Gẫm & Bình

Đi xem “Nghệ thuật và hậu loài người” (phần 1): phải có vài lời giải thích 28. 07. 16 - 7:00 am

Hoa Gruber

Một vài suy nghĩ nhân xem triển lãm “Huyền thoại mới: nghệ thuật và hậu loài người”.

Chi tiết trong tác phẩm “Một mình với các vị thần” của Patricia Piccinini và Peter Hennessey (Úc).

“Huyền thoại mới: nghệ thuật và hậu loài người” diễn ra từ ngày 30. 6 đến 4. 9. 2016 tại Bảo tàng Đương đại Sydney (MCA). Triển lãm giới thiệu tác phẩm của 18 nghệ sĩ Úc và Hàn Quốc, thể hiện suy tư, hình dung của họ về tương lai trái đất và loài người.

Tên triển lãm gợi nhiều tò mò, hậu loài người đang là một thuyết gây nhiều chú ý. Nó phát sinh từ chủ trương của những người theo tư tưởng Siêu nhân học (transhumanists) ủng hộ việc dùng công nghệ tinh vi để nâng cao vượt bậc khả năng trí tuệ, thể lực và tâm lý của con người, để con người có thể chiến thắng bệnh tật, tuổi già, thậm chí cả cái chết. Một số học giả cho đó là “ý tưởng nguy hiểm nhất thế giới”, một số khác lại ca ngợi như “phong trào đại diện cho các nguyện vọng táo bạo nhất, giàu trí tưởng tượng nhất và lý tưởng nhất của nhân loại”.

Công nghệ sinh học tiên tiến mở ra khả năng cực kỳ lớn, có thể tạo nên các sinh thể nhân tạo với năng lực siêu phàm. Đây là vấn đề động chạm đến tôn giáo, luật pháp, mỹ học, nhân chủng học, trở thành mối lo ngại và quan tâm đặc biệt của các nhà nghiên cứu chính trị, kinh tế, luật pháp và xã hội học.

Tuy nhiên ở góc độ khác, trước nguy cơ môi trường sinh thái bị hủy hoại, thì song song với nỗ lực đi tìm các dạng năng lượng thay thế tài nguyên thiên nhiên và thám hiểm các hành tinh khác, mô hình hậu loài người hay một loại siêu nhân có khả năng tồn tại được trong một điều kiện không còn thích hợp với sự sống của con người dường như cũng là một giải pháp được chú ý.

Một tác phẩm trong triển lãm

Vấn đề nóng bỏng ấy, liên quan đến tương lai của trái đất và loài người, đã được các nghệ sĩ tham gia triển lãm “Huyền thoại mới: nghệ thuật và hậu loài người” thể hiện dưới nhiều hình thức, sắp đặt, tranh kỹ thuật số, phim video, biểu diễn.

Lấy cảm hứng từ khoa học viễn tưởng, người máy, công nghệ sinh học, sản phẩm tiêu dùng, truyền thông xã hội, mỗi tác phẩm là một cách tiếp cận chủ đề khác nhau. Có nghệ sĩ đóng vai “nhà khoa học điên”, làm thí nghiệm với các sinh vật sống. Người khác tạo máy xay bằng khí nén trộn các chất sinh học của con người hay các bảng điện màu thử nghiệm cảm xúc. Có người lại quan sát thế giới của chúng ta từ nhãn quan của những người tương lai. Các tác phẩm cũng phản ánh những khủng hoảng trầm trọng của thời đại như chủ nghĩa tiêu thụ điên cuồng và tình trạng bị đe dọa của môi trường sinh thái.

Một tác phẩm trong triển lãm

Nổi lên giữa các tác phẩm, như bài thơ đẹp trao gửi niềm hy vọng về tương lai của loài người và nghệ thuật là “El fin del Mundo” (“Tận thế”), một sắp đặt video của hai nghệ sĩ Hàn quốc Moon Kyungwon và Jeon Jooho. Tuy nhiên người viết bài này muốn được “dẫn” bạn đọc xem triển lãm theo cảm nhận chủ quan, sẽ lướt qua nhiều tác phẩm, nói sơ qua về một số, nói kỹ hơn về một số khác, để cuối cùng, mới cùng bạn ngồi thật lâu trước tuyệt tác “El fin del Mundo”.

Tác phẩm đầu tiên là “Sinh thái đen tối” của nghệ sĩ New Zealand, Hayden Fowler, là một không gian lớn được dựng ngoài trời, ngay cạnh cửa ra vào của bảo tàng. Từ xa đã nhìn thấy khối lớn mầu trắng như quả bóng lớn nối với một khối vòm hình ống.

.

Đến gần thấy khối này giống như cái “lồng” bằng vải nhựa căng bởi bộ khung xếp thành các hình lục giác. Cái “ lồng” này úp lên hai khối nhỏ hình bán cầu bằng nhựa cứng như hai vỏ ốc lớn.

.

Đi vào bên trong là quang cảnh chết chóc, hoang tàn, chỉ có các thân cây khô nham nhở, đất cằn cỗi và sừng thú vật đã khô. Không gian sinh thái ảm đạm của Hayden Folwer biểu tượng cho ngày tàn của trái đất, khi nước đã cạn kiệt và con người nếu còn sống sót thì cũng đang ngắc ngoải chờ tận thế. Sự sống lay lắt bên trong không gian mái vòm này đập vào chúng ta thảm họa môi trường mà chúng ta cứ nhắm mắt đẩy mãi vào tương lai. Không gian trắng tạm bợ, mong manh, đối lập với cảnh điêu tàn không cứu vãn nổi bên trong là lời cảnh báo về hiện thực trái đất đang mấp mé bên bờ vực thẳm của diệt vong.

Hayden Fowler, “Sinh thái đen tối”, 2015, chất liệu tổng hợp

Ra khỏi không gian sinh thái chết chóc của Hayden Fowler là lọt vào không gian có tên “Một mình với các vị thần” của hai nghệ sĩ Úc Patricia Piccinini và Peter Hennessey.

.

Tác phẩm sắp đặt này của họ lấy cảm hứng từ cuộc gặp gỡ một nhóm người sống biệt lập có niềm say mê tạo ra những dạng sống mới. “Môn phái” này được phát triển từ khi công nghệ biến đổi gien được phổ cập với giá rẻ cho phép bất kỳ ai cũng có thể tạo được các sinh thể từ lai ghép gien người, động vật, thực vật với các vật thể khác. “Không gian tường thuật” của hai nghệ sĩ bao gồm một video kể về cuộc gặp gỡ của họ với con gái vị trưởng môn phái trong khu vườn dị thường và hình mô phỏng các dạng sống đặc biệt mà hai nghệ sĩ làm bằng các chất liệu khác nhau. Các hình này có thể là một chú khỉ nhỏ không tay, thân là hai chân lớn choẽ ra, một cái “bánh bột nở lớn” có tóc, “những cây nấm” có miệng kết thành đám, hay thân người ghép với chim đại bàng…

“Bánh bột nở lớn” có tóc

Tất cả được đặt trong các “lồng kính”, các mặt đều là gương, trên bệ đỡ hình trụ đa diện sáng choang. Kính, gương, kim loại với thiết kế hình học, trang trí high-tech của không gian dường như hàm ý rằng những sinh thể này được tạo ra trong phòng thí nghiệm. Lớn nhất là hình hài kì dị không đầu, chỉ có thân và một cánh tay, tóc dài lơ thơ cùng những cái miệng lớn dính trên cổ và trên thân.

Chi tiết trong “Một mình với các vị thần” của Patricia Piccinini và Peter Hennessey

Phải huy động hết can đảm để “chiêm ngưỡng” hình hài này và những dạng sống lai ghép khác. Không gian của hai nghệ sĩ này thu hút tò mò nhưng kỳ thực chẳng muốn nán lại lâu.

Đi thẳng sang gian đối diện, lướt qua hai tác phẩm hậu duệ của Duchamp đều sử dụng ô rách. Tác phẩm của Ian Burn “Theo vòng tròn” (2016) được tạo nên bởi hai găng trắng bơm phồng bay xung quanh một ô méo ở giữa, có mười quạt điện vây quanh, được lập trình tắt bật theo thứ tự. Hai cái găng này biểu tượng cho thái độ né tránh người tị nạn của Úc và sự kì thị người da đen ở Mỹ.

Ian Burn,“Theo vòng tròn” (2016)

Tác phẩm thứ hai là của nghệ sĩ Hàn quốc Wonbin Yang, được làm bằng một cái ô hỏng và các thiết bị điện cho phép ô thi thoảng lại tự chuyển động. Đọc tờ giới thiệu trên tường thì ngạc nhiên bởi tác phẩm mang tên “Vong hồn nhồi máu cơ tim”. Hóa ra đây là một phần trong “Xê-ri các loài” (2012), trong đó, nghệ sĩ tạo ra một hệ sinh thái robot-côn trùng có thể phát triển mạnh mẽ trong tương lai. Ý tưởng này xuất phát từ quan điểm cho rằng các thành phố ngày nay giống như “nước nguyên thủy” có khả năng tạo nên những dạng sống mới. Nghệ sĩ sử dụng rác đô thị và các bộ phận cơ khí nhỏ để tạo nên các loại robot côn trùng này. Mỗi loại có các đặc điểm sinh học và hành vi riêng biệt. Nếu không đọc giải thích thì đã lướt qua chiếc ô rách mà chả biết nghệ sĩ muốn thể hiện điều gì. Lời giải thích về ý tưởng của nghệ sĩ quả là quá quan trọng cho những tác phẩm thuộc nhánh ý niệm phản thẩm mỹ này.

Wonbin Yang, “Vong hồn nhồi máu cơ tim” (2012), ô rách, thiết bị điện.

 

(Còn tiếp)

Ý kiến - Thảo luận

19:45 Saturday,30.7.2016 Đăng bởi:  phương
Hoa chớ nghe lời htun viết "ít chi tiết và bay hơn" kẻo chúng mình không có bài hay mà đọc.
Cứ viết như bạn đang viết: đầy đủ chi tiết, trung thực với cảm xúc.
...xem tiếp
19:45 Saturday,30.7.2016 Đăng bởi:  phương
Hoa chớ nghe lời htun viết "ít chi tiết và bay hơn" kẻo chúng mình không có bài hay mà đọc.
Cứ viết như bạn đang viết: đầy đủ chi tiết, trung thực với cảm xúc. 
16:37 Saturday,30.7.2016 Đăng bởi:  htun
Đủ. Trên cả đủ.
Người viết cố gắng mang hết về cho người đọc các hình ảnh, đường nét, màu sắc, tâm tình và nhiều nghĩ ngợi khác thấy được trong triển lãm. Cảm thấy như cả màn hình và không gian triển lãm trở nên chật hẹp, không mang nổi nhiều điều mà người viết cảm nhận được từ triển lãm.
Một sự mô tả rất tận tình và đầy trách nhiệm.
Nhưng
...xem tiếp
16:37 Saturday,30.7.2016 Đăng bởi:  htun
Đủ. Trên cả đủ.
Người viết cố gắng mang hết về cho người đọc các hình ảnh, đường nét, màu sắc, tâm tình và nhiều nghĩ ngợi khác thấy được trong triển lãm. Cảm thấy như cả màn hình và không gian triển lãm trở nên chật hẹp, không mang nổi nhiều điều mà người viết cảm nhận được từ triển lãm.
Một sự mô tả rất tận tình và đầy trách nhiệm.
Nhưng làm người đọc thấy mệt.
Có lẽ đi xem triển lãm không phải ai cũng là chuyên gia hoặc hiểu biết sâu về mỹ thuật. Người xem cũng không nhất thiết phải mang về từ triển lãm nhiều thứ thật quan trọng và nghiêm túc. Đôi khi chỉ cần một cảm giác thanh bình, một chút lạ lẫm, một thoáng giật mình, hay sự liên hệ về một hồi ức...
Mong rằng phần sau sẽ nhẹ bớt chi tiết và bay hơn. Không cần quá đầy đủ như vậy. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Nhuộm xanh-trắng-đỏ cùng nước Pháp

Phạm Tuấn Anh - Phần ảnh do Phạm Phong biên dịch

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả