|
|
|
|||||||||||||
Văn & ChữDA (phần 2) 08. 07. 16 - 5:25 amTruyện ngắn của Roald Dahl – Hồ Như Mai dịch(Tiếp theo phần 1) Drioli cởi áo sơ mi, rồi tụt quần tây. Lão chỉ còn độc quần lót, tất và giày, rồi lão đứng đó, người đung đưa, thân hình nhỏ mà rắn rỏi, da trắng, gần như không lông lá gì. “Rồi,” lão nói. “tớ là toan. Chú mày muốn căng toan lên đâu?” “Như mọi khi, trên giá vẽ.” “Đừng có mà điên. Tớ là toan kia mà.” “Vậy thì treo người lên giá vẽ. Thế mới đúng chứ.” “Treo quái gì được?” “Vậy ông là toan hay ông không phải là toan?” “Tớ là toan. Chưa gì tớ đã có cảm giác như toan rồi.” “Vậy thì treo lên giá vẽ đi. Khó gì.” “Thực tình, không thể được.” “Vậy ngồi lên ghế. Quay lưng lại, ngả đầu say qua lưng ghế. Mau lên, tôi sắp vẽ đây.” “Tớ xong rồi. Tớ đợi đây.” “Đầu tiên,” thằng bé nói. “Tôi sẽ vẽ tranh bình thường. Rồi, nếu ưng ý, tôi sẽ xăm chồng lên tranh.” Quét một nhát cọ rộng, nó bắt đầu vẽ lên tấm lưng trần của lão. “Chà chà” Drioli hét lên. “Như có rắn rết đang bò trên sống lưng.” “Ngồi yên nào! Yên nào” Thằng bé vẽ nhanh tay, chỉ quét một lớp màu xanh mỏng, để không ảnh hưởng nhiều đến mực xăm. Một khi đã bắt đầu vẽ, nó tập trung ghê gớm, át cả say rượu. Nó đi cọ bằng cánh tay vung nhanh, dứt khoác, cổ tay giữ chắc, chỉ chưa đầy nửa tiếng đồng hồ, nó đã vẽ xong. “Được rồi. Xong rồi đấy,” nó báo cô gái, cô nàng ngay lập tức trở về chiếc trường kỷ, nằm xuống, ngủ thiếp đi. Drioli vẫn còn tỉnh táo. Lão ngắm thằng bé cầm kim xăm, nhúng vào mực: rồi lão có cảm giác châm chích nhoi nhói khi đầu kim chạm da lưng. Cái đau ấy, mặc dù khó chịu nhưng không đến nỗi buốt, khiến lão không ngủ gục. Dõi theo đường đi của kim xăm, và ngắm những màu mực mà thằng bé chọn, Drioli mường tượng những gì đang diễn ra sau lưng mình. Thằng bé làm việc cực kỳ tập trung. Dường như nó bị hút hoàn toàn vào chiếc máy xăm và những tác dụng lạ thường của máy. Đến tờ mờ sáng máy vẫn vo vo, thằng bé vẫn miệt mài làm việc. Drioli còn nhớ khi tay họa sĩ đứng lùi ra, tuyên bố, “Xong rồi,” thì bên ngoài trời hửng sáng, có tiếng người đi lại dưới phố. “Tớ muốn xem”, Drioli nói. Thằng bé cầm gương soi, lệch sang một góc và Drioli ngoái cổ nhìn. “Lạy Chúa!” lão thốt lên. Một cảnh tượng kinh ngạc. Nguyên tấm lưng lão, từ bả vai đến gốc xương sốc ngập màu sắc – vàng óng, xanh lục, xanh dương, đen và đỏ thắm. Mực xăm đậm đến độ trông như tranh vẽ đắp. Thằng bé đã theo sát những đường cọ vẽ ban đầu, tô kín mực, khôn khéo tận dụng xương sống và chỗ hai bả vai gồ ra vào bố cục tranh. Chưa hết, bằng cách nào đó, nó còn thể hiện được – ngay cả với cái qui trình chậm ấy – một sự ngẫu hứng nhất định. Bức chân dung khá sống động; nó có cái chất vặn vẹo, đau đớn điển hình trong tác phẩm của Soutine. Không giống thật. Vẽ tâm trạng, hơn là tả thực, gương mặt người mẫu mơ hồ, ngà say, phông nền cuồn cuộn quanh đầu nàng trong lớp lớp những nhát cọ gợn sóng màu xanh sẫm. “Thật tuyệt vời!” “Tôi cũng ưng ý lắm.” Thằng bé đứng lùi lại, nhìn kỹ dò xét. “Ông biết không,” nó tiếp, “Tôi nghĩ bức này đủ đạt để ký một chữ.” Rồi nó cầm máy lên, khắc tên mình bằng mực đỏ vào bên phải, ngay trên vị trí quả thận của Drioli. Lão Drioli đứng như mất hồn, nhìn bức tranh bày trong ô cửa nhà buôn. Chuyện đã lâu lắm rồi, cứ như từ kiếp trước. Còn thằng bé? Nó ra sao rồi? Lão nhớ lại lúc trở về sau cuộc chiến – cuộc chiến đầu tiên – lão nhớ đến thằng bé, đã hỏi Josie về nó. “Chú em Kalmyk của tớ đâu rồi?” “Cậu ấy đi rồi,” cô vợ trả lời. “Tôi không biết đi đâu, nhưng nghe nói là có nhà buôn nhận nó, gởi về Céret để tiếp tục vẽ.” “Biết đâu nó sẽ quay về.” “Biết đâu đấy. Ai mà biết được?” Đó là lần cuối cùng họ nhắc đến nó. Chẳng lâu sau, hai người dọn đến Le Havre, nơi có nhiều thủy thủ, kiếm ăn khá hơn. Lão mỉm cười nhớ lại Le Havre. Những năm tháng xông xênh, giữa hai cuộc chiến, cửa hàng nhỏ gần bến cảng, phòng ốc tiện nghi, lúc nào cũng có việc, mỗi ngày có ba, bốn, năm tay thủy thủ vào, muốn có hình xăm trên cánh tay. Đúng là những năm dễ chịu. Rồi đến cuộc chiến thứ hai, Josie bị giết chết, và bọn Đức đổ vào, công việc đi tong. Không ai còn muốn vẽ vời xăm trổ gì nữa. Đến lúc đó, lão cũng quá già, không thể làm gì khác. Trong vô vọng, lão mò về Paris, mơ hồ hi vọng rằng ở thành phố lớn sẽ dễ xoay sở hơn. Nhưng sự thật thì ngược lại. Giờ đây, chiến tranh đã chấm dứt, lão không còn tiền mà cũng không còn sức để gầy dựng lại cái cơ nghiệp nhỏ ấy. Lão chẳng biết phải làm gì, nhất là khi không muốn ngửa tay xin xỏ. Nhưng còn cách nào khác để kiếm ăn? Vậy đấy, lão nghĩ thầm, mắt vẫn dán vào bức tranh. Chú em Kalmyk ngày nào, ra là thế. Chỉ có mỗi bức tranh mà mau chóng đánh động bao ký ức. Chỉ vài giây lát trước lão còn quên mất mình có hình xăm trên lưng. Đã lâu lắm rồi lão không nghĩ đến nó nữa. Lão áp mặt sát ô cửa, nhìn vào phòng tranh. Trên tường lão thấy có nhiều bức khác, dường như đều cùng một tác giả. Có khá nhiều người thư thả đi lại. Rõ là một cuộc triển lãm đặc biệt. Tự dưng, Drioli quay người, đẩy cánh cửa phòng tranh, bước vào trong. Một gian phòng dài, trải thảm sàn dày màu rượu chát, lạy Chúa, thật đẹp đẽ và ấm áp làm sao! Trong phòng có người ta thư thả đi lại, toàn những người đáng kính, sạch sẽ, mỗi người cầm trong tay một tập catalogue. Drioli đứng cạnh cửa, hồi hộp nhìn quanh, tự hỏi liệu lão có dám đi tới mà hòa vào đám đông ấy không. Nhưng trước khi kịp lấy can đảm, lão đã nghe có giọng nói cạnh mình, “Ông muốn gì?” Kẻ vừa lên tiếng mặc áo choàng đen. Hắn ta mập mạp, thấp người, mặt trắng bệch. Một gương mặt béo phị, nhung nhúc thịt, đến nỗi cặp má lủng lẳng hai bên thành hai lát thịt, kiểu cặp tai chó Tây Ban Nha. Hắn tiến lại gần Drioli, lặp lại. “Ông muốn gì?” Drioli đứng sững. “Phiền ông,” hắn ta tiếp, “đi ra khỏi phòng tranh của tôi ngay” “Thế tôi không được phép xem tranh sao?” “Tôi đã bảo ông phải đi ra rồi kia mà.” Drioli đứng yên tại chỗ. Tự dưng lão thấy tức giận khôn cùng. “Đừng gây chuyện nữa,” hắn ta nói. “Đi nào, lối này.” Hắn đặt bộ vó mập mạp trắng trẻo lên cánh tay Drioli rồi đẩy mạnh lão ra phía cửa. Giọt nước tràn ly. “Buông ra!“ Drioli hét lên. Giọng lão vang khắp phòng tranh dài, hết thảy đầu người giật lên, quay lại – những gương mặt thất thần nhìn dọc theo phòng, đến con người vừa phát ra tiếng động đó. Một đứa tôi tớ vội chạy lại đỡ cho chủ, hai người đàn ông cố xua Drioli ra khỏi cửa. Đám đông đứng im, quan sát cuộc đôi co. Gương mặt họ chỉ thoáng bận tâm, dường như tất cả đều có ý nói. “Ổn cả. Không hại gì đến chúng ta. Đã có người liệu rồi.” “Tôi cũng có tranh đấy,” Drioli hét lên. “Tôi cũng có tranh của họa sĩ này! Anh ta là bạn tôi, tôi có tranh được anh ta tặng” “Lão điên rồi.” “Một kẻ động rồ. Điên khùng vô lối.” “Gọi cảnh sát đi chứ.” Xoay người thật nhanh, Drioli đột ngột vùng khỏi hai người đàn ông, rồi trước khi người ta kịp cản, lão chạy dọc theo phòng tranh, vừa chạy vừa hét, “Để tôi cho các người xem! Đợi đấy! Đợi đấy!” Lão cởi tung áo khoác ngoài, đến áo vét và áo sơ mi, rồi lão quay người lại, đưa lưng về đám đông. “Đấy!” lão hét lên, thở hổn hển. “Các người thấy chưa? Tranh đấy!” Căn phòng đột ngột im bặt, người ta sửng sốt, đứng im, kinh ngạc, hoảng hốt xen lẫn khó chịu. Họ nhìn chằm chằm vào hình xăm. Vẫn còn đó, màu sắc vẫn tươi, nhưng tấm lưng lão giờ đã gầy hơn, xương bả vai nhô ra nhiều hơn, tạo cảm giác, mặc dù không quá mạnh, rằng bức tranh có vẻ gì đó nhăn nheo, méo mó lạ kỳ. Có người nói, “Lạy Chúa, mà đúng thế thật.” Rồi người ta xôn xao, hào hứng tiến lại đứng quanh lão. “Không thể nhầm lẫn được” “Phong cách thời đầu của ông ấy, phải không nhỉ?” “Tuyệt vời, thật tuyệt!” “Nhìn kìa, có cả chữ ký nữa!” “Cúi vai về trước đi ông bạn, để tranh trải hết ra.” “Này ông lão, thế vẽ khi nào đấy?” “Năm 1913,” Drioli nói, không quay lại. “Mùa thu năm 1913.” “Ai dạy cho Soutine xăm thế?” “Tôi dạy cậu ấy.” “Còn người đàn bà là ai?” “Là vợ tôi.” Tay chủ phòng tranh chen qua đám đông về phía Drioli. Hắn ta đã bình tĩnh lại, mặt mày vô cùng nghiêm trọng, miệng làm động tác mỉm cười. “Thưa ông,” hắn ta nói. “tôi sẽ mua nó.” Drioli thấy lớp mỡ chảy xệ rung rinh trên mặt hắn khi hắn động đậy hàm. “Tôi đã nói là sẽ mua, thưa ông.” “Ông làm sao mua?” Drioli khẽ hỏi. “Tôi sẽ trả ông hai trăm ngàn quan.” Cặp mắt của tay buôn tranh ti hí, tối sẫm, hai cánh mũi bè bắt đầu phập phồng. “Đừng bán!” có người lẩm bẩm trong đám đông. “Phải đến gấp hai mươi lần thế chứ.” Drioli mở miệng toan nói. Nhưng không ra được lời nào, lão ngập miệng lại; rồi lại mở miệng, chậm rãi nói, “Nhưng làm sao tôi bán được?” Lão đưa hai bàn tay lên, rồi thả xuống hai bên. “Thưa ông, làm sao tôi bán nó được?” Bao buồn khổ ở thế gian chất chứa trong giọng lão. “Đúng thế!” đám đông xôn xao. “Ông ấy bán kiểu gì? Bức tranh là một phần cơ thể ông ấy kia mà” “Nghe đây,” tay buôn tranh nói, tiến đến gần. “Tôi sẽ giúp ông. Tôi sẽ khiến ông giàu có. Ta sẽ cùng nhau bàn riêng về bức tranh này, được không?” Drioli quan sát hắn ta với cặp mắt sợ sệt, chậm chạp. “Nhưng mua bán thế nào được, thưa ông? Ông sẽ làm gì với nó khi đã mua? Ông sẽ để nó ở đâu? Tối nay ông để tranh ở đâu? Ngày mai ở đâu?” “À, sẽ để ở đâu ư? Ừ, sẽ để đâu nhỉ? Nghĩ xem, tôi để nó đâu bây giờ? Ừ thì…”Tay buôn tranh vuốt sống mũi bằng ngón tay trắng bệch bè bè. “Có vẻ như,” hắn nói, “nếu mua tranh, tôi phải nhận cả ông. Bất lợi ở chỗ đấy.” Hắn dừng lại, rồi lại vuốt mũi. “Cho đến khi ông chết thì bức tranh chẳng có giá trị gì. Thế ông bao nhiêu tuổi rồi, hở ông bạn?” “Sáu mươi mốt.” “Nhưng có vẻ cũng không cường tráng mấy, nhỉ?” Tay nhà buôn hạ bàn tay xuống khỏi mũi, nhìn Drioli từ đầu đến chân, chậm rãi, như nông dân xem ngựa già. “Tôi không thích vụ này,” Drioli nói, lách người tránh ra xa. “Thực lòng thưa ông, tôi không ưa tí nào cả.” Lão lách ra, bước thẳng vào vòng tay của một người đàn ông cao lớn, vừa vươn đôi tay ra, nhẹ nhàng đặt lên vai lão. Drioli nhìn quanh, xin lỗi. Người đàn ông mỉm cười nhìn lão, nhẹ nhàng vỗ tay lên cặp vai trần của lão già, bàn tay đeo găng màu vàng nhạt. “Nghe này, ông bạn,” kẻ lạ mặt lên tiếng, vẫn mỉm cười. “Ông có thích bơi lội và tắm nắng không?” Drioli nhìn lên, hơi hoảng. “Ông có thích thức ăn ngon và vang đỏ từ những lâu đài lớn nhất ở Bordeaux không?” Người đàn ông vẫn đang mỉm cười, để lộ hàm răng trắng khỏe, có lóe ánh vàng chen giữa. Ông ta ăn nói vỗ về, nhẹ nhàng, bàn tay đeo găng vẫn đặt trên vai Drioli. “Ông có thích những thứ đấy không?” “Vâng…có chứ,” Drioli trả lời, vẫn vô cùng bối rồi. “Đương nhiên rồi.” “Rồi người đẹp bầu bạn?” “Tại sao không?” “Rồi một tủ đầy complet và sơ mi may đo riêng? Dường như ông đang thiếu quần áo” Drioli quan sát con người khéo nói ấy, đợi ông ta nói cho hết lời. “Đã bao giờ ông mang giày đóng riêng cho mình chưa?” “Chưa.” “Ông có muốn thế không?” “À thì….” “Rồi có kẻ sáng ra cạo râu, tỉa tóc cho?” Drioli chỉ biết đứng đó mà há hốc. “Rồi một cô mũm mĩm xinh xắn tỉa móng tay cho?” Có người trong đám đông bật cười khúc khích. “Rồi một chiếc chuông cạnh giường để gọi hầu gái mang điểm tâm mỗi sáng? Ông có thích những thứ đấy không, hả ông bạn? Nghe có hấp dẫn không?” Drioli đứng im, nhìn ông ta. “Ông hiểu cho, tôi là chủ khách sạn Bristol ở Cannes. Bây giờ tôi mời ông xuống đấy, làm khách của tôi, sống tiện nghi thoải mái đến trọn đời.” Người đàn ông dừng lại, để người nghe có thời gian mà nhâm nhi viễn cảnh sung sướng đó. “Nhiệm vụ duy nhất của ông – hay đúng ra là khoái lạc – là mặc quần bơi nằm trên bãi biển, đi lại giữa khách khứa, tắm nắng, bơi lội, uống cocktail. Ông có thích thế không?” Không có câu trả lời. “Ông không thấy sao – nếu thế, hết thảy khách khứa sẽ có dịp ngắm bức tranh thú vị này của Soutine. Ông sẽ nổi tiếng, người ta sẽ nói, “Nhìn kìa, đấy là tay có mười triệu quan trên lưng.” Ông thích ý tưởng này không, thưa ông? Nghe có hay không?” Drioli ngước lên nhìn người đàn ông cao lớn đeo găng vàng nhạt, vẫn tự hỏi liệu đây có phải là một trò đùa chăng. “Một ý tưởng hài hước,” lão chậm rãi nói. “Nhưng ông nghiêm túc đấy chứ?” “Đương nhiên rồi.” “Gượm đã,” tay buôn tranh chen ngang. “Nghe đây, ông lão. Một giải pháp cho vấn đề của hai ta. Tôi sẽ mua tranh, rồi tôi sẽ sắp xếp với một bác sĩ phẫu thuật để lột lớp da lưng của ông, để ông sau đó thoải mải đi tiêu món tiền tôi trả.” “Mà không có da lưng?” “Không, không phải thế! Ông hiểu lầm rồi. Vị bác sĩ này sẽ ghép da mới cho ông. Đơn giản thế thôi.” “Làm thế được à?” “Dễ như bỡn.” “Không thể nào!”, người đàn ông đeo găng vàng nhạt lên tiếng. “Ông ấy quá lớn tuổi, không thể chịu được đại phẫu ghép da kiểu đó. Nó sẽ giết ông ấy mất. Ông sẽ chết mất, ông bạn à.” “Làm vậy sẽ giết tôi sao?” “Đương nhiên rồi. Ông sẽ không thể nào sống nổi. Chỉ có cứu được bức tranh thôi.” “Lạy Chúa tôi!” Drioli hét lên. Lão thất kinh hồn vía, nhìn quanh những người đang quan sát mình, rồi trong sự im lặng theo sau đó, một giọng khác, khẽ cất lên từ phía sau, nghe khá rõ, “Biết đâu, nếu có người trả đủ tiền, lão ta sẽ đồng ý tự giết mình ngay tắp lự. Ai mà biết được?” Vài người bật cười hinh hích. Tay buôn tranh bối rối di di bàn chân trên thảm. Rồi bàn tay đeo găng vàng nhạt lại vỗ lên vai Drioli. “Thôi nào,” người đàn ông nói tiếp, miệng mỉm cười, nụ cười rộng rãi trắng sáng. “Hai ta đi ăn một bữa ra trò, vừa ăn vừa bàn tiếp. Được không? Ông có đói không?” Drioli nhìn ông ta, nhướng mày. Lão không ưa cái cần cổ dài dẻo của người này, cả cái kiểu ông ta vươn cổ ra về phía lão mỗi khi nói, như rắn. “Vịt quay và vang Chambertin,” ông ta nói. Ông ta nhấn giọng đậm đà, ngầy ngậy lên những tiếng đó, lưỡi như bắn từng tiếng về phía lão. “Rồi có lẽ tráng miệng bằng soufflé hạt dẻ, vừa thanh vừa ngậy bọt kem.” Cặp mắt Drioli nhìn lên trần nhà, đôi môi lão mềm ra, ướt át. Lão già tội nghiệp rõ là bắt đầu nhỏ cả dãi. “Ông thích ăn món vịt ra sao?” người đàn ông tiếp. “Ông thích rán nâu, giòn da, hay là…” “Tôi đi với,” Drioli nhanh miệng. Lão đã kịp nhặt áo sơ mi, cuốn cuồn tròng qua đầu. “Đợi tôi với, ông ơi. Tôi sẽ đi.” Rồi chỉ trong vòng một phút lão đã biến mất khỏi phòng tranh với người bảo trợ mới. Chưa đầy vài tuần sau, một bức tranh của Soutine, vẽ đầu một người đàn bà, theo phong cách khác thường, lên khung tươm tất đánh vani sáng bóng, được đem ra bán ở Buenos Aires. Việc đấy cùng với chuyện ở Cannes không có khách sạn nào tên là Bristol, khiến người ta thoáng bâng khuâng, và thầm cầu nguyện cho ông lão nọ, tha thiết mong rằng giờ đây, dù ở bất kỳ nơi đâu, sẽ có một cô mũm mĩm xinh xắn tỉa móng tay cho lão, và một người hầu gái mang điểm tâm vào giường lão mỗi buổi sáng.
Ý kiến - Thảo luận
22:59
Friday,8.7.2016
Đăng bởi:
PHAM QUÔC TRUNG
22:59
Friday,8.7.2016
Đăng bởi:
PHAM QUÔC TRUNG
Truyện hay thật.
Cái kết rất bất ngờ (nhưng không bất ngờ với phim Holywood). Mảng bài Văn học và kiến trúc của Soi nhiều bài thông tin ngắn gọn mà hay. Cảm ơn nhiều nhiều Bài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|
Cái kết rất bất ngờ (nhưng không bất ngờ với phim Holywood).
Mảng bài Văn học và kiến trúc của Soi nhiều bài thông tin ngắn gọn mà hay.
Cảm ơn nhiều nhiều
...xem tiếp