Ánh sáng: đi từ từ để ngắm từ từ
20. 12. 10 - 6:59 pm
AZIZ
*
ÁNH SÁNG
Triển lãm điêu khắc của Phan Phương Đông Khai mạc: 17h ngày 17. 12. 2010 Kéo dài đến 27. 12. 2010 Âu cơ gallery, 124/22 Âu Cơ, Tây Hồ, Hà Nội
*
Triển lãm Ánh sáng của Phan Phương Đông là triển lãm cá nhân thứ hai diễn ra tại Âu Cơ Gallery, một địa điểm triển lãm với không gian lí tưởng: bản thân ngôi nhà đã là một kiến trúc đẹp và độc đáo, với không gian triển lãm chiếm trọn tầng 1, sân vườn rộng rãi, và không biết có phải vì ít tổ chức triển lãm không, mà khách đến xem triển lãm được đón tiếp với một thái độ hết sức trọng thị, cảm giác như đang đi dự… đám cưới hơn là đi dự khai mạc triển lãm.
Phan Phương Đông sống tại thành phố Hồ Chí Minh, nơi anh và vợ, họa sĩ Chinh Lê sở hữu một “ngôi nhà nghệ thuật” – cũng là tác phẩm kiến trúc duy nhất của Phan Phương Đông sau khi tốt nghiệp Đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh. Đây cũng là nơi anh tổ chức hầu hết các cuộc triển lãm cá nhân của mình tại Sài Gòn. Lần này ra Hà Nội, “hành trang” của Phan Phương Đông hết sức “gọn nhẹ”: Ánh Sáng. Đúng vậy, ánh sáng là chất liệu mới trong nghệ thuật của anh, một thứ nghệ thuật càng ngày càng trở nên tối giản (simplistic). Quả thật, trong không gian rộng rãi của Âu Cơ Gallery hôm nay, thứ điêu khắc mà nghệ sĩ trưng bày là một-điều-khác so với những gì chúng ta vẫn hình dung về điêu khắc.
Không gian rộng rãi, thoáng đãng của Âu Cơ Gallery. Khách đến khá đông, hầu hết thuộc giới nghệ sĩ (nhìn thấy toàn áo đen là biết ngay), vả lại, chỉ có nghệ sĩ (và những người vô công rồi nghề như … tôi đây) mới đến được vào cái lúc 5h chiều khai mạc triển lãm như thế.
Họa sĩ Lương Xuân Đoàn phát biểu khai mạc
Một gian triển lãm bày những mảnh thép sáng bóng, uốn lượn như …. ờ, như vòi phun nước. Trên trần thả xuống vài mảnh thép uốn, thoạt nhìn tưởng là một vài tác phẩm trang trí nội thất phá cách nào đó của Eglo.
Đây là những “đĩa thu sáng” (tên tôi tự đặt). Những đĩa này bề mặt sáng bóng nhưng lạ thay lại rất ít phản xạ ánh sáng, chỉ bóng lóa lên khi đèn mắt cáo chiếu vào thôi.
Những đĩa sáng khác cùng chất liệu thả dài từ trên trần xuống. Mô phỏng những cái bóng chăng?
Gian sau trưng bày một loạt “tranh” từ chất liệu hấp thụ (hay triệt tiêu) ánh sáng là phim đen khổ to, với những “họa tiết” tối giản nhất. Đây là phần tôi thấy thú vị nhất triển lãm. Tôi thích … len lén giở những bức tranh này lên và quan sát những bóng sáng tối chúng phản chiếu lên bức tường phía sau. Ít nhất với những bức tranh này tôi còn được “tương tác” với tác phẩm.
Bóng của những cuộn thép thả xuống từ trần.
Cận cảnh những cuộn thép.
Một “bức tranh” âm bản khá lớn mô tả đường đi của ánh sáng. Nhìn bức tranh này lại nhớ bài học vỡ lòng vật lí hồi cấp 2 – phản xạ và phản chiếu.
Một góc khác có thể “khai thác” hiệu ứng của những bức tranh phim: bề mặt bóng láng của chúng cho phép chúng ta dùng chúng như một tấm gương nhân đôi căn phòng. Đứng trước bề mặt cong vênh tự nhiên của chất liệu cũng tạo hiệu ứng “nhà cười” rất thú vị.
Ảnh phản chiếu qua những bức tranh phim của nghệ sĩ.
Nghệ sĩ Phan Phương Đông chụp ảnh cùng đồng nghiệp. Anh có phần giới thiệu khai mạc triển lãm ngắn gọn nhất tôi từng được nghe, ngắn đến mức… hụt hẫng. Anh kiệm lời như chính tác phẩm của anh vậy. Đó có thể là một điều hay, cũng có thể là một điều… dở: người ta thường nói ít khi: a/ có quá nhiều điều muốn nói, xúc động không nói thành lời và b/ không có gì để nói cả. Tác phẩm của anh cũng thế: chúng trông đơn giản đến mức a/ hoặc là chúng rất hay và ý nghĩa, người ta có thể chiêm nghiệm và nhìn ra nhiều thứ (như tôi nghe lỏm được một nghệ sĩ – chắc thế – rất trẻ nói với bạn đồng hành của mình khi cô đi lướt qua rất nhanh những tác phẩm: “đi từ từ thôi em, ngắm rất từ từ thôi”) hoặc b/ chúng chỉ có thế.
Cận cảnh các tác phẩm: đúng, ống thép cũng có thể thành tác phẩm nghệ thuật đấy các bạn ạ.
Từ ngoài vườn nhìn vào triển lãm. Những chiếc đèn kia không thuộc về triển lãm nhé, nó thuộc về thiết kế ngoại thất của chính gallery Âu Cơ. Chúng trông cũng khá đẹp, nhỉ? Những tác phẩm bên trong triển lãm không cầu kì bằng một phần mười như vậy. Với cá nhân tôi, phần lớn cho tôi cảm giác chúng là những tác phẩm trang trí nội thất theo trường phái hiện đại (đương đại?), tối giản, thanh lịch, có làm đẹp không gian, thỉnh thoảng tiềm ẩn một hai biến tấu thú vị (như cái bóng sau tường như hiệu ứng nhà gương của những bức tranh phim), còn phần “nghệ thuật” của nó thì thật sự tôi chưa cảm ra. Liệu phần “cảm thụ nghệ thuật” này có dạy và học được không?