|
|
|
|||||||||||||
Ăn uốngWakako-zake (tập 2): món chiên và bia 17. 07. 16 - 6:49 amPha Lê(Tiếp theo tập 1) A, lại món karaage! Tôi có nhắc tới karaage – hay gà chiên của Nhật – trong bài Karaage: Tất cả chỉ vì cái phim hoạt hình rồi. Ai thích tìm hiểu xem món làm thế nào, ăn với gì có thể lôi ra đọc lại. Tập Wakako này chỉ là cái cớ để thêm 2 ý. Một: Người Nhật cho rằng xơi lắm gà chiên sẽ mập. Quả thật gà chiên beo béo, giòn rụm rất ngon, ai cũng thích nhưng ai cũng biết xơi hoài không tốt, dù lâu quá không ăn lại dễ thèm. Người Nhật đã gia giảm bằng cách cắt miếng gà ra thành phần nhỏ, ăn ít lại thay vì chơi nguyên miếng to tướng như Tây, nhưng vậy không có nghĩa họ không hiểu rằng đó là món có thể ăn thả ga. Thế nên Wakako mới than “Gà chiên thật không công bằng”.
Gì chứ về khoản mập thì Nhật không có dễ tha thứ như Mỹ. Dù Hollywood khoái các nàng gầy, một bộ phận lớn người dân có la ó lên tiếng rằng thích gầy như Hollywood là không công bằng, họ tung hô khẩu hiệu “yêu bản thân” nọ kia rồi lấy những Queen Latifah với Adele ra làm ví dụ. Nhật không thế, từ người dân đến nghệ sĩ và các nhà chức trách đều xem mập là một điểm yếu, không tới mức đem sự mập ra giễu cợt hay nhục mạ, nhưng xem nó như một triệu chứng cần khắc phục. Wakako tuy nom ốm nhưng mỗi lần xơi gà chiên lại lo lắng rằng mình mập lên – dù nàng chẳng phải diễn viên cần giữ eo gì – là chuyện dễ hiểu. Với lại Wakako không ăn karaage thường xuyên nên còn mi nhon, chứ nhân vật anime nào nuốt gà chiên liên tục thường bị vẽ mập ú ù.
Ai xem tập Wakako này xong muốn gọi gà chiên nên cân nhắc, dù rằng lâu lâu ăn sẽ không sao, như nữ nhân vật chính ấy, nàng hiểu là không được xơi nhiều, nhưng thèm là thi thoảng nàng vẫn ăn, đời như vậy mới vui. Mập là một điểm. Điểm thứ hai: dân xứ anh đào hay quan niệm rằng món chiên rất hợp với bia (Nhật). Nói về bia thì, dân nghiền bia sẽ không khoái bia Nhật đâu. Cơ bản nhất, thành phần của bia thường bao gồm: lúa mạch (đã ủ thành mạch nha), men bia, và hoa bia. Ngoài ra có thể thêm vào đó lúa mì, tinh bột từ khoai Tây… nhưng chúng chỉ là thành phần “phụ thêm” nhằm đổi vị cho bia, chứ bia phần lớn phải lên men từ mạch nha của lúa mạch. Lúc người Hà Lan đem phương thức ủ bia đến Nhật – đâu khoảng thế kỷ 17, 18 – dân xứ anh đào dần dần thích bia nhưng vì muốn né thuế đánh lên thức uống có cồn mà khi sản xuất bia, họ giảm lúa mạch lại. Do lượng mạch nha lên men từ lúa mạch thấp, thức uống ấy nghiễm nhiên không nằm trong mục “bia” nữa mà thành “thức uống giống bia”, thế là né được thuế. Để bù vào phần lúa mạch mất đi, người Nhật bỏ thêm khoai Tây và gạo vào hèm, bởi vậy dân thích bia hay chê rằng đa số bia Nhật hơi “nhạt nhòa”, và chuộng bia nặng đô như bia Đức hơn. Đương nhiên tính chất này của bia Nhật không hoàn toàn tại vì thuế. Nhìn chung Kirin ôm sô thị trường bia ở nước anh đào cho tới khoảng năm 1985, nhưng sau đó các hãng như Asashi, Sapporo, Suntory muốn nổi lên nắm thị phần. Họ liên tục tung ra bia mới để cạnh tranh, dẫn đến “cuộc chiến bia” kéo dài tới năm 1993 mới dứt. Thế nên ngoài lợi nhuận từ đóng “thuế bia” thấp, các hãng đua nhau sản xuất bia nhẹ vì bia nhẹ hợp với nhiều món ăn hơn. Phái đẹp chiếm nửa dân số Nhật, vì muốn thành phần này yêu bia hòng bán được thêm mặt hàng, các hãng bia tiếp tục tung ra bia nhẹ để mời chào phụ nữ. Kết quả là đa số bia Nhật bây giờ – kể cả loại nặng đô dùng nhiều lúa mạch – có hình thức với tính tình giống bia Pilsner của Bohemia. Pilsner có màu vàng nhạt hơn các loại bia khác, nom trong veo, vị mềm mại. Dân Nhật có truyền thống thích món ăn thức uống của mình phải trong trẻo, tinh khiết nên bia Nhật cũng theo hướng ấy mà tiến. Chúng thậm chí có khi còn thanh hơn Pilsner của Tây do đa số bia Nhật có ủ thêm gạo.
Bỏ ngoài tai ý kiến của dân nhậu khoái bia nặng, người Nhật cho rằng bia nhẹ của họ hợp với nhiều món, đặc biệt các món chiên, các món xào lắm dầu, các món mặn. Gà chiên karaage đặc biệt hợp do hèm bia Nhật có lượng lúa mì và tinh bột khoai Tây kha khá chứ không dùng nhiều lúa mạch, mà áo bột dùng để chiên karaage lại thường là bột mì trộn với bột khoai Tây, món ăn với thức uống “giao nhau” nhờ có chung hai loại bột trong thành phần. Bia nhẹ không làm trôi hay vùi dập vị béo của món gà. Bởi vậy nàng Wakako mới tự hỏi “Sao bia và gà chiên hợp nhau đến thế?”
Vừa dùng bữa vừa thoáng lo không biết mình có đang mập lên không, để rồi tâm hồn ăn uống chiến thắng và Wakako quyết rằng “Món ngon là món ngon, nên ăn trước khi nó nguội”. * Xem tập này tại đây Ý kiến - Thảo luận
20:47
Tuesday,19.7.2016
Đăng bởi:
Đỗ Minh Anh
20:47
Tuesday,19.7.2016
Đăng bởi:
Đỗ Minh Anh
Ôi lâu lâu vào SOI thấy chị Pha Lê xem Wakako-zake thấy phấn khởi kinh khủng luôn đấy ạ !
16:59
Monday,18.7.2016
Đăng bởi:
candid
Bia Nhật cũng ngon đấy chứ, trong 4 hãng bia Kirin, Sapporo, Asahi, Suntory thì mình thích bia Sapporo và Asahi. Có lần đến thăm bảo tàng bia ở Nhà máy bia Sapporo ăn thịt cừu và uống bia tươi thấy rất ngon, có lẽ vì hôm ấy cũng đói quá.
Ở HN trước có một số siêu thị bán bia Nhật nhập khẩu nhưng 1, 2 năm trở lại đây do có nhà máy bia Nhật ở VN nên không thấy bán mấy. Bia ...xem tiếp
16:59
Monday,18.7.2016
Đăng bởi:
candid
Bia Nhật cũng ngon đấy chứ, trong 4 hãng bia Kirin, Sapporo, Asahi, Suntory thì mình thích bia Sapporo và Asahi. Có lần đến thăm bảo tàng bia ở Nhà máy bia Sapporo ăn thịt cừu và uống bia tươi thấy rất ngon, có lẽ vì hôm ấy cũng đói quá.
Ở HN trước có một số siêu thị bán bia Nhật nhập khẩu nhưng 1, 2 năm trở lại đây do có nhà máy bia Nhật ở VN nên không thấy bán mấy. Bia sản xuất tại VN thì uống dở. Bài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|
...xem tiếp