Tạp hóa - Xã hội

Học bơi cho nghệ sĩ (bài 1): Newton và Archimedes 19. 07. 16 - 6:09 am

Candid

“Ba cậu bé bơi bên bờ biển”. Hình từ trang này

Mỗi năm đến mùa hè, đọc báo lại thấy rất nhiều tin tai nạn gắn với sông nước, không chỉ trẻ con mà cả người lớn cũng gặp nạn vì không biết bơi. Việt Nam là một nước có bờ biển dài, nhiều sông suối nhưng tỉ lệ người biết bơi không cao. Tôi cũng từng là một người bơi rất kém nên rất e ngại mỗi khi gần sông nước. Tôi đã từng nghĩ bơi là một năng khiếu và chỉ có một số ít người có khả năng, hóa ra tôi đã nhầm. Với phương pháp đúng và sự quyết tâm, ai cũng có thể bơi được. Qua bài viết này tôi muốn chia sẻ lại kinh nghiệm tự học bơi với mọi người, hy vọng sẽ giúp được những ai giống tôi, vượt qua được sự e ngại, chần chừ.

Kinh nghiệm lần đầu tiên học bơi của tôi gắn với một cái ao ven làng Thịnh Quang, thời ấy Hà Nội vẫn còn nhiều làng trong phố, ao hồ ở Hà Nội vẫn còn rất nhiều chưa bị san lấp như bây giờ. Theo trí nhớ của tôi đấy là một cái ao khá to, mùa hè, buổi chiều, bọn trẻ con ở mấy khu tập thể và trẻ con trong làng trốn bố mẹ ra bơi. Sau này người ta lấp cái ao này để xây bệnh viện châm cứu, tôi có trở lại nhưng không thể nào nhận ra dấu tích cái ao ngày xưa. Ngày hôm ấy, kinh nghiệm tôi học được là để biết bơi phải cho chuồn chuồn cắn rốn, mà không phải con chuồn chuồn vớ vẩn nào cũng được, phải là loại chuồn chuồn ngô, hai mắt thô lố đại tướng và cặp hàm sắc lẻm. Mấy đứa trẻ con bằng tuổi tôi lấy hết sức can đảm để chịu cú cắn đau điếng rồi ôm thân chuối xuống ao, kết quả là uống no nước. Chiều hôm đấy không ăn nổi cơm mà không dám nói vì sợ ăn đòn tội trốn ra ao bơi.

.

Đến buổi thứ hai, thằng bạn tôi vốn đã biết bơi nhận dạy tôi bơi. Nó dạy bằng cách lôi tôi ra chỗ sâu rồi bắt tôi bơi vào bờ. Tôi dãy đạp điên cuồng, uống no một bụng nước, thì thấy cơ thể nổi lên được và thế là tôi bơi được. Từ đấy tôi biết rằng, muốn bơi được thì cứ đạp chân tay mạnh, để người nổi khỏi mặt nước thì sẽ biết bơi. Bao năm sau tôi mới biết hóa ra tôi đã nhầm và rất nhiều người cũng nhầm như tôi.

Chúng ta thường nghĩ rằng, cơ thể chúng ta như một cục đá hay hòn sỏi, ném xuống nước sẽ chìm nghỉm ngay lập tức do đó phản xạ của chúng ta khi xuống nước là đập tay, đập chân để cố nhô đầu lên khỏi mặt nước. Thực ra khi chúng ta xuống nước, cơ thể chúng ta chịu sự chi phối của hai nhà khoa học Archimedes và Newton, một ông kéo chúng ta xuống còn ông kia nâng chúng ta lên. Tôi cũng quên gần hết kiến thức vật lý phổ thông nên chỉ có thể diễn nôm na, mỗi khi xuống nước, có hai lực tác động lên cơ thể là trọng lựclực đẩy của nước. Hai lực này trái chiều nhau, nếu trọng lực lớn hơn thì ông Newton thắng thế, cơ thể ta sẽ chìm xuống nước, nếu lực đẩy của nước lớn hơn thì ông Archimdes sẽ nâng ta lên.

Ảnh minh họa tác động của trọng lực và lực đẩy Archimedes lên một khối xốp. Hình từ trang này

Lỗi đầu tiên chúng ta gặp phải khi cố thở là tìm cách đưa đầu lên mặt nước, lúc này cơ thể của chúng ta sẽ song song với phương của lực đẩy, do đó diện tích tiếp xúc với lực đẩy bé, trọng lực sẽ thắng thế và chúng ta chìm xuống dưới. Để tăng diện tích tiếp xúc với lực đẩy của nước, cách tốt nhất là chúng ta nằm duỗi dài trên mặt nước. Lúc này toàn bộ cơ thể chúng ta sẽ được nước đẩy lên, nhờ sức nổi của không khí trong phổi, cơ thể chúng ta sẽ không bị chìm như một hòn sỏi. 

Hình minh họa tác động của trọng lực và lực đẩy Archimedes lên trọng tâm của người khi ở dưới nước

Để hiểu được sự quan trọng của lực đẩy và sức nổi chúng ta sẽ làm quen với bài tập đầu tiên và quan trọng nhất Superman Glide. Lý do của tên gọi này là vì khi chúng ta thực hiện chúng ta trượt trên nước thì hình dáng hệt như superman đang bay, với hai tay duỗi thẳng về phía trước, hai chân chụm vào duỗi dài sau cơ thể.

Để thực hiện các bài tập theo tài liệu phương pháp Total Immersion, tổ sư Terry khuyên chúng ta nên kiếm các bể bơi nông ngang ngực là tốt nhất, có chiều dài khoảng 20-25m, bởi vì chúng ta không cần thiết phải bơi hết chiều dài của bể mà chúng ta sẽ tập từng động tác chưa quan tâm đến việc lấy hơi. Mỗi khi hết hơi chúng ta sẽ đàng hoàng đứng dậy để thở và tập tiếp.

Để thực hiện Superman Glide, chúng ta đứng sát vào thành bể bơi, dùng chân đạp thành bể lao ra, hai tay giơ lên phía trước như siêu nhân, mắt nhìn thẳng xuống đáy bể, chân khép lại duỗi dài sau người, toàn bộ cơ thể thả lỏng để toàn thân trôi, lúc này cơ thể chúng ta sẽ gần như chìm hoàn toàn sát mặt nước, chính vì thế mà phương pháp này có tên là Total Immersion.

Hình vẽ các động tác của Superman Glide lấy từ trang này

Các điểm cần lưu ý khi thực hiện động tác này như sau:

Toàn thân phải thả lỏng: khi ta không thả lỏng, các cơ của chúng ta sẽ co lại, ta có xu thế cong người lại về phía trước, sức nổi sẽ kém, trọng lực thắng thế và ta sẽ chìm. Đối với người đã từng tập các môn võ như Vịnh Xuân, Thái Cực thì sẽ hiểu được trạng thái lỏng của cơ thể. Tương truyền khi nghiên cứu phương pháp này, Terry cũng tham khảo các nguyên lý của Thái Cực. Thả lỏng rất quan trọng vì chúng ta sẽ không bơi một vài phút mà bơi cả tiếng. Một người có thể co gồng được vài phút chứ không thể gồng được cả tiếng. Đối với người chưa học phải nhớ thả lỏng tay và thả lỏng cơ cổ để cảm thấy lực đẩy của nước tác động lên tay, lên trán. Khi thả lỏng đúng cách sẽ cảm thấy trán tì lên nước.

Mắt phải nhìn đáy bể: Khi mắt nhìn đáy bể ta sẽ giữ cơ thể nằm trên đường thẳng từ ngón chân đến ngón tay, do đó giúp cơ thể nổi. Nếu mắt nhìn về phía trước sẽ phá vỡ đường thẳng này, cơ thể sẽ chìm xuống dưới.

Tay thả lỏng, hơi chìm để làm đối trọng cho chân: Do chân chúng ta nặng hơn nên cơ thể chúng ta có xu hướng chìm phía chân, tưởng tượng cơ thể là một cái bập bênh, điểm cân bằng ở khoảng rốn, để chân nổi lên thì tay chúng ta phải hơi chìm xuống.

Tư thế Superman Glide. Hình từ youtube

Thông thường khi làm, để có thể đi hết chiều dài 20m của bể, một người phải mất 7-8 lần thực hiện động tác Superman Glide. Nhưng dần dần khi làm quen chúng ta sẽ chỉ mất 5 lần thậm chí 4 lần để hết chiều dài bể. Khi đó sẽ có cảm giác lướt trên mặt nước.

Khối lượng tập: Một buổi tập phải thực hiện khoảng 30 lần chiều dài bể.

Bổ sung: Với người chưa biết bơi sẽ phải tập thêm việc thở dưới nước trước khi tập động tác này. Đầu tiên tập úp mặt xuống nước và thở ra (bằng miệng hay bằng mũi tùy theo thói quen). Khi thở hết hơi thì ngẩng đầu lên lấy hơi. Với trẻ con có thể bày trò chơi dùng một món đồ chơi bằng cao su giơ trên mặt nước để cho bé nhìn, sau đấy dìm xuống dưới nước, bảo bé úp mặt xuống nước để quan sát món đồ chơi dưới nước. Sau khi đã quen với việc úp mặt và thở dưới nước chúng ta sẽ tập hai tay bám vào thành bể hoặc phao, thả lỏng cơ thể để người nổi trên mặt nước. Sau đó tập Superman Gilde.

Các bạn có thể xem thêm video clip Superman Glide để tham khảo tại đây

 (Còn tiếp)

Ý kiến - Thảo luận

16:58 Wednesday,3.8.2016 Đăng bởi:  Ngoc Huynh

Dạ, Em cảm ơn ạ, trước giờ em đều tập sai, cứ nhịn thở là người nổi nên cứ làm vậy hoài, phải sửa lại từ đầu thôi


...xem tiếp
16:58 Wednesday,3.8.2016 Đăng bởi:  Ngoc Huynh

Dạ, Em cảm ơn ạ, trước giờ em đều tập sai, cứ nhịn thở là người nổi nên cứ làm vậy hoài, phải sửa lại từ đầu thôi

 
11:15 Tuesday,2.8.2016 Đăng bởi:  lui
@Ngoc Huynh: thở hết hơi thì đứng dậy lấy hơi làm tiếp bạn ạ. Đó là lý do huấn luyện viên khuyên ta tập ở hồ bơi ngang ngực thôi.
...xem tiếp
11:15 Tuesday,2.8.2016 Đăng bởi:  lui
@Ngoc Huynh: thở hết hơi thì đứng dậy lấy hơi làm tiếp bạn ạ. Đó là lý do huấn luyện viên khuyên ta tập ở hồ bơi ngang ngực thôi. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Người ta tới đâu rồi,
còn ta thì tẹp nhẹp

Nguyễn Quân - Cung cấp ảnh: Nguyễn Anh Tuấn

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả