Nghệ sĩ Việt Nam

Xưởng bánh sầu riêng: xem mà bực 20. 12. 10 - 8:24 am

Người xem Sài Gòn

   

  

*

XƯỞNG LÀM BÁNH SẦU RIÊNG

Khai mạc 18g ngày 17. 12
Phòng triển lãm lầu 1, trường ĐH Mỹ thuật Tp.HCM
5 Phan Đăng Lưu, quận Bình Thạnh, Tp.HCM

*

8 nghệ sĩ Hàn Quốc (chủ yếu là nữ) vì mê trái sầu riêng của miền Tây Nam bộ (Việt Nam) mà đứng ra làm nguyên một dự án nghệ thuật. Dự án này sẽ diễn ra ở lưỡng quốc và 3 nghệ sĩ Việt Nam là Nguyễn Thanh Trúc, Bùi Công Khánh và Nguyễn Thị Châu Giang cũng góp sức vào.  

3 nghệ sĩ Bùi Công Khánh, Nguyễn Thanh Trúc, Nguyễn Thị Châu Giang

Xưởng làm bánh sầu riêng (Durian pie factory) khai mạc lúc 18 giờ ngày 17.12.2010 tại phòng triển lãm lầu 1 của ĐH Mỹ thuật TP.HCM (5 Phan Đăng Lưu, quận Bình Thạnh), thu hút khoảng 120 người đến dự, bao gồm cả 11 nghệ sĩ, vài thông dịch viên, vài người trong Ban tổ chức, vài họa sĩ và phóng viên quen thuộc.  

Xưởng bánh

Quan khách dự khai mạc

Nguyễn Tấn Cương (áo xanh) và bạn bè. Phía sau là tranh của Châu Giang

Tác giả vở kịch "Người vợ ma" rất ăn khách (cả ngàn suất diễn) là Xuyên Lâm (trái) và họa sĩ Nguyễn Sơn (phải).

Sự vắng vẻ và nhàm chán này cũng không có gì đáng buồn, vì lâu nay, cái khó và cái khổ duy nhất của các triển lãm mỹ thuật ở Việt Nam là tìm người xem mới. Vì nếu đi xem nhiều, sẽ thấy các “bổn mặt” cũ… “soạn lại” rất chi là bình thường. Sở dĩ có sự đơn điệu này vì khâu tổ chức và truyền thông bị xem nhẹ, ngay các triển lãm có tài trợ thì cũng không có/hoặc có không đáng kể các khoản đầu tư cho truyền thông, dường như họ nghĩ đây là cái nghề và lĩnh vực miễn phí.  

Điểm đặc biệt duy nhất của Xưởng làm bánh sầu riêng lần này là cô Kim Jihye (giám đốc nghệ thuật) tỏ lộ rằng họ rất mê sầu riêng…  

Giám đốc dự án Kim Jihye

 nhưng triển lãm thì không có cái gì dính tới sầu riêng cả, ngay cả ý niệm, hoa trái hay mùi và bánh – dù bánh kẹo sầu riêng ở Việt Nam thì khá nhiều loại. Khách đến xem được chiêu đãi khá nhiều bánh ngon, vài người đồn là bánh của Hàn Quốc, không liên quan gì đến sầu riêng.  

Rất nhiều loại bánh nhưng không phải sầu riêng

 Thậm chí nữ nghệ sĩ PS (Hàn Quốc) làm một sắp đặt là tủ bánh nhem nhuốc, đặt tên Time is out at joint thì trong tủ cũng không có một cái bánh sầu riêng nào. Ngoại trừ trên thiệp mời chung của triển lãm có in hình cách điệu 2 trái sầu riêng.  

Tủ bánh sắp đặt tên "Time is out at joint "

 Trong buổi khai mạc, nữ nghệ sĩ Kim Yoonyoung có làm một trình diễn với việc mời mọi người lấy đất sét để vo 1 hình tròn rồi viết tên mình lên đó, tháng 3.2011 sẽ mang chúng về Hàn Quốc triển lãm. Tôi cứ nghĩ họ sẽ yêu cầu nặn trái sầu riêng, nhưng lại không, quả là một ý niệm cố tâm về sự… lạc đề; quả đáng khâm phục! Vì lạc đề một cách cố ý cũng là… ý niệm. 

 

Phan Quang và Bạch Dương, Võ Trân Châu (bên phải)

Xem đất nặn xong

Nguyễn Thanh Trúc cũng cho biết tháng 3.2011, 3 nghệ sĩ Việt Nam cũng sẽ sang Hàn Quốc cho dự án giao lưu này – cả dự án được Viện Nghệ thuật Hàn Quốc tài trợ.  

Điều phối viên cho án tại Việt Nam gồm Nguyễn Thanh Trúc, Kim Yoonyoung, Lee Hayoung. 8 nghệ sĩ Hàn Quốc là Yong Heasook, Yoo Jinsook, Kim Jisu, Jeon Soohyun, Lee Soonjong, ps, Kim Summi, Kim Yensik. Rất tiếc, dù cố tâm nhưng không chụp hình được 8 nghệ sĩ này một cách riêng biệt, để có thể phân biệt.  

Tác phẩm Contemplation của Kim Jisu, mixed media, (30x30xm)x4, 2010.

Tác phẩm Black porgy and lotus của Kim Sunmi, (27x51cm)x3, water color, acrylic on hardboard, 2010.

Tác phẩm sắp đặt Down của Yong Haesook, 2010, là cái bong bóng và cành hoa nhựa ở dưới đất, con nít rất thích, sau đó chúng làm bể luôn. Họa sĩ Châu Giang (áo đỏ) đi cùng con trai.

Có 18 tác phẩm được giới thiệu, ngoài 3 sắp đặt, 2 video, 1 trình diễn, còn lại là tranh, nhưng không phải bức nào cũng vẽ. Nguyễn Thị Châu Giang và Bùi Công Khánh “khoe” tranh cũ, Nguyễn Thanh Trúc tranh mới vẽ. Vị chi, 8 nghệ sĩ Hàn Quốc làm 15 tác phẩm.  

Tác phẩm "I’m in the night" của Nguyễn Thị Châu Giang, sơn dầu trên bố, 120x120xm, 2010.

Tác phẩm "Feats in lines" của Nguyễn Thanh Trúc, acrylic trên bố, (90x90cm)x2, 2010.

Tác phẩm "My first time in America" của Bùi Công Khánh, acrylic trên bố, 130x165cm, 2009.

 *
Nói chung người viết có cảm tưởng về cuộc triển lãm này như sau:

1. Nhạt nhẽo

2. Đùa dai. Sài Gòn đường xa mà tắc, chạy lên tới nơi thấy một triển lãm tên một đằng, làm một nẻo, như là giỡn mặt vậy. Cô giám tuyển nêu lý do “vì tôi thích sầu riêng”, nữ tính nhõng nhẽo ở đây nghe mà… bực. Cô thích sầu riêng ừ thì được, nhưng rồi có tài trợ của chính phủ Hàn Quốc, cả đoàn sang đây như là trêu khán giả (và cả nghệ sĩ Việt Nam) vậy đó sao? Tội nhất là ba nghệ sĩ nghiêm túc của Việt Nam, họ là những người có tên có tuổi, tham gia dự án này họ có vẻ bị động, lạc lõng.

3. Những cái gọi là “tác phẩm” của phía Hàn Quốc không ra tác phẩm: từ xe bánh, tới sắp đặt Down cái bong bóng bay với bông hoa… Nếu Hàn Quốc gọi cái này là nghệ thuật thì thôi, tùy nước họ, Việt Nam ta có thể tự hào nghệ thuật của ta thế là hơn họ bốn cái đầu. Còn nếu họ bảo đó không phải nghệ thuật, thì quay lại mệnh đề 2 là họ giỡn mặt với ta.

4. Giả sử cái triển lãm này mà do Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức mà xem, thể nào cũng bị làm thịt tới nơi tới chốn. Mới biết ta hay khắt khe với người nhà và rộng rãi với “người ta”.

*

Bài liên quan:

-Một cách nghĩ khác về “Xưởng làm bánh sầu riêng”
– Xưởng bánh sầu riêng: xem mà bực

Ý kiến - Thảo luận

21:27 Friday,24.12.2010 Đăng bởi:  A.N
Cảm ơn bạn Khanh rất nhiều về những thông tin của bạn. Tôi cũng mong có những câu trả lời cho những câu hỏi của bạn :-)
...xem tiếp
21:27 Friday,24.12.2010 Đăng bởi:  A.N
Cảm ơn bạn Khanh rất nhiều về những thông tin của bạn. Tôi cũng mong có những câu trả lời cho những câu hỏi của bạn :-) 
17:04 Wednesday,22.12.2010 Đăng bởi:  Khanh
Bài phát biểu của cô Kim trong ngày khai mạc triển lãm không nói rằng vì thích trái sầu riêng mà làm một cuộc triển lãm. Các cuộc triển lãm ở Hàn Quốc cũng tương tự như ở Việt Nam, phải xin tài trợ. Nếu chỉ vì lý do họ thích trái sầu riêng mà người ta tài trợ cho một loạt những triễn lãm thì thật là... ngớ ngẩn.

Đại ý bài phát biểu của cô Kim nói về nhữn
...xem tiếp
17:04 Wednesday,22.12.2010 Đăng bởi:  Khanh
Bài phát biểu của cô Kim trong ngày khai mạc triển lãm không nói rằng vì thích trái sầu riêng mà làm một cuộc triển lãm. Các cuộc triển lãm ở Hàn Quốc cũng tương tự như ở Việt Nam, phải xin tài trợ. Nếu chỉ vì lý do họ thích trái sầu riêng mà người ta tài trợ cho một loạt những triễn lãm thì thật là... ngớ ngẩn.

Đại ý bài phát biểu của cô Kim nói về những xung đột hay mâu thuẫn giữa 2 dân tộc có thể có, thế nhưng bằng những nỗ lực và lòng kiên trì thì chính những mâu thuẫn đó lại gắn kết tình cảm giữa con người với nhau. Trái sầu riêng là hình tượng họ sử dụng để muốn đề cập đến vấn đề này. Người Hàn quốc cũng như nhiều dân tộc khác cũng cảm thấy khó chịu với mùi vị của nó. Thế nhưng vì đã nếm thử trái sầu riêng và lòng mong muốn hiểu biết của một dân tộc khác mình, mùi vị của nó trở thành một ấn tượng chen lẫn với tình cảm của người mang trái sầu riêng đến với đất nước họ.

Không những thế, họ còn muốn mở một "xưởng bánh sầu riêng" để mời mọi người thưởng thức - "Durian Pie Factory"

Cần nói thêm là cuộc triển lãm này là một trong những hoạt động nhằm bày tỏ những tình cảm sau sự kiện cô Huỳnh Mai đã bị người chồng người Hàn Quốc đánh đập tàn bạo. Cuộc triển lãm bày tỏ lời xin lỗi và mong muốn xoá dần những khoảng cách giữa hai dân tộc.

Với cành hoa sen giả nằm trơ trọi ở gữa phòng và chiếc bóng bay trên trần nhà của Hea Sook, tôi cũng thắc mắc vì sao lại là hoa sen? Có phải là biểu tượng cái đẹp cho một dân tộc? Nếu nó là một cành hoa sen thật thì có khác với ý tưởng của người nghệ sĩ hay không? Tại sao là một chiếc bóng bay hình con gà? Có liên hệ gì với installation mang cấu trúc khung sườn phía bên trong phòng triển lãm của cô hay không?

Tác phẩm của Sun Mi Kim được dán bằng lớp giấy màu hay plastic chồng lên nền tranh vẽ, được tính toán cẩn thận. Với hình ảnh con cá có lồng hình những cái hoa sen, có phải tác giả liên hệ vạn vật với phật giáo? Như cô đã nói về những bức tranh khác mà cô đã làm trước đây?

Ji Soo Kim với những bức vẽ của một thiếu nữ nhìn về nhiều hướng khác nhau, và có một hướng nhìn trực diện, hướng của người xem tranh. Có phải đó là tâm trạng thắc mắc hay nghi ngại với đời sống xung quanh của một thiếu nữ?

Tác phẩm video cua Yen Sik Kim là một tác phẩm đáng phải xem. Đây cũng là một installation được ghi hình lại. Có phần nào đó mang dáng dấp của Chuck Close (họa sĩ, nhiếp ảnh gia) ở đầu tác phẩm, thế nhưng những điểm mầu nhoè lai với nhau, chân dung méo mó đi, bông bềnh hình thành một hình ảnh rất trừu tượng...

Tác phẩm của Jin Sook Yoo, pha một chút ánh sáng âm bản... có lẽ chứa đựng nhiều tình cảm với những người xung quanh cô. Người đàn ông chải tóc cho thiếu nữ, một gia đình trên chiếc thuyền, hai người phụ nữ trong một căn phòng. Có phải những chiếc lồng đèn nói đến nguyện ước riêng tư nào đó của họ?

Nghệ sĩ PS với cái tủ hàng của "công ty lắng nghe" (listening company). Người ta chỉ có thể lắng nghe bằng sự cảm thông và hiểu biết? Trong tủ hàng sẽ khó có thứ nào có thể bán hay ăn được cả.

Soo Huyn Jeon lấy ý tưởng dựa theo bài thơ của một thi sĩ Hàn Quốc (xin lỗi đã quên tên), nổi tiếng với những bài thơ bất hủ nhưng rất tối nghĩa. Anh đã sử dụng cách nhìn phối cảnh của Chirico (hoạ sĩ người Ý) đầy chất phi lý. Những đứa trẻ giống nhau, chạy xuôi và ngược về hướng vô định rồi mất hút... Có phải tác giả muốn bày tỏ thái độ về một cuộc sống đương đại? vì sao là những đứa trẻ giống nhau?

Có nhiều câu hỏi tôi đã tìm được câu trả lời, nhưng không phải tất cả. Có thể là bạn, người đi xem triển lãm sẽ trả lời giúp tôi. Thậm chí bạn có thể đưa ra nhưng câu hỏi mà các tác giả cũng phải trân trọng vì bạn là người đang quan tâm đến công việc của họ, đến với họ bằng niềm yêu thích nghệ thuật.

Thân mến
 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Quái vật và biển xanh

Trần Quang Thi

“Nói chuyện gì, khi nói chuyện tình?”

Vi Tường Vi (N°9 - Nhóm One Tree)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả