Thị trường

Trộm tranh từ A đến Z (phần 3) 03. 06. 16 - 10:51 pm

Anh Nguyễn

(Tiếp theo phần 2)

-R – Romans: Đế chế La Mã có lẽ là tổ chức đầu tiên tiến hành trộm cướp nghệ thuật trên quy mô lớn. Hy Lạp sùng thượng nghệ thuật thì La Mã sùng thượng chiến tranh. Dân La Mã mê mẩn nghệ thuật Hy Lạp (chúng ta đến giờ còn mê nữa là) nhưng không làm sao copy được. Người Hy Lạp nhờ quan sát động vật, cỏ cây, cơ thể con người… mà tính ra các tỷ lệ vàng để áp dụng vào điêu khắc, kiến trúc. Người La Mã một là ít gần gũi tự nhiên, hai là suy nghĩ cứng nhắc, ba là thiếu tính lãng mạn phiêu bồng nên các tác phẩm bắt chước của họ không thể sánh bằng nghệ thuật Hy Lạp, tỷ lệ cứ bị “sai sai” sao đó. Không bắt chước được thì ta phải cướp về làm của riêng: trước đấy ăn trộm là sản phẩm phụ của chiến tranh, nhưng dần nó trở thành lý do để gây chiến. Mỗi khi đánh thắng, La Mã lại mang các tác phẩm đẹp nhất về diễu hành trên đường phố rồi trưng bày tại Roman Forum – bảo tàng ngoài trời đầu tiên của thế giới. Ngoài nghệ thuật Hy Lạp, người La Mã còn chiếm đoạt các tác phẩm Etruscan và Ai Cập nữa.

Roman Forum ngày nay

-S – Security: Với tình trạng trộm cắp nhan nhản như hiện nay thì chủ đề an ninh trong các bảo tàng thực sự rất đáng quan tâm. Vấn đề làm sao bảo vệ được các tác phẩm mà không hạn chế sự thưởng thức của người xem là một câu hỏi lớn. Bảo vệ kỹ đến đâu thì còn phụ thuộc vào khả năng tài chính, cơ sở càng nhiều tiền thì hệ thống càng tinh vi. Ở những bảo tàng lớn, các bức tranh đều có thiết bị cảm biến cực nhạy, chỉ cần sờ nhẹ vào tranh là chuông báo động sẽ kêu ầm ầm. Những ô cửa sổ, cửa lớn cũng được giăng mắc đầy thiết bị an ninh. Nhưng theo các chuyên gia bảo mật, biện pháp hữu hiệu nhất là kiểm tra kỹ kẻ ra người vào, và lựa chọn lính gác thật cẩn thận để tránh “tay trong.” Vì vậy đừng ngạc nhiên khi bị kiểm tra túi xách ngẫu nhiên khi bạn đặt chân vào những bảo tàng lớn.

-T – Tokeley-Perry: Không phải tên trộm nổi tiếng nhất trong danh sách này, nhưng có lẽ là kẻ có phương pháp đặc biệt nhất. Jonathan Tokeley-Perry tốt nghiệp đại học Cambridge với chuyên ngành triết học và phục chế nghệ thuật. Vốn thông minh đĩnh ngộ, hắn trở thành một chuyên gia phục chế đồ cổ có tiếng ở London. Không hài lòng với số tiền lương ít ỏi, Tokeley-Perry bèn chuyển tới Ai Cập và tham gia một đường dây buôn lậu đồ cổ quy mô lớn. Phương pháp của hắn là gì? Nhúng các món cổ vật vào nhựa lỏng, chờ đông cứng lại rồi sơn màu loè loẹt. Voila! Hải quan chỉ thấy một du khách có gu thẩm mĩ tồi mua hàng đống đồ lưu niệm rẻ tiền xấu xí, đâu có ngờ chính là các kiệt tác nguỵ trang! Bằng cách “thật như đùa” này mà Tokeley-Perry đã đem được 3000 món cổ vật ra khỏi biên giới Ai Cập, trong đó có cả một quan tài đá to sụ, rồi đem bán cho những người mua giàu có. Tổng cộng tổ chức tội phạm này đã thu được hàng triệu đô tiền lãi. Tokeley-Perry chỉ bị tù 3 năm nhẹ nhàng và đang có ý định lấy bằng tiến sĩ trường đại học UCL chuyên ngành …đạo đức.

Tác phẩm trước và sau khi được Tokeley – Perry tút tát

-U – Urn: Năm 2013, một chiếc bình vàng chứa di cốt (răng, tóc, xương) của Đức Phật bị đánh cắp tại một đền thờ tại Udong, Campuchia. Nhưng nghiệp vụ của cảnh sát Campuchia chắc tốt lắm nên chỉ một năm sau đã tìm thấy cái bình và tóm gọn 5 tên trộm, mỗi tên xộ khám bóc lịch 7 năm. Mới tuần trước thôi hàng ngàn Phật tử tham gia vào lễ hội chào mừng di vật của Phật trở về đền. Được biết vào thập niên 1950, bình này được mang từ Sri Lanka về Campuchia nhân dịp 2500 năm ngày sinh Đức Phật.

Cựu hoàng Sihanouk đem bình từ Phnom Penh về Udong năm 2002

-W – Wall art: Tranh treo trên tường bị đánh cắp đã đành, ngay cả khi tranh… chính là tường cũng không thoát. Tác phẩm “Slave labour” của nghệ sĩ graffiti Banksy bị dỡ khỏi toà nhà và đem ra bán đấu giá tại Fine Art Auction Miami với giá nửa triệu đô. Ai là người dỡ, tiền bán tranh thuộc về ai,… đều mờ ám. Banksy không biết gì, chủ nhà im bặt, tổ chức đấu giá thì nói bóng gió về một “nhà sưu tập giấu tên”. Trước tin này, dân chúng ở khu nhà Green Woods kêu ca ầm ầm. Họ vốn đã coi bức tranh tường này là món quà Banksy dành tặng họ, một thứ tài sản chung của khu phố. Làn sóng phản đối dữ dội quá nên ông giám đốc tổ chức đấu giá đành thôi không bán nữa và trả lại bức tranh tường về lại vương quốc Anh. Nhưng về Anh rồi thì tranh vẫn bị bán mất tiêu, người dân chẳng được hưởng lợi gì.

Bức tranh tường gây tranh cãi

-V – Vincenzo Peruggia: Tên trộm lừng lẫy nhất trong lịch sử trộm tranh vì trộm thành công bức Mona Lisa. Vào năm 1911 khi vụ trộm diễn ra thì tình hình an ninh ở Louvre còn thô sơ lắm. Peruggia đã từng làm việc cho bảo tàng, nhưng cách hắn ăn cắp tranh cũng chẳng cao siêu gì. Chờ lúc phòng tranh vắng vẻ không có người, tên trộm to gan chỉ đơn giản nhấc tranh khỏi móc, lấy áo khoác quấn kín rồi đường hoàng cắp tranh ra. Ngay cả khi cảnh sát tới tận nhà hắn tra khảo, Peruggia vẫn tỉnh bơ như không có chuyện gì, thật là mặt dày. Gần hai năm sau, Vincenzo Peruggia trở về Ý và được coi như một người hùng có công lớn! Giám đốc bảo tàng Uffizi vờ thương lượng với Peruggia trong khi lén mật báo cho cảnh sát tóm gọn hắn. Vì mang danh nghĩa “ái quốc” nên Peruggia chỉ bị tù rất nhẹ, còn bức Mona Lisa được đem triển lãm khắp nước Ý một thời gian trước khi được đem trả lại cho Pháp. Ngày nay Mona Lisa được đặt sau một tấm kính chống đạn, mỗi năm đón hàng triệu lượt người tham quan, nhưng có người cho rằng nếu không vì vụ trộm này thì Mona Lisa chưa chắc đã nổi tiếng đến vậy.

Vincenzo Peruggia, tư liệu của cảnh sát

-X – X-mas: Là khoảng thời gian các bảo tàng cần thắt chặt an ninh hơn cả. Từ Noel tới Năm mới, không khí tươi vui nhộn nhịp, khách du lịch thì đông mà bảo vệ mải náo nức hội hè rất dễ mất cảnh giác, đấy là chưa kể người ra kẻ vào trang trí, quét dọn, tiếp đón,… khó mà biết thật giả nếu không kiểm tra kỹ. Tôi mà là kẻ trộm tranh thì chắc chắn sẽ nhằm vào ngày trước lễ Giáng sinh để hành nghề. Có vẻ cũng khối kẻ nghĩ như tôi, thế nên mới có những vụ đánh cắp tranh xảy ra vào khoảng gần cuối năm như lần diễn ra năm 2000 ở Stockholm. Mấy tên trộm cho nổ bom ở vài địa điểm trong thành phố nhằm đánh lạc hướng cảnh sát, rồi cuỗm tranh và chạy trốn bằng thuyền máy. Có lẽ bọn trộm này là những kẻ nghiện phim….

-Y – Year 2006: Năm 2006, viện Met (Metropolitan Museum of New York) đồng ý trả lại cho nước Ý nhiều món đồ cổ quý hiếm, trong đó có một chiếc bình 2500 tuổi sau 30 năm giằng co. Đổi lại, các bảo tàng Ý phải cho viện Met mượn nhiều tác phẩm khác, có đi có lại mới toại lòng nhau. Vậy cũng công bằng thôi, bởi riêng tranh tượng cất trong kho của viện Met cũng đủ cung cấp cho 15 bảo tàng cỡ vừa rồi! Đây được hy vọng là mở đầu cho một phong trào tích cực: các ông lớn trong ngành mỹ thuật rất nên trả lại, hoặc chí ít cũng cho mượn lại những tác phẩm đến từ những nước khác để mọi người cùng được thưởng thức kho báu nhân loại.

Chiếc bình 2500 tuổi viện Met trả lại cho Ý sau 30 năm giằng co

-Z – Zodiac: Erte, tên thật Romain de Tirtoff là một hoạ sĩ chuyên về phong trào Art Deco. Ông là người đa tài, giỏi từ thiết kế thời trang, nội thất, nữ trang, đạo cụ phim,… nhưng được biết đến nhiều nhất qua các bức minh họa-quảng cáo cho tạp chí Harper’s Bazaar. Một bản in quý trong series Zodiac (cung Bọ Cạp Scorpion, có chữ kí tác giả) của ông đang bị thất lạc. Thú thực là tôi phải tìm mãi mới ra một thứ bắt đầu bằng vần Z mà có liên quan đến chủ đề này!

Một tác phẩm của Erte

 

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Leonardo: Ông nói đúng!

Jonathan Jones - Hồ Như Mai dịch

Hãy bớt trách móc

Họa sĩ VI KIẾN THÀNH

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả