Tạp hóa - Xã hội

Giải trí ở Trung Quốc (phần 4):
thế người Việt mình có xem không? 18. 06. 16 - 3:52 pm

Châu Du tổng hợp

(Tiếp theo bài 1, bài 2, và bài 3)

Cơn sốt ở Việt Nam

Không lấy làm lạ khi khán giả trẻ Việt Nam cũng nằm trong số “phát cuồng” các phim đồng tính như Thượng Ẩn – được viết tắt là BL (boy love). Cơ sở đầu tiên phải nói là dòng chảy các sản phẩm văn hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Việt Nam với một khối lượng cực lớn. Mặc dù các nhà gác cửa văn hóa cho rằng “quảng bá văn hóa của một nước khác là một vấn đề rất nhạy cảm”, nhưng nhiều kênh truyền hình nhà nước lại “phát sóng tám tiếng phim nước ngoài mỗi ngày, hầu hết là phim của Trung Quốc đại lục, Hàn Quốc, Đài Loan và Hồng Kông”, theo một bài báo trên tờ Viet Nam News năm 2013.

Phim nói chung đã vậy, phim BL có một nền tảng đã làm mưa làm gió là sách truyện ngôn tình. Theo một bài báo trên Tân Hoa xã (Xinhua), hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc đã công bố “giữa 2009-13, đã có 841 đầu sách Trung văn được được dịch và xuất bản ra tiếng Việt, trong đó 617 là sách [văn học] mạng. Hầu hết các tác phẩm văn chương mạng nổi bật nhất của Trung Quốc đều được dịch ra tiếng Việt, bao gồm các tiểu thuyết lãng mạn của gần 100 nhà văn mạng Trung Quốc.” (Xinhua, 2015). Nhiều tác giả trẻ Việt đã tìm thấy một công thức thành công trong việc tự xuất bản trên mạng với những câu chuyện và nhân vật tương tự vốn ưa chuộng những chủ đề tình yêu đồng giới cấm kị hay những cái gọi là truyện cổ tích tân thời. Cái tên chung của dòng sách này là “ngôn tình”, trong đó “đam mĩ” (danmei) thì được dùng để gọi những câu chuyện tình của người đồng tính nam, nhưng hầu hết được các tác giả nữ viết và dành cho độc giả nữ. Những độc giả nữ này được gọi là hủ nữ.

Một số sách ngôn tình, đam mỹ của Trung Quốc được dịch và xuất bản tại Việt Nam. Hình từ trang này

Từ dòng tin nhiều phần hồ hởi của Tân Hoa xã, ta có thể xem đó như là sự thừa nhận chính thức [của Trung Quốc] dành cho tiểu thuyết ngôn tình mạng, vốn gần đây đã bị hạn chế từ phía cơ quan quản lý xuất bản Việt Nam. Theo truyền thông nhà nước của Việt Nam, “Nếu như ngôn tình chất lượng kém là vô bổ, khiến giới trẻ mất thì giờ để mơ mộng vào những điều viển vông hão huyền, thì thứ ngôn tình biến tướng này mới là độc dược ẩn chứa nhiều nguy cơ nhất. Với đối tượng độc giả trẻ tuổi, chưa đủ trải nghiệm, chưa đủ vốn sống, họ dễ dàng bị tiêm nhiễm những tư tưởng sai trái, những suy nghĩ phiến diện đầy nguy hiểm về tình dục và tình yêu.” (Tuổi Trẻ, 2015). Trong số này, đam mỹ bị buộc tội nhiều nhất.

Mặc cho truyền thông xã hội Việt Nam cứ kêu gọi không dùng hàng Trung Quốc, nhưng sự áp đảo của các sản phẩm đầu ra của truyền thông Trung Quốc như tin tức về tiểu thuyết ngôn tình đam mỹ hay web-drama trên truyền thông mạng và báo lá cải cho thấy ý chí tẩy chay những sản phẩm “made in China” là bất khả thi. Thậm chí các trang tin mạng cho giới trẻ như Kênh 14, SaoStar hay Zing miệt mài cập nhật 24/24 diễn biến của các phim như Thượng Ẩn. Trang Zing đã kịp thời công bố số lượt xem từ Việt Nam là 2 triệu trên YouTube. Trên trang Zing của Việt Nam thậm chí có hẳn quiz thử hiểu biết của khán giả về Thượng Ẩn, từ chiều cao hai diễn viên chính đến quê quán hai bạn trẻ sinh năm 1992 và 1994 này. Nghe nói tháng 7 này Hoàng Cảnh Du sẽ sang Việt Nam. Liệu có tái diễn cảnh fan cuồng đứng gào khóc ở sân bay Nội Bài như với các sao K-Pop không?

Các ngôi sao giải trí Việt Nam cũng mê mệt các series phim đam mỹ, ví dụ như Đàm Vĩnh Hưng.

 Thậm chí một sân khấu kịch ở Sài Gòn đã tiến hành làm kịch Thượng Ẩn. Trong khi đó, ca sĩ Minh Quân đã lên tiếng rằng đã có kịch bản và muốn làm phim Thượng Ẩn phiên bản Việt Nam, và đã hát bài hát chính của phim. Minh Quân bày tỏ trên trang cá nhân về việc phim bị cấm ở Trung Quốc: “Bó tay! Không một cảnh nóng hay chơi trò dung tục, ấy vậy mà lại cấm chỉ vì nó là phim về đề tài đồng tính?”.

Kịch Thượng Ẩn ở Việt Nam 

Không biết có liên quan gì đến làn sóng ảnh hưởng của các chương trình giải trí đa nền tảng Trung Quốc không mà hiện nay nhiều ngôi sao nhạc trẻ Việt Nam cũng là những đại sứ thương hiệu cho một số sản phẩm điện thoại di động Trung Quốc, ví dụ như Mỹ Tâm với Huawei, Sơn Tùng M-TP, Hà Hồ, Tóc Tiên, Noo Phước Thịnh với Oppo. Nhãn hiệu sau còn xuất hiện như một biển hiệu đậm nét trong video ca nhạc Thật bất ngờ của Trúc Nhân và thậm chí trong gala Táo Quân đêm giao thừa của VTV. Trong khi đó, thị phần điện thoại di động của Oppo nhảy vọt từ 1 lên 10% sau hơn một năm, xếp thứ ba tại Việt Nam.

Dàn sao giải trí Việt quảng cáo điện thoại Oppo.

Không chỉ mua lại các format của nước ngoài về dùng hoặc làm nhái (như kiểu nhiều món hàng Tầu vẫn làm thế), Trung Quốc giờ đây còn tự sản xuất ra format chương trình tài năng âm nhạc thực tế và được chính cái lò sản xuất nổi tiếng là Anh mua lại. Show “Sing my song” khá giống The Voice nhưng thay vì thi tài giọng ca thì ở đây là các thí sinh tự thể hiện bài hát do chính mình sáng tác. Và nước thứ hai mua format này là… Việt Nam.

Show “Sing my song” khá giống The Voice

 

Hiện nay Cát Tiên Sa đã bắt tay sản xuất vòng casting thí sinh và dự kiến sẽ phát trên VTV3 vào tháng 10 tới. Trong khi đó, một chương trình gần giống do chính VTV làm ra là “Bài hát yêu thích” đã ngưng phát sóng sau 4 năm vào tháng 1. 2016 vì không thu hút được khán giả.

 

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả