Tạp hóa - Xã hội

Học bơi cho nghệ sĩ (bài 9): miệng Popeye và mắt cá voi 17. 08. 16 - 5:35 am

Candid

(Tiếp theo phần 8)

Phần khó nhất trong việc bơi sải là vấn đề thở, bởi vì hầu hết chúng ta đều cảm thấy không thoải mái khi thở dưới nước. Chính vì không cảm thấy thoải mái nên chúng ta thường nhịn thở, mỗi khi lên mặt nước lại hít một hơi thật sâu rồi lại nhịn thở tiếp. Chính sai lầm này làm cho hầu hết mọi người không thể bơi sải đường dài được. Cảm giác này theo tôi là do sợ hãi, căng thẳng làm chúng ta không thở tự nhiên được. Ở môi trường trên đất liền, chúng ta không phải suy nghĩ gì về việc thở bởi đó là bản năng vô thức, nhưng khi xuống nước chúng ta phải điều khiển việc thở có chủ ý. Bởi có chủ ý nên tâm trí chúng ta dễ bị nỗi sợ điều khiển, khiến chúng ta vì sợ sặc mà nhịn thở, càng nhịn thở thì càng làm cơ bắp chóng mỏi và bị ngộ độc khí CO2. Để có thể bơi được dài, chúng ta đã làm quen từ từ với việc thở dưới nước và tập trung vào các động tác của tay chân. Đến bài tập này khi đã dần quen, chúng ta sẽ bước sang giai đoạn sau, là tập thở và lấy hơi trong khi bơi.

Đầu tiên chúng ta phải làm quen với khái niệm nhịp thở. Ở các bài tập vừa qua, chúng ta đã thấy tầm quan trọng của việc giữ hình dáng khí động học của cơ thể để có thể xuyên qua nước ít ma sát và ít tốn năng lượng nhất. Khi thở, chúng ta sẽ phải xoay đầu sang một bên, đầu của chúng ta chiếm một khối lượng khá lớn của cơ thể (con số trung bình là 8% nhưng với người châu Á có thể lớn hơn) trong khi toàn bộ cơ thể vẫn lao về phía trước. Việc này làm tăng sức cản của nước, đặc biệt nếu quay đầu sai, ta sẽ làm cong xương sống, chân chìm, cơ thể mất đi hình dáng khí động học. Việc giữ được đường thẳng của cơ thể khi thở là rất khó, thậm chí theo một số nhà phân tích chuyên môn, cả những vận động viên nổi tiếng như Sun Yang cũng mắc lỗi này.

Vận động viên Sun Yang (Tôn Dương) của Trung Quốc, anh giữ kỷ lục thế giới bơi sải 1500m. Anh cũng nổi tiếng với… hàm răng xấu

Chúng ta không hy vọng sẽ trở thành vận động viên nổi tiếng như Sun Yang nhưng dù sao cũng phải tập luyện để thở đúng cách. Để thở đúng cần lưu ý các điểm sau:

Chỉ nên chú ý đến việc thở ra vì khi ta thở ra hết, lập tức không khí sẽ tràn vào một cách tự động, còn nếu ta chủ tâm hít vào thì sẽ dễ bị sặc.
– Nên thở liên tục, không được nhịn thở, hoặc ém hơi làm đứt đoạn hơi thở; Việc nhịn thở sẽ làm cơ bắp chúng ta bị căng thẳng và cũng không giúp gì cho việc nổi của cơ thể.
Thở mạnh để kết thúc: khi miệng chúng ta gần ra khỏi mặt nước, hãy thở mạnh như thổi nước ra, việc này sẽ giúp cho nước không tràn vào miệng được.
Lấy hơi vừa đủ: Thời gian để không khí vào phổi ít hơn nhiều so với thời gian thở ra, cũng giống như việc ca sĩ lấy hơi trong lúc hát, do đó chỉ cần thở ra hết và há miệng ra là đã đủ không khí cho lần thở kế tiếp, không cần phải hít hơi thật sâu dễ bị sặc.

Một số cách thở sai:

Cong người

 

Nhịn thở

 

Nhấc đầu để thở

Bài tập lăn để thở đã giúp chúng ta quen với các việc sau:

– Nghiêng đầu sang bên để thở nhưng luôn giữ đầu thẳng một đường với xương sống, không được ngẩng đầu lên để thở.

– Luôn quay đầu cùng với vai chứ không quay riêng đầu để thở. Tưởng tượng luôn giữ một tia lade từ đỉnh đầu bắn thẳng về phía trước.

Luôn có tay dẫn trong quá trình thở.

– Cảm giác đầu thả lỏng, trán tì lên nước.

Nhịp lấy hơi

Trước khi bắt đầu vào bài tập hôm nay tôi muốn nói về nhịp lấy hơi. Như đã nói, mỗi khi nghiêng đầu để lấy hơi, cho dù có cố gắng tránh đến mấy, cơ thể chúng ta vẫn sẽ bị cong, làm ảnh hưởng đến độ lướt và làm chúng ta bơi chậm lại. Nếu ít lấy hơi, chúng ta sẽ có độ lướt hơn nhưng nhanh mệt, còn lấy hơi thường xuyên thì đỡ mệt hơn nhưng lại kém độ lướt.

Cách Micheal Phelps thở khi bơi (Hình từ đây)

Thường với người bơi đường dài, hơi sẽ được lấy theo nhịp 2 sải tay, ví dụ 1 sải tay trái, khi tay phải bắt đầu vào nước ta nghiêng đầu sang trái để lấy hơi. Cứ lặp đi lặp lại như thế ta sẽ luôn lấy hơi ở bên trái. Nhược điểm là chúng ta có thể sẽ bơi lệch. Để chữa bơi lệch, mỗi lần hết 1 chiều dài bể ta lại đổi bên thở. Với một số người có hơi tốt hơn, sẽ lấy hơi 3 nhịp, như thế chúng ta sẽ lấy hơi lần lượt cả hai bên. Cách bơi như này cân bằng hơn nhưng khá khó với phần lớn mọi người. Cá nhân tôi đến nay vẫn áp dụng thở 2 nhịp khi bơi dài và thở 3 nhịp khi luyện tập bơi ngắn. Mọi người có thể tự kiểm chứng bằng cách xem video các vận động viên thi đấu tại Olympic Rio 2016.

Bài tập hôm nay sẽ chia thành 3 phần:

Phần 1: Nhìn thành bể (NOD)

Chúng ta sẽ bơi sải như bình thường, giả sử thở 2 nhịp, sau 2 nhịp tay, ta sẽ quay đầu nhưng không lấy hơi, lúc này miệng vẫn chìm dưới nước, mắt nhìn thẳng ra thành bể bên cạnh. Tập như vậy chúng ta sẽ làm quen với việc quay đầu mà không làm cơ thể bị cong.

Cứ lần lượt bơi theo nhịp như vậy mà không lấy hơi. Lúc nào hết hơi lại đứng thẳng dậy để lấy hơi rồi bơi tiếp.

.

Phần 2: Miệng Popeye

Như đã nói ở bài trước, khi chúng ta quay nghiêng đầu một chút, miệng chúng ta ra khỏi mặt nước là chúng ta đã lấy được hơi mà không cần đưa cả đầu lên. Lúc này miệng của chúng ta méo sang một bên giống hệt nhân vật thủy thủ Popeye trong phim hoạt hình.

Nhân vật Popeye

Cũng đừng sợ nếu nước tràn vào. Khi chưa quen thở chúng ta sợ bị sặc nước nhưng khi đã quen rồi thì việc nước và không khí cùng tràn vào cũng không ghê gớm lắm. Nhiều khi tôi lấy hơi uống cả ngụm nước vào và sau đấy phun nước ra như cá voi. Tập tương tự như bài NOD, lần này tập để đưa miệng ra khỏi mặt nước để thở.

.

Phần 3: Mắt cá voi

Bài tập tiếp theo là mắt nhìn, do chúng ta sợ không thở được nên quay đầu nhiều quá mức cần thiết, đôi khi quay quá mức mắt nhìn lên trần nhà như bài tập sweet spot. Điều đấy thực ra không cần thiết, chúng ta chỉ cần quay vừa đủ để mồm lên khỏi mặt nước; nhưng xác định như thế nào là vừa đủ?

Cách dễ nhất là tập sao cho khi thở một mắt chúng ta lên khỏi mặt nước, còn mắt kia vẫn ở dưới nước. Tưởng tượng chúng ta như con cá voi chỉ nhìn một bên mắt và nếu bơi đủ nhanh, miệng chúng ta cũng chia làm đôi một nửa trên mặt nước, một nửa dưới mặt nước. Lúc này do lực cản của nước tạo thành sóng bao quanh đầu chúng ta tạo thành một hõm sóng trũng xuống quanh miệng nên miệng chúng ta vẫn thở thoải mái mà không sợ nước vào. 

Miệng popeye và mắt cá voi, trũng sóng để thở

Với bài tập này:

Để cho dễ hiểu chúng ta sẽ xem đoạn video này và tập theo.

Ngoài ra chúng ta cũng cần lưu ý việc kết hợp hơi thở với động tác tay như sau:

– Chúng ta bắt đầu pha thở bên trái khi tay phải dẫn và tay trái rút khỏi mặt nước giữ tư thế cánh gà.

– Quay đầu theo vai trái và thở.

– Khi tay trái bắt đầu vào nước mới xoay mặt úp xuống nước.

Thở luôn là bài khó nhất khi tập bơi. Khi ta đã làm chủ được việc thở thì coi như đã hoàn thành 99% việc tập bơi. Do đó nếu mới tập bài thở chúng ta thấy khó, bị uống nước thì đừng nản. Dù sao cơ thể chúng ta đã được thiết kế để đi trên mặt đất chứ không phải dưới nước. Tuy nhiên cứ kiên nhẫn tập luyện thì dần dần chúng ta sẽ có được cảm giác thoải mái dưới nước như cá.

(Còn tiếp)

Ý kiến - Thảo luận

23:51 Friday,19.8.2016 Đăng bởi:  Candid

Có nói cũng bằng thừa, tất cả nhường bác nhất. :D


...xem tiếp
23:51 Friday,19.8.2016 Đăng bởi:  Candid

Có nói cũng bằng thừa, tất cả nhường bác nhất. :D

 
23:16 Friday,19.8.2016 Đăng bởi:  vũ lâm
Hừm, cảm ơn lần nữa với Candid và Anh Nguyễn.
Nhưng xin phép được kể thêm với Candid là mình có tham gia thông tin về giải "chạy núi" (đúng nghĩa nhé) lần đầu tiên ở Fanxipan. VĐV nam về đích đầu tiên hết khoảng 2 tiếng, từ Trạm Tôn, nữ khoảng 2h15'. Còn chúng tôi, mấy phóng viên và mấy tay ở Sở thể thao thì leo trước 1,5 ngày (đê
...xem tiếp
23:16 Friday,19.8.2016 Đăng bởi:  vũ lâm
Hừm, cảm ơn lần nữa với Candid và Anh Nguyễn.
Nhưng xin phép được kể thêm với Candid là mình có tham gia thông tin về giải "chạy núi" (đúng nghĩa nhé) lần đầu tiên ở Fanxipan. VĐV nam về đích đầu tiên hết khoảng 2 tiếng, từ Trạm Tôn, nữ khoảng 2h15'. Còn chúng tôi, mấy phóng viên và mấy tay ở Sở thể thao thì leo trước 1,5 ngày (để còn có huy chương sẵn ở cái cục tam giác mà trao chứ). Và chúng tôi, coi như dân thường đi, leo khoảng 1,5 ngày. Còn những VĐV người dân tộc Mông, ngày thường chuyên thồ hàng phục vụ các bác leo núi để về ghi điểm với đời ấy, chậm so với hai người kia khoảng nửa tiếng. Điều đó ko có quan trọng gì cả. Mình nghĩ cũng giống như bạn kể về chuyện ngư dân Cửa Đại thua xa mấy thằng vđv Nhật tổ chức thi bơi vậy, hay giải đua Cô tô nhỏ và cô tô bé của của nhóm các bạn vậy. Tính chất đều giống nhau là ở chỗ là bơi lội để sinh tồn, là việc hàng ngày của người Mông hay dân Cửa Đại, hay dân đánh cá Cô Tô để kiếm cá ăn khi bão nếu rớt xuống biển thì đừng chết vội, hay là việc thi thố cho nó sướng cái giới hạn con người trong sự kiểm soát của, có rất nhiều phụ kiện để đảm bảo và chuẩn bị để có thể an toàn nhất nếu có thể (còn thi thoảng vài bạn phượt núi hay phượt biển vẫn có thể về gặp các cụ, là ít thôi). Nhóm các bạn có bơi trong bão số 3 đang xẩy ra hay không mà nói phét là sinh tồn với cả sinh tiếc? Nó là khác nhau là thế vậy thôi. Y như là mấy thằng leo Everest ghi điểm và mấy người Nepali còng lưng thồ đồ cho mấy thằng đó, ko khác nhau về tính chất vụ việc gì cả!
Mình cũng không có ý chỉ trích hay bài bác. Bởi nói thêm chút nữa lại thành đua lời thắng hay thua. Nhưng mình xin kể là dân bơi truồng sông Hồng hằng năm có một trò thi là đến cầu Long Biên, cùng lên một cái ca nô, lên đến cầu Thăng Long, hoặc là ngược dòng trên nữa. Thả tất cả xuống, thằng nào về chậm nhất thằng ấy được giải (khoảng trên dưới 10 triệu thôi), thằng nào chết ngụp ấy tự chịu trách nhiệm (đã tự ký giấy rồi nhé) tất cả cuộc thi ấy đều ko có pháp luật nào công nhận, tự làm tự chịu, có ký giấy "sinh tử trạng" trước rồi. (tất nhiên cũng có thằng gian, tạt vào bờ tí lại trôi tiếp, nhưng "thật thà là cha quỷ quái', lộ hết). Có lẽ là chỉ để chứng tỏ bản lĩnh đàn ông (con đực) cho vui thôi. Lâu tôi ko ra bãi giữa cầu Chương Dương và Long Biên nữa, ko biết còn trò đó ko, hay khác rồi. Vì trò đó cũng ko phải là cái gì đó "nhà nước, pháp định, hay truyền thống" gì cả. Chỉ là đúng là: mua vui cũng là một vài trống canh. Nếu thằng nào đứt, mấy thằng còn sống còn có cơ hội ăn nhậu để chia buồn, tưởng nhớ thằng đứt ấy. Cest lavie (tôi ko rõ tiếng Pháp và còn ghét tếng Pháp thậm tệ nữa cơ. Nhưng từng nghe cụ Vũ Văn Chuyên nói câu ấy, nên nhớ âm câu đó. Mà nhớ cái là cụ Vũ Văn Chuyên là một siêu giáo sư về sinh học và thực vật học, giỏi tiếng latinh chỉ sau các cha cố) (Họ Vũ nhà tôi đấy :) 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Lại cái trò dí súng vào đầu trẻ con

Pha Lê - hí họa của Nick Galifianakis

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả