Thiết kế

Nước ta tham gia triển lãm thế giới từ khi nào (bài 2): Giữa vườn thú người 13. 07. 16 - 6:28 am

Nguyễn Trương Quý biên soạn

(Tiếp theo phần 1)

Marseille 1906

Triển lãm Thuộc địa tại Marseille diễn ra từ 15. 4 đến 18. 11. 1906, chi phí hơn 1 triệu franc, thu hút hơn 1,8 triệu lượt người tham quan. Vua các xứ thuộc địa như Miên, một số tiểu vương Tây phi, cũng như nhiều họa sĩ đã đến dự, trong đó có nhà điêu khắc Rodin.

Họa sĩ Rodin đang ký họa một vũ công Campuchia.

 

Còn đây là một bản ký họa của ông.

Là cửa ngõ của Pháp đi ra các vùng thuộc địa, Marseille dường như thích hợp để tổ chức một triển lãm có quy mô thế giới. Khác với cách bố trí các hoạt động của người thuộc địa trong phạm vi triển lãm như Triển lãm 1889 tại Paris, lần này các nhà tổ chức không hạn chế sự đi lại của họ. Công chúng không chỉ thấy các “đối tượng thuộc địa” mà những người đến từ Bắc Phi, Đông Dương, Madagascar và Tây Phi thuộc Pháp này đều được tự do khám phá thành phố và tương tác với dân Pháp. 

Cung triển lãm Đông Dương

Thông qua sự tương tác hàng ngày với dân địa phương, những người thuộc địa được sử dụng nhằm minh họa cho nỗ lực xây dựng một hình ảnh nước Đại Pháp mà trong đó các sắc dân chung sống hòa bình. Theo một bài báo, “các sắc dân liên hợp lại và những người Ả Rập, Đông Dương, da đen, Malagasy, vv. – làm thành một gia đình sống động”. Đây thực sự là một diễn ngôn bao trùm về một nước Đại Pháp mẫu quốc được sử dụng cao độ trong nền Cộng hòa thứ Ba, trước hết là giáo dục nhân dân Pháp về vị thế đất nước mình trên thế giới, rằng cũng chẳng kém cỏi gì so với các đế quốc có vùng lãnh thổ nhiều khắp các châu lục đến nỗi “mặt trời không bao giờ lặn”.

Các quan lại Việt Nam trước ngôi nhà truyền thống của nước mình…

 

…trong khi đó, người Tây vẫn có nhu cầu đi xe kéo ở chính quốc. Đây có lẽ là một loại “tương tác” giữa người thuộc địa và dân Pháp!

Tuy nhiên, các nhà tổ chức không chỉ có giáo dục là mục đích chính. Họ hiểu rằng giải trí cho khách tham quan là yếu tố then chốt để có một sự kiện thành công, và nếu triển lãm nặng tính khoa giáo thì rất ít người quay lại xem. Các nhà tổ chức đã bố trí những cuộc diễu hành như múa lân và hát bội của người An Nam, múa Apsara của Cao Miên, hoặc chiếu phim tài liệu về những cảnh sinh hoạt của người bản xứ. Những nỗ lực này nhằm thu hút sự quan tâm của công chúng tới “sự huyền bí của Viễn Đông”. Đánh vào sự chuộng hương xa, triển lãm đã đạt được doanh số khả quan.

Gian hàng Nam Kỳ.

 

Kiến trúc Bắc Kỳ, khá giống với mô hình đền Cổ Loa ở Triển lãm Paris 1900.

 

Kiến trúc Trung Kỳ: Mô hình có lẽ là Ngọ Môn (Porte de l’Annam) – tuy nhiên chân đế xây lối đá ốp so le bốn góc là kiểu Tây, phía sau là tháp Phước Duyên chùa Thiên Mụ.

 

Mô hình tháp Phước Duyên thì khá giống – mang tên tháp Trung Kỳ

 

Người Pháp rất say mê các hình tượng của khu đền Angkor. Các triển lãm thường dùng các tháp Bayon hay Angkor Vat làm điểm nhấn. Thiết kế phục dựng của các kiến trúc sư Auguste Henri Vildieu và François Charles Lagisquet.

Hai kiến trúc sư Auguste Henri Vildieu và François Charles Lagisquet cũng là những nhà thiết kế quy hoạch có ảnh hưởng ở Hà Nội và nhiều đô thị khác ở Việt Nam. Vildieu là người đã thiết kế tòa nhà triển lãm của An Nam ở kỳ Đấu xảo 1889, còn tại Hà Nội, ông thiết kế Phủ Toàn quyền, Tòa án, Nhà tù Hỏa Lò, Bưu điện, Tòa Thị chính. Lagisquet tham gia khâu chỉnh sửa thiết kế Nhà hát Lớn Hà Nội và đồ án quy hoạch Đà Lạt. Ngôi nhà cũ của ông ở Hà Nội cùng người vợ Việt Nam hiện là nhà hàng Madame Hiên ở 13-17 Chân Cầm.

Paris 1906

Gần như cùng thời gian với triển lãm ở Marseille, từ 29. 7 đến 15. 11, cũng có một triển lãm thuộc địa ở Grand Palais (Cung điện Lớn), đại lộ Champs Elysées, Paris.

Năm 1906, Pháp có đế chế thuộc địa lớn thứ hai trên thế giới sau Vương quốc Anh. Cùng lúc có hai triển lãm thuộc địa có lẽ là một chủ trương nhấn mạnh niềm tự hào quốc gia, thông qua hình ảnh tái hiện các nước “kỳ lạ” ở châu Phi và châu Á, trong đó có Đông Dương.

Trên áp phích của Triển lãm, có ghi rõ các “Điểm tham quan” như Làng Viễn Đông, Chùa lớn người Tàu, vườn Đà điểu, ca kịch hay múa của người thuộc địa… Có vẻ mô hình tháp ngôi chùa trong hình giống tháp Báo Nghiêm ở chùa Bút Tháp (Bắc Ninh)?

 

Quảng cáo nhiều thứ hấp dẫn diễn ra hàng ngày, có hòa nhạc. Vé thứ Sáu đắt gấp đôi ngày thường. Ở áp phích này, có nhiều hình ảnh thay thế cho danh sách các thứ được liệt kê hơn tấm trước: bên cạnh chùa châu Á có đền thờ Hồi giáo Bắc Phi, các cây cỏ và con vật miền nhiệt đới, sinh hoạt của người da đen trông có vẻ “nguyên thủy”.

 

Một dàn nhạc ngồi trong vườn hoa trước mô hình các ngôi nhà các xứ thuộc địa. Ở tiền cảnh là một người An Nam đội nón, mặc áo dài, đang gánh hàng rong giống như ở quê nhà.

Paris 1907

Năm 1907, 6 ngôi làng được dựng lên ở Vườn Nông học Nhiệt đới (Jardin d’Agronomie Tropicale), nằm ở bìa rừng Vincennes, Paris, trong khuôn khổ một Triển lãm thuộc địa, đại diện cho các vùng thuộc địa xa xôi của đế quốc Pháp lúc đó – Đông Dương, Madagascar, Sudan, Congo, Tunisia và Marốc. Những ngôi làng và các tòa nhà được xây dựng nhằm tái hiện đời sống và văn hóa bản địa, các hành vi sinh hoạt cũng được tổ chức nhằm thể hiện “trung thực” nguyên mẫu.

Đã có hơn 1 triệu người tò mò tham quan các cư dân của “triển lãm” từ tháng 5 đến tháng 10. 1907. Tính rộng ra thì từ thập niên 1870 đến 1930, đã có hơn 1 tỷ rưỡi người tham quan các triển lãm khác nhau của các “vườn thú người” kiểu này khắp thế giới.

Khung cảnh được tường thuật như sau: Qua hàng rào hoặc lồng sắt, những người Âu nhìn chằm chằm vào những người phụ nữ Phi ngực trần và thích thú trước sự tái hiện “đời sống nguyên thủy” ở các thuộc địa. Ở đây, các nhà nhân học có thể quan sát toàn bộ những ngôi làng của người du cư và thu nhận những bằng chứng về thể chất cho các lý thuyết về sự ưu việt chủng tộc.

 

Khi triển lãm kết thúc sau bốn tháng, không ai biết những người dân thuộc địa có trở về nhà an toàn hay không. Nhiều người bị các tay buôn người lừa gạt hoặc chính các trưởng thôn dụ dỗ tham gia vào các gánh xiếc lưu động khắp thế giới. Có người trở về sau vài năm và mắc nhiều chứng bệnh rồi lây nhiễm cho cộng đồng quê nhà, như các bệnh đậu mùa, sởi, lao, hoặc tệ hơn là chết dọc đường. Trên hình là khu chuồng nhốt người Tunisia đã bị bỏ hoang.

 

Có tin đồn rằng khu Đông Dương sẽ được phục hồi để làm một bảo tàng nhỏ và làm trung tâm nghiên cứu. Trên ảnh là một bản sao của phong cách kiến trúc Huế.

 

Một nhóm tượng người Việt còn sót lại.

 

Đầu tượng người phụ nữ Bắc Kỳ còn lại ở phế tích. Hình từ trang này

Đến nay, đa phần các công trình đã bị bỏ hoang. Chúng bị coi là vết nhơ trong lịch sử Pháp.

Bruxelles 1910

Triển lãm thế giới tại Bruxelles, Bỉ, từ 23. 4 đến 1. 11. 1910, tiêu tốn 110.000 franc Bỉ, thu hút 13 triệu lượt người xem. Ở đây dĩ nhiên có các “vườn thú người” và các khu thuộc địa của các đế quốc tham gia như Anh, Pháp, Hà Lan… và dĩ nhiên nước chủ nhà.

Khu Đông Dương sát cạnh Tây Phi, quả thực không ăn nhập gì mấy.

 

Tòa nhà Đông Dương trông giống phong cách kiểu kết hợp Hoa-Pháp, khá thịnh hành ở Hà Nội hay Sài Gòn những năm 1930, ví dụ tòa nhà Bảo tàng Lịch sử TPHCM trong Thảo cầm viên hoặc Câu lạc bộ Thăng Long ở ngay trước Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Hà Nội (tức Đấu xảo cũ).

  (Còn tiếp)

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tôi là một người may mắn!

Phạm Thái Bình. Ảnh: Tịch Ru

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả