Nghệ sĩ Việt Nam

Tran8tate Việt-Thái: một đề bài khó, một trải nghiệm hay 12. 06. 16 - 3:38 pm

Chung Tử Dạ

Tran8tate (transtate) là chương trình trao đổi nghệ thuật được sáng lập bởi nghệ sĩ Yupha Mahamart (Thái Lan) và nghệ sĩ Trần Tuấn (Việt Nam) dưới sự hỗ trợ của Khoa Nghệ thuật-Đại học Chiang Mai, và Then Studio.

Tran8tate lần thứ nhất đã diễn ra vào tháng 4/2014 tại Huế.

Tran8tate lần thứ hai diễn ra vào tháng 5. 2016 tại Chiangmai với sự tham gia của các nghệ sĩ Việt Nam: Trần Tuấn, Nguyễn Thị Hà Mi, Hồng Thiên Quốc, Trương Thế Linh, Nguyễn Hóa, Nguyễn An, Hoàng Ngọc Tú, Chung Tử Dạ.

Cùng các nghệ sĩ Thái Lan: Jiratchaya Pripwai, Anurak Tanyapalit, Sutthisak Phunthararak, Thanyalak Meechamna, Monrat Chasungnern, Rawiwong Thongintr, Patcharamon Puntuvanit…

Triễn lãm đang được trưng bày tại Art Gallery – trường Mỹ thuật, đại học Chiang Mai (Chiang Mai, Thái Lan), từ ngày 27. 05 đến 10. 06. 2016

Yupha Mahamart (ngồi ghế) và Trần Tuấn (áo đỏ hàng dưới) cùng các nghệ sĩ Việt-Thái

Dự án được bắt đầu với yêu cầu mỗi nghệ sĩ chuẩn bị sẵn một ý tưởng với chủ đề “di dân”, có thể mang theo chất liệu nhưng chỉ được thực hiện vào những ngày cuối cùng, khi “phát súng” báo hiệu bắt đầu vang lên. Còn những ngày đầu, các nghệ sĩ được yêu cầu tương tác với môi trường xã hội và nghệ thuật tại Chiang Mai và quan sát những thay đổi của chính mình trong khi thực hiện một chặng di cư văn hóa, để sửa đổi hoặc tái cấu trúc lại ý tưởng ban đầu.

Nghệ sĩ Trần Tuấn trong buổi nghệ sĩ nói chuyện và giới thiệu dự án

Nghe có vẻ đơn giản, nhưng sau một tuần được nghệ sĩ Yupha Mahamart giới thiệu hàng loạt những gallery và xưởng nghệ sĩ như Pong Noi Community Art Space, Rumpueng Community Art Space, C.A.P. Studio, Srijai Kuntawang’s Studio, Dc Galerry, Tawatchai Puntusawasdi Studio, Surajate Tongchua’s Studio, Inclay Studio… (xin phép được kể dài ngoằng để cho thấy lịch trình cực kì dày đặc) cùng các buổi nghệ sĩ nói chuyện của Trần Tuấn, Kosit Juntaratip và Jiratchaya Pripwa, và các buổi thảo luận ý tưởng với sinh viên Thái, lẫn các buổi đi chơi…

Nghệ sĩ Việt Nam tham quan DC Galerry

… cuối cùng các nghệ sĩ cũng được thực hiện tác phẩm trước triển lãm… một ngày. Vì theo tiêu chí của dự án, sản phẩm cuối cùng không cần hoàn chỉnh như một tác phẩm, có thể là một bản nháp, một sản phẩm dở dang hoặc tư liệu tái hiện quá trình nghiên cứu… Tôn chỉ của Tran8tate về một chuyến trao đổi nghệ sĩ là hiệu quả của quá trình tương tác và xê dịch tư duy, chứ không nhất thiết phải là tác phẩm.

Phải nói thêm rằng sau dự án, nhóm nghệ sĩ Việt Nam thật sự phải ngả mũ kính phục trước sự chuyên nghiệp và nhiệt tình của đội ngũ BTC của Đại học Chiang Mai, vì chỉ việc leo lên xe được đưa đi tham quan, học hỏi, chơi và làm tác phẩm cấp tốc, chúng tôi đã mệt lả cả người. Còn các nghệ sĩ Thái dù đầu bù tóc rối vẫn hỗ trợ tất tần tật những yêu cầu của nghệ sĩ Việt, và thông báo rằng họ rất tiếc khi chỉ đủ thời gian để thực hiện… một nửa kế hoạch đề ra.

Nghệ sĩ Yupha Mahamart phát biểu khai mạc, các nghệ sĩ Việt thực sự rất khâm phục trước sự tổ chức chuyên nghiệp và chăm sóc chu đáo của cô Yupha

*
Trong bài này và với nghệ sĩ Việt Nam, xin phép gọi là “sản phẩm” thay vì “tác phẩm” theo đúng tiêu chí của dự án. Xin giới thiệu một số “sản phẩm” đã làm ra tại đây:

Sản phẩm của Hoàng Ngọc Tú

 “Tôi muốn thể hiện tác động sự biến đổi về văn hóa dọc theo con đường mà chúng tôi đã đi bằng xe bus từ Huế đến Thái Lan lên suy nghĩ của mình.Chúng hiện lên như những chấm màu lưu trong bộ nhớ của tôi. Bất đồng ngôn ngữ càng làm cho sự khác biệt văn hóa này rộng ra hơn, tôi hứng thú với việc cố gắng thấu hiểu mà không cần giao tiếp và tìm cách tạo hình để mô tả lại nó!” (Hoàng Ngọc Tú)
 

Sản phẩm của Nguyễn Thị Hà My

“Tôi đã rất hứng thú khi biết ở Chiang Mai có một tộc người cao cổ, nơi mà có những người phụ nữ có cái cổ cao được quấn bằng vòng cổ rất lạ, điều đó được cho là đẹp, một vẻ đẹp bắt buộc.Thật tiếc tôi đã không được thấy họ. Tôi đã có một câu hỏi rằng liệu những người phụ nữ khác, những người ở xung quanh nơi tôi ở, những người phụ nữ khác ở đây, họ có cho rằng có một cái cổ cao là đẹp? Và họ có thấy cái cổ của mình đẹp? Cái đẹp có phải là cái được trang trí hay cái tự nhiên sẵn có? Với tôi, ở một góc độ nào đó, cái cổ là nơi giao tiếp tình cảm tốt nhất.” (Nguyễn Thị Hà My)

 

Sản phẩm của Hồng Thiên Quốc

“Truyền thống là cấu trúc chính của đời sống đương đại hay chúng là hai phía đối lập đầy mâu thuẫn? Đó là vẫn đề mà mỗi cộng đồng văn hóa đang buộc phải đối mặt.” (Hồng Thiên Quốc)

 

Sản phẩm của Trương Thế Linh

“Ngày trước mỗi khi đi xa, người Việt Nam thường mang theo một ít đất của quê hương để trộn với nước của nơi đất khách, như một nghi lễ tưởng nhớ quê nhà cầu bình an tại nơi ở mới.Tập quán này đã dần bị lãng quên. Trước khi đến Chiang Mai, tôi có mang theo một ít đất của Huế và thật bất ngờ khi ở nơi này cũng có một thành trì hệt như quê hương mình. Điều này khiến tôi cảm thấy hứng thú để lập nên một bản đồ của thành cổ Chiang Mai từ đất được lấy từ cố đô Huế.” (Trương Thế Linh)

 

Chung Tử Dạ và sản phẩm video art mang tên “Babel#1”

“Tôi vốn là một người chưa bao giờ tìm được sự hài lòng về quê hương của mình. Vì thế tôi luôn tìm cách để nghiên cứu sự hài lòng và thỏa mãn của nhiều người, nhiều cộng đồng văn hóa khác nhau. Trong thời gian ngắn tại Chiang Mai, có một điều tương tự với Việt Nam – những chiếc quạt cơ được đặt ở mọi nơi. Tôi bỏ thời gian để ghi hình chúng cùng những người trong không gian mát mẻ đó, và kể một câu chuyện bằng ngôn ngữ mà những chiếc quạt đang cố gắng dùng để giao tiếp với họ.”

“Babel#2” – Trình diễn của Chung Tử Dạ

“Tôi đặt mình trong tâm thế như nhiều người Việt bình thường khác: ghét Việt Nam, yêu Thái Lan. Vì thế điều gì của Thái Lan đều hay, đều đẹp, đơn giản vì nó là Thái Lan. Nhưng thực sự, tôi chẳng biết gì về nơi đây cả. Nó như những tin tức tiếng Thái, chúng phủ đầy người tôi, nhưng nát vụn.” (Chung Từ Dạ)

 

Sản phẩm của Nguyễn An

“Chiếc áo không làm nên bản sắc của con người. Nhưng nó có thể làm khoảng cách giữa người và người rộng hơn hay ngắn lại.” (Nguyễn An)

 

Những cái cổng ở Chiangmai – Sản phẩm của Nguyễn Hóa

“Khung hình sẽ giúp tạo ấn tượng cho đồ vật được chứa đựng trong nó, nhưng đồng thời đồ vật đó sẽ bị đóng khung.” (Nguyễn Hóa)

 

Trình diễn của Patcharamon Puntuvanit – cô tương tác với mọi người cùng chiếc nón lá được phủ bằng tóc, bên trong thêu dòng chữ “Tôi không phải người Việt!”

 

Trình diễn tương tác của Anurak Tanyapalit, anh làm một việc đơn giản nhưng ngụ ý đặc sắc “Cái sàn này bẩn thỉu quá, hãy cùng tôi lau sạch nó đi”

 

Tác phẩm của Jiratchaya Pripwai

 

Tác phẩm của Sutthisak Phunthararak

 

Tác phẩm của Thanyalak Meechamna, phía sau bên trái chúng ta có thể thấy tác phẩm của một nữ nghệ sĩ không rõ tên, không hẹn mà gặp lại có sự tương đồng bất ngờ với chuỗi tác phẩm “Những ngón tay vàng” của Trần Tuấn.  Nghệ sĩ Yupha Mahamart đã ủng hộ cô làm tác phẩm này và chỉ cho cô xem chuỗi tác phẩm của anh Tuấn sau khi tác phẩm đã hoàn thành.

 

Tác phẩm của nghệ sĩ Monrat Chasungnern

 

Tác phẩm của Rawiwong Thongintr

 

Nghệ sĩ Yupha Mahamart cùng các nghệ sĩ Việt Nam tham dự dự án: (nam hàng trên từ trái sang) Nguyễn Hóa, Trương Thế Linh, Trần Tuấn, (nam hàng dưới từ trái sang) Nguyễn An, Hồng Thiên Quốc, Chung Tử Dạ, Hoàng Ngọc Tú. Nguyễn Thị Hà My là nghệ sĩ nữ duy nhất của đoàn (cô gái mắc kính ở cổ áo). Xin cáo lỗi vì không nắm được tên các nghệ sĩ Thái còn lại.

Ý kiến - Thảo luận

18:52 Sunday,12.6.2016 Đăng bởi:  Chung Tử Dạ
Hi Soi và các bạn! Mình là người viết bài này, nhờ vào link "những ngón tay vàng" của Soi thì mình mới biết tác phẩm của cô nghệ sĩ Thái nếu tính về kích cỡ thì giống loạt tác phẩm "những ngón tay sofa" của anh Tuấn hơn. Mình thì biết cả loạt tác phẩm nhưng mà cứ ngỡ là cả chuỗi đều có tên "những ngón tay vàng" :)
...xem tiếp
18:52 Sunday,12.6.2016 Đăng bởi:  Chung Tử Dạ
Hi Soi và các bạn! Mình là người viết bài này, nhờ vào link "những ngón tay vàng" của Soi thì mình mới biết tác phẩm của cô nghệ sĩ Thái nếu tính về kích cỡ thì giống loạt tác phẩm "những ngón tay sofa" của anh Tuấn hơn. Mình thì biết cả loạt tác phẩm nhưng mà cứ ngỡ là cả chuỗi đều có tên "những ngón tay vàng" :) 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Lời thầy dạy có khi cũng thiếu logic

Phó Đức Tùng - Nguyễn Đình Đăng - Nguyên Tánh

LẦN HỒI: Phương tiện hay đam mê của người trẻ?

An Bàng thực hiện (Tuổi Trẻ Cuối Tuần)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả