Trường phái

“Cầu Pont Marie, Quai Sully”: Guillaumin vẽ cái thô tháp của cuộc sống 06. 06. 16 - 8:25 am

Karin H. Grimme - Thúy Anh dịch

Năm 1875 sau khi tiếp nhận xưởng vẽ cũ của Charles Daubigny số 13 Quai d’Anjou, Paris, Armand Guillaumin đã vẽ rất nhiều tranh phong cảnh thành phố nơi ông sống. Trong ví dụ lần trước, hay lần này với bức “Cầu Pont Marie, Quai Sully“, ta thấy điều làm Guillaumin thích thú không phải là những góc phố đẹp đẽ cổ kính của Paris hay cuộc sống về đêm tại các quán bar, cafe như các hoạ sỹ Ấn tượng khác hay vẽ, mà (điều khiến ông thích thú) là các hoạt động thường nhật ở bến cảng và các công trường xây dựng.

Cầu Pont Marie, Quai Sully – Armand Guillaumin – Sơn dầu trên toan – 59,2 x 72,5 cm – 1878

Trong bức này Guillaumin vẽ hình ảnh không gì là hấp dẫn của cuộc sống lao động hàng ngày. Công cuộc tái thiết Paris thành thành phố hiện đại nhất thế kỷ 19 là quá trình thay đổi to lớn. Những ngõ nhỏ uốn quanh nhường chỗ cho các “đại lộ đẳng cấp”.

Cầu Pont Marie ngày nay

Công trường xây dựng bên cầu Pont Marie trên bãi Quai Sully này cho thấy những dự án xây dựng đã có quy mô khổng lồ cỡ nào. Một loạt xe ngựa đứng dàn hàng trong lòng sông tháo hết nước đang đợi được chất cát lên. Cần trục bốc đất chất thành đống để công nhân xúc lên xe ngựa. Tiền cảnh được chiếm hết bởi hình ảnh lòng sông, mép trái và đường chân trời dành cho các dãy nhà. Những công nhân sàng cát trong công trường hình dáng nhỏ gầy que diêm được vẽ lặp đi lặp lại trong các tác phẩm sau này của Guillaumin.

Chi tiết hàng xe ngựa đứng dàn hàng

 

Chi tiết cần trục và công nhân

 

Chi tiết nhà ở mép trái tranh và đường chân trời

Vài năm sau đó xuất hiện loạt tranh vẽ các công nhân xúc cát thô sàng qua một cái rây. Một trong những bức này được vẽ kẻ ô, một kỹ thuật hỗ trợ thị giác giúp chuyển phác thảo sang tranh chính. Kỹ thuật này đi ngược lại nhu cầu tái tạo cảm xúc một cách tức thời ngẫu hứng của các hoạ sỹ Ấn tượng. Nhưng do Guillaumin không có người ngồi mẫu – các công nhân xúc cát không thể ngưng tay bất động làm mẫu cho ông hoạ sỹ, thế nên trong bức này ông đã phải bỏ hết các nguyên lý cơ bản của Ấn tượng để tạo ra một tác phẩm có sức thuyết phục hơn vượt lên các vấn đề màu sắc, ánh sáng.

Bức “Sàng cát” của Armand Guillaumin

Trong quá trình phát triển sự nghiệp nghệ thuật, Guillaumin ngày càng quan tâm vẽ hình người, tuy vậy ông vẫn trung thành với những chủ đề đã chọn từ những năm 1870.

Năm 1880 ông vẽ công trường xây dựng trong tác phẩm “Cầu Pont Neuf”…

 

… và năm 1883 ông một lần nữa trở lại với bức “Cầu Pont Marie”

 

Năm 1885, trong tác phẩm “Mỏ cát”, Guillaumin dành nhiều công sức mô tả các công nhân làm việc.

Những màu mạnh tả hình người – xanh dương và đỏ – đối nghịch dữ dội với màu nâu vàng của cát. Rõ ràng là ông chú ý việc dùng màu sắc hơn là mô tả diễn tiến công việc của nhân vật.

Giờ đây khi trường phái Ấn tượng không còn ở đỉnh cao, vấn đề vai trò tầm quan trọng của hình người trong tranh phong cảnh đã được giải đáp rõ ràng. Theo đó hình người được ưa chuộng xuất hiện trong tranh phong cảnh.

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả