Ăn uống

Pha Lê nấu ăn: thịt viên Nga – làm thế nào cũng không ngon bằng mẹ nấu 30. 04. 17 - 5:50 am

Pha Lê

Nếu hỏi tôi món đầu tiên tôi biết nấu và nấu hoàn chỉnh để đãi cả nhà (gồm bà và các cô, cậu) là gì, thì đấy là món thịt viên Nga. Hồi đó tôi nhớ mình còn học cấp 2. Căn bản món này không phải khó.

Đây là món của mẹ. Mẹ tôi, nói thật, là một người không thích nấu ăn. Châm ngôn của mẹ là luộc, với thịt luộc rau luộc đủ thứ luộc. Bà bảo thế vừa đỡ mệt vừa khỏi xài lắm dầu mỡ béo. Bố tôi không có nhu cầu ăn ngon và càng không có nhu cầu bắt mẹ phục vụ nên cả nhà cứ thế “luộc chín món”.

Kỳ một chỗ, món nào mẹ làm được là mẹ nấu cực ngon, như món cháo súp mãi tới tận hôm nay tôi vẫn không tài nào nấu ngon như mẹ. Lúc mới tập nấu ăn, mẹ chỉ tôi một trong những món ngon “tủ” của mẹ nữa: thịt viên Nga.

Cận cảnh món thịt viên Nga của tôi. (Toàn bộ hình trong bài do Pha Lê chụp)

Như tên gọi của nó, món này mẹ tôi học ở Liên Xô, xong khi về Việt Nam mẹ cải biên, biến tấu nó lại cho phù hợp với nguyên liệu xứ mình. Thời xưa, những người “nhà nghèo học giỏi” như mẹ có lấy được học bổng đi tu nghiệp nước ngoài thì chỉ đi mấy nước như Liên Xô, Đông Đức… mà thôi. Mẹ từng kể tôi nghe rất nhiều kỷ niệm ở Liên Xô, nào là mẹ cùng mấy bạn học hay đi lượm nồi niêu xoong chảo mà dân họ… vứt đi. Đồ dùng của họ chỉ cũ chứ còn tốt, xài ổn mà sinh viên mình nghèo rớt, thấy “rác” vẫn dùng được nên đi lượm về. Nào là có bạn Việt Nam làm bể hũ mắm tôm, dân Nga ngửi mùi tưởng ống cầu tiêu bị bể nên kêu đại đội tới dọn cầu. Nào là mùa hè thay vì về nước, mẹ đi hái táo kiếm thêm tiền.

Mẹ cũng học vài món Nga mà thi thoảng bà vẫn nấu cho tới tận hôm nay, trong đó có món thịt viên.

Theo mẹ chỉ, thịt viên Nga đặc biệt nhất ở phần bánh mì ngâm sữa. Nguyên liệu món này đại loại kiểu:

300g thịt heo băm và 100g thịt bò băm
Muối
Tiêu
Bánh mì ngâm sữa cho mềm
Lòng đỏ trứng
Hành tỏi băm nhuyễn
Rau parsley băm nhuyễn
Vụn bánh mì giòn

Do thời ấy parsley ở Việt Nam không có, và bỏ toàn muối nó chán nên mẹ thay parsley bằng ngò, thay muối bằng nước mắm. Ai không thích mùi ngò thì bỏ ra, cá nhân tôi thấy ngò Việt Nam sẽ giúp món ngon hơn là parsley Tây nhiều.

Bánh mì mua loại bánh mì ngũ cốc nguyên cám, màu hơi đen đen nâu nâu (hoặc mua bột bánh mì wholewheat về tự làm) để ngâm với chút sữa, khi bánh mì mềm rồi lấy tay bóp cho nát.

Bánh mì làm từ hạt lúa mì wholewheat còn nguyên lứt

Sau đó bỏ bánh mì vào chung với các nguyên liệu còn lại, trộn đều lên.

Bánh mì sau khi ngâm sữa và bóp nát ra

Tới đoạn vo từng viên thịt rồi lăn chúng qua vụn bánh mì – Nga mà, đâu cũng thấy bánh mì, mẹ bảo dân Nga khoái bánh mì lắm. Nói vậy chứ lăn thịt viên qua vụn bánh mì là thịt cũng cứng cáp hơn, có lớp ngoài “bảo vệ”, khi chiên áp chảo lớp ấy lại giòn rụm. Nếu không kiếm được vụn bánh mì để mua, cứ đem vài lát bánh mì đi nướng cho cứng giòn (nhưng đừng nướng… khét), rồi dùng chày và cối giã nát chúng ra thành vụn, hoặc bỏ chúng vô máy xay thực phẩm xay mấy vòng là được.

Thịt băm với tiêu, bánh mì ngâm sữa bóp nát, lòng đỏ trứng, ngò, hành tím và tỏi băm nhuyễn. Tất cả đem trộn lên. Ai thích muối thì bỏ muối, ai thích nước mắm thì bỏ nước mắm để nêm.

Thịt băm sau khi vo viên và lăn qua vụn bánh mì

Nấu thịt viên này theo 3 cách: một là chiên áp chảo cho tới khi chín, hai là chỉ áp chảo sơ cho chín bên ngoài rồi đút lò nướng, ba là đem nướng than. Hồi nhỏ tôi làm cách thứ nhất, nhưng giờ tôi thích cách hai hơn. Nhìn chung cách hai giảm thiểu nguy cơ khét, và rất đỡ tốn dầu mỡ vì áp chảo cho tới khi thịt chín sẽ hao mỡ kinh khủng. Chưa kể một lúc vo mấy viên thịt thì chiên một lần không hết nổi, nhưng chiên 2, 3 đợt lại mất công bỏ xừ. Cứ áp sơ sơ cho từng cái chín bên ngoài rồi tống cả lũ vô lò, đỡ cực hơn nhiều.

Thịt này đem nướng than là ngon nhất, nếu nhà có khuôn viên. Nhưng ai không đủ khả năng, không có chỗ, ngại than khói làm phiền hàng xóm thì áp dụng hai cách đầu cũng ổn rồi. Mà tếu lắm, mỗi lần tôi nấu món này cho bất cứ ai có gốc Hoa, y như rằng họ sẽ nói “Ăn sao giống xíu mại”

Thịt viên Nga sau khi áp chảo và đút lò cho chín

Thịt viên xong tới món rau. Hồi lần đầu làm món này đãi cả nhà, tôi nấu nó cùng khoai Tây nghiền. Nhưng đấy là thời cấp hai và lúc trời chưa nóng gần chết như bây giờ. Mùa này mà khoai Tây nghiền thì oải lắm, thế nên tôi ra ngoài tìm rau sạch với châm ngôn “có gì ăn nấy”. Các bạn nông dân hay bảo làm nông đa canh, đa tầng, không hoá chất nó “tùy hứng”. Lúc “tưởng bở” là thu hoạch được cái này thì nó hư hoặc chậm lớn, nhưng cái kia lại rộ rộn ràng khắp vườn còn hơn trúng mùa. Mình thông cảm cho các bạn ấy, các bạn có gì mình mua về làm, không cần “đúng món theo kế hoạch”. Thế là lượn một vòng xong tôi nhặt được một giỏ rau gồm: su hào, măng Tây, xà lách. Mùa này còn có đậu Mộc Châu hơi bị ngon, nhưng ngon quá nên bị… giành ăn mất tiêu, quay đi quay lại thấy hết đậu lúc nào chẳng hay.

Mẹt rau mua được trong ngày

Xà lách cắt ra rửa, ăn sống với thịt viên Nga. Củ su hào cũng dễ, chỉ cần cắt nhỏ hầm với nước dùng là ngon. Nước dùng ninh từ xương cộng với su hào ngọt, nêm thêm chút muối nữa là canh củ thanh đạm sẽ rất ngon ngọt mà không cần dùng “kỹ xảo” hay hóa chất gì. Không hiểu tại sao, củ gì chứ củ su hào phải bỏ vô nước hầm từ xương mới phát huy hết vị ngọt bùi, còn bỏ vào nồi có nước pha bột nêm bột ngọt là nó ra vị ngang ngang, dù bản thân củ cũng còn ngọt nhưng ăn chán hơn hẳn.

Chén canh su hào hầm

Riêng măng Tây phải suy nghĩ một hồi mới thành món. Măng Tây là giống xứ khác (kể ra cà chua, bắp, khoai Lang, dưa hấu… cũng là giống xứ khác) nhưng trồng được ở Việt Nam. Các bác làm nông tự nhiên, đa canh đa tầng nước mình cũng khoái măng Tây vì trồng cho cây khỏe rồi là có thể cứ thế thu hoạch trong vòng 20, thậm chí 30 năm. Măng Tây chỉ hơi khó ở cái đoạn chờ nó lớn, do một cây phải mất tới mấy mùa mới lớn nổi, có cây mất 2 năm chờ lớn mới thu hoạch được.

Măng tây trồng ở Việt Nam cũng làm ra được món xinh xinh thế này

Khó nữa cho người nấu là mấy món măng Tây là dân Tây có rất nhiều công thức phong phú, nhưng bê nó về làm với măng Tây trồng ở Việt Nam thường không ngon. Măng Tây của Tây bùi béo hơn, dùng chấm với những sốt bơ hay trộn sốt kem, sốt hollandaise rất ngon. Đem nướng cũng ngon. Trái lại măng Tây xứ ta chắc do thổ nhưỡng, thời tiết mà vị thanh mảnh, ăn vô thấy mát mẻ dễ chịu. Măng Tây này làm theo kiểu Pháp kiểy Ý thường ăn chán ngắt, vị thanh tao bị át mất sạch.

Thế nên tôi quyết định đem măng luộc thật nhanh xong ăn chúng kèm với muối mè. Muối mè là món nhà tôi luôn tự làm, chẳng bao giờ mua, kỳ này lại có đậu phộng nhà trồng nên dùng làm muối mè rất thơm. Muối mè lại là món Việt Nam, tạo mặt tạo hương cho măng Tây nhưng không quá lấn át. Thử rắc xíu muối mè lên măng Tây, cắn miếng, xong rồi chết giấc vì hai thứ vô cùng hợp nhau. Đứa bạn cũng thử, xong khoái quá nên xơi lia lịa.

Bữa ăn với thịt viên Nga và các món rau mua được trong ngày

Thế là xong một bữa có thịt viên Nga, măng Tây luộc rắc muối mè, canh su hào, cơm gạo lứt tím. Mùa này nóng nên xơi nhiều rau cho thoải mái. Thịt viên Nga sau bao năm mẹ chỉ vẫn ngon, bên trong mềm mọng không bị khô, ở ngoài giòn giòn. Mỗi lần ăn là tôi lại nhớ tới lần đầu tiên mình nấu món này đãi cả nhà. Trong lòng nghĩ thấy vui vui, ngẫm lại kể từ sau cái món đầu tiên này, mình đã nấu và còn nấu rất nhiều món nữa; ngon hơn mẹ, cầu kỳ hơn mẹ, nhưng chắc chắn vẫn thua ở món thịt viên Nga.

*

Pha Lê nấu ăn:

- Pha Lê nấu ăn: Trúng phải âm mưu của Soi, cuối cùng nấu được rươi ngon

- Pha Lê nấu ăn: cá hanh với bó xôi

- Pha Lê nấu ăn: Tết không ngán với ya-ua Hy Lạp (phần 1)

- Pha Lê nấu ăn: Tết không ngán với ya-ua (phần 2) – Cà-ri mà nhẹ tựa bóng bay

- Pha Lê nấu ăn: Tết không ngán với ya-ua (phần 3) – Heo ta heo tây đều ngon khi ngâm whey

- Pha Lê nấu ăn: thích ăn cá thì nên tự phi lê

- Pha Lê nấu ăn: ức gà khô thì đem bọc mỡ chài

- Pha Lê nấu ăn: có măng ngon, nấu món gì cho lạ?

- Pha Lê nấu ăn: Hai món serrano đơn giản cho người nấu thanh thản

- Pha Lê nấu ăn: serrano củ cải – cuối cùng vẫn phải là Tàu

- Nước hầm (phần 1): nếu hầm đúng, trong nước hầm có gì bổ?

- Nước hầm (phần 2): chọn xương rồi lại chọn nồi, và tại sao phải hầm lâu, lửa nhỏ

- Nước hầm (phần 3): làm sao để vừa hầm xương vừa đi chơi được với bồ

- Pha Lê nấu ăn: muối trứng vịt và vỏ củ cải

- Pha Lê nấu ăn: dưa leo chua ngọt, tỏi miso, củ cải đỏ ngâm mơ muối

- Chanh muối kiểu Ma-rốc: chỉ để uống không thì quá phí

- Pha Lê nấu ăn: người lười làm pancake lười để tạ lỗi

- Pha Lê nấu ăn: Trời thương người siêng cho “pancake siêng” ngon hơn hẳn

- Pha Lê nấu ăn: cho trái cấm của Nhật cặp kè với phô mai

- Pha Lê nấu ăn: sốt táo thiên đường

- Pha Lê nấu ăn: thịt viên Nga – làm thế nào cũng không ngon bằng mẹ nấu

- “Pa-tê lười” của Tây

- Pa-tê lười kiểu Việt Nam

- Làm kẹo bơ fudge

- Kẹo bơ mặn cho Giáng sinh thêm ngọt

- Tết không ngán: làm món thịt “kho đi kho lại”

- Làm món ngâm nước bạn cho món nước ta thêm thanh nhã

- Trồng rau thơm ở ban công

- Câu chuyện bánh mì, bài 1: Vị cứu tinh cổ kim

- Câu chuyện bánh mì (bài 2): Bánh mì ngon phải làm từ men vĩnh cửu

- Câu chuyện bánh mì (bài 3): Pháp hay không Pháp, đó mới là vấn đề

- Làm gì nếu ghét gạo lứt?

- Món Việt tinh thần Nhật: Cá mó ướp giấy dó

- Tự làm dầu (nhiều) hào

- Kim chi vụn hào:
Cái gì ngon là phải ăn nhanh

- Cánh gà “Benny and Lê”

- Tương “có con nhoi nhoi” ủ lâu năm của anh Sơn

- Ngàn năm xử lý thịt heo

- Mạch nha: “cải tiến” món ức gà thành ngon tê tái

- Hummus: món Trung Đông nhưng trẻ con Việt ăn thun thút

- Không màng yêu ghét với tỏi confit

Ý kiến - Thảo luận

16:02 Thursday,7.12.2023 Đăng bởi:  Nhung
Cảm ơn chị Pha Lê về công thức ạ
...xem tiếp
16:02 Thursday,7.12.2023 Đăng bởi:  Nhung
Cảm ơn chị Pha Lê về công thức ạ 
17:15 Sunday,3.12.2023 Đăng bởi:  Pha Lê
@Việt Hà: Ở Nga họ xài ngò Tây (Parsley, bạn google tên là ra hình), nhưng thời mình còn bé Việt Nam gần như không bán gia vị Tây nên mình xài ngò ta hay còn gọi là ngò rí (coriander). Hình như có miền gọi ngò rí là rau mùi. Thiệt tình mình thấy dùng ngò rí nó ngon hơn parsley :)
...xem tiếp
17:15 Sunday,3.12.2023 Đăng bởi:  Pha Lê
@Việt Hà: Ở Nga họ xài ngò Tây (Parsley, bạn google tên là ra hình), nhưng thời mình còn bé Việt Nam gần như không bán gia vị Tây nên mình xài ngò ta hay còn gọi là ngò rí (coriander). Hình như có miền gọi ngò rí là rau mùi. Thiệt tình mình thấy dùng ngò rí nó ngon hơn parsley :) 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Chất liệu và lòng tự trọng

Họa sĩ Nguyễn Đức Hòa

Bài đã đăng

» Xem tiếp...

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả