Bàn luận

LẦN HỒI: Phương tiện hay đam mê của người trẻ? 30. 11. 12 - 2:30 pm

An Bàng thực hiện (Tuổi Trẻ Cuối Tuần)

Poster của sự kiện demo Lần Hồi 11/13.

 

Lần Hồi là một chuỗi triển lãm nghệ thuật cộng đồng, do các bạn sinh viên, học sinh Hà Nội khởi xướng, về hình thức là một Mê Cung, về nội dung là lịch sử, ký ức. Bản demo đầu tiên của chuỗi triển lãm này đã ra mắt hôm 13. 11. 2012.

Mê cung được sắp xếp và bố trí trong không gian 200m2 gồm 2 tầng, với các chủ đề: Trẻ em, Bố mẹ, Hiện tại, Thanh niên, Người già.

Đi trong mê cung này, người xem sẽ lần lượt trải qua các thời kỳ của đời người, của dân tộc Việt, đan xen nhau lẫn lộn các ký ức cá nhân và lịch sử đất nước. Tất cả được thể hiện bằng tranh, tranh cổ động, sắp đặt, rối bóng, tương tác… “Thủ lĩnh” của dự án là Thảo Linh, sinh viên trường Ngoại thương.

*

 

Chào Thảo Linh, sao lại là “Lần Hồi”?

Theo từ điển Tiếng Việt, “Lần Hồi” là dần dà theo năm tháng. Chúng tôi muốn “mưa dầm thấm đất” đến với các bạn trẻ. Chúng tôi cũng muốn mượn hai chữ này để nói về yếu tố thời gian, những xúc cảm và rung động về thời gian mà bất cứ ai cũng có.

 

Dự án các bạn có bao nhiêu người tất cả?

Chúng tôi gồm 47 người, đều đang là học sinh, sinh viên, trong đó 14 bạn là học sinh THPT. Ít tuổi nhất là 9 bạn sinh năm 96. “Lớn tuổi” nhất là 1 bạn sinh năm 89. Ý tưởng mê cung là do mọi người cùng đóng góp.

 

Quan tâm chung của 47 bạn là gì? Nghệ thuật? Lịch sử Việt Nam?

Chúng tôi cùng có chung đam mê nghệ thuật, niềm yêu với Việt Nam, với lịch sử, văn hóa và đời sống Việt.
Với đa số học sinh, môn Sử là môn khô khan, áp đặt, thiếu sáng tạo. Tại sao giới trẻ chúng tôi khó “cảm” được Sử? Chúng tôi muốn phần nào thay đổi điều đó. Chúng tôi muốn mang đến cho chính những học sinh, sinh viên như mình một Lịch Sử gần gũi, chân thật và sống động, một góc nhìn trẻ, thú vị về Việt Nam dành cho người Việt cũng như du khách nước ngoài

 

Cụ thể, các bạn yêu sử thì yêu thế nào? Đọc sách sử? Tìm đến các bảo tàng? Hay nói chuyện với những người am hiểu sử?

Yêu sử, chúng tôi dùng tất cả các phương cách trên để tìm hiểu. Và hơn hết chúng tôi nói chuyện với nhau rất nhiều, kể chuyện tiếu lâm, rồi dùng ca dao tục ngữ chẳng hạn. “Lời nói chẳng mất tiền mua” nên trong lời nói mà có nhiều kiến thức thì quả là còn đáng quý hơn nữa.

 

Nếu yêu sử mà chỉ nói chuyện rồi kể chuyện tiếu lâm thì khó có thể gọi là yêu sử..?

Nói chuyện và kể tiếu lâm cho nhau cũng là cách để hiểu hơn về dân tộc mình. Dĩ nhiên là không thể đủ được. Nhưng chúng tôi quan niệm rằng, không cần nhớ tất cả các số liệu, tất cả những điều trong sách Sử viết. Cái chính ở đây là làm sao cảm nhận được lịch sử và tâm hồn đất nước để biết suy nghĩ tích cực và có ích hơn

Ánh mặt trời Đổi Mới phía trên trần chính là điểm phân cách giữa con đường rơm rạ và con đường Đổi Mới. Mặt trời Đổi Mới được làm từ giấy bóng kính và lồng quạt cũ – những chất liệu tròn vành vạnh (biểu tượng cho lý tưởng) và lồng quạt là vật dễ liên tưởng đến những điều xưa cũ, những thứ quen thuộc từ lâu. (Tác giả Thảo Linh – Ngọc Mai)

 

Sao các bạn lại chọn hình thức là nghệ thuật mà không phải một triển lãm Sử giản dị?

Trong nhóm có rất nhiều bạn trái ngành trái nghề, tuy nhiên đều cùng đam mê sáng tạo nghệ thuật. Lần Hồi là một nơi để các bạn trẻ thể hiện được đam mê đó mà không phải ai cũng có cơ hội cũng như “dám” làm những điều này.

 

Vậy thực chất mục đích chính của các bạn là gì? Làm nghệ thuật và lấy lịch sử làm đề tài? Hay muốn thay đổi cách học về sử bằng phương tiện nghệ thuật?

Có thể nói, chúng tôi lấy lịch sử làm cảm hứng để sáng tạo nghệ thuật, hơn là lấy nghệ thuật làm phương tiện để dạy bài học lịch sử nào.

 

À, vậy nghệ thuật mới là mục đích chính… Sao các bạn lại không có một cố vấn về nghệ thuật mà lại tìm một cố vấn về lịch sử “to” như bác Dương Trung Quốc? Liệu đây có phải một cách PR?

Tôi là dân kinh tế, chính vì vậy việc liên hệ hay tìm đến với chuyên gia nghệ thuật có vẻ khó hơn, và chúng tôi cũng có phần “tự ti” vì chuyên môn của mình chưa đủ để liên hệ với những người như thế. Còn về PR, thì không chỉ bác Dương Trung Quốc, mà mọi cố vấn khác đều có thể PR được cho dự án. Hơn nữa, bác Quốc lại rất cởi mở với thế hệ trẻ; chúng tôi đôi khi lại sợ giới nghệ sĩ, hầu hết ai cũng nghĩ giới nghệ sĩ “kiêu” lắm.

Giáo sư sử học Dương Trung Quốc và “thủ lĩnh” dự án, Đinh Thảo Linh

 

Nói thật nhé, xem những gì các bạn làm ở triển lãm vừa qua, và nay nghe những gì bạn nói, tôi có một cảm giác hình như mọi thứ mới chỉ là phương tiện, hình như các bạn thích được làm nhưng lại chưa đủ đam mê, dù là đam mê nghệ thuật hay lịch sử.

Chúng tôi không nghĩ nhiều đến việc phải đam mê ra sao, cái quan trọng là làm thôi. Làm đến khi nào cảm thấy “đủ”. Chính chúng tôi cũng cảm giác những gì mình làm là chưa đủ nhưng vẫn tràn đầy nhiệt tâm để tiếp tục và phát triển “Lần Hồi”. Bởi vì chúng tôi còn trẻ, bản thân “Lần Hồi” không nằm ở việc phải làm lịch sử cho ra nhẽ, mà chính là để thể hiện sự linh động của giới trẻ, thích thể nghiệm và thử thách bản thân. “Lần Hồi” 11/13 có thể mới chỉ dừng lại ở mức độ minh họa, tuy nhiên sự kiện cũng đã đánh vào tâm lý của một bộ phận trẻ rằng họ cần phải đứng dậy và SỐNG. Đây mới chính là mục đích lớn nhất mà chúng tôi hướng đến: kiến tạo ra những điều tạo giá trị cho cộng đồng.

 

Nhưng nếu mặt nghệ thuật không đạt, bài học lịch sử không định học lại “cho ra nhẽ”, thì giá trị nào cho cộng đồng đây? Cái gì là SỐNG ở đây?

Đôi khi giá trị cho cộng đồng không hẳn là nằm ở chất lượng của tác phẩm ở những lần đầu tiên, mà nằm ở ranh giới giữa “dám” và “không dám” làm cái gì. Chúng tôi nghĩ rằng nếu không thử và không dám thử thì sẽ không biết mình yếu ở đâu, và thế là tham vọng tạo ra giá trị thậm chí còn thất bại ngay từ bước đầu tiên

 

 “Lần Hồi”13/11 vừa qua là để đo phản ứng của nhóm khán giả và chuyên gia. Chương trình chính thức sẽ ra mắt lúc nào?

30.11 “Lần Hồi” sẽ khai mạc, ngày 1, 2 , 3 , 4. 12 sẽ là triển lãm chính thức

 

Cảm ơn Thảo Linh. Chúc các bạn thành công, ngay cả khi thật sự đam mê cái gì hình như cũng chưa xác định rõ. Nhưng hình như đó mới là tuổi trẻ?

Có lẽ chúng tôi nên để dấu hỏi chấm này cho tất cả các bạn trẻ. Còn với riêng chúng tôi, chúng tôi đang làm những gì mình muốn, và chúng tôi mong các bạn trẻ sẽ hòa chung suy nghĩ này với chúng tôi, rằng hãy dám làm điều gì mình muốn.

 

Theo Tuổi Trẻ

*

Bài liên quan:

– LẦN HỒI: Khi người trẻ làm nghệ thuật trái ngành 
– LẦN HỒI: Phương tiện hay đam mê của người trẻ?

Ý kiến - Thảo luận

14:28 Tuesday,4.2.2014 Đăng bởi:  anhnam

Anh Dương Trung Quốc rất giỏi . Anh giỏi hơn giáo sư Sử học- Tiến sĩ khoa học Vũ Minh Giang. Anh là nhà sử học. Anh không  làm NCS ở nước ngoài hoặc ở Việt Nam nên anh không phải là Tiến sĩ, do đó cũng không phải là Giáo sư hoặc Phó giáo sư. Ở Việt Nam hiện nay muốn là Giáo sư thì phải có bằng Tiến sĩ.
Ở Việt Nam cũng có nhiều tiến sĩ mà trình độ không b
...xem tiếp

14:28 Tuesday,4.2.2014 Đăng bởi:  anhnam

Anh Dương Trung Quốc rất giỏi . Anh giỏi hơn giáo sư Sử học- Tiến sĩ khoa học Vũ Minh Giang. Anh là nhà sử học. Anh không  làm NCS ở nước ngoài hoặc ở Việt Nam nên anh không phải là Tiến sĩ, do đó cũng không phải là Giáo sư hoặc Phó giáo sư. Ở Việt Nam hiện nay muốn là Giáo sư thì phải có bằng Tiến sĩ.
Ở Việt Nam cũng có nhiều tiến sĩ mà trình độ không bằng người tốt nghiệp đại học ở thế kỷ trước.
 

 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Lại cái trò dí súng vào đầu trẻ con

Pha Lê - hí họa của Nick Galifianakis

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả