Đi & Ở

Bình Ba (phần 3): Bãi Chướng nước độc, bãi Nồm sợ bo bo 30. 06. 16 - 3:14 am

Ảnh và bài: Candid

(Tiếp theo phần 2)

Bãi Chướng nằm ở phía Đông của đảo, nhìn ra biển, đây là nơi ngắm bình minh lên đẹp nhất ở Bình Ba. Hai đầu bãi Chướng là những bãi đá granit khổng lồ chạy từ đỉnh núi xuống sát mép nước, rất phù hợp cho việc chụp ảnh nên du khách thường dậy sớm chạy ra để selfie với mặt trời. Lúc tôi chạy đến mặt trời chưa nhô khỏi mặt biển, bãi còn vắng, lát sau hàng loạt xe điện chạy đến đổ xuống du khách, các cô gái thi nhau nâng mặt trời, bưng mặt trời, hôn mặt trời… Tôi thì không hào hứng lắm, nhìn thấy bãi tắm vắng người định nhảy xuống bơi nhưng trước khi bơi cẩn thận hỏi một cậu lái xe điện xem có tắm được không. Câu trả lời làm tôi cụt hứng: theo dân địa phương, do bãi Chướng có nhiều gió độc không thích hợp với việc bơi lặn nên người ta chỉ đến đây chiều tối để ăn nhậu. Ven bờ biển là một dãy ô dù, buổi tối du khách và dân địa phương kéo nhau đến đây để ăn nhậu hải sải và hát karaoke.

Bãi Chướng

Tôi hơi tiếc vì không được bơi ở đây nên đi một vòng hỏi thêm vài người nữa nhưng đều nhận được câu trả lời là dân địa phương không ai bơi ở đây. Tôi thấy tốt hơn hết là nên nghe lời dân địa phương vì chắc hẳn họ cũng đúc rút ra từ kinh nghiệm. Ngắm bình minh xong tôi chạy về cảng chính để ghé thăm chợ cá. Chợ cá ở đảo cũng khá khiêm tốn, nằm ngay sát bên bến cảng. Có dăm con tàu đang trút hàng và độ khoảng chục hàng bán cá.

Thuyền đánh bắt ghẹ và cá

Khác với chợ cá ở các nơi khác, ở đây chủ yếu họ bán các loại cá bé, ghẹ bé để làm thức ăn nuôi tôm hùm. Dọc bờ biển lúc tôi chạy qua, có rất nhiều người đang ngồi cắt nhỏ cá để làm thực ăn cho tôm. Nhìn số lượng cá con và ghẹ bé li ti hàng ngày dân tiêu thụ để làm thức ăn cho tôm hùm, tôi không khỏi băn khoăn, liệu đánh bắt như vậy có làm tận diệt nguồn hải sản?

Ghẹ làm thức ăn cho tôm hùm

 

Cá nhỏ cũng là thức ăn cho tôm hùm

 Chơi xong ở chợ cá, tôi ghé qua cầu cảng thì thấy có một đoàn du lịch đang í ới gọi nhau lên một con tầu vỏ gỗ chuẩn bị đi chơi. Tôi tò mò hỏi người tổ chức tour thì biết họ đang chuẩn bị đi bãi tắm Sa Huỳnh, nghe quảng cáo đây là bãi tắm đẹp nhất ở Bình Ba. Tôi đề nghị được đi ghép đoàn, họ đồng ý luôn vì tàu còn dư chỗ. Chỉ chốc lát sau, tôi đã ngồi trên chiếc tàu gỗ chạy ra khỏi cảng.

Trên đường ra Sa huỳnh

Tàu du lịch ở đây đa phần là tàu cá hoán cải, đóng thêm mấy hàng ghế ở phía trước và phía sau để chở khách. Khách du lịch hầu như không ai mặc áo phao, tôi do nghĩ mình bơi vẫn chưa giỏi nên kiếm bằng được một cái áo phao để cạnh, khách đi tàu ai cũng nhìn tôi kỳ dị. Đoàn khách này từ Sài Gòn mới đến đảo sáng nay chủ yếu phụ nữ và trẻ con. Do không xa Sài Gòn nên chi phí đi xe khách, đi tàu không lớn nên có rất nhiều tour giá rẻ, cứ cuối tuần là đảo đông nghịt khách. Ngồi trên con tàu gỗ hoán cải tôi nghĩ cũng khá nguy hiểm nếu khách đông nhồi lên cái tàu như thế này. Mấy ngày sau khi từ đảo trở về nghe tin chiếc tàu chở khách lật ở Đà Nẵng mà thấy hú hồn vía là chuyến đi đã an toàn.

Khách du lịch trên thuyền

Tàu chạy bám dọc theo bờ biển của bán đảo Cam Ranh, phong cảnh núi biển rất hùng vĩ, quả không ngoa khi người ta gọi nơi đây là Maldives của Việt Nam. Chạy được một lát, khách trên tàu lục tục rủ nhau mang đồ ăn vặt ra. Tôi để ý thấy khách du lịch Việt Nam nói riêng và nhiều nước châu Á nói chung rất thích ăn vặt khi đi tàu xe du lịch. Tôi từng nói chuyện với nhiều tài xế xe tour họ nói là mỗi lần chở khách Á là họ phải dọn xe rất nhiều vì nhiều rác do ăn vặt. Được một lát tàu chạy đến một eo biển bắt đầu thả neo lại. Tôi bị choáng ngợp vì lần đầu tiên thấy một bãi biển đẹp đến thế. Cát biển trắng muốt, nước biển màu ngọc bích trong suốt tận đáy nhìn thấy từng đàn cá đang bơi lội. Tôi không thể đợi được thủy thủ thả thang nên từ boong tàu nhảy thẳng xuống làn nước trong xanh. Bơi được vài sải tự nhiên nghe rào rào, quay lại thấy du khách trên thuyền đang thẳng tay vứt vỏ chai nước suối, vỏ bim bim, vỏ hoa quả thẳng xuống biển. Không biết nói gì tôi đành bơi vào bờ.

Bãi biển vắng ngắt không một bóng người, hầu hết khách bơi kém hoặc không biết bơi mặc áo phao co cụm một chỗ để nghịch nước. Tôi bơi dọc bờ biển nhìn nắng lấp lánh xuyên qua làn nước. Có lúc tôi rơi vào một đàn cả trăm con cá nhỏ như cá cơm, chúng nhảy lao xao cả mặt nước khi tôi bơi qua. Do nước biển trong tôi thỉnh thoảng nhìn thấy một cái vỏ lon Coca, một cái túi nilon nằm dưới đáy. Có lẽ là do một đoàn khách du lịch nào đấy đã vứt xuống trước đấy và chúng sẽ còn nằm ở đấy lâu lắm. Nếu đoàn du lịch nào cũng làm như vậy thi chỉ ít lâu sau bãi biển này sẽ đầy rác. Tôi nhớ lại câu chuyện một người bạn kể cho tôi về việc bảo vệ môi trường ở Cù Lao Chàm. Lúc đầu những người làm dự án cũng rất khó khăn mới thuyết phục được người dân không dùng túi nilon, không vứt rác để bảo vệ môi trường vì người dân thấy phiên phức và tốn kém. Nhưng dần dần, người dân đã hiểu ra, du khách chỉ ghé thăm một vài lần, họ có vứt rác ra thì họ cũng không chịu ảnh hưởng gì, người bị ảnh hưởng nhiều nhất chính là họ, là những người bản địa, người sẽ phải sống ở đấy suốt đời. Họ sẽ phải gánh chịu các hậu quả do ô nhiễm môi trường, bảo vệ môi trường chính là bảo vệ nồi cơm của họ. Chính vì vậy người dân ở Cù Lao Chàm đã đứng ra tuyên truyền, vận động và tuân thủ rất chặt chẽ. Họ không dùng túi nilon, các thuyền chở khách cũng phải đảm bảo khách không được mang túi nilon theo nếu không sẽ bị phạt nặng.

Bãi Sa huỳnh

Bơi lội chán mọi người bơi lại thuyền để quay về đảo. Tôi đứng sau boong tàu nhìn bãi Sa huỳnh và nghĩ ở Bình Ba những việc rất đơn giản có thể làm được, ví dụ như chính quyền tổ chức cho việc sản xuất và bán các túi hữu cơ thân thiện với môi trường để cho du khách sử dụng, vừa đem lại nguồn thu nhập cho dân đảo, vừa bảo vệ môi trường; Các thuyền trang bị các thùng rác và khuyến cáo khách của mình không được vứt bừa bãi. Trên bãi biển chính quyền cũng nên cho lắp đặt các biển hiệu nhỏ để kêu gọi du khách bảo vệ môi trường. Nếu không hành động sớm một chỉ một vài năm nữa thôi đã là quá muộn. Chúng ta đã có bài học như ở đảo Lý Sơn, từ một hòn đảo thiên đường nay đang trở thành một bãi rác. Vấn đề phát triển du lịch bền vững vẫn mãi chỉ là khẩu hiệu.

Rời Sa Huỳnh

Thuyền quay trở về đảo, bơi lội nhiều tôi đã đói ngấu, hình như thời tiết đẹp cũng tăng phần tiêu thụ thức ăn hay sao mà đói không chịu nổi. Tôi ghé một nhà hàng bè nổi để ăn trưa. Các khách sạn ở đây thường có một bè nổi để làm nhà hàng cho khách của mình. Bè rộng rãi có thể phục vụ cả trăm khách, xung quanh là các lồng nuôi tôm cá, du khách thích ăn loại gì thì chỉ cho nhân viên lấy vợt bắt lên chế biến ngay tại chỗ. Dọc theo bến tàu có rất nhiều bè như vậy nhưng tôi nghe nói vào dịp cuối tuần những bè này đều kín chỗ. Dạo một vòng quanh các lồng, tôi chỉ nhân viên bắt cho tôi một con cá chim làm mồi nhậu. Không hiểu do đói, do cảnh đẹp, do không khí, do đồ ăn tươi hay do tất cả những thứ ấy mà tôi thấy ngon miệng hẳn.

Con cá chim làm mồi nhậu

Bãi tắm tiếp theo tôi tìm đến là bãi Nồm. Bãi biển này cũng được ngư dân đặt tên theo tên ngọn gió như trong câu thơ của Hồ Xuân Hương “mùa hè hây hẩy gió nồm đông”. Xem trên bản đồ đảo là một chuỗi đỉnh núi chạy theo hướng Bắc Nam, ở giữa có đoạn thắt eo, địa hình thấp là nơi dân ở tập trung. Bờ Tây của eo hướng về vịnh Cam Ranh là bến tàu, bờ Đông hướng ra biển là bãi Nồm. Do đảo trước kia chỉ có ngư dân nên hầu hết đều tập trung ở khu vực này dẫn đến nhà cửa xây túm tụm, không quy hoạch, chật chội đông đức. Muốn từ bến tàu đi ra bãi Nồm phải chui vào một cái ngõ chật hẹp hai xe máy đi tránh nhau cũng khó, ngang qua chợ rồi mới đến. Khi du lịch phát triển cách đây mấy năm, người dân tự phát xây sửa nhà cửa thành các nhà nghỉ homestay, khách sạn, mạnh ai nấy làm nên khá lộn xộn, không khác gì khu phố cổ ở Hà Nội. Chắc vì cuối tuần đông khách nên tôi thấy đầu ngõ có tấm biển kêu gọi mọi người không đi xe máy vào thứ Bảy, Chủ nhật. Tôi thấy rất may vì không chọn khách sạn ở đây mà chọn khách sạn mới xây nằm ở ngoài rìa trung tâm.

Bãi Nồm

Bãi Nồm rất đẹp với bờ cát trắng xóa, buổi sáng gió nhẹ nên sóng không to bơi rất tốt, buổi chiều gió Nồm thổi, sóng khá lớn chỉ thích hợp với nhảy sóng. Chỉ có điều ở đây có quá nhiều dịch vụ motor nước (bo bo). Những người lái motor nước vòng vèo trên bãi để tìm khách, thi thoảng có cậu hứng chí vặn ga phóng rất nhanh, mùi xăng khét lẹt, rồi phanh khựng ngay chỗ du khách bơi. Tôi không có nhu cầu đi motor nước nhưng vừa bơi vừa phải từ chối lại ngay ngáy lo bị đâm phải nên cảm thấy rất ức chế. Đáng nhẽ phải có khu vực quy hoạch riêng cho dịch vụ này. Bơi được một lát chán quá tôi đành bỏ lên kêu đồ hải sản ăn và uống bia. Giá cả ở đây rẻ hơn trên các nhà bè. Tôm hùm có hai loại tôm hùm xanh và tôm hùm bông. Tôm hùm xanh cỡ 3 con 1 cân giá khoảng 900.000/kg, tôm hùm bông giá khoảng 1,5 triệu/kg. Do được khuyên trước nên tôi chọn loại tôm hùm xanh. Ngoài ra tôi phát hiện ra nhum ở đây rất rẻ chỉ 15.000/kg, có lẽ tại vì nhiều nhum, lúc tôi bơi ở Bãi Nhà Cũ thấy có nhiều nhum ở trong đám san hô. Tôi vẫn thích ăn nhum, người Nhật gọi nhum là uni, ở các nhà hàng Nhật, món nhum sashimi hay nhum sushi luôn là món đắt tiền nên không dám ăn nhiều. Tôi bèn gọi mấy con nhum ăn sống cho đã trong khi đợi món tôm hùm nướng.

Lời khuyên cho những ai muốn tắm ở bãi Nồm là nên đi lúc thật sớm, lúc sóng vẫn còn lặng và không có nhiều motor nước.

(Còn tiếp) 

Ý kiến - Thảo luận

12:54 Thursday,30.6.2016 Đăng bởi:  Le nhaque
Một số trong bọn U60 sẽ nghĩ rằng trong đời mình chứng kiến người ta phá hết bãi nọ đến biển kia (ở VN thôi). Có lần Đồ Sơn mình ra ý nhắc này nọ, thì có vị trông "có học", biển này cát đen, nước đục lờ ra (tró) gì. Hy vọng trong phần đời còn lại không phải chứng kiến "những kẻ điên" phá nốt biển xanh, cát trắng của VN (Ôi VN!).
...xem tiếp
12:54 Thursday,30.6.2016 Đăng bởi:  Le nhaque
Một số trong bọn U60 sẽ nghĩ rằng trong đời mình chứng kiến người ta phá hết bãi nọ đến biển kia (ở VN thôi). Có lần Đồ Sơn mình ra ý nhắc này nọ, thì có vị trông "có học", biển này cát đen, nước đục lờ ra (tró) gì. Hy vọng trong phần đời còn lại không phải chứng kiến "những kẻ điên" phá nốt biển xanh, cát trắng của VN (Ôi VN!). 
9:23 Thursday,30.6.2016 Đăng bởi:  Candid
Có cái phao này để bơi open water, khi bơi cho đồ vào trong rất tiện. Bơi có phao kéo theo yên tâm hơn hẳn. Tiếc là chuyến rồi em không mua kịp phao thế nên không dám mang theo đồ nhiều khi bơi. Ở Bình Ba em bơi có cẩn thận gửi dân đảo trông hộ túi đồ lúc lên gửi ít tiền cho họ mà họ cứ ngạc nhiên.

Phao kiefer

https://www.amazon.com/Kiefer-SaferSwimmer-Large-Buoy/dp/B00M3D0ZZC
...xem tiếp
9:23 Thursday,30.6.2016 Đăng bởi:  Candid
Có cái phao này để bơi open water, khi bơi cho đồ vào trong rất tiện. Bơi có phao kéo theo yên tâm hơn hẳn. Tiếc là chuyến rồi em không mua kịp phao thế nên không dám mang theo đồ nhiều khi bơi. Ở Bình Ba em bơi có cẩn thận gửi dân đảo trông hộ túi đồ lúc lên gửi ít tiền cho họ mà họ cứ ngạc nhiên.

Phao kiefer

https://www.amazon.com/Kiefer-SaferSwimmer-Large-Buoy/dp/B00M3D0ZZC 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả