Văn & Chữ

DA (phần 1) 07. 07. 16 - 5:58 am

Truyện ngắn của Roald Dahl – Hồ Như Mai dịch

 

.

Năm đó – năm 1946 – mùa đông dài đằng đẵng. Đã là tháng tư mà gió rét vẫn thổi qua những con đường trong thành phố; trên cao những đám mây tuyết vẫn trôi ngang trời.

Drioli khổ sở lập cập lê bước trên vỉa hè đường Rivoli. Lão lạnh cóng, thê thảm, co rúm như con nhím trong chiếc áo khoác đen bẩn thỉu, chỉ lộ ra đôi mắt và chóp mũ trên cổ áo lật lên.

Cửa một nhà hàng mở ra, thoang thoảng mùi gà nướng, khiến dạ dày lão nhói lên thèm muốn. Lão đi tiếp, liếc mắt lơ đễnh nhìn những món trưng bày – nước hoa, cà vạt lụa và áo sơ mi, kim cương, gốm sứ, bàn ghế đồ cổ, sách đóng chỉnh chu. Rồi đến một phòng tranh. Lão vốn thích các phòng tranh. Phòng tranh này chỉ có một bức duy nhất bày phía trước. Lão dừng lại ngắm tranh. Lão thôi ngắm, đi tiếp. Drioli ngẫm nghĩ, ngoái lại; rồi đột nhiên, lão thấy hơi khó ở. Ký ức bị đánh động, lão mang máng nhớ ra một thứ gì đó, ở một nơi nào đó lão đã từng thấy. Lão nhìn lần nữa. Tranh vẽ phong cảnh, bụi cây ngả rạp một phía như thể bị gió dữ quăng quật, bầu trời cuồn cuộn, vặn vẹo bao quanh. Trên khung gắn một tấm bảng nhỏ, ghi chữ: CHAÏM SOUTINE (1894-1943).

Drioli nhìn chằm chằm vào bức tranh, mơ hồ tự hỏi nó có gì mà trông quen quen. Một bức tranh điên rồ, lão nghĩ thầm. Lạ lùng, khùng điên – nhưng ta lại thích…Chaïm Soutine…Soutine…”Lạy Chúa!” lão chợt thốt lên. “Thằng bé Kalmyk ngày nào, chính hắn rồi! Thằng nhóc dân Kalmyk, giờ có tranh ở hàng ngon nhất Paris! Nghĩ mà xem!”

Lão áp gương mặt gần lại ô cửa. Lão vẫn nhớ thằng bé – đúng thế, nhớ khá rõ nữa kìa. Nhưng khi nào ấy nhỉ? Không dễ nhớ ra trọn câu chuyện. Cũng đã lâu quá rồi. Bao lâu nhỉ? Hai mươi – không, cũng phải ba mươi năm kia? Gượm nào. Đúng rồi, là năm trước cuộc chiến, là cuộc chiến đầu tiên, tức 1913. Đúng thế thật. Và tay Soutine này, thằng bé người Kalmyk, mặt mày khó đăm đăm ủ dột mà lão từng mến – gần như là yêu – chẳng vì lý do gì cả, ngoại trừ chuyện nó vẽ rất khá.

Minh họa từ trang này

Mà nó vẽ khá thật! Câu chuyện trở về, rõ ràng hơn – con phố, dãy thùng rác xếp hàng dọc theo, mùi thối rữa, những con mèo nâu uyển chuyển bước đi trên rác rưởi, rồi đám đàn bà, những ả to béo nần nẫn ngồi trên bậc tam cấp, đong đưa chân cẳng trên mặt phố lát sỏi. Con phố nào nhỉ? Thằng bé sống ở đâu nhỉ?

Ngõ cụt Cité Falguière, đúng rồi! Lão gật gù, đắc ý vì nhớ được tên đường. Studio với chiếc ghế tựa đơn độc, rồi cái trường kỷ màu đỏ mà thằng bé vẫn ngủ trên đó; những tiệc tùng say xỉn, vang trắng rẻ tiền, cãi vã sôi máu, và thằng bé, mặt lúc nào cũng đăm đăm cáu kỉnh nghĩ đến tranh pháo.

Thật lạ lùng, Drioli nghĩ, giờ đây chuyện cũ quay về thật dễ dàng, cứ nhớ được một thứ lại nhớ ra một thứ nữa.

Vụ xăm trổ vớ vẩn chẳng hạn. Giờ nghĩ lại, đúng thật là trò điên khùng. Bắt đầu ra sao nhỉ? À, đúng rồi – hôm đó lão vớ bẫm, đúng thế, lão đã mua thật nhiều vang. Lão như thấy lại cảnh mình bước vào studio, tay cắp mớ chai lọ – thằng bé ngồi trước giá vẽ, còn cô vợ (của lão) đứng giữa phòng, làm mẫu chân dung.

“Tối nay ăn mừng,” lão nói. “Ba ta sẽ ăn mừng.”

“Ăn mừng vụ gì vậy?” thằng bé hỏi, vẫn không ngước lên. “Phải ăn mừng chuyện ông vừa quyết định bỏ vợ để cô ấy lấy tôi không?”

“Không,” Drioli nói. “Ăn mừng vì hôm nay tớ kiếm bộn.”

“Còn tôi thì chẳng làm được gì cả. Ăn mừng luôn vụ đó đi.”

“Tùy chú mày.” Drioli đứng cạnh bàn, mở gói bọc rượu. Lão thấy mệt mỏi, chỉ muốn uống. Một ngày chín khách thì tốt rồi, nhưng đến là khổ mắt mũi. Chưa bao giờ lão làm chín khách một ngày. Chín tên lính tráng say xỉn – mà hay ở chỗ là đến bảy tên sẵn tiền trả. Nhưng công việc hại mắt vô cùng. Mắt Drioli khép hờ vì mệt, tròng trắng lia tia những vạch đỏ; cách cầu mắt chừng một inch tụ lại cơn đau nhói. Nhưng đã hết ngày, lão đang rủng rỉnh, trong cái bọc kia là ba chai rượu – một cho cô vợ, một cho người bạn, một cho lão. Lão vừa tìm được cái khui rượu và đang rút nút bần khỏi chai, mỗi lần vậy lại “plop” một tiếng

Thằng bé đặt cọ vẽ xuống. “Lạy Chúa,” nó nói. “Kiểu này thì vẽ vời gì được?”

Cô gái bước lại nhìn tranh. Drioli cũng tiến đến, một tay cầm chai, một tay cầm ly.

“Không!” thằng bé hét lên, tự dưng nóng nảy. “Làm ơn…đừng mà!” Nó giật toan khỏi giá vẽ rồi dựa giá vào tường. Nhưng Drioli đã kịp thấy.

“Tớ thấy hay đấy.”

“Tranh tệ lắm”

“Tranh tuyệt vời. Như những bức khác mà chú mày vẽ, tuyệt lắm. Bức nào tớ cũng thích.”

“Vấn đề là,” thằng bé nói, cau có, “chúng chẳng bổ béo gì cả. Có ăn được tranh đâu.”

“Nhưng vẫn tuyệt mà.” Drioli đưa cho nó một ly đầy thứ vang vàng tái. “Uống đi,” lão nói. “Uống vào vui ngay.”

Xưa giờ lão chưa từng biết ai buồn khổ hơn nó, hoặc gương mặt nào ảm đạm hơn. Lão tình cờ thấy thằng bé trong một nhà hàng bảy tháng trước đó, đang ngồi uống một mình, và vì trông nó giống dân Nga, hay thoang thoáng Á châu, Drioli ngồi lại bàn nó, gợi chuyện.

“Chú mày người Nga à?”

“Vâng.”

“Đâu kia?”

“Minsk”

Drioli khi đó đã nhảy dựng lên mà ôm lấy nó, hét rằng lão cũng sinh ra ở thành phố ấy.

“Thực ra không phải Minsk,” thằng bé nói. “Nhưng khá gần.”

“Đâu kia?”

“Smilovichi, cách chừng mười hai dặm.”

“Smilovichi!” Drioli hét lên, lại ôm lấy nó. “Hồi bé tớ từng đi bộ ra đó vài lần.” Rồi lão ngồi xuống trở lại, trìu mến nhìn gương mặt kẻ đối diện. “Chú mày biết không,” lão nói. “Trông chú mày chẳng giống gì dân Nga miền tây cả. Chú mày trông như dân Tartar, hay Kalmyk. Trông y hệt dân Kalmyk.”

“Họa sĩ trong xưởng” (1663), trah của Adriaen van Ostade (Hà Lan, 1610–1685).

Đêm ấy, đứng trong studio, Drioli lại nhìn thằng bé khi nó đón lấy ly rượu rồi nốc cạn một hơi. Đúng thế, thằng bé có gương mặt như dân Kalmyk – mặt vuông và gò má cao, cánh mũi rộng thô tháp. Hai má trông như càng bạnh hơn với đôi tai nhọn. Thằng bé mắt hí, tóc đen, cặp môi dày của dân Kalmyk, nhưng đôi tay, đôi tay lúc nào cũng khiến lão ngạc nhiên, đôi tay nhỏ bé, trắng như tay tiểu thư, ngón tay mỏng manh tí xíu.

“Rót thêm nào,” nó nói. “Đã ăn mừng thì làm cho ra trò chứ.”

Drioli rót rượu, ngồi xuống ghế. Thằng bé ngồi ở trường kỷ cũ với vợ lão. Ba cái chai đặt trên sàn giữa họ.

“Đêm nay ta uống cho thỏa,” Drioli nói. “Tớ giàu lắm. Tớ đang nghĩ hay có khi đi ra ngoài mua thêm vài chai. Mua bao nhiêu nữa nhỉ?”

“Sáu chai nữa,” thằng bé nói. “Mỗi người hai chai.”

“Được rồi. tớ sẽ đi mua ngay.”

“Để tôi phụ.”

Trong quán café gần nhất Drioli mua sáu chai vang trắng, rồi cả hai mang về studio. Hai người đặt đám chai lọ lên sàn, xếp thành hai hàng, rồi Drioli lấy đồ mở rượu, tháo nút bần, cả sáu chai; rồi họ lại ngồi xuống, tiếp tục uống.

“Chỉ có cái đám giàu sụ mới ăn mừng kiểu này được,” Drioli nói.

“Đúng vậy,” thằng bé đáp. “Chẳng phải vậy sao, hả Josie?”

“Đương nhiên rồi.”

“Chị thấy sao, Josie?”

“Ổn.”

“Chị bỏ Diroli rồi cưới tôi nhé?”

“Không.”

“Rượu tuyệt vời,” Drioli nói. “Dễ gì được uống thứ này.”

Chầm chậm, từ tốn, họ uống cho say. Qui trình đã quen thuộc, dù vậy, vẫn có chút lễ nghi phải giữ, một tí trịnh trọng phải có, và rất nhiều điều phải nói, rồi nói lại – và rượu phải được khen, mà quan trọng là phải thật chậm, để thủng thẳng mà tận hưởng ba giai đoạn ngà ngà ngọt ngào, nhất là (với Drioli) lúc lão thấy mình bồng bềnh, chân cẳng như không còn ở đó nữa. Đó là lúc tuyệt nhất – khi lão nhìn xuống chân và chúng như thật xa, đến nỗi lão tự hỏi chẳng biết đó là chân của thằng điên nào đang nằm chỏng chơ xa xa trên sàn.

Một lúc sau, lão đứng dậy bật đèn. Lão thấy ngạc nhiên khi cặp chân theo mình, nhất là khi lão đã mất cảm giác chúng chạm đất. Lão thấy khoan khoái, như đi trên không khí. Rồi lão đi vòng quanh phòng, len lén đưa mắt liếc về mớ toan tựa vào tường.

“Này,” cuối cùng lão lên tiếng. “tớ có ý này.” Lão đi ngang, đứng ngay trước trường kỷ, người khẽ đong đưa. “Nghe này chú em Kalmyk,”

“Gì?”

“Tớ có một ý hay cực. Chú mày nghe không?”

“Tôi đang nghe Josie.”

“Làm ơn nghe tớ nói. Chú mày là bạn của tớ – nhóc Kalmyk xấu xí từ Minsk- nhưng với tớ chú mày đúng là một họa sĩ tài năng, nên tớ muốn có một bức, một bức thật đẹp…”

“Cho ông tất. Cứ muốn gì thì lấy tuốt, nhưng đừng cắt ngang khi tôi đang nói chuyện với vợ ông.”

“Không, không. Nghe này. Ý tớ là một bức tranh để lúc nào tớ cũng mang theo được… mãi mãi… đi đâu cũng mang… bất kể gì gì… lúc nào cũng ở bên tớ… tranh của chú mày vẽ.” Lão với tay lắc đầu gối thằng bé. “Chú mày nghe tớ nói đây.”

“Nghe ông ấy nói đi,” cô gái lên tiếng.

“Là thế này. Tớ muốn chú mày vẽ một bức lên da tớ, ở sau lưng. Rồi tớ muốn chú mày xăm lên tranh, để giữ nó mãi đấy.”

“Ông toàn nghĩ chuyện điên rồ.”

“Tớ sẽ dạy chú mày xăm. Dễ mà. Trẻ con làm cũng được.”

“Tôi không phải trẻ con.”

“Đi mà…”

“Ông điên thật. Thế ông muốn gì?” Tay họa sĩ nhìn vào đôi mắt màu tối, sóng sánh rượu, chậm chạp của lão. “Thực ra ông muốn cái quái gì?”

“Chú mày làm dễ như bỡn! Chú mày làm được! Thật đấy”

“Ý ông là xăm lên tranh?”

“Ừ, xăm! Tớ sẽ dạy chú mày chỉ trong vòng hai phút!”

“Không thể nào!”

“Thế chú mày tưởng tớ chẳng biết gì sao?”

Không, thằng bé không thể có ý đấy vì còn ai giỏi món xăm trổ hơn Driol. Chẳng phải chính lão, chỉ tháng trước, đã phủ hết bụng của gã nọ với một mô típ tuyệt vời, tinh tế, toàn hoa là hoa? Còn vị khách ngực đầy lông mà lão đã làm một bức tranh vẽ con gấu xù xì, khéo đến nỗi mớ lông ngực thành lớp lông gấu rậm rạp? Chẳng phải chính lão đã vẽ bức chân dung tả thực của một người đẹp, thật khéo trên cánh tay đàn ông để khi cơ tay co duỗi, người đẹp sống lại, uốn éo kinh ngạc?

“Ý tôi là,” thằng bé nói, “ông đang say, đấy là rượu nói.”

“Ta có thể lấy Josie làm mẫu. Chân dung Josie trên lưng tớ. Chẳng nhẽ tớ lại không có quyền có một bức chân dung vợ trên lưng?”

“Chân dung Josie?”

“Đúng thế.” Drioli biết rằng lão chỉ cần nhắc đến cô vợ thì cặp môi dày nâu của thằng bé đã mềm ra, bắt đầu run rẩy.

“Không,” cô gái nói.

“Josie yêu quý, làm ơn mà. Uống hết chai này đi, rồi cưng sẽ thấy rộng rãi hơn. Ý này quá tuyệt. Cả đời tớ chưa từng có ý hay thế.”

“Ý gì kia?”

“Rằng chú em đây sẽ vẽ chân dung cưng trên lưng tớ. Chẳng lẽ tớ không có quyền ấy?”

“Chân dung tôi?”

“Nuy,” thằng bé nói. “Ý hay đấy.”

“Không nuy,” cô gái nói.

“Một ý tưởng vĩ đại,” Drioli nói.

“Một ý tưởng rồ dại,” cô gái tiếp.

“Đằng nào cũng là một ý tưởng,” thằng bé nói. “Phải ăn mừng đã.”

“Họa sĩ vô danh”, tranh từ trang này 

Họ uống cạn một chai nữa. Rồi thằng bé lên tiếng, “Không được. Tôi không xăm được. Tôi chỉ vẽ lên lưng ông, rồi miễn ông đừng tắm rửa gì thì vẫn giữ được tranh. Nếu cả đời ông đừng tắm gội, thì tranh còn y đó, người sống tranh còn.”

“Không,” Drioli nói.

“Thế thôi – đến một ngày ông muốn đi tắm tôi sẽ biết rằng ông không quý tranh tôi nữa. Để xem ông quý tranh tôi ra sao.”

“Tôi không thích vụ này,” cô gái nói. “Ông ấy thích tranh của cậu lắm, dễ mà để người ngợm cáu bẩn nhiều năm. Cứ xăm thôi. Nhưng không nuy.”

“Vậy chỉ cần vẽ đầu thôi,” Drioli nói.

“Tôi không làm được.”

“Dễ cực kỳ. Tới sẽ dạy chú mày trong hai phút. Rồi chú mày sẽ thấy. Giờ tớ đi lấy đồ nghề. Kim xăm và mực. Tớ có mực đủ màu – như màu vẽ của chú mày, mà còn đẹp hơn nữa…”

“Không thể được.”

“Tớ có nhiều mực lắm. Có đúng thế không hả Josie?”

“Đúng vậy.”

“Rồi chú mày sẽ thấy,” Drioli nói. “Để tớ đi lấy.” Lão đứng lên khỏi ghế, bước loạng choạng, nhưng dứt dạc, ra khỏi phòng.

Nửa tiếng sau Drioli quay lại. “Tớ mang hết vào đây,” lão hét lên, tay vung vẩy cái vali màu nâu. “Trong này có đủ đồ nghề của dân xăm.”

Lão đặt cái túi lên bàn, mở túi, bày ra những chiếc kim điện và đám lọ mực nhỏ đủ màu. Lão cắm kim, rồi cầm lên tay, vặn công tắc. Kim phát ra tiếng kêu vo vo, mũi kim chừng nửa phân bắt đầu rung, chạy lên xuống. Lão cởi phăng áo khoác, rồi kéo tay áo trái lên. “Xem đây. Nhìn tớ, tớ sẽ cho chú mày thấy xăm dễ như thế nào. Tớ sẽ làm một mẫu lên cánh tay, ngay đây.”

Cánh tay lão gần như chi chít vết xăm xanh, nhưng lão chọn được một mảng nho nhỏ còn trống để làm mẫu.

“Đầu tiên, tớ chọn mực – cứ dùng màu xanh dương bình thường – rồi tớ nhúng đầu kim vào mực… như thế này… rồi cầm kim thẳng lên, chạy lên mặt da… như thế này… nhờ có động cơ và luồng điện, kim nhảy lên xuống, đâm xuyên xa, mực chảy vào, thế là xong. Thấy dễ không… thấy tớ vẽ chó săn lên tay này…”

Thằng bé tò mò. “Giờ để tôi thử một tí – trên tay ông.”

Với đầu kim vo vo, nó bắt đầu vẽ những đường xanh lên cánh tay Drioli. “Cũng dễ,” nó nói. “Giống như vẽ bằng bút và mực. Chẳng khác gì cả, trừ chuyện chậm hơn rất nhiều.”

“Dễ như bỡn. Chú mày sẵn sàng chưa? Bắt đầu nhé?”

“Làm luôn đi.”

“Người mẫu!” Drioli hét lên. “Lại đây Josie!” Lão đang hứng chí, chạy lóc cóc quanh phòng sắp xếp mọi thứ, như một đứa trẻ đang chuẩn bị vào cuộc chơi. “Chú mày muốn mẫu đứng đâu? Đứng đâu thì được?”

“Để cô ấy đứng đằng kia, cạnh bàn phấn. Để cô ấy đứng chải đầu. Tôi sẽ vẽ cô ấy đứng chải đầu, tóc xõa qua vai.”

“Tuyệt vời. Chú mày đúng là thiên tài.”

Lưỡng lự, cô gái tiến đến đứng cạnh bàn phấn, tay vẫn cầm theo ly rượu.

*

(Còn tiếp)

 

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Như Huy trả lời D.Q

Như Huy từ Ga 0

Bài đã đăng

» Xem tiếp...

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả