Nghệ sĩ Việt Nam

Ánh Sáng và vợ chồng “độc bản” 16. 12. 10 - 10:37 pm

Nguyễn Hữu Hồng Minh

  

 

ÁNH SÁNG

Triển lãm điêu khắc của Phan Phương Đông
Khai mạc: 17h ngày 17. 12. 2010
Kéo dài đến 27. 12. 2010
Âu cơ gallery, 124/22 Âu Cơ, Tây Hồ, Hà Nội

*
Tên Ánh Sáng của triển lãm có lẽ vẫn chưa phải là cái tên mà điêu khắc gia Phan Phương Đông hài lòng. Anh muốn tìm một từ tiếng Việt nào tương đương như từ “Minh” (một sự sáng mắt sáng lòng?). 

Đi xuyên Việt cùng vợ là hoạ sĩ Chinh Lê từ ngày 4. 12, Phương Đông ra Hà Nội sớm 10 ngày để chuẩn bị triển lãm. Anh vốn là người yêu thích sự tuyệt đối, hoàn hảo, và đây là một triển lãm quan trọng của anh.

Không statement, không giải thích, triển lãm gồm 5 tác phẩm bằng inox (điêu khắc), 13 tác phẩm in digital art lên inox và plastic, về mặt kỹ thuật, Phan Phương Đông muốn “vật chất hóa ánh sáng” bằng điêu khắc. Sau đó dùng ánh sáng đèn chiếu để cộng hưởng lại lần nữa.

Vốn là dân kiến trúc, tác phẩm của Phan Phương Đông có một vẻ đẹp “đúng lý” mà bản thân Soi rất thích.

Mời các bạn đến xem, triển lãm kéo dài trong 10 ngày, giữa mùa đông rét của Hà Nội.

Nhân đây, Soi xin giới thiệu lại một bài của Nguyễn Hữu Hồng Minh, đăng trên Thể thao & Văn hoá cuối tuần 2009 về Phan Phương Đông và Chinh Lê.

*

Hai nghệ sĩ Phan Phương Đông – Chinh Lê

VỢ CHỒNG ĐỘC BẢN

Thật khó mà hình dung nổi ở cái thời buổi ăn tốc độ, yêu tốc độ này mà vẫn còn một đôi lứa xứng đôi không quan tâm tới tốc độ như họ. Chồng điêu khắc gia Phan Phương Đông, vợ – họa sĩ làm thơ Chinh Lê. Cả hai “ngự” trong một dinh thự “xưa và nay”, vừa là nhà, vừa là nơi chốn làm việc và cũng là phòng trưng bày, triển lãm tác phẩm luôn, nghĩa là tất cả đều trong một.

Thật ra, trong giới văn nghệ, dân điêu khắc và họa sĩ vẫn được và bị xem là “những tài năng ở ẩn” vì công chúng ít người biết đến họ, trừ những công chúng của riêng họ, rất ít thôi. Phan Phương Đông và Chinh Lê đều xuất thân từ chỗ có thể “nổi” với đám đông. Là con gái rượu của điêu khắc gia Nguyễn Hải, em gái của điêu khắc gia Nguyễn Hải Nguyễn, Chinh Lê lúc trẻ đã làm thơ và rất xinh đẹp (bây giờ vẫn mặn mà) gieo hình ảnh “nàng thơ” vào tim khối chàng trai. Còn Phan Phương Đông đã tốt nghiệp ngành “hái ra tiền” thời mở cửa, ấy là khoa Thiết kế dân dụng Đại học Kiến trúc TP.HCM. Nhưng, như lời anh kể về quá trình thử “hái ra tiền” của mình: “Lần thứ nhất nhận thiết kế công trình, người ta (chủ công trình) bảo mình thiết kế theo ý người ta, mình không theo. Lần thứ hai mình bảo người ta theo mình, người ta không theo. Lần thứ ba không ai chịu theo ai, thế là thôi”. Thôi, Đông thiết kế ngôi nhà cho chính mình, một ngôi nhà rất độc đáo bên bờ sông Sài Gòn từng được phong danh hiệu “nhà đẹp” trên tạp chí cùng tên. Đó cũng là công trình kiến trúc đầu tiên và duy nhất trong “đời kiến trúc sư” của anh (sau khi cất nhà này, nhiều người nhờ thiết kế nhà cho họ nhưng anh không nhận). Và Chinh Lê thôi xách túi theo “hầu” bố, mà ở ngôi nhà “độc bản” ấy để vẽ tranh, làm thơ.

Tôi nhớ mấy dịp gặp nhau, Chinh Lê có cho tôi xem bản thảo tập thơ mà Lê bảo đã được quỹ Anh Thơ tài trợ in. Viết đến đây phải dài dòng một chút. Quỹ Anh Thơ được thành lập là do ý nguyện của nhà thơ Anh Thơ, tác giả tập Bức tranh quê được giải thưởng Tự Lực Văn Đoàn những năm 1930, bà là một giọng thơ nữ hiếm hoi và độc đáo của phong trào Thơ Mới. Sau khi bà mất, quỹ Anh Thơ ra đời, tài trợ cho các cây bút nữ in tác phẩm đầu tay. Chinh Lê rất trân trọng vì thế, rất chăm chút cho tập thơ. Mỗi lần đến chơi nhà là Lê cho xem một số tờ thơ đã được trình bày. Cứ sửa lui sửa tới mất… mấy năm cho đến khi tôi thấy lâu, quên bẵng, thì tập thơ được in ra. Tôi còn nhớ khi Chinh Lê chuyển tập thơ tặng tôi, câu đầu tiên tôi vuột miệng khi cầm tập thơ là: Trời, cứ tưởng phải xuất bản từ mấy năm trước rồi kia mà!

Chinh Lê cẩn trọng đã thế, Phan Phương Đông còn “khủng khiếp” hơn. Triển lãm (điêu khắc) nào của anh cũng gửi giấy mời trước… một năm. Mà cũng không phải ai cũng mời. Danh sách khách tròm trèm độ khoảng hai chục. Sau hai triển lãm, bốn năm, hai năm làm một lần, thì cũng thêm được… một người. Mà cũng là đã “cân nhắc” lắm! Triển lãm Sóng khai mạc hôm 26/7 vừa rồi cũng vậy. Hơn hai chục khách, không hơn. Khai mạc chín giờ ba mươi sáng, thì mười một giờ rưỡi “hội tan”. Chỉ là cuộc gặp gỡ, chúc mừng chia vui với tác phẩm mới của nhà điêu khắc diễn ra khoảng hai tiếng mà phải đúng hai năm ấp ủ để thực hiện. Không “khủng khiếp” thì còn gì?

Lần đầu tiên gặp Phan Phương Đông thực tình tôi chỉ muốn “gây lộn”! Khó có thể tìm thêm một gã thứ hai nào có vẻ mặt lầm lì và khó ưa hơn thế! Râu ria, tóc tai. Ánh nhìn khi lạnh lẽo lờ đờ, lúc kiêu hãnh quắc thước. Anh kiệm từng từ một. Nói nhát gừng như đang gặm một thứ ngôn ngữ chết. Cứ như anh sợ lời nói không diễn đạt hết lòng mình, những gì đang biến động, lao xao thay đổi trong tâm hồn. Im lặng “tới mức” là thái độ anh chọn sau khi trải qua “đủ thứ hiện thực”. Sự tĩnh tại bề mặt đó đối trọng với những cuộc chiêm nghiệm, suy tư, đào thoát chưa bao giờ yên nghỉ ở bề sâu. Nhưng đó chỉ là cách tôi nhìn anh. Còn anh thì bất ngờ hơn: “Tôi giống như kẻ khuyết tật, thật khó khăn khi phải nói những điều của mình”. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn, anh dùng hình tượng: “Cái cây có chuyển động không? Tôi thích giống cái cây. Nó không vô tri vô giác đâu, có chuyển động trong sự tại chỗ. Cây luôn hướng về ánh sáng…”.

Hình dung kiểu khác, qua các triển lãm của anh trước đây, như Đôi (1999), Đồng (2007), Sóng (2009), Phan Phương Đông gần với các chất liệu đất, đá, đồng, gần với đúc, đanh, đắm, đổ, đặc. Là nén. Là khối. Là thế mạnh của biểu hình chứ không hoàn toàn biểu ngữ. Cảm tưởng anh luôn loay hoay với một khối trầm lạ, tìm cách chuyển động. Làm sao có thể như Sisyphe xoay một khối đá vuông lên đỉnh núi? Liệu nó có phải là con Nhân sư Xphinx có cánh hay thần Atlax phải chống đỡ, khuôn vác cả bầu trời khổng lồ trên đôi vai trần của mình? Mà tại sao phải đi tìm lý lẽ thần bí để thỏa mãn tâm lý trong những điển tích cổ xưa của thần thoại Hy Lạp? Phan Phương Đông vui chơi sinh tử với Âm Dương, mặt trời – mặt trăng, đêm và ngày, hữu hình và vô hình. Anh đã thử gọi tên nó một cách rành rẽ mà theo vẫn còn ngấp ngứ là nghệ thuật độc bản! Có một thế giới nghệ thuật nào lý tưởng như thế không? Hiểu thế nào với độc bản? Là có một không hai. Là đi qua không ngoái lại. Là một lần và xóa hết dấu tích? Liệu nó quá có vẻ yêu ngôn? Hay hàm hồ chữ nghĩa. Tôi thấy thời gian của anh với công việc mình sáng tạo đam mê như lật hết chất liệu của mình lên để khám phá, đặt một cái nhìn của mình vào đó. Đó là nghệ thuật tối giản, tối thiểu. Cho đến một ngày chính tôi bất ngờ khi nghe anh đọc thơ. Vâng, thơ của nhà điêu khắc Phan Phương Đông. Và tôi đã tìm ra cách giải – phương – trình anh. “Thời gian rơi tự do/ quả chín rời cành/ ADN vương vãi trong lòng đất mẹ”. Dù không là nhà thơ, Đông đã có những giây phút vụt hiện chớp bắt ngôn từ: “Làm sao biết được đầu và cuối/ sự sống như ngọn đèn được thắp sáng giữa hai cực âm và dương/ cái chớp tắt là khi ta biết/ đã đến lúc gần tới hai đầu của sự sống…”.

 Trong tập thơ Chinh Lê, tôi bất ngờ nhặt được câu: “Đã lên đến đỉnh điểm của vắng vẻ”. Vậy phải chăng “đỉnh vắng vẻ” là lúc gặp, đối thoại (hay va chạm) được với nghệ thuật? Cũng chưa chắc. Nhiều khi lên đến đỉnh thấy chóng mặt, phi thời tiết, áp thấp quá phải đi xuống. Chỉ tin một điều: để có “cơ may” trực diện, va chạm vào “lõi nghệ thuật”, thi ca, âm thanh, sắc màu… thì phải tự mình lặn lội làm một cuộc hành trình lên tới đỉnh. Nói chung đó là ước muốn và khát vọng chinh phục đỉnh cao.

Nhà thơ Hoàng Hưng đánh giá rất cao khả năng “tiềm ẩn” của linh cảm, một tố chất cực quý hiếm làm nên phẩm chất thi sĩ của Chinh Lê. Và cũng chính ông là người giới thiệu thơ Lê những tín hiệu đầu tiên cách đây hơn 10 năm với “thơ Việt Nam chờ phiên đổi gác” cùng Nhật Lệ, Lê Thu Thủy, Lê Viết Hoàng Mai… những giọng thơ nữ hiếm hoi thời điểm đó. Tuy nhiên điều khó nhất là làm sao giữ được lửa, nhất là một cây bút nữ. Thi ca và hội họa đều là những cuộc hóa thân của bùng nổ tâm trạng. Màu sắc túa ra có thể biểu hiện những phức cảm tinh tế của tư duy nội tâm nhưng ngôn từ lại là tiếng nói trực diện. Đó là chuyện nghề, kỹ thuật sáng tác “Hãy bắt đầu từ nơi xa xa nhất/ để trở về tận nơi cái gần nhất” hay “Cái khó khăn của sự vật tìm tới/ cái khó khăn của sự vật ra đi/ con người rối lên chạy, chạy trên những con đường vòng vèo vô tận/ con người dừng lại cổ họng đắng đậm giọt mồ hôi”… Có thể thấy thơ ngắn của Chinh Lê cô đọng và hàm súc cùng người đọc làm cuộc hành hương về chính bản thể mình.

Nhưng cũng có những lúc Chinh Lê “hướng ngoại”. Ấy là khi, những tứ thơ bất ngờ, tài hoa, vừa ẩn vừa hiện, mới thấy ló dạng trong con mắt nhà nghề đã vụt biến. Nhường chỗ cho tâm hồn tinh khiết, trong trẻo: “Chim bay cả đàn/ bướm lượn ngàn con / giây phút này…/ lại/ chỉ / mình ta”. Đó là những phát hiện từ chính khu vườn có ngôi nhà cổ tĩnh lặng in bóng một vùng tâm thức. Hay siêu thực hơn “Ta tham dự/ vào sự ấy/ sự ấy tan ra…/ trong góc nhỏ/ nhòa nhòa hoa trắng…”. Ở người nghệ sĩ này “Sự tìm kiếm giữa cuộc đời / một khe hở / vừa vặn với chính ta” tin chắc là sẽ còn vừa vặn với nhiều người trong cuộc săn lùng và kiếm tìm cái đẹp…

*

(Nguồn: Nguyễn Hữu Hồng Minh – Thể thao & Văn hoá Cuối tuần 2009)

*

Bài liên quan:

– Ánh sáng: đi từ từ để ngắm từ từ
– Ánh Sáng và vợ chồng “độc bản”
– “Ngủ quách sự đời thây kẻ thức”
– Tôi đi xem Ánh Sáng
– PHAN PHƯƠNG ĐÔNG – Con đường đi tìm sự đơn giản
– ÁNH SÁNG II tại Luala

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Đi xam xám giữa copy và biến cải

Daniel Grant - Ngọc Trà dịch

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả