Tạp hóa - Xã hội

Giải trí ở Trung Quốc (phần 3):
web-drama và ví dụ “Thượng Ẩn” 15. 06. 16 - 11:51 pm

Châu Du tổng hợp

(Tiếp theo bài 1 bài 2)

Đối thủ đáng gờm của phim truyền hình nhà nước: Web-drama

Trong khi các nhà chức trách cố gắng dán nhãn đam mỹ như một thể loại ‘độc hại’, các tác giả đã vượt qua khỏi sự hình dung của những người “gác cổng”: họ hình ảnh hóa các trang viết của mình. Họ đã tạo ra thể loại online mới để chuyển thể những tiểu thuyết đam mỹ này – web-drama – mà không cần phát sóng trên truyền hình nhà nước. Bộ phim web-drama đương có lượng xem cao nhất, “Thượng Ẩn” (tên tiếng Anh là Addicted hoặc Heroin, mang nghĩa là nghiện), đã được xem hơn 10 triệu lượt ngay trong ngày ra mắt. Thượng Ẩn ra mắt khán giả Trung Quốc thông qua trang web IQiyi từ đầu tháng Hai.

Áp phích phim “Thượng Ẩn” với hai diễn viên chính.

Bộ phim là tác phẩm chuyển thể từ tiểu thuyết của Sài Kê Đản, một tác giả… nữ. Sinh năm 1982, cô bắt đầu chấp bút viết tiểu thuyết đam mỹ từ năm học lớp 12 và đã ra tới 9 cuốn. Tiểu thuyết nguyên tác Nhĩ nhã thượng ẩn liễu được tác giả Sài Kê Đản lấy hình tượng nhân vật chính từ bạn học cấp ba cùng với mình. Sài cho biết: “Lúc đầu, tôi cứ nghĩ sẽ không quay được phim đam mỹ, nhưng tôi vẫn luôn có mong muốn được chuyển thể tiểu thuyết của mình thành phim. Sau đó, tôi thấy có rất nhiều bộ phim về đề tài đồng tính vẫn được công chiếu, hơn nữa, lúc đó tôi đang làm việc tại đài truyền hình Bắc Kinh, được tiếp xúc và quen biết với nhiều người có chuyên môn, nên tôi bắt đầu manh nha có ý tưởng này, và bắt tay vào làm luôn”.

Nội dung bộ phim kể về mối quan hệ giữa hai học sinh trung học – Cố Hải và Bạch Lạc Nhân. Cố Hải là con nhà giàu, nhiều bạn gái. Lạc Nhân nhà nghèo, tính cách người lớn hơn. Tình cờ cha người này lấy mẹ người kia, nên hai đứa sống chung nhà. Hai đứa ban đầu chỉ đơn giản chú ý đến đối phương như những người bạn. Nhưng dần dần, tình cảm đó trở nên khác biệt. Bộ phim có 15 tập, mỗi tập dài khoảng 25 phút.

Tác giả và hai diễn viên chính.

Bộ phim được bắt đầu tiến hành với những rủi ro: các nhà đầu tư không có nhiều hiểu biết về dòng phim đam mỹ, cộng với việc Cục điện ảnh có nhiều luật lệ khá ngặt nghèo, và tác giả chưa hề có kinh nghiệm gì về làm phim, thậm chí chưa biết tìm ê-kíp ra sao. Tổng kinh phí đầu tư cho 15 tập phim là 1 triệu NDT (khoảng 150 nghìn đôla Mỹ), trong đó tác giả góp 30%. Ngoài ra là cả 3 công ty tư nhân khác. Bối cảnh rất đơn giản: hai ngôi nhà, vài đường phố, trang phục chỉ có đồng phục học sinh. Kinh phí cho phim như thế là rẻ, dồn nhiều vào việc quay phim và quảng bá. Mặc dù đoàn làm phim toàn đàn ông “trai thẳng” tuổi khoảng 35, 36 nhưng khá thoải mái trong việc làm phim đồng tính.

Để hai người nhập vai ăn ý hơn, tác giả đã để Hoàng Cảnh Du và Hứa Ngụy Châu ngủ chung một giường. Chỉ cần hai người cứ đến công ty, là ngủ chung giường. Từ lúc phim bắt đầu cho đến hơn một tháng quay phim, và kể cả những hoạt động về sau, hai người vẫn phải thuê chung một phòng và ngủ chung. Chi tiết các hành động của hậu trường cũng được mô tả tỉ mỉ trên các trang mạng, và thậm chí các cảnh hậu trường cũng thành các đoạn clip được xem nhiều ngang với bản thân các tập phim. Tất nhiên đơn vị làm phim nói là ngủ vậy thì fan biết vậy!

Hoàng Cảnh Du và Hứa Ngụy Châu

 Êkip làm phim quả thực rất biết cách khuấy động sự chú ý của truyền thông. Hôm thì tường thuật chi tiết hành trình của Hứa Ngụy Châu tới Bắc Kinh, đi một mình về một căn biệt thự cao cấp. Phóng viên trang mạng phục kích cả đêm, sáng hôm sau công bố ảnh chụp Hứa đi cùng Sài, tay trong tay đi ăn sáng. Ba ngày liền cứ như thế, trong khi đó tài khoản Weibo của Sài đột nhiên có nội dung nói rằng cô đã ngủ với Hứa và cho cậu ta 8000 tệ (tương đương 30 triệu đồng). Khi trang mạng Sina gọi điện hỏi thì Sài không trả lời, nhưng dẫn “nguồn tin đáng tin cậy” cho biết tài khoản bị hack và cả hai đã nhờ cảnh sát an ninh mạng điều tra. Hứa thì có lên Weibo đính chính mình hoàn toàn độc thân. Đồng thời trên mạng có clip Hứa tốc váy nữ trợ lý lại làm điên đảo các hủ nữ. Tất nhiên, màn tung hứng của chính công ty sản xuất chẳng việc gì làm cho rõ nhưng đủ giữ chân khán giả phát sốt cả một tuần.

Loạt hình chụp nữ tác giả Sài Kê Đản và Hứa Ngụy Châu hệt như các loạt hình về các sao Hollywood.

 

Fan xếp hàng tại buổi giao lưu ở Thượng Hải tháng 2.

Chỉ phát được một tháng thì bị dính lệnh cấm, bộ phim đã bị gỡ triệt để khỏi các trang đăng phát trong nội địa Trung Quốc. Nhưng êkip cũng rất biết cách kết thúc một cách huy hoàng. Đoàn phim đã loan báo sẽ tổ chức buổi gặp mặt fan ở Băng Cốc, Thái Lan vào ngày 17.4.2016. Buổi này được tường thuật trực tiếp trên các kênh như YouTube. Trước đó có một buổi họp báo, nhưng Hoàng Cảnh Du không tham gia mà tới làm khách mời tại buổi diễn của một nữ ca sĩ Trung Quốc khác. Khỏi phải nói việc này làm “tan nát” tim của các fan cuồng thế nào. Trong vòng một ngày, không chỉ khán giả trẻ Trung Quốc và cả châu Á (trong đó có Việt Nam ta) sôi sùng sục tranh luận xem có phải hai diễn viên bị cái án phải đứng riêng rẽ cho dù sự kiện diễn ra ở nước ngoài. Rút cục thì cuối ngày cũng có tin Hoàng Cảnh Du đã tới tập dượt cho chương trình gặp fan hôm sau, dù cũng làm mất ngủ vô khối bạn trẻ.

Chỉ cần khoảnh khắc duy nhất: Hứa Ngụy Châu được hai bạn diễn phụ kéo lại đứng gần Hoàng Cảnh Du là đủ khiến fan từ Bắc Kinh đến Jakarta “ngất lịm”. Nhưng chỉ sau 1 vài giây, diễn viên này đã bị kéo ra về lại chỗ cũ. Trong suốt thời gian diễn ra, hai diễn viên chính không đứng cạnh nhau, có lẽ để không phạm Bộ quy tắc của Tổng cục Điện ảnh, Phát thanh và Truyền hình Trung Quốc chăng?

 

Sau khi kết thúc bộ phim, từ chỗ là một người mẫu vô danh, Hoàng Cảnh Du đã chiếm ngay vị trí số 1 trong bảng xếp hạng ngôi sao nổi tiếng nhất của trang Sina lần thứ 21 (chung chủ sở hữu trang Weibo), còn Hứa Ngụy Châu xếp thứ 6. Cả hai cũng là cặp đôi được yêu thích nhất. Tuy vậy, lệnh cấm cũng gây tác hại cho các diễn viên khi show Happy Camp họ tham gia đã ghi hình không được đăng tải, và họ cũng không dễ dàng được tái xuất trong các dự án.

Những bộ phim ầm ĩ như vậy dĩ nhiên khiến truyền thông phương Tây không thể không để ý. Đủ các tờ và trang tin lớn như CNN, Wall Street Journal, Guardian hay Times đưa tin. Họ phân tích lý do mà cơ quan kiểm duyệt dùng để cấm những web-drama này cũng giống với vấn đề của những câu chuyện gốc: tình yêu đồng giới giữa những học sinh tuổi mới lớn. Tuy nhiên, lý do chính nằm ở một yếu tố khác: chính quyền và truyền thông nhà nước có lẽ nhận thấy quyền lực không được phép của các nhóm web bên lề đe dọa vai trò của họ. Thực vậy, việc xem truyền hình online đã trở thành “một sự thay đổi khổng lồ đối với các công ty truyền thông truyền thống”, bởi vì “giờ đây quyền lực đã chuyển vào tay người tiêu dùng”.

(Còn tiếp)

Ý kiến - Thảo luận

0:43 Friday,14.7.2017 Đăng bởi:  0613
Bài này thông tin gì mà sai tè le hết trơn. TA đầu tư 5tr chứ đâu ra 1tr. Sài Kê Đản học lớp 12 năm 2009 thì làm sao sinh năm 82 được. Fanmeeting ở Bangkok mắc mớ gì fan tới Jakarta trời. Tào lao hết sức. 
...xem tiếp
0:43 Friday,14.7.2017 Đăng bởi:  0613
Bài này thông tin gì mà sai tè le hết trơn. TA đầu tư 5tr chứ đâu ra 1tr. Sài Kê Đản học lớp 12 năm 2009 thì làm sao sinh năm 82 được. Fanmeeting ở Bangkok mắc mớ gì fan tới Jakarta trời. Tào lao hết sức.  
18:47 Friday,17.6.2016 Đăng bởi:  ong Bắp
Rất hại não đấy.
...xem tiếp
18:47 Friday,17.6.2016 Đăng bởi:  ong Bắp
Rất hại não đấy. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

7. 10 tại Eight Gallery:
Đặng Xuân Hòa - Tranh Trừu Tượng

Trần Hậu Tuấn - Thông tin từ Eight Gallery

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả