Bàn luận

Đứa trẻ nghệ thuật Việt Nam nên lớn lên theo hướng nào? –
Bài 4: Rẽ một chút sang Kinh Dịch nhé 01. 05. 12 - 7:25 am

Phó Đức Tùng

SOI: Tiếp theo phần trước với quan niệm của phương Tây về anh nghệ sĩ, phần này rẽ một chút sang Kinh Dịch (họa sĩ ta cũng nhiều người nghiên cứu môn này, đúng không ạ?), trước khi bước vào phần kết luận ở bài sau. Hình minh họa do Soi lấy từ internet, như trong bài này là không rõ tác giả. Đây là một bài dài (sau này Soi sẽ post lại đầy đủ, không minh họa), Soi cắt ra thành nhiều bài nhỏ, tên bài nhỏ do Soi đặt.

Trong Kinh Dịch, Quẻ Càn là quẻ bàn về sức sáng tạo, có nói các bước tiến triển của việc sáng tạo, rất đúng với những bước mà một người nghệ sỹ phải trải qua. Bước đầu tiên là “tiềm long vật dụng” nghĩa là phải ẩn mình tu dưỡng, không được đem ra sử dụng. Đây cũng gọi là bước tích lũy công phu hàm dưỡng. Nếu chưa tích lũy đủ đã đem ra dùng thì sẽ lẩy bẩy như Cao Biền dậy non, như hái quả xanh để ăn, không thể thành tựu. Vì nguy cơ này nên Colin có nói đến tác hại của việc khuyến khích, công bố, triển lãm quá sớm, khiến cho tài năng bị thui chột, không lớn được. Sau khi tích lũy đủ, tài năng, nhân cách sẽ bộc lộ ra ngoài như mũi kim giấu trong bọc có ngày lòi ra. Nếu là nhân cách lớn, sẽ thấy sáng rực rỡ, ai cũng thấy được, sờ được như con rồng nằm giữa ruộng “hiện long tại điền”. Đó cũng là lúc người quân tử tham gia vào xã hội, chịu đựng những va chạm, sờ mó, bóp méo, khen chê, và luôn phải nỗ lực từng ngày nếu không sẽ bị đám đông dày xéo, chà đạp “chung nhật kiền kiền, tịch dịch, nhược lệ”. Nhưng sau một thời gian lặn ngụp với hiện trạng, xã hội, người nghệ sỹ sẽ phải chọn một trong hai đường, hoặc là lặn xuống vực sâu, biến mất để tránh cái lộn xộn, ồn ào vô bổ của đám đông, hoặc là dám nhảy vọt lên mây cao “hoặc dược, tại uyên”. Nếu ai thành công trong bước nhảy lên mây, sẽ sáng rực như rồng bay giữa trời, thiên hạ đều chiêm ngưỡng, thờ phụng, nhờ ơn mưa móc mà tự sinh sôi nảy nở “phi long tại thiên”.

Khác với quẻ Càn, quẻ Khôn bàn về đạo lý của đất, sẽ nói đến những tố chất của người nghệ sỹ mà ta tạm gọi là phương Tây mong đợi. Đạo lý của Khôn là không cần sáng tạo, vì mọi sự sáng tạo là quẻ Càn đã làm rồi. Vấn đề là cần phải biết sự sáng tạo để thực hiện nó, tác thành cho nó. Cái sáng tạo kiểu quẻ Càn là ý tưởng, giống kiểu conceptual art mà không cần đến medium thực hiện, có thể chỉ trong đầu nghệ sỹ. Nhưng khi đã thể hiện thành tác phẩm vật chất, cho dù là tranh, tượng hay sắp đặt, trình diễn đều có nghĩa là tác thành cho ý tưởng để trở thành vật, nghĩa là vai trò của quẻ Khôn.

Hào 1 quẻ Khôn viết “lý sương kiên băng” nghĩa là đạp lên sương mỏng mà biết thời kỳ băng giá sắp tới. Đó là năng lực cảm nhận vô cùng sắc bén của người nghệ sỹ. Những thứ người thường chưa cảm được thì người nghệ sỹ đã cảm thấy một cách rất rõ nét. Lấy ví dụ có một con tê giác khổng lồ, thân còn lấp trong bóng đêm, mới thò sừng ra ngoài. Người thường chỉ nhìn thấy cái sừng, nghĩ là một hòn đá nhọn. Nhà khoa học thì biết là con tê giác, nhờ đặc điểm khoa học của cái sừng nếu anh ta từng nghiên cứu về con vật này. Còn nghệ sỹ thì không biết con tê giác, nhưng cảm nhận được đằng sau cái sừng còn một cái gì sống động rất to lớn và sẽ thể hiện nó bằng tác phẩm mà ai xem cũng cảm thấy hình như đúng là đằng sau hòn đá còn một cái gì đó.

Lão Tử nói: Tri kỳ hùng, thủ kỳ thư, nghĩa là biết đến cái sức mạnh, sự sáng tạo của trời đất, nhưng giữ phận mình là người thuận thừa, tác thành. Người nghệ sỹ không cần sáng tạo, không cần chủ đề riêng, mới, mà cần nhận biết tinh nhạy, thể hiện sắc sảo một thứ mà bình thường chỉ được nhận ra một cách mơ hồ. Ready made art có thể coi là một ví dụ cực đoan về năng lực và vai trò này. Mọi chủ đề, khi đã nói được ra, đều chỉ là cái cớ, không phải là bản chất giá trị của tác phẩm. Những chủ đề như môi trường, chính trị, bạo lực, tệ nạn xã hội cũng không có giá trị gì hơn chim hoa cá gái hay sĩ nông công binh. Đối với tác phẩm, chúng cũng như vật liệu, phương tiện. Điều quan trọng của tác phẩm là những thứ người ta có thể cảm nhận được qua tác phẩm mà bình thường họ không nhận ra. Nhiều nghệ sỹ thích dùng những chủ đề mạnh, mang tính chính trị, xã hội và việc họ bị cấm đoán, bắt bớ hay bị hiểu nhầm với giá trị tác phẩm. Thực tế, những chủ đề càng mạnh càng khó, vì những tiếng ồn xung quanh chúng rất lớn. Ai cũng nghĩ là mình đã biết, đã nghe, và không cảm nhận thực sự được sự khác biệt. Vì thế sử dụng những đề tài này rất dễ rơi vào nghi án kitsch hay văn nghệ quần chúng. Chỉ những người vô cùng tinh tế, có sức thể hiện rất mãnh liệt mới có thể tạo ra tác phẩm tốt bằng những chủ đề này. Giống như trong âm nhạc, mọi đứa trẻ nhập môn đều đánh bài Gửi Elise, các nghệ sỹ thành danh thì tuyệt đối tránh, đến Horowitz thì lại dám chơi.

*

Bài tiếp theo cũng là phần kết luận, về hướng đi nào cho nghệ thuật Việt Nam

 

*

Bài liên quan:

– Đứa trẻ nghệ thuật Việt Nam nên lớn lên theo hướng nào? Bài 1: Quan điểm ta như đứa trẻ sơ sinh
– Đứa trẻ nghệ thuật Việt Nam nên lớn lên theo hướng nào? Bài 2: Lớn lên để thành quân tử phương Đông

– Đứa trẻ nghệ thuật Việt Nam nên lớn lên theo hướng nào? Bài 3: Làm nghệ sĩ là làm tấm gương trong

– Đứa trẻ nghệ thuật Việt Nam nên lớn lên theo hướng nào? – Bài 4: Rẽ một chút sang Kinh Dịch nhé

– Đứa trẻ nghệ thuật Việt Nam nên lớn lên theo hướng nào? – Bài 5: Đường đi không có gì là khó. Khó vì không chọn đường nào.

– Đứa trẻ nghệ thuật Việt Nam nên lớn lên theo hướng nào? (Bản tổng hợp, không hình ảnh)

Ý kiến - Thảo luận

9:41 Monday,16.2.2015 Đăng bởi:  phó đức tùng
candid
việc đó thì không có gì là mâu thuẫn. kinh dịch được coi như cuốn sách về vũ trụ. những lời trong đó chỉ là biểu tượng. cùng một biểu tượng có thể ứng vào nhiều vấn đề, lĩnh vực khác nhau. về cơ bản, mọi hiện tượng, vấn đề đều có thể chia về 6 bước, 6 cấp phát triển ứng với 6 hào. vấn đề là tìm được sự tương ứng của hiện tượng đang
...xem tiếp
9:41 Monday,16.2.2015 Đăng bởi:  phó đức tùng
candid
việc đó thì không có gì là mâu thuẫn. kinh dịch được coi như cuốn sách về vũ trụ. những lời trong đó chỉ là biểu tượng. cùng một biểu tượng có thể ứng vào nhiều vấn đề, lĩnh vực khác nhau. về cơ bản, mọi hiện tượng, vấn đề đều có thể chia về 6 bước, 6 cấp phát triển ứng với 6 hào. vấn đề là tìm được sự tương ứng của hiện tượng đang cần quan tâm với một trong các quẻ. Khâu này là ít thuyết phục nhất, và ta cũng không bàn ở đây.
việc lấy quẻ càn để bàn chỉ có thể áp dụng với một số lĩnh vực mà ta không đi sâu vào kỹ năng nghề nghiệp mà chỉ bàn chung về nguyên lý làm người. khi mình dùng quẻ càn nói về nghệ sỹ thì không dưới góc độ một nghề, mà dưới góc độ đại diện cho tư tưởng mỹ học của xã hội. 
13:49 Sunday,15.2.2015 Đăng bởi:  candid

Thì thế em mới thấy nếu thay bàn về nghệ sĩ bằng kỹ sư, bác sĩ hay chính trị gia thì cũng đúng. :D


 


...xem tiếp
13:49 Sunday,15.2.2015 Đăng bởi:  candid

Thì thế em mới thấy nếu thay bàn về nghệ sĩ bằng kỹ sư, bác sĩ hay chính trị gia thì cũng đúng. :D


 

 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả