Tạp hóa - Xã hội

Giải trí ở Trung Quốc (phần 1):
lo trẻ con sinh tiền, lo đại chúng thô tục 13. 06. 16 - 6:30 am

Châu Du tổng hợp

1. Bố ơi, mình về nhà vậy

Ngày 17. 4 vừa rồi là một ngày gây sốc với khán giả truyền hình Trung Quốc khi show đình đám “Bố ơi, mình đi đâu thế?” đã bị ngưng lại. Tuy nhiên điều này đã được báo trước. Từ năm ngoái đến nay, Tổng cục Điện ảnh, Phát thanh và Truyền hình Trung Quốc (SAPPRFT) liên tục ra nhiều thông báo cấm một loạt các chương trình truyền hình thực tế, như các phiên bản có trẻ em con của các ngôi sao tham gia nhằm chống lại việc khai thác thương mại hình ảnh trẻ em. Nhiều chương trình tìm kiếm tài năng nhí cũng đã tạm dừng. Ngoài ra trẻ em dưới 10 tuổi không được tham gia các chương trình quảng cáo sản phẩm cho các bé.

Show “Bố ơi, mình đi đâu thế?” được đài Hồ Nam vệ thị mua lại bản quyền từ chương trình cùng tên của MBC Hàn Quốc, phát sóng lần đầu vào năm 2013, thu hút 75 triệu lượt người xem mỗi tập và đã tạo ra rất nhiều sản phẩm tương tự như phim truyện cùng chủ đề và các show ăn theo. Show này đã phải dừng lại sau mùa thứ 4.

Điều này gây sốc bởi phiên bản của chương trình này ở các nước khác như Hàn Quốc, Việt Nam, Nhật và Nga đều nhận được sự yêu thích, nhất là đáp ứng đúng nhu cầu chia sẻ giữa các cặp bố và con, qua đấy người xem có thể tự nhìn nhận lại cách dạy con của mình. Bởi lẽ thường, hình ảnh ông bố chịu chăm con vẫn còn được coi là sự lạ ở một nước Á Đông, nên cái lợi của chương trình về nội dung là không thể chối cãi.

Tuy nhiên theo nhà quản lý Trung Quốc thì họ cho rằng các ngôi sao đã khai thác con mình quá mức. Quan điểm của SAPPRFT, theo Xinhua, lệnh cấm ban hành ngày 17. 4. 2016 gồm những biện pháp giới hạn trẻ em tham gia vào những chương trình truyền hình và quảng cáo sẽ “bảo vệ sự phát triển về tinh thần và thể chất của trẻ em”. Con cái của các ngôi sao phải được tận hưởng tuổi thơ và trách nhiệm của xã hội là phải để “trẻ em được là trẻ em”. Theo quyết định này, các chương trình thực tế như Bố ơi trở lại 3 (đài Chiết Giang); Bố ơi, mình đi đâu thế mùa 4, Mẹ là siêu nhân (đài Hồ Nam); Thời đại thiếu nhi, show tìm kiếm tài năng Lớp học âm nhạc của đại sư mùa 2 (đài Bắc Kinh) đều bị dừng lại.

Thống kê của SAPPRFT cũng cho biết năm 2015 đã có hơn 100 chương trình giải trí phát sóng trên truyền hình toàn quốc, nhiều trong số đó là các show truyền hình thực tế có sự tham gia của trẻ em, thu được hơn 10 tỷ nhân dân tệ (1,55 tỷ đôla Mỹ) từ quảng cáo. Nguyên show “Bố ơi, mình đi đâu thế?” vào năm 2015 đã thu được 231 triệu đôla Mỹ tiền lãi quảng cáo, chiếm 15% lãi của tất cả các chương trình giải trí trên các kênh truyền hình vệ tinh Trung Quốc. Nhiều em nhỏ tham gia chương trình đã trở thành ngôi sao đình đám.

Các cặp bố con của show “Bố ơi, mình đi đâu thế?” phiên bản Trung Quốc mùa đầu tiên. Trong một số trường hợp, các ngôi sao nhí đã giúp cho sự nghiệp của của chính bố mẹ, biến họ từ chỗ vô danh thành những ngôi sao hạng A. Chẳng hạn Trương Lượng (Zhang Liang), một người mẫu tham gia mùa đầu show “Bố ơi” đã có cátxê tăng gấp 10 lần trong vòng hai tháng kể từ buổi phát sóng đầu tiên! Còn năm sau đó, như Trương Lượng khoe, tăng gấp 20 lần.

Thậm chí, ngôi sao Lâm Chí Dĩnh tham gia mùa đầu tiên cùng con trai là bé Kimi, thì sau đó, cậu bé này còn được trả thù lao cho một sự kiện quảng cáo tới 150.000 NDT (tương đương 520 triệu đồng), mà theo ông bố thì “Con trai còn có thù lao cao hơn tôi”.

Rõ ràng là lý do cấm lại đến từ những vấn đề ngoài nội dung chương trình. Có vẻ như ta hình dung được cái cảnh “quản không được thì cấm”. Và hiện giờ thì trẻ em Trung Quốc đành đợi sự nới lỏng nay mai hoặc chờ lớn lên để tham gia show người lớn vậy.

2. Hở là cấm

Tuy nhiên, không chỉ cấm việc dùng trẻ con để kiếm lợi mà có hẳn quy mô của một chiến dịch đạo đức được tiến hành trên tất cả mọi phương tiện giải trí. Tháng 8. 2015, chính quyền đã cấm 120 bài hát “gây hại” cho xã hội. Các bài hát này có những cái tên phản cảm như “Không tiền thì đừng bạn bè”, “Không muốn đi học”, hay “Tình một đêm”. Một bài hát của MC Hotdog có câu “Tôi không yêu đàn bà Trung Hoa, tôi yêu gái Đài Loan” đã bị cho vào sổ đen, cùng một bài khác có tên “Rắm” có những lời như: “Có những người trên đời chỉ thích đánh rắm mà chẳng làm gì”.

Những website nào không tuân thủ “sẽ bị trừng phạt nặng theo luật”. Mạng xã hội nhanh chóng bàn tán về danh sách cấm và kêu la inh ỏi: “Thế mới biết tại sao văn hóa hip hop Trung Quốc chẳng bao giờ khá được” (một người trên Weibo nói vậy). Trong khi đó nhiều người lại nói rằng càng cấm thì chỉ tổ làm cho thiên hạ chú ý đến các bài hát đó: “Cảm ơn Bộ Văn hóa về ‘khuyến cáo’ của các ông mà những bài tôi chưa bao giờ biết trước đây, giờ thì đổ xô đi nghe”. Một người khác kết luận: “Bảng xếp hạng tuần này đây rồi!”

Trong khi đó, Triển lãm ôtô Thượng Hải đã bị cấm việc sử dụng các người mẫu ăn mặc cosplay hở hang, và chi tiết đến mức có thể bị phạt 800 đôla Mỹ cho những chị em nào “để hở khe ngực quá hai phân”.

Bộ phim truyền hình “Võ Mỵ Nương truyền kỳ” (tên tiếng Anh: Nữ hoàng Trung Hoa) dài 82 tập, chi phí lên tới 300 triệu tệ (khoảng 50 triệu đôla Mỹ), làm năm 2014, thuộc loại đắt nhất trong các phim truyền hình Trung Quốc, với ngôi sao Phạm Băng Băng đầu tư và đóng vai chính là nữ hoàng Võ Tắc Thiên. Để thể hiện gu thời Đường là ngực phụ nữ nảy nở, các nhà làm phim đã nhấn mạnh chi tiết này. Tháng 12.2014, bộ phim đã bị ngưng chiếu vì có nhiều hình ảnh khoe ngực. Sau đó khi được phát sóng trở lại thì người xem chỉ còn thấy rất ít phần ngực mà thôi. Phần dưới như khe ngực đã biến mất hoặc làm mờ đi. Nguồn từ CNN

Các điều cấm

Các quy định mới cũng cấm các chương trình có cảnh hút thuốc, uống rượu, ngoại tình, tự do tình dục hay luân hồi, trong số rất nhiều các hoạt động khác.

“Điện thị kịch thông tắc bộc quang” (Các nguyên tắc chung dành cho sản xuất nội dung các chương trình truyền hình) dài 8 trang được công bố lần đầu vào ngày 2.3, sau khi được SAPPRT công bố tại hội nghị thường niên các đơn vị sản xuất truyền hình Trung Quốc ngày 27.2. Lãnh đạo bộ phận quản lý chương trình truyền hình của Tổng cục đã phát biểu tại hội nghị rằng các phim web-drama cũng sẽ chịu sự cấm đoán tương tự, và các nhân viên kiểm duyệt sẽ giám sát các nội dung online 24/24.

Các quy định này được điều chỉnh bổ sung từ điều luật đã ban hành năm 2010, nhưng lần này thêm nhiều chi tiết và nhất là lần đầu tiên Bắc Kinh đã có lệnh cấm cụ thể trong nhiều mảng.

Các quy định đã được dự thảo nhằm “triển khai toàn diện bài phát biểu của Tổng Bí thư Tập Cận Bình tại diễn đàn văn học toàn quốc,” nhằm “quảng bá ngành truyền hình Trung Quốc và giúp cho các nhà sản xuất các chương trình tránh những nguy cơ trong quá trình sản xuất”. Năm 2014, Tập đã có một bài phát biểu có tính dấu mốc nhằm khuyến khích nghệ thuật xã hội chủ nghĩa, trong đó nhấn mạnh rằng nghệ thuật phải phụng sự mục đích xã hội. “Tính đại chúng thì không nên có sự thô tục,” Tập nói với văn nghệ sĩ, “Giải trí xác thịt thuần túy không thể đồng nghĩa với sự hứng khởi tinh thần”.

Các hãng sản xuất chương trình truyền hình nên “nghiêm túc tuân thủ các điều khoản trong bộ nguyên tắc, tích cực sản xuất nội dung được định hướng theo nguyên tắc, và không được sản xuất bất cứ nội dung nào bị cấm”.

“Chúng ta xem phim và phải hiểu rằng, phim ảnh không chỉ là giải trí mà còn bao hàm cả tư tưởng văn hóa. Các bạn trẻ xem phim phải thấy được sức sống thời thanh xuân, tư tưởng phấn đấu. Nhưng những bộ phim hiện nay không có giá trị này, không thực tế, vô bổ”, ông Vưu Tiểu Cương, chủ tịch Hiệp hội phim truyền hình Trung Quốc phát biểu. Theo ông, Bên nhau trọn đời, Sam Sam đến đây ăn nào hay những bộ phim Thái tử phi thăng chức ký, gần đây là Thượng ẩn được yêu thích cuồng nhiệt cho thấy “giới trẻ đang lười suy nghĩ, chỉ sống trong mộng tưởng”. Ông cho rằng, thời gian tới các bộ phim chuyển thể tương tự phải bị hạn chế ở mức tối đa.

Ngay cả việc xuất hiện trước công chúng của các nghệ sĩ cũng bị xiết chặt. Đầu tháng 4, Tổng cục yêu cầu giới truyền thông hạn chế đưa tin về các nghệ sĩ có lối sống xa hoa, không hợp thuần phong mỹ tục. Những tin tức như đám cưới Huỳnh Hiểu Minh-Angelababy hay Ngô Kỳ Long-Lưu Thi Thi bị cho đi ngược với lối sống tiết kiệm đang được tuyên truyền khắp Trung Quốc. Tuy nhiên, cấm thì cấm, chỉ cần search trên Google là tràn ngập hình ảnh và tin tức về các đám cưới như show diễn này. Đám cưới “3 lần thay trang phục” với 4000 khách diễn ra tại Trung tâm triển lãm Thượng Hải với chi phí hết 43 triệu đô (trong đó bộ váy Dior của cô dâu đã 20 triệu), hơn cả đám cưới 34 triệu đô của hoàng tử William và công nương Kate của hoàng gia Anh. Một nhà báo tham dự nhận xét, nếu Chris Evans có cưới Jennifer Lawrence và mời toàn bộ paparrazi đến dự cũng không thể đọ nổi đám cưới khổng lồ này.

Ảnh đám cưới Huỳnh Hiểu Minh – Angelababy lấy từ trang Forbes. Trang phục kiểu châu Âu…

Cùng với đó, các nghệ sĩ vướng vào dự án phim hay show truyền hình có nội dung không phù hợp sẽ bị hạn chế xuất hiện trên truyền hình. Hai diễn viên chính của loạt phim đồng tính mạng 15 tập “Thượng Ẩn” là Hoàng Cảnh Du và Hứa Ngụy Châu đã bị ảnh hưởng. Theo “án ngầm” này, các show truyền hình và nhà sản xuất phim không được mời hai nam diễn viên lên sóng. Thậm chí Cảnh Du cùng Ngụy Châu trong buổi họp fan vào tối 17. 4 tại Thái Lan đã phải cố tình đứng tách riêng “tránh sự soi xét tại quê nhà”. Về cặp đôi hot nhất của nền giải trí mạng Trung Quốc vài tháng trước, sẽ dành riêng một bài sau. Ngoài ra một số nghệ sĩ trót cầm cờ Đài Loan hay nói năng thiếu thận trọng về chiến tranh Trung-Nhật cũng ăn đòn án treo không được xuất hiện. 

… đến trang phục “máu nhuộm bãi Thượng Hải”. Ảnh: Xinhua.

Về điều thứ năm của Bộ nguyên tắc đề cập các nội dung không được phép xuất hiện trên các chương trình truyền hình, gồm một danh sách dài, xin xem phụ lục ở bài sau.

*

(Còn tiếp)

Ý kiến - Thảo luận

12:02 Thursday,16.6.2016 Đăng bởi:  Đinh Rậu
Cảm ơn các bạn đã nắn sửa cho Đinh Rậu những ý gì ngây ngô. Về các tác phẩm kiểu "học sinh đại học gái", ý của Rậu là có vẻ lãnh tụ đã dấn lên một chút (một thủ thuật mà truyền thông phương Tây và cả Nga vẫn dùng) để nhấn, từ sớm, một xu hướng thoát Trung. Còn nhớ một vị tới lúc đi học ở TQ mới biết mình là dân Việt (con một nhà ái quốc Việt Nam
...xem tiếp
12:02 Thursday,16.6.2016 Đăng bởi:  Đinh Rậu
Cảm ơn các bạn đã nắn sửa cho Đinh Rậu những ý gì ngây ngô. Về các tác phẩm kiểu "học sinh đại học gái", ý của Rậu là có vẻ lãnh tụ đã dấn lên một chút (một thủ thuật mà truyền thông phương Tây và cả Nga vẫn dùng) để nhấn, từ sớm, một xu hướng thoát Trung. Còn nhớ một vị tới lúc đi học ở TQ mới biết mình là dân Việt (con một nhà ái quốc Việt Nam là bạn của Tưởng Giới Thạch...) có nhận xét về vị lãnh tụ nói trên "ông Cụ gàn lắm". Vấn đề mà Đinh Rậu nhận thấy hôm nay lại là những cái tưởng "gàn" hôm nay kia sao mà "hợp quy luật" - sau khi đọc những bài của ông Lê Văn Cuông nói trong quan giới ta có những người sợ oai "thiên triều", cũng như trên blog của anh Hồ Bất Khuất mới đây có bài nói trong giới cựu sinh viên Tuyên truyền và báo chí có cả xu hướng mao - ít (!). Cũng xin mạo muội đưa một nhận xét: trong lịch sử Việt Nam, tất cả những thời nào chống Bắc phương [bằng sức và nhất là bằng Đầu] đều là trang sử huy hoàng của dân tộc (viết những dòng này máu chợt nóng lên). Cảm ơn. 
0:04 Thursday,16.6.2016 Đăng bởi:  rieng&chung
Bác Đinh Rậu kính, trong các cụm từ "cô dân quân gái" và "sinh viên đại học gái", trừ chữ "gái" em không biết ra, tất cả còn lại đều là từ Hán Việt ạ.
Tất nhiên, chắc là rất khó chứng minh các từ Hán Việt kia là Hán mượn của Việt hay ngược lại. Nhưng đã gọi Hán Việt, thì hẳn là dây mơ rễ má rồi ạ.

Không liên quan lắm, nhưng mà nhân tiện, em nhớ đến
...xem tiếp
0:04 Thursday,16.6.2016 Đăng bởi:  rieng&chung
Bác Đinh Rậu kính, trong các cụm từ "cô dân quân gái" và "sinh viên đại học gái", trừ chữ "gái" em không biết ra, tất cả còn lại đều là từ Hán Việt ạ.
Tất nhiên, chắc là rất khó chứng minh các từ Hán Việt kia là Hán mượn của Việt hay ngược lại. Nhưng đã gọi Hán Việt, thì hẳn là dây mơ rễ má rồi ạ.

Không liên quan lắm, nhưng mà nhân tiện, em nhớ đến câu chuyện phát hiện ra sóng vũ trụ gì đó năm ngoái, nghe ra rất siêu phàm và phấn khởi. Vị nào đó còn bảo nghe thấy âm thanh của vũ trụ. Nhưng em thì nghĩ, thật ra ta có thể nghe thấy mọi thứ âm thanh, kể cả "âm thanh nội thất căn nhà", nếu ta quy đổi nhiều cao của mọi thứ, hoặc màu sắc của mọi thứ trong nhà mình ra thành đồ rê mí, hoặc nói nghe "công nghệ" hơn là quy đổi về giải tần 20-20000Hz.... Việc quy đổi là rất dễ, nên việc "nghe" được cũng chẳng có gì ghê gớm.

Có lẽ "nữ" hay "gái" cũng chỉ là một thứ quy đổi. Tổng xã để phân biệt với Phân xã, thuộc hệ thống TTX. Nghe lạ/chướng tai một tí, nhưng chưa chắc đã khó nghe bằng cái mớ "âm thanh của vũ trụ" gây xôn xao năm nào...

Ý kiến cá nhân thôi ạ. Nhưng vì thế, đứng trước một số phê phán về sử dụng từ ngữ, đôi khi em đồng tình, nhưng đôi khi thấy hoang mang ghê gớm, không biết có khắt khe quá không : )) 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả