Thiết kế

Nước ta tham gia triển lãm thế giới từ khi nào (bài 1): khi Đông Dương xuất dương 11. 07. 16 - 11:29 am

Nguyễn Trương Quý biên soạn

Triển lãm quốc tế 1937 tại Paris không phải là lần đầu xứ Đông Dương (trong đó có Việt Nam) tham gia các triển lãm ở Tây (mà lúc đó gọi là Đấu xảo). Trong loạt bài này, xin điểm mặt một số triển lãm có sự tham gia của người Việt thời thuộc địa. Có thể thấy, đây chính là một cách diễn giải hình ảnh Việt Nam dưới lăng kính của người Pháp thực dân, ít nhiều đã làm nên những định nghĩa khuôn mẫu về đất nước và con người chúng ta suốt cả thế kỷ qua.

*

Kể từ Triển lãm thế giới đầu tiên năm 1851 tại London, triển lãm của các nước đế quốc đều khuếch trương các thành tựu thực dân của mình. Nhưng vì sao các triển lãm thuộc địa lại có vai trò quan trọng đối với phương Tây nói chung và Pháp nói riêng?

Sau thất bại của cuộc chiến tranh Pháp-Phổ 1871, chính quyền Pháp (nền Cộng hòa thứ Ba) tiến hành các phương thức truyền thông đến đại chúng, nhằm ủng hộ cho việc duy trì một đế quốc có mặt rộng khắp ở hải ngoại cũng như lấy lại vị thế của mình trên toàn cầu. Sự cạnh tranh về tầm vóc đế quốc thông qua sự chinh phục thuộc địa mang ý nghĩa nhiều mặt từ chính trị, quân sự (vũ khí), vận tải (hàng hải), văn hóa (khả năng khai hóa văn minh), để chứng minh năng lực vượt trội của quốc gia mình.

Triển lãm Paris 1867 là lần đầu tiên giới hiệu một số lượng các tác phẩm điêu khắc nghệ thuật Khmer sau khi người Pháp khám phá ra Angkor năm 1860. Tiếp đó, triển lãm Paris 1878 đã dựng một ngôi nhà cùng tổ chức mô hình sinh hoạt của một gia đình xứ Đông Dương và một nhóm tượng ở đền Angkor (ảnh).

 

Việc khai trương Bảo tàng Đông Dương ở khu Trocadéro (Musée indochinois du Trocadéro) đã đánh dấu việc mở đầu sự quảng bá về thuộc địa miền Viễn Đông của Pháp. Hình từ triển lãm 1878.

Pháp đã sử dụng Triển lãm thế giới 1889 cũng như các cuộc đấu xảo thuộc địa nhằm giáo dục dân chúng Pháp về nguồn lợi kinh tế thu hoạch được từ thuộc địa, nhưng cũng nhằm tạo ra phương tiện giải trí cho họ khi vô thức tiếp nhận ý niệm về nước Đại Pháp. Các triển lãm thuộc địa thường có “triển lãm” các nhóm người bản xứ để người tham quan thu nhận kiến thức về đời sống các xứ xa xôi thuộc Pháp. Mặc dù vậy, các triển lãm cũng tạo ra một huyễn tưởng về sức mạnh thực dân, cho đến khi công chúng Pháp biết rõ hơn về đời sống thực tế thuộc địa sau này.

Paris 1889

Triển lãm thế giới 1889 vừa nhằm dịp kỷ niệm 100 năm Cách mạng Pháp, nêu cao các giá trị “Tự do- Bình đẳng-Bác ái”, vừa tranh thủ “tiếp thị” các vùng thuộc địa vừa mới bình định như Bắc Kỳ cũng như đã ổn định như Nam Kỳ hoặc Cao Miên. Lúc này Lào chưa nhập vào xứ Đông Pháp. Các nhà tổ chức đã dùng những cách diễn giải của ngành Đông phương học dưới nhãn quan thực dân khi đó trong khu triển lãm Đông Dương.

Khu nhà An Nam tại triển lãm Đông Dương, Triển lãm Thế giới năm 1889 tại Paris. Đây cũng là dịp khánh thành tháp Eiffel, kỷ niệm 100 năm Cách mạng Pháp.

Bên trong tòa nhà là 19 nghệ nhân An Nam được đưa sang Paris phục vụ cho việc trang trí theo các nguyên mẫu bản xứ. Một bản Thông cáo về quá trình thực hiện đã củng cố định kiến về sự ưu việt chủng tộc cho dù khen ngợi: “Trí tưởng tượng của họ, sự chắc chắn của những đôi bàn tay, và khả năng làm việc nhanh chóng của họ thực đáng ngạc nhiên”. Trước đấy thì người ta cho rằng chỉ người phương Tây mới có khả năng làm ra sản phẩm chất lượng đúng tiến độ. Mặc dù người phụ trách chuyến thăm của Đoàn hát An Nam tới Paris thành kiến về các diễn viên rằng “Người An Nam quá lười” thì một bài báo khác lại nhận xét rằng “Những người lao động dũng cảm này có một đạo đức công việc khiêm nhường, chuẩn xác và cần cù, không làm người công nhân Pháp phải bẽ mặt, mà còn thu hút được sự ngưỡng mộ của công chúng Pháp”. 

Khu nhà Nam Kỳ, có vẻ giống những kiến trúc của người Hoa ở Chợ Lớn. Gian Nam Kỳ không phục dựng lại nguyên một tòa nhà nào bản xứ mà sử dụng một sự pha trộn của nhiều phong cách kiến trúc bản địa. Các ngôi chùa và nhà cổ là nguồn ý tưởng chính.

Bên cạnh gian Nam Kỳ là mô hình một ngọn tháp đền Angkor Wat đại diện cho Cao Miên, được đánh giá là “thú vị nhất trong số các mô hình làng quê xa lạ”. Những hình tượng hấp dẫn của thuộc địa cũng đặt ra câu hỏi liệu có tồn tại một xã hội phi Tây phương có khả năng xây dựng một nền “văn minh” không như thuyết xã hội của Darwin vốn ngự trị trong thời bành trướng thuộc địa.
Bên cạnh gian Cao Miên là nhà hát An Nam, có sức chứa năm trăm chỗ. Mỗi ngày có vài suất diễn với một gánh hát được đưa từ An Nam sang, trình diễn các tiết mục cổ truyền. Để giúp khán giả hiểu nội dung các vở diễn, nhà tổ chức bán các tờ lời ca kịch bằng tiếng Pháp. Mặc dù mọi vai diễn là nam giới, nhưng người ta cũng bố trí hai mươi vũ nữ Bắc Kỳ trong đoàn. Vào ban đêm, nhờ có ánh điện, nhà hát đã có một “hiệu ứng ma quái trong đám đông, và tạo nên thành công rực rỡ”.

Một gánh hát bội của người Việt tại Triển lãm Thế giới Paris 1889.

Tại triển lãm này cũng “trình diễn” hơn 400 người bản xứ ở các thuộc địa, là các hoạt động trưng bày người bản xứ như tổ chức các “Làng Da đen” cho người da trắng đi ngó nghiêng xung quanh, mà truyền thông thực dân gọi bằng cái tên là “vườn thú người” (human zoo) hoặc hàn lâm hơn, “triển lãm dân tộc học”.

Về cuộc “Đấu xảo” này, một người Việt đã ghi chép lại chi tiết trong một tác phẩm thơ song thất lục bát dài 2000 câu, Chư quấc thại hội (Exposition Universelle de 1889), của Thế Tải Trương Minh Ký, đăng trên Gia Định báo nhiều kỳ năm 1890, sau in thành sách tại Sài Gòn 1891.

Ông Trương Minh Ký là “giáo sư lớp Đệ nhất trường trung học Chasseloup-Laubat Sài Gòn”.

Chuyến đi đại để như sau: Ngày 27. 5. 1889, tàu Le Calédonien khởi hành ở Sài Gòn, với phái đoàn Nam Kỳ gồm 10 người, gồm các các quan tri phủ ở Mỹ Tho, Sóc Trăng, thông phán Vĩnh Long, các chánh thông ngôn Châu Đốc, Long Xuyên, thư ký Trà Vinh, cựu ký lục Biên Hòa, các phó cai tổng Cần Thơ, Chợ Lớn và hương sư Tân An.

Ký sự bằng thơ mô tả chi tiết các sự kiện trên biển, các bến cảng đi qua như Malacca, Colombo, biển Đỏ, Alexandrie và Le Caire (tức Cairo), cho đến Marseille.

Đáng chú ý là tên các công trình hay loại phương tiện giao thông đều được ghi bằng tiếng Pháp và chú thích bên dưới nghĩa tiếng Việt như musée, tramway… Các địa danh, tên nước đều để tiếng Pháp và cũng chú thích cẩn thận, kèm theo số dân hay thời gian bị làm thuộc địa.

Bìa và đoạn đầu tác phẩm Chư quấc thại hội của Trương Minh Ký

Trích một đoạn trong bài tả về khu triển lãm của người Việt:

Đại-nam quấc cất luôn nhiều sở,
Có làm chùa làm mả thiếu chi.
Đủ đồ ngũ quản Bắc-kỳ,
Lại đem nhiều thợ ít thầy chùa qua.
Sau đó có một nhà rộng rãi,
Cất ba căn hai chái như ta.
Đi lần tới thấy nhiều nhà,
Đàn ông cũng hiếm, đàn bà cũng đông.
Một đền giữa của chung các hạt,
Cất lựa theo kiểu các sở đây.
Bảy mươi lăm thước bề dài,
Bề ngang mười tám thân ngoài trồng hoa.
Coi cùng đó rồi dời tới nữa,
Thẳng lại xem đền của Nam-kỳ,
Khi ta chưa cất mình đi,
Thì đà thấy thợ làm nơi Sàigòn.
Khi ấy thấy hãy còn chạm trổ,
Chừ ráp nên một chỗ đền xinh.
Nhà ngang dãy dọc vòng quanh,
Trong ngoài nhiều chỗ giống in đồ tàu.
Đi ra thẳng đằng sau rạp hát,
Ba dãy nhà chứa các thợ ta.
Thấy dùng tre lá cất nhà,
Thợ nào nghề ấy bày ra đó là.
Đức ông thấy ta đam đến đó,
Gần tới nơi thì họ kêu nhau.
Sắp hàng ra đứng cúi đầu,
Hở han vui hỏi, kính chào mừng thưa.
Rồi quày lại sở Martinique,
Guadeloupe, Đế-thích, Đế-thiên.
Khen thay thợ khéo làm nên,
Đặt bày đồ mọi đồ mên thiếu gì.
Coi đây đó thầm suy nghĩ lại,
Gẫm nọ kia chẳng phải bỏ qua.
So cho gần, sánh đặng xa,
Hơn mình một ít, thua ta phần nhiều.

Để xem thêm các trích đoạn khác, xin đọc Phụ lục, chép lại từ bản lưu trữ tại Thư viện Quốc gia Hà Nội.

Lyon 1894

“Triển lãm hoàn cầu, quốc tế và thuộc địa” tại Lyon 1894 dành cho Đông Dương một cung triển lãm riêng, bên cạnh 3 vùng thuộc địa khác là Algeria, Tunisia và Tây Phi.

Cung triển lãm có khoảng 5 gian: Trung Kỳ, Bắc Kỳ, Nam Kỳ, Cao Miên (Lào mới được bình định năm 1893, chắc chưa kịp triển lãm) và triển lãm chuyên đề về các khu định cư, gồm các bộ sưu tập lấy từ Bảo tàng Paris, được Bộ Thuộc địa cho mượn.

Đã có 3,8 triệu người tham quan triển lãm, và thành công của triển lãm dẫn tới việc đổi tên khu vực quanh triển lãm từ Tête d’Or (Cái đầu Vàng) thành Khu phố Bắc Kỳ, theo tên xứ thuộc địa xa xôi ở Đông Dương, nhằm thỏa mãn các cư dân đang bị không khí thuộc địa hương xa hấp dẫn. Trên bản đồ, chỗ đánh mũi tên đỏ là Cung An Nam, đại diện cho cả Đông Dương.

Với Cung triển lãm Đông Dương, “các kiến trúc sư đã vẽ theo những nguồn kiến trúc Trung Hoa tốt nhất, tạo nên cả sự hấp dẫn lẫn bí ẩn”. Cung An Nam được “trang trí bởi những nghệ sĩ từ chính xứ Bắc Kỳ, thạo nghề phục dựng với sự trung thành hiếm có, các thiết kế trang trí và hoa văn kỳ lạ rất được yêu thích trong nước”. Trên thực tế, cung điện là một bản sao trung thành của một ngôi chùa Việt đầu thế kỷ 19. Công trình nằm trên một diện tích rộng tới 1483 mét vuông.

Cung điện An Nam (Le Palais de l’Annam). Nhìn ảnh này thì thấy hình thức giống các ngũ môn kiến trúc tín ngưỡng đồng bằng Bắc Bộ, tức xứ Bắc Kỳ (Tonkin),ở đây dễ bị lẫn là Cung điện Trung Kỳ do sự trùng lặp giữa cách gọi An Nam là tên gọi toàn bộ nước ta nhưng cũng lại chỉ Trung Kỳ, là xứ bảo hộ nhưng mang tên chính thức là Đế quốc An Nam. Nguồn ảnh: Luận văn Thạc sĩ của Florence Vidal, ĐH Lyon, 2010.

Bên cạnh đó, khu vực Cung triển lãm Đông Dương – vốn là đối thủ của khu trưng bày Algeria – cũng cho thấy tầm quan trọng của sự say mê nơi dân Lyon về vùng Viễn Đông! Nó cho thấy Cung Đông Dương là cung triển lãm nhiều ma lực nhất của Triển lãm Thuộc địa. Các từ ngữ “dị thường”, “thật đáng tò mò”, xuất hiện thường xuyên trên các phương tiện bình luận đại chúng. Vì thế, Cung Đông Dương vừa diễn giải một giấc mơ và sự ảnh hưởng của chủ nghĩa phương Đông mùi mẫn trong hình thức sặc sỡ và khác thường, vừa ghi dấu một sự chuộng lạ cao độ.

Paris 1900

Triển lãm thế giới Paris 1900 được tổ chức để kỷ niệm các thành tựu của thế kỷ 19 vừa kết thúc, diễn ra từ tháng 4 đến 11. 1900. Triển lãm cũng giới thiệu các sáng chế mới như thang máy, động cơ diesel, phim nói, và đánh dấu sự chiếm lĩnh của trường phái nghệ thuật Art Nouveau.

Triển lãm thế giới 1900, trong khu vực Trocadéro, triển lãm Đông Dương là chỗ tô màu đỏ.

 

Khu Bắc Kỳ, công trình mô phỏng đền Cổ Loa ở Hà Nội, cảnh đang xây dựng, có hình tam quan khá giống với thực tế.

 

Khu Bắc Kỳ, công trình mô phỏng đền Cổ Loa ở Hà Nội. Đáng chú ý là những hình người Việt được cắt dán vào, chắc để tạo cảm giác “bản địa”.

Hà Nội 1902

Từ 16. 11. 1902 đến 15. 2. 1903, người Pháp tổ chức Đấu xảo Hà Nội nhằm giới thiệu các thành tựu nông nghiệp và kỹ nghệ Bắc Kỳ, cũng như mở rộng cả xứ Đông Dương và vùng Viễn Đông.

Áp phích quảng bá Đấu xảo Hà Nội 1902.

Việc tổ chức Đấu xảo có nguyên nhân trực tiếp là việc chính phủ Pháp chính thức quyết định lấy Hà Nội làm thủ phủ Liên bang Đông Dương thay cho Sài Gòn vào đầu năm 1902, cũng như khánh thành cầu Long Biên tháng 2 cùng năm.

Triển lãm là một hình thái đang được ưa chuộng khi đó ở các nước thực dân lớn nhằm khuếch trương sức mạnh của mình. Động cơ sâu xa là quyết định của Paul Doumer nhằm biểu dương “sự ưu việt chính trị” của nước Pháp trong việc biến Hà Nội thành “tiểu Paris”. Tuy vậy, việc xây dựng và tổ chức đã khiến cho ngân quỹ của chính quyền thuộc địa bị thâm hụt suốt một thập niên sau đó.

Tòa nhà triển lãm do kiến trúc sư Adolphe Bussy thiết kế, có phong cách hơi giống với Petit Palais ở Paris, nằm trên khu đất rộng 16,5ha vốn là trường đua ngựa. Triển lãm giới thiệu các sản phẩm của Pháp và các thuộc địa, có sự tham gia của các nước và thuộc địa vùng nam Viễn Đông như Đông Ấn thuộc Hà Lan (gồm Indonesia và Đông Timor ngày nay), Miến Điện, Trung Quốc, đảo Formosa (Đài Loan), Nhật, Triều Tiên, Mã Lai, Malacca (lúc này thuộc Đông Ấn Anh), Philippines và Xiêm (Thái Lan). Nhờ thế mà triển lãm này có thể được xếp vào loại “Triển lãm thế giới”.

 

Gian triển lãm của Triều Tiên. Có thể thấy nội thất tòa nhà thể hiện rõ phong cách Tân cổ điển. Bussy cũng là kiến trúc sư đã thiết kế nhiều công trình lớn của Hà Nội như Dinh Thống sứ Bắc Kỳ (Bắc Bộ phủ), Sở Cảnh sát, Sở Bưu điện, giảng đường Đại học Y Đông Dương (nay là Đại học Dược), chợ Đồng Xuân.

 

Sau khi kết thúc triển lãm, tòa nhà chính trở thành bảo tàng Maurice Long, bảo tàng kinh tế đầu tiên và lớn nhất Đông Dương. Năm 1945, tòa nhà bị máy bay Mỹ ném bom do lúc đó Nhật chiếm làm doanh trại và kho vũ khí. Những năm 1960, một nhà hát ngoài trời bằng gỗ được dựng tại đây. Đến năm 1978, Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt-Xô do kiến trúc sư Liên Xô Garold Grigorievich Isakovich (1931-1992) thiết kế được khởi công. Khánh thành năm 1985, khi đó cũng là công trình lớn nhất Hà Nội. Ông cũng là kiến trúc sư đã tham gia thiết kế Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1975.

 

Hiện vật duy nhất còn lại của Đấu xảo 1902 là cặp sư tử đồng hiện đặt ở cửa Rạp xiếc Trung ương, cạnh công viên Thống Nhất. Ảnh lấy từ Dân Trí

 

 (Phần 2: Giữa vườn thú người)

 

Ý kiến - Thảo luận

15:10 Saturday,19.3.2022 Đăng bởi:  Trần Thu Trang
Chào anh Quý.
Tôi có đôi điều muốn hỏi anh liên quan đến Triển lãm đồ chơi An Nam tại Trocadero năm 1932. Rất mong nhận được hồi âm của anh.
...xem tiếp
15:10 Saturday,19.3.2022 Đăng bởi:  Trần Thu Trang
Chào anh Quý.
Tôi có đôi điều muốn hỏi anh liên quan đến Triển lãm đồ chơi An Nam tại Trocadero năm 1932. Rất mong nhận được hồi âm của anh. 
0:53 Tuesday,12.7.2016 Đăng bởi:  www
Rất cảm ơn anh Quý đã cho ra bài viết công phu và hấp dẫn đến vậy :D rất mong chờ bài tiếp theo của anh
...xem tiếp
0:53 Tuesday,12.7.2016 Đăng bởi:  www
Rất cảm ơn anh Quý đã cho ra bài viết công phu và hấp dẫn đến vậy :D rất mong chờ bài tiếp theo của anh 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Duỗi não

Vũ Lâm

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả