Chính trị

Philippines và Mỹ: chuyện nội bộ vợ chồng nhà người ta 09. 09. 16 - 1:12 pm

Sáng Ánh

Anh mới dọn về trong ngõ. Lần đầu thấy anh, chị em đã giật bắn người. Sao trên đời lại có được một nam nhân thế này, cứ như là ở trong thần thoại. Cái đẹp thì không thế nào kể xiết, biết tả làm sao, đôi mắt, làn da, chân mày, cái mọng của môi trên môi dưới, bờ tóc bồng bềnh. Cả người anh toát ra một vẻ gì thanh lịch và sang trọng, như là tượng thần Hy Lạp, không, như là người mẫu của nhãn nào hàng hiệu Italy. Nhãn nào thì khó nói, vì bọn này, đọc được tên nó là phải có bằng C La Mã trở lên.

Hôm đó, chị đang mặc đồ bộ ngồi chồm hổm trước nhà lướt phây, miệng ngậm ống hút ly nước mía. Anh đi ngang, chỉ khẽ nhếch một mép cười mà chị suýt ngã ngửa. Thật tình mà nói, hình như anh cũng chẳng cười, hay cái cười nó là ở đuôi con mắt. Thật tình mà nói, đuôi con mắt nó có cười hay không thì chị cũng không dám chắc vì lần đầu đó, anh đeo cặp kính mát có chữ H to đùng. Nhưng chị chắc chắn là cặp kính râm đó có hướng về phía mình khiến chị đỏ mặt, may mà trời nắng nên có lẽ anh không nhận ra. Sao thì từ đó, mỗi trưa, mỗi sáng, mỗi chiều chị đứng ngóng anh đi ngang; chị đứng ngóng, lúc nào cũng váy dài váy ngắn, ngày thay ba bận, tay cầm một cây bút nách cặp sẵn “Đường vào nô lệ” của Friedrich Hayek, thuộc trường phái kinh tế Vienna, chẳng phải vì chị thích gì bộ môn này, nhưng cái tựa là một lời ngỏ ý.

Nhưng cái con vợ của anh thì mới khốn nạn. Ngoại hình thì thô lỗ chẳng ra gì, lại còn bày đặt chạy cái SR dỏm nổ xành xạch nghe như Simson. Dưới nắng ban mai, có hôm nó đi cạnh anh mà mặt nó vẫn lầm lì hắc ám. Trong khi anh chỉ lướt ngang mà chị đã thấy hạnh phúc, chỉ mong hôm nào anh đừng lại là chị mời anh vào nhà xem bể cá rồi sau đó mời anh đi ăn bún chả.

Rồi một hôm anh dừng lại thật. Đúng ra là con vợ anh nó dừng lại, chống càng giữa ngõ ngay trước cửa nhà chị. Nó bước xuống xe, anh vẫn bình thản ngồi trên yên, chiều nó đến thế là cùng. Nó nói to:

Tôi chán lắm rồi! Anh không thích thì anh dọn ra ở riêng đi! Anh muốn tôi kí giấy ly hôn thì tôi kí! Anh không phải là bố tôi mà tôi phải từ!

Làm chị ngỡ ngàng! Con này là con nào mà mỗi ngày anh về nhà với nó, vào phòng nó, lên giường nó ngủ, có khi biết đâu vào cả phòng tắm của no1 đi vệ sinh mà không đóng cửa và không tắt đèn. Biết đâu anh còn rủ nó quay fim chụp hình! Vậy mà nó nói năng với anh như vậy! Không thể hiểu!

Thế giới có triệu điều không hiểu
Càng hiểu không ra lúc cuối đời
Chẳng sao khi đã nằm trong đất
Đọc ở sao trời sẽ hiểu thôi

Mai Thảo (“Không hiểu”)
*
Trước khi sang Vientiane họp Thượng đỉnh ASEAN, tân tổng thống Duterte của Philippines được hỏi là ông sẽ phản ứng ra sao khi sẽ bị tổng thống Hoa Kỳ Obama chất vấn về chuyện giết người buôn ma túy không xét xử.

“Ông đó là ai? Tôi là tổng thống một nước độc lập có chủ quyền và đã thôi là thuộc địa từ lâu rồi. Tôi không phải là bù nhìn của ông! Tôi chỉ có một chủ là nhân dân nước tôi, không có ai hết ngoài ra! Chẳng có ai hết! Ông phải biết tôn trọng! Đừng có hạch sách hỏi này hỏi kia! Đồ chó đẻ, tôi sẽ chửi thẳng tại hội nghị!”

Tổng thống Rodrigo Duterte đến sân bay quốc tế Wattay ở Vientiane, Lào, hôm 5. 9/ 2-16 để dự hội nghị thượng đỉnh ASEAN. Ảnh: King Rodriguez/PPD

Ông Duterte đã “chó đẻ” nhiều người đáng kính hơn tổng thống Mỹ (Giáo hoàng La Mã, Giáo hội Philippines). Có lẽ (mình không có thân ông và cũng không rành phong tục bình dân xứ đó), từ “chó đẻ” (putang ina= đĩ mẹ mày) này ở miệng ông nó chẳng nặng nề cái đếch gì cả và ông đếch đông đếch tây mọi chuyện đáng đếch hay là đếch đáng bực mình. Điều đáng để ý, là phần phát biểu trước (và sau) khi ông văng tục.

Ở đây, mình không có ý bàn đến việc bắn giết tại Phi hay là tại Mỹ (hay tại Afghanistan, Pakistan, Somalia, Yemen bởi máy bay không xét xử và không người lái). Ở đây mình không bàn đến việc phi pháp tại Phi hay nhà tù phi pháp Guantanamo mà ứng cử viên Obama hứa hẹn sẽ đóng cửa khi ra tranh cử và 8 năm sau vẫn ở đó trơ gan cùng tuế nguyệt. Những chuyện này rất dài và không phải để ở đây bàn cãi. Bài viết này chỉ muốn nói đến phần tâm lí và tình cảm xã hội giữa hai đồng minh chí thiết và gắn bó này.

*

Trong bộ film Dodes Kaden của Kurosawa, có một nhân vật đứng tuổi bị vợ đối xử rất là tồi tệ dưới mắt mọi người. Một hôm các bạn ông trong cuộc nhậu bèn nêu vần đề thì ông nhảy lên bóp cổ… bạn! Ông hét “Anh có biết lúc đói lúc kém, lúc ốm lúc đau, lúc nghèo lúc khó, thì vợ tôi đối với tôi ra sao không? Chuyện vợ chồng tôi anh biết gì mà khuyên bảo?”
Nếu đi bênh nam nhân cùng ngõ ở trên, nhảy vào mắng cô vợ lỗ mãng thì biết đâu anh kia lại chẳng quát thẳng vào mặt mình! “Chị biết gì về chuyện vợ chồng tôi? Chị có biết trong nhà, trong phòng ngủ phòng tắm là chuyện gì giữa vợ chồng tôi không? Chị chỉ có mỗi ngày đứng ở đầu ngõ nhìn tôi đi qua 5 giây, miệng ngậm ống hút!”

Philippines là nàng hầu của Đế quốc Spain, sau chiến tranh 1898 giữa đế quốc đang tàn này và Hoa Kỳ, được bán lại cho Mỹ với giá chỉ có 20 triệu USD thời đó. Giá mạt này, thôi tao cho đấy, khiến triệu phú Andrew Carnegie đã có ý bỏ tiền ra thay Hoa Kỳ để chuộc cả quốc gia này cho họ độc lập. Philippines lúc đó đã độc lập (Đệ nhất Cộng hòa của Aguinaldo) nhưng đâu phải chỉ có chuyện 20 triệu. Hoa Kỳ đổ quân xâm chiếm, xin lỗi, mang quân cầm sổ đỏ của Spain sang nhận thuộc địa. Chiến tranh, thỏa ước và hứa hẹn, vùi dập, đàn áp và lường gạt trong vòng nửa thế kỉ.

Tranh hí họa của Grant Hamilton có tên “The Filipino’s First Bath” (Lễ rửa tội cho dân Filipino, đăng ngày 10. 6. 1899, sau cuộc chiến Tây Ban Nha-Hoa Kỳ, mà kết quả là Hoa Kỳ được tiếp quản Puerto Rico và các đảo của Philippine. Tổng thống Hoa Kỳ lúc ấy là McKinley được mô tả như người cha khai sáng cho dân Philippines “mọi rợ”. Hình và chú thích được tóm tắt từ trang này 

Quan hệ này thêm một yếu tố khác, là quân phiệt Nhật lúc đó đang bành trướng ở ngay cạnh nhìn sang. Đuổi Mỹ thì sa Nhật, nàng Kiều này sông Tiền Đường đùng đùng hết lội lên lại lội xuống.

Năm 1946 là độc lập lần thứ nhì nhưng nào đã hết, loạn Huk (Cộng sản) loạn Moro (Hồi giáo) và từ chế độ địa chủ đến độc tài, lúc nào cũng có người bạn lớn ở bên, lúc vỗ về thôi em đừng khóc, lúc quát nạt mày im ngay tao đánh cho mày một trận biết đời. Quan hệ này hết sức phức tạp, nhân cho số đảo tại quốc gia này là 7.500 (thí sinh Philippines trong một cuộc thi hoa hậu hoàn vũ được hỏi “ Quốc gia em có bao nhiêu đảo?” Cô trả lời “Thưa, lúc triều lên hay triều xuống ạ?”)

Charlene Gonzalez – hoa hậu Philippines – khi tham dự Hoa hậu Hoàn vũ 1994 đã gặp phải câu hỏi “Quốc gia em có bao nhiêu đảo?”

Quan hệ 118 năm với Hoa Kỳ này, đến đời Duterte và cử tri bầu ông lên (38,5%) và số đông quần chúng giờ ủng hộ ông (91% theo thăm dò) có thể diễn tả ngắn gọn như sau:

“Tôi chán anh lắm rồi, anh để mẹ con tôi được yên!”

Đây đối với ta là lạ nếu ta chỉ mong bắt anh này về để tựa vai tựa đầu tính chuyện 100 năm. Nhưng ta có sống với anh 118 năm như cô vợ kia đâu. Còn ai phải ai trái?
Không cần trở ngược về tận cuối thế kỉ thứ 19, cá nhân ông Duterte với người Mỹ cũng đã có đôi ba chuyện bất hòa.

6 tháng trước bầu cử, ông chỉ được biết đến như là thị trưởng thành công trong việc “bình định” thành phố Davao (1,6 triệu đân cư) ở cực nam và đưa thành phố này lên hàng đầu ổn định, phát triển và an ninh. Chương trình của ông là áp dụng cho cả nước công thức nhiệm màu được ông áp dụng trong 20 năm qua tại địa phương:
1. Guồng máy điều hành và quản l‎í, lãnh đạo trong sạch
2. Thẳng tay trừng trị tội ác kèm theo những biện pháp xã hội.
3. Đối thoại với các phong trào võ trang kháng chiến.

Ông Duterte khi còn ở Davao và chưa là tổng thống, nổi tiếng mê gái nhưng lại là ác mộng đối với bọn tội phạm, là người mà tổng thống Aquino cho rằng có mang những tố chất nguy hiểm kiểu Hitler. Duterte từng hứa trong vòng 6 tháng sẽ chấm dứt nạn tội phạm ở xứ ông, bằng cách cho phép lực lượng đặc nhiệm giết hàng chục ngàn tội phạm tình nghi, và sẽ tự tha thứ cho bản thân nếu có cảm giác tội lỗi rằng mình đang giết người hàng loạt.

Với Cộng sản, ông bảo tôi là đồng chí với các bạn về mục đích, khác chăng là về phương tiện. Với Hồi giáo, ông hứa hẹn tự trị địa phương, chẳng những cho riêng họ mà cho cả nước, dưới hình thức liên bang. Về kinh tế, Philippines đang phát triển mạnh mẽ những năm gần đây, thì Duterte hứa sẽ không thay đổi tốt đẹp này, chỉ phân chia cho bớt bất công bình, cứ thế mà đi, đùng có lo, nhưng làm ơn chia cho người nghèo một tí.

Philippines là một quốc gia thiếu công bằng về kinh tế vào hàng nhất thế giới. 76% của thành quả phát triển vừa qua rơi vào tay 40 gia đình đại phú. Giai cấp thượng lưu (khoảng 200 gia đình) tiếp tục chốt các vị trí chính trị, chiếm 90% tỉnh trưởng, 90% thượng viện, 80% hạ viện. Duterte không phải là nhà cách mạng về mặt này, ông không đòi lôi họ ra bắn bỏ như tay buôn ma túy, chỉ xin họ rộng rãi thêm chút xíu. Đây không phải là vấn đề với giới kinh doanh nước ngoài, chủ yếu là Mỹ và Nhật. Vấn đề là, về ngoại giao, ông lãnh đạm với Hoa Kỳ hơn các vị tiền nhiệm. Sao lại thế? Bởi vì Philippines, thưa các bạn, từ 100 năm nay và cho đến giờ này, bị khống chế mọi mặt là bởi Hoa Kỳ, và ở bên cạnh là ở bên cạnh Nhật Bản. Sau Thế chiến thứ 2, sau khi người Philippines theo Mỹ đổ máu đánh Nhật, thì Hoa Kỳ lại chuyển ưu tiên và ưu ái cho Nhật Bản, giúp xây dựng lại đất nước trước kia thù địch và bỏ quên thằng em. Philippines có sợ là sợ Mỹ, sợ Nhật chứ không phải sợ Trung Quốc. Thế còn Biển Đông? Trong khi Trung Quốc chiếm của họ 3 đảo thì Mỹ, Nhật, từng chiếm của họ hết những 7497 đảo.

Ông Duterte rât rành mạch trong chương trình tranh cử của ông. Đài CNN khi gọi ông là người “không đoán được sẽ làm gì” là bôi bác dễ dãi (“nó điên đấy, không biết nó sẽ làm gì”). Ông nói trước ra hết và đến giờ ông răm rắp thực hiện theo lời, không phải ai cũng được như thế. Sao lại không đoán được? “Tôi sẽ giết tất” và ông giết thật. “Tôi sẽ đàm phán với đối lập võ trang Hồi giáo và Cộng sản” và ông đàm phán. “Tôi không thích can thiệp của người Mỹ, để tôi làm tổng thống thì sẽ thấy” và được bầu lên thì ông chửi thẳng. Chính sách chứ không phải cá tính ương ngạnh này không vừa lòng Hoa Kỳ nhưng như ông phát biểu, tôi chỉ có một chủ và chủ này không phải là anh.

Tổng thống Duterte bay máy bay dân dụng của Philippine Airlines về thăm Davao. HÌnh từ trang này 

Giờ, mỗi chúng ta có thể chỉ trích hay phê bình ông về chính sách này hay nhân quyền nọ. Nhưng truyền thông Tây phương như tờ Wall Street Journal mà phải nhắc ông này mặc áo lại săn tay, chụp ảnh lại đến trễ, thì phê bình ông ấy kiểu ấy hơi xoàng. Theo Wall Street Journal, thế là Duterte không có tầm vóc quốc tế với dáng vẻ giáo làng. Tầm vóc quốc tế là gì? Nếu Duterte ngoan ngoãn như Guatemala, El Salvador, Honduras… thì ông giết bao nhiêu cũng mặc, kể cả giết ma sơ, tu sĩ người Mỹ. Nếu ông như quân phiệt Brazil, Argentina trước đây thì ông vén ống quần lên đến bẹn cũng thanh lịch.

Tổng thống Duterte mặc áo săn tay đi họp hội nghị thượng đỉnh tại Lào. Ảnh: Toto Lozano

Nhưng Duterte cần gì, quan tâm của ông là chị hai ballut (vịt lộn) ở Visayas, là anh ba Jeepney (xe khách) ở Zamboanga. Ông làm những người này vừa lòng ở mức 91% quần chúng.

Ờ thì là dân túy chủ nghĩa và F… the quốc tế!

 

Ý kiến - Thảo luận

16:18 Thursday,15.9.2016 Đăng bởi:  admin
@ SA: Soi đã đưa cmt của anh thành bài riêng rồi nhé :-) Cảm ơn anh.
...xem tiếp
16:18 Thursday,15.9.2016 Đăng bởi:  admin
@ SA: Soi đã đưa cmt của anh thành bài riêng rồi nhé :-) Cảm ơn anh. 
15:06 Thursday,15.9.2016 Đăng bởi:  SA
Chính trị tại Philippines thật là hấp dẫn. Hiện ( 15.9) ủy ban nhân quyền và tư pháp của Thượng viện đang điều tra các vi phạm của TT Duterte.
Từ sáng nay, trong vòng mấy tiếng, 1 nhân chứng duy nhất đã khai trước ủy ban là:

-tận mắt thấy con trai ô Duterte (đang làm phó thị trưởng Davao)sử dụng ma túy
-nghe chính Duterte ra lệnh đánh bom 1 đền Hồi 1993. Bom này không ch
...xem tiếp
15:06 Thursday,15.9.2016 Đăng bởi:  SA
Chính trị tại Philippines thật là hấp dẫn. Hiện ( 15.9) ủy ban nhân quyền và tư pháp của Thượng viện đang điều tra các vi phạm của TT Duterte.
Từ sáng nay, trong vòng mấy tiếng, 1 nhân chứng duy nhất đã khai trước ủy ban là:

-tận mắt thấy con trai ô Duterte (đang làm phó thị trưởng Davao)sử dụng ma túy
-nghe chính Duterte ra lệnh đánh bom 1 đền Hồi 1993. Bom này không chết người nhưng Duterte ra lệnh giết giáo dân Hồi.
-2002, nhân chứng này tham gia việc giết rồi chặt xác của 1 Ba Cụt địa phương người Hồi sau khi giao anh này cho lãnh đạo cảnh sát của Davao là tướng Rosa (hiên tư lệnh cảnh sát quốc gia).
-2009, khi bộ trưởng tư pháp là bà Leila De Lima đến Davao điều tra về chuyện ám sát các nghi phạm tội ác thì nhân chứng này được lệnh của Duterte là phục kích phái đoàn và giết tất, nhưng vì phái đoàn không đi ngang nên thích khach tiu ngỉu ra về.
-2010, Duterte ra lệnh bắt cóc và thủ tiêu toán cảnh vệ của chủ tịch quốc hội. Nhóm này bị giết và vất xuống sông.|

Con trai của cựu chủ tịch quốc hội ở trên, cũng là ĐBQH, thì bảo là chúng tôi không có cảnh vệ, chỉ được bảo vệ bởi cảnh sát quốc gia và các người này đều còn sống cả. Ông cho biết là mồ chôn tập thể được nhân chứng trên nói đến là 1 mồ chôn lính Nhật từ Thế chiến thứ 2.

Chủ tịch ủy ban điều tra là bà De Lima, nguyên bộ trưởng tư pháp và kẻ thù không đội đá vá trời chung với ông Duterte. 2016 bà tranh cử TT và về thứ 12.

Mới đây, Duterte tố cáo bà tham nhũng thời làm bộ trưởng tư pháp, dùng tài xế và cũng là nhân tình của Lady Chatterley này đi thu tiền của các trùm ma túy trong các trại giam, lại che chở cho 1 tình nhân khác là cảnh sát bị truy nã!

Nay bà phản pháo bằng cách đưa ra nhân chứng sống, tuy bà không có phim ám sát. Ông Duterte thì có phim, tuy không phải là phim nhận tiền mà là phim làm tình. Thật ra, phim nóng này cũng như phim bà hát karaoke với sĩ quan đang bị truy nã đã được dư luận biết từ mấy năm trước.

Điều tra vẫn đang tiếp diễn, chẳng hiểu sẽ có thêm chuyện gì và người Philippines đang theo dõi trực tiếp, có tiền, tình, tù, tội, có sex và quyền lực, bắn súng, ném bom, có cả ca hát (karaoke), còn hay hơn phim bộ Hàn quốc. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả