Tạp hóa - Xã hội

Học bơi cho nghệ sĩ (bài 2): tất cả chúng ta đều là cá 20. 07. 16 - 9:32 pm

Candid

(Tiếp theo bài 1)

Thông thường nói tới bơi sải, ở Việt Nam hầu hết mọi người đều nghĩ đấy là một môn bơi dựa vào thể lực rất lớn, phù hợp với những người to khỏe. Thể lực là nền tảng cho tất cả các môn thể thao nhưng không có nghĩa là thể lực của một người trung bình không đáp ứng được cho môn bơi sải. Khi đến với môn bơi Total Immersion, tôi được biết trên thế giới nhiều người già yếu mà vẫn có thể bơi sải được, cá biệt có trường hợp cụ ông 93 tuổi sau khi thành thạo bơi sải còn muốn học cả bơi bướm.

Tất cả bí quyết nằm ở chỗ đừng phung phí năng lượng. Theo tài liệu của Terry Laughlin, người sáng tạo ra phương pháp Total Immersion, con người khi bơi đã lãng phí 97% năng lượng, người tài giỏi nhất như Phelps cũng chỉ sử dụng được tối đa 10% năng lượng còn 90% bỏ phí. Do đó nếu ta học được cách tiết kiệm, để năng lượng được sử dụng tăng từ 3% lên 4% là ta đã tăng được hiệu suất lên 33% khi bơi. Do đó cho dù thể lực ta không thay đổi, với tiết kiệm năng lượng, chúng ta đã có thể bơi một cách hiệu quả hơn nhiều.

Michael Phelps – người giữ nhiều kỉ lục thế giới trong môn bơi lội

Vậy làm thế nào để tiết kiệm được năng lượng? Ở bài trước, chúng ta đã học được cách làm bạn với nước và hợp tác với trọng lực, để tận dụng sức của nước và trọng lượng chứ không chống lại chúng. Mục đích của bài superman glide là giúp chúng ta luôn hiểu được tầm quan trọng của hình dạng khí động học trong khi bơi. Nhờ tính hiệu quả của hình dạng khí động học mà tất cả các phương tiện tàu bè luôn được thiết kế có hình dạng thuôn dài sao cho sức cản của nước là ít nhất. Trong thiên nhiên, chúng ta có thể học được bài học từ cá heo. Cá heo tuy gọi là cá nhưng thực ra thuộc về loài thú, theo các nhà khoa học, cá heo đã tiến hóa từ trên bờ xuống dưới nước một cách đáng kinh ngạc để thích ứng với môi trường nước. Khi bơi, cá heo đã tận dụng được 80% năng lượng cho việc bơi, trở thành loài bơi nhanh nhất dưới nước.

.

Ở bài tập superman glide, thứ giúp chúng ta tiến lên phía trước là lực đẩy do chân đạp vào thành, vào đáy bể, tuy nhiên khi bơi chân chúng ta không chạm đất nên không thể nhờ lực đẩy này để tiến lên. Do đó bài tập tiếp theo là tập động tác superman và chân đạp (Superman Glide with flutter kicks).

Nói đến đạp chân khi bơi sải, hầu hết mọi người đều đã nhìn thấy nên nghĩ là đơn giản. Tuy nhiên khi chúng ta thực hành sẽ thấy ngạc nhiên.Thử nghiệm đứng tại một chỗ làm động tác lướt nước siêu nhân với chân đạp và không có chân đạp, mọi người sẽ ngạc nhiên khi thấy có khi với chân đạp chúng ta lại lướt đi được một khoảng cách ít hơn là không đạp chân. Lý do là do đạp chân sai cách, thay vì lực đẩy giúp chúng ta tiến lên phía trước, chân chúng ta lại cong chân, mất hình dạng khí động học của cơ thể tạo ra lực cản giúp chúng ta trôi chậm lại hoặc đứng yên tại chỗ. Tôi và các bạn của tôi đều trải qua kinh nghiệm khi ra sức đạp mà lại đứng yên tại chỗ.

Tư thế đạp chân cong đầu gối tạo lực cản. Hình từ trang này

Để chữa được các lỗi sai, tốt nhất chúng ta nên nhờ người quay lại các clip và xem lại sau mỗi buổi tập bơi. Chúng ta sẽ thấy là mặc dù biết được các lỗi sai nhưng để sửa chúng thật khó. Thông thường chúng ta nghĩ chúng ta làm rất tốt nhưng khi xem lại clip thì thấy hóa ra làm sai be bét. Trong quá trình luyện tập, do tôi tập một mình không có ai quay video nên để chữa lỗi sai mất rất nhiều thời gian. Tuy nhiên cuối cùng thì sau 3 tháng tôi cũng hoàn thành chuyện tập bơi của mình. Bạn tôi  có người hỗ trợ quay video chỉ mất 7 ngày để hoàn thành. Trong môn bơi chúng ta phải mất nhiều thời gian để phá các thói quen cũ, để cho cơ bắp nhớ được các động tác. Lúc đầu có thể mọi người sẽ thấy nản vì phải tập đi tập lại một vài động tác nhưng chỉ cần kiên trì một chút chúng ta sẽ vượt qua dễ dàng.

Bí quyết để thực hiện động tác chân bao gồm:

– Thay vì đạp chân như khi đạp xe, hãy tưởng tượng đá vẩy nhẹ nhàng bằng mũi chân và mu bàn chân như khi đá cầu.
– Đá chân thật nhẹ nhàng và có biên độ giữa hai chân nhỏ. Khi đạp mạnh chúng ta sẽ cong đầu gối và tạo ra lực cản. Hãy tiết kiệm sức lực không thì chỉ sau 50 m chúng ta sẽ thấy mỏi chân.
– Chĩa mũi ngón chân cái về phía sau, thả lỏng cổ chân. Cong bàn chân cũng tạo ra lực cản.

Cách tập đá chân cho đúng

Bài tập bổ trợ cho cổ chân linh hoạt là tập ngồi theo kiểu Nhật, ngồi lên gót chân và áp toàn bộ mu bàn chân xuống sàn.

Kiểu ngồi Seiza của Nhật

Nếu thành thạo sẽ có cảm giác đá chân từ hông xuống chứ không phải gập đầu gối đá. Nên nhớ đạp chân nhẹ nhàng thôi không nên quá sức vì chúng ta sẽ phải lặp đi lặp lại động tác này cả tiếng trong khi bơi

Khối lượng tập cho buổi tập như sau:

– 8 lần chiều dài bể trượt nước siêu nhân (superman glide)
– 10 lần superman glide với đạp chân
– 8 lần chiều dài bể superman glide.

 Các bạn có thể xem video cho động tác tại đây

 (Còn tiếp)

Ý kiến - Thảo luận

17:57 Thursday,21.7.2016 Đăng bởi:  Candid
Với những người bơi ếch giỏi có khi đọc tài liệu chỉ mất một vài ngày là đạt được như bác Hienemic. Ở đây em hướng đến đối tượng cả những bác chưa biết bơi nên bác chịu khó đợi. Dần dần em sẽ đề cập hết.
...xem tiếp
17:57 Thursday,21.7.2016 Đăng bởi:  Candid
Với những người bơi ếch giỏi có khi đọc tài liệu chỉ mất một vài ngày là đạt được như bác Hienemic. Ở đây em hướng đến đối tượng cả những bác chưa biết bơi nên bác chịu khó đợi. Dần dần em sẽ đề cập hết. 
17:38 Thursday,21.7.2016 Đăng bởi:  Hieniemic
Em tuy bơi ếch cũng khá dai sức, nhưng ngày trước cứ sải là chỉ được tầm 200 m là hết hơi. Tháng trước quyết tâm tăng dần cường độ ếch rồi chuyển sang sải thì bất ngờ trong ngay ngày đầu được 2 km (trong hồ bơi). Ngày còn nhỏ được học bơi thì thầy dạy đạp chân thì mu bàn chân duỗi thẳng, đạp mạnh nhưng biên độ nhỏ. Em nghi
...xem tiếp
17:38 Thursday,21.7.2016 Đăng bởi:  Hieniemic
Em tuy bơi ếch cũng khá dai sức, nhưng ngày trước cứ sải là chỉ được tầm 200 m là hết hơi. Tháng trước quyết tâm tăng dần cường độ ếch rồi chuyển sang sải thì bất ngờ trong ngay ngày đầu được 2 km (trong hồ bơi). Ngày còn nhỏ được học bơi thì thầy dạy đạp chân thì mu bàn chân duỗi thẳng, đạp mạnh nhưng biên độ nhỏ. Em nghĩ chắc cũng giống phần Candid nói ở trên, vì đạp nhiều mà ít thấy mỏi chân.

Phần còn lại là quạt tay và cách ngoi đầu. Không biết các bài sắp tới có nói về 2 yếu tố này không, vì em nghĩ là cách em bơi về 2 khoản này hơi phí năng lượng. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả