Ăn uống

Wakako-zake (tập 1): câu chuyện của hai sake 09. 07. 16 - 7:01 am

Pha Lê

(Tiếp theo bài này)

Series “Wakako-zake” tuy mỗi tập chỉ dài 2 phút thôi nhưng lại có nhiều thứ để học. Có điều đối với những ai không quá rành ẩm thực Nhật, mấy bài học này có thể sẽ không thấm lắm. Vì thế phân tích từng tập để người xem hiểu thêm về món ăn cũng sẽ thú vị không kém gì xem phim chứ nhỉ.

Thần chú cho tập 1 của Wakako-zake: bất cứ món gì ăn được với cơm sẽ hợp với rượu sake. Đây là câu hồi xưa người dân Nhật truyền miệng nhau. Hiện nay giới trẻ xứ anh đào có lơ là thức uống truyền thống nên đa số đã quên mấy lời dạy này ( thực chất giới trẻ nước nào cũng vậy?) dù rằng chính phủ Nhật đang cố gắng nhóm lại ngọn lửa yêu rượu sake trong lòng thanh niên Nhật. Như câu nói của tiền bối gợi ý: sake làm tự gạo, gạo hợp với đủ thứ món trên đời, nên sake quả thật rộng lượng hơn rượu làm từ nho nhiều, vì bất cứ món nào ăn được với cơm là có thể chơi thân với sake ngay.

Rượu sake trong “ly” masu. (Hình từ pinterest)

Người Nhật uống sake trong “ly” masu, gọi là ly chứ masu thực ra là một hộp vuông bằng gỗ, từng dùng để đong gạo nấu cơm. Nhờ mối quan hệ mật thiết giữa gạo và sake mà dân Nhật dùng masu đong gạo để uống rượu luôn. Một số nhà hàng Nhật còn bày tỏ lòng hiếu khách bằng tập tục này: nếu ai đó gọi một ly sake, họ sẽ đặt ly thủy tinh nhỏ vào ly gỗ masu, rồi rót rượu cho đến khi sake… tràn ra khỏi ly thủy tinh, phần dư nằm trong ly masu.

Tục rót sake “tràn ly”. (Hình từ Japantimes)

Người Nhật gọi tục này bằng tên sosogi-koboshi (trong tiếng Nhật, sosogu nghĩa là “rót” còn kobosu nghĩa là “tràn”, sosogi-koboshi tức là rót cho tràn). Tập tục này là nhằm bày tỏ lòng hiếu khách. Đại loại kiểu khách gọi một ly rượu, trả tiền cho một ly rượu nhưng chủ quán lịch thiệp và thương khách nên cố tình “đổ cho tràn ly” để khách được uống thêm một chút. Phần đổ tràn nằm trong ly masu, sạch sẽ lắm, vẫn uống được.

Và một trong những món dành để uống sake rất ngon là cá hồi nướng. Lại thêm một sự trùng hợp nữa, do ngoài việc cá hồi nướng thường ăn chung với cơm, cá hồi trong tiếng Nhật còn gọi là “sake” – đồng âm với thức uống truyền thống của Nhật. Nên bảo “Ăn sake với sake rất hợp” thật chẳng ngoa.

Cá hồi (sake) nướng với một ly masu đầy rượu sake. Ngon phải biết. (Hình từ một trang Nhật)

Mở đầu tập 1 của Wakako, hai nam nhân viên văn phòng vào một quán nhỏ để ăn tối sau một ngày làm việc và bắt gặp cô nàng nhân vật chính trong đấy. Cô ngồi một mình, gọi món cá hồi nướng và sake lạnh.

Cảnh hai anh nhân viên văn phòng bắt gặp Wakako đang gọi cá hồi nướng trong quán (Hình từ trang này)

Sake cô uống là loại sosogi-koboshi, rượu tràn mép ly thủy tinh, còn ly masu vẽ trong tập này là hộp gỗ sơn mài thay vì hộp gỗ thô mộc mạc.

Rượu sake kiểu sosogi-koboshi trong tập 1.

 

Còn đây là món cá hồi nướng than Wakako ăn (Hình từ imgur)

Wakako dùng đũa gỡ da cá hồi ra, cắn một phần da giòn, sau đó uống sake lạnh. Hai món hợp với nhau quá nên nàng thích thú nghĩ trong đầu “Thật không gì tuyệt bằng”.

Gỡ da cá hồi ra khỏi thịt và cắn sẽ dễ ăn hơn là dùng đũa loay hoay tìm cách cắt da thành từng phần nhỏ chung với thịt. (Hình từ trang itadakimasu)

 

Wakako sung sướng khi uống sake và xơi da cá hồi. (Hình từ trang này)

Nàng bắt đầu xơi một ít thịt, rồi cắn thêm phần da, luân phiên vài lần rồi uống tiếp sake lạnh. Anh chàng ngồi gần Wakako thấy cá hồi có vẻ ngon (và hẳn thấy cô rất dễ thương) nên gọi một phần cá hồi nướng muối giống vậy.

Wakako gắp một phần thịt…

 

… và luân phiên ăn một chút thịt, rồi một chút da cá hồi.

 

Anh chàng ngồi cạnh Wakako chắc thấy nàng ăn ngon miệng và dễ thương quá nên gọi món giống cô luôn.

Thấy người đẹp xơi da cá ngon lành, và muốn người đẹp khoái mình, anh chàng ngồi cạnh bèn nói với bạn rằng “Tớ thích ăn da cá hồi lắm” hòng gây sự chú ý. Thích ăn da cá có gì đáng khoe đâu nhỉ? Nhưng sự tình là vầy: như bài truyền thống ăn cá hồi đã kể, người Nhật hồi xưa không có ăn cá hồi sống bao giờ. Cá hồi thường phải ăn chín, ướp với muối hoặc sốt “bộ ba” sake, nước tương, mirin rồi nướng lên.

Xứ anh đào thường cắt cá hồi ra thành từng phần nhỏ như vầy để bán, do dân Nhật thích ăn cá hồi nướng chín, phần nhỏ thôi là đủ. Phần trong ảnh này nom y chang miếng cá Wakako gọi tở tiệm. (hình lấy từ kitanogurume)

Cá hồi chín có thể không “mượt mà” bằng cá sống, nhưng bù lại do da cá hồi dày, thịt nó lắm mỡ nữa nên khi nướng lên, da nó rất ngon, giòn rụm, ăn thích hơn da cá khác nhiều. Hì hục nhóm than, nướng con cá hồi lắm lúc chỉ vì muốn xơi cái da giòn. Và theo truyền thống, người Nhật hồi xưa từng rất quý, rất chuộng da cá hồi.

Cá hồi nướng da giòn của Nhật. (Hình từ trang Paloma).

Truyền thống này dần mai một khi loài ăn tạp cho rằng cái bản năng cùn của mình quá thông minh. Sau khi vài “nghiên cứu” bảo rằng da cá, da gà nhiều cholesterol, hại lắm đấy, đừng có ăn, thế là phong trào ăn “thịt cá không da” rộ lên. Bây giờ, nhiều dân Nhật, dân Tây, và một số người Việt có trò bỏ da khi ăn thịt cá, vì sợ “mập, bị bệnh tim”. Bố mẹ không cho con ăn da vì lo béo phì, thế là có luôn một thế hệ “không biết ăn da”, nghĩ rằng da ăn rất “gớm”. Truyền thống chuộng da cá hồi mất dần vì càng ngày càng có nhiều người không biết ăn nó, những người này đơn giản là không ăn được vì gia đình không tập cho ăn từ bé, chứ họ chẳng nghĩ ngợi đến sức khỏe nữa. Bởi vậy anh chàng ngồi gần Wakako mới bảo mình thích ăn da, anh muốn chứng tỏ rằng mình là người “sành”, xơi được da cá hồi để người đẹp chú ý tới mình.

“Tớ thích da cá hồi lắm” chàng ta phán.

 

Wakako nghe thế bèn quay sang nhìn chàng trai, có vẻ thích thú khi gặp “đồng chí” trong chuyện ăn uống. Trong khi đấy, bạn của anh chàng lại bảo “Gì? Món ấy gớm chết”

Mọi chuyện đang tốt đẹp, nàng đang chú ý đến chàng, nhưng đùng một cái, chàng đi gọi phần cơm ăn chung với cá hồi, anh bạn lại còn lớn tiếng khen “Không gì ngon bằng cá hồi ăn chung với cơm trắng”. Nàng nghe xong mặt hết hớn hở liền, bèn đổ rượu từ masu sang ly thủy tinh, nốc sạch rồi chuồn thẳng.

Wakako đổ sake từ masu vào ly nhỏ, uống cho hết và ra về sau khi nghe hai anh đàm đạo về cơm và cá hồi.

Phản ứng của Wakako có thể hơi kỳ cục, nhưng theo dòng suy nghĩ của cô, khán giả cũng hiểu rằng trước đây cô toàn gặp phải mấy ông tối ngày thích xơi cá hồi nướng với cơm, rồi bảo ăn cá với cơm là ngon nhất. Tất nhiên cá hồi nướng ăn với cơm rất ngon, truyền thống người Nhật cũng ăn thế. Có điều truyền thống cũng nhắc “bất cứ món gì ăn được với cơm sẽ hợp với rượu sake”, thành ra xơi mỗi cá hồi với rượu cũng ngon vậy, đặc biệt khi hai “sake” luôn hợp nhau. Tối ngày nghe các anh nói mãi về cơm, Wakako hẳn cảm thấy hơi bị áp đặt, như thể không có cơm là cá hồi sẽ dở hơn vậy.

Wakako nhớ lại cảnh ông (bồ?) hồi xưa cứ lải nhải mãi chuyện cá hồi ăn với cơm.

Chán chường khi lại nghe một anh (mới đầu tưởng hay) tiếp tục ca tụng cơm với cá hồi như bao anh khác, Wakako xách túi rời quán, lầm bầm nghĩ rằng “Bộ không thưởng thức rượu với mỗi da cá hồi được sao?” Và nói với bản thân “Mình muốn uống thêm rượu nữa”. Ở cái thời chính dân Nhật còn ngộ nhận về sake như thế này, có được một cô mê sake như Wakako âu cũng tốt.

*

Xem tập này tại đây

Ý kiến - Thảo luận

12:09 Wednesday,26.10.2016 Đăng bởi:  dhom
đa tạ bạn Pha Lê cất công giải thích, mình cũng mê văn hóa Nhật lắm nên sẽ bám theo series phim ẩm thưc này để học hỏi chút ít ^^
...xem tiếp
12:09 Wednesday,26.10.2016 Đăng bởi:  dhom
đa tạ bạn Pha Lê cất công giải thích, mình cũng mê văn hóa Nhật lắm nên sẽ bám theo series phim ẩm thưc này để học hỏi chút ít ^^ 
9:19 Tuesday,12.7.2016 Đăng bởi:  lui
trời, thích quá. xem phim mà có được người giải thích tường tận thế này.
bữa mình xem thử 1 tập đến đoạn Wakako tối sầm mặt khi nghe khen cá hồi nướng với cơm thì hết xảy mà chả hiểu ra làm sao.
cám ơn Pha Lê.
...xem tiếp
9:19 Tuesday,12.7.2016 Đăng bởi:  lui
trời, thích quá. xem phim mà có được người giải thích tường tận thế này.
bữa mình xem thử 1 tập đến đoạn Wakako tối sầm mặt khi nghe khen cá hồi nướng với cơm thì hết xảy mà chả hiểu ra làm sao.
cám ơn Pha Lê. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Bài đã đăng

» Xem tiếp...

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả