|
|
|
|||||||||||||
Kiến trúcNhà trút giận: một cách trả thù tốn xi măng 28. 05. 16 - 7:19 amPhát Tường lược dịch từ ArchDailyCó nhiều lý do tốt đẹp để xây một căn nhà: để ở, để thể hiện, để buôn bán. Nhưng còn để trả hận, để trút giận? Tác giả Patrick Sisson đi vào một lãnh vực không ngờ và lạ lùng của xây dựng. Giữa một cánh đồng ngập mặn ở Newbury, Massachusetts, có Plum Island Pink House (Nhà hồng đảo mận?) là một kiến trúc mục nát và trơ trọi. Chẳng phải lãng mạn, lánh đời gì, mà có lý do cả: nhà do một ông chồng xây cho vợ, coi như điều kiện của bà này để ông được ly hôn, và phải xây giống hệt căn nhà hai người từng chung sống. Tuy nhiên ông chồng cho xây ở một vùng xa xôi, lầy lội, không có nguồn cung nước sạch. Ngôi nhà vuông đơn độc này chỉ là một phần của cái truyền thống xây nhà để trả thù. Đó là những kiến trúc được xây lên cho bõ ghét chứ không phải vì tiện nghi; cốt để trả hận, chọc giận kẻ ở gần, hay làm khốn khổ kẻ nào vào sống bên trong. Thường biện pháp có phần ti tiện này dùng để ngăn ánh sáng, ngăn lối đi đến nhà kẻ thù, hay gặp hồi thế kỷ 18 ở các nước phương Tây. Sau đây là vài ví dụ của những ngôi nhà như thế. Căn nhà gầy nhom này ở Boston nghe đồn do một cựu chiến binh nội chiến Mỹ xây để trả đũa anh trai mình, ông này đã dựng lên một căn nhà to uỵch chiếm hết mảnh đất đáng lẽ hai anh em phải chia với nhau. Ngôi nhà nhỏ của ông cựu chiến binh cố tình ngăn ánh sáng lọt đến căn nhà lớn. Năm 1882, chủ tiệm quần áo Hyman Sarner muốn xây một khu nhà trên mảnh đất ông làm chủ gần đại lộ Lexington, thành phố New York, nhưng nhận thấy giữa đất của ông với đường lớn có một dải đất nhỏ nằm xen vào. Ông đề nghị chủ nhân dải đất đó là Joseph Richardson bán cho, nhưng ông này chê ông kia trả giá thấp và không bán. Sarner ra tay luôn, xây một tòa nhà căn hộ với các cửa sổ ngó hết xuống đất ông Richardson. Điều này làm ông Richardson nổi cáu. Ông đáp lại bằng cách xây một căn nhà tí ti, ngang có 1.5m, trông như chẳng để làm gì ngoài việc “ị vào” mặt nhà ông Sarner. Ngôi nhà này, về sau đã bị kéo sập vào 1915, hẹp tới nỗi cầu thang mỗi lần chỉ đi được một người. Có chuyện là khi các phóng viên ùa tới làm phóng sự, một người đã bị kẹt lại bên trong và phải giải cứu. Khi bác sĩ John Tyler phát hiện ra chính quyền vùng Frederick, Maryland (Mỹ) đinh xây một con đường đi xuyên ngang mảnh đất ông mới tậu, Tyler quyết không để thế. Dựa vào một luật nói rằng thành phố không thể xây một con đường nếu trên đó có một cấu trúc hạ tầng, Tyler trong một đêm đã cho mọc lên một cái nền nhà để ngăn thành phố mở rộng đường. Căn nhà đó giờ hiện là một nhà trọ. Còn Francis O’Reilly xây căn nhà tí hon 29 m2 này vào 1908 khi một người hàng xóm từ chối mua mẩu đất kỳ quái này của anh ở Cambridge, Massachusetts. Hiện căn nhà này thuộc về một nhà trang trí nội thất. Khi thành phố Alameda, California, định chiếm mảnh đất mà Charles Froling dự định xây nhà trên đó, ông liền trả thù bằng cách xây căn nhà hình dáng kỳ dị này, trông giống một cái đánh dấu trang sách hơn là một căn nhà. Sâu có 3m, nằm trên đường Crist, bậc thềm trước nhà hình như có đúc chìm chữ “spite” (oán giận).
Ý kiến - Thảo luận
23:18
Saturday,28.5.2016
Đăng bởi:
Phạm Huy Thông
23:18
Saturday,28.5.2016
Đăng bởi:
Phạm Huy Thông
Mấy bác Mỹ này mà sang gặp mấy căn nhà siêu méo, siêu mỏng, siêu chơi khăm hàng xóm ở Việt Nam thì chắc phải há hốc mồm. Ở đường Xã Đàn có những hộ khi bị giải tỏa thì mảnh đất chỉ còn lại đúng cái tường. Nhưng chủ nhân của bức tường nhất quyết không chịu bán cho hàng xóm, chả hiểu vì không thương lượng nổi giá hay vì ghét nhau từ xưa.
Bài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|
...xem tiếp