vô định – bức tường trắng, phòng bên là 3 mũi, khi đội chinh phu đã bị “xuống sề”. Mỗi đơn vị tượng bằng nhôm đúc lặp lại y hệt nhau theo kiểu hình giả tưởng gợi ý động tác, phủ mầu đồng và gỉ đồng xanh giống như mầu của đồ đồng cổ.

Bắt đầu là tư thế chào của đoàn quân trước khi ra trận (kiểu chào trong phim truyền hình cổ trang kiểu Tầu)

 

Đoàn quân ra đi, bình thản trật tự, khiên giáp đầy đủ, ai làm việc nấy.

 

Cầm chắc vũ khí sẵn sàng xung trận

 

Gần cuối cuộc “chinh phạt”. Số phận các lính nông dân được gọi là “chinh nhân” cho oai của chúng ta đã rõ ràng. Ở những tầng thấp nhất. Thằng thì bị trói…

 

Thằng thì bị cùm…

 

Ở tầng cao nhất, có một số thằng xuôi tay đứng xem. Chắc đây mới là các “chinh nhân” thực thụ, thắng trận về nhà một cái là thêm đất, tước, tiền…

Nhưng số phận các “chinh phu” này vẫn chưa phải là thê thảm lắm. Chúng ta bước qua phòng bên, chỉ còn 3 mũi lao (giả tưởng) xuyên qua. Và cái đích thật sự là một sa trường trắng toát. Nhìn từ trên cao thì thế này:

Sa trường trắng toát, nhìn từ trên cao

Nhưng nhìn xuống dưới gần, tận mắt thì mới thấy rùng rợn. Bởi các “chinh phu” kém may mắn nhất của chúng ta mãi mãi thuộc về … ngày 27-7!

Các tượng chiến binh – chinh phu bị “lưỡi cưa số mệnh” của tác giả cắt thành một đống lẫn lộn. Mầu da đồng có sức sống khi trước, giờ biến thành một mầu tái, đen, trắng… lạnh ngắt

Đó là câu chuyện của các “chinh phu” của chúng ta. Còn chuyện các “chinh phụ” thì sao? Tác giả “gọt” 63 khối tượng bằng đá muối trắng, cùng một kiểu hình gợi ý giả tưởng mẹ ôm con hoặc chơi đùa với con, hoặc đứng ngóng bố, đủ các tư thế. Mỗi khối tượng cao khoảng 17 – 18cm, dày trên dưới 2 đốt ngón tay. Mỗi tượng để trên một bệ bằng sắt sơn đen, gắn ngang tầm mắt người trên tường dọc suốt hai phòng triển lãm. Theo ý tác giả thì chất liệu này tượng trưng cho phẩm chất của người “chinh phụ”, cứng rắn, tinh khiết, nhưng cũng dễ gãy vỡ. Những chiếc bệ sắt sơn đen như những chiếc bóng cô đơn lạnh lẽo đằng sau người thiếu phụ, ẩn ý cả những bi kịch nhiều dạng vẻ mà họ phải gánh chịu ở nhà. Trong đó có cả những nỗi bi khuất thấu trời kiểu như “Chuyện người con gái Nam Xương”… Như chúng ta thấy, bi kịch của đoàn “Chinh phu” thì có hồi kết. Còn bi kịch của đoàn “Chinh phụ” thì dằng dặc tuần hoàn không có hồi kết, thế nên nó mới tạc vĩnh viễn vào thời gian. Đây là một số hình ảnh của nhóm tượng “Chinh phụ” (vì chất liệu đá trắng khó chụp nổi khối, nên ảnh không được tỏ)

62 tượng hình mẹ con, chỉ duy nhất hình tượng này đang ôm một “mầm người” trong mình. Ý về một “chinh phụ” vừa mới có mang thì chồng đi xa?

 

.

Nhìn chi tiết các tổ hợp cấu thành tác phẩm lớn thì là vậy. Chứ còn cảm quan tổng thể ở trong phòng triển lãm, thấy dấy lên một cảm giác khá tượng trưng và ngậm ngùi. Tác giả cố ý cấu tạo từng hình nhỏ như những đồ chơi, nên sự tàn bạo hay cô đơn tuyệt vọng của con người lấp láy ý cũng chỉ như một trò chơi của tạo hóa. Tất cả đặt trên những dàn lao gỗ đen sì, to lớn, lầm lì, hăm dọa như các giàn phóng hỏa tiễn, kiểu như tên lửa Katyusha, nên hình tượng người càng có cảm giác bé nhỏ dễ tan biến bốc hơi đáng sợ…

. 

… càng cám cảnh cho số phận của những “dân phu – dân phụ” vô danh trong suốt hàng ngàn năm lịch sử không chỉ của dân tộc mình mà cả những giống nòi khác. Nhớ rất nhiều hình ảnh thơ hay ca khúc nói về câu chuyện này… Một hôm, thằng bé con ba tuổi nhà tôi chơi bên bà hàng xóm về, ngọng líu hát một bài thế này: “Mai đây chiến tắng bố về với ton, nghe mẹ kể chuyện thằng bé lon ton, đưa tơm cho mẹ em đi tày…”. Mãi mới đoán ra là bà hàng xóm dạy nó một bài hát cũ thời chống Mỹ là bài “Đưa cơm cho mẹ đi cày” của nhạc sĩ họ Hàn. Lại chợt nhớ đến một câu hỏi không lời đáp của một ông tên Hàn khác trên một ngàn năm trước: Say ngất sa trường, đừng cười tớ/ Xưa nay chinh chiến mấy ai về? (Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu/ Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi). Trong hai mẩu thơ, nhạc trên, không thấy có hình ảnh đánh nhau, đầu rơi máu chảy. Một hình ảnh thì thơ mộng và đáng yêu ở quê nhà, đứa trẻ lũn cũn giúp mẹ, mang cơm cho mẹ đi cày. Nhưng ngậm ngùi thay là ngậm ngùi, vì cày ruộng là việc đồng áng nặng nhọc nhất, đáng lẽ đàn ông phải làm, nhưng chàng lực điền ấy lại đang phải cầm súng ở đâu? Còn bài thơ cổ trên, thì đưa ra hình ảnh người đi, một anh lính say, anh chán anh uống cho quên đời, đến mức ngã lăn từ lưng ngựa xuống sa trường. Bởi anh nhận ra một thực tế là cơ hội trở về đi cầy cho vợ là khó như lên trời. Tâm sự ấy, người đấy người đây thì có khác gì nhau, cách nhau cả ngàn năm thì cũng khác gì nhau??? 

(Còn tán tiếp)

Ý kiến - Thảo luận

0:45 Thursday,12.5.2016 Đăng bởi:  hà sơn tuyết
Anh Vũ Lâm viết, văn phong phảng phất cụ Nguyễn Tuân nhỉ. Cao thủ toàn đưa hư chiêu, không biết đằng nào mà lần. Đề nghị anh Lâm viết cụ thể hơn về tạo hình nhé
...xem tiếp
0:45 Thursday,12.5.2016 Đăng bởi:  hà sơn tuyết
Anh Vũ Lâm viết, văn phong phảng phất cụ Nguyễn Tuân nhỉ. Cao thủ toàn đưa hư chiêu, không biết đằng nào mà lần. Đề nghị anh Lâm viết cụ thể hơn về tạo hình nhé 
7:20 Wednesday,11.5.2016 Đăng bởi:  Candid

Triển lãm hay quá mà đúng dịp nghỉ nên lỡ mất.


...xem tiếp
7:20 Wednesday,11.5.2016 Đăng bởi:  Candid

Triển lãm hay quá mà đúng dịp nghỉ nên lỡ mất.

 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả