Đi & Ở

Vanuatu (bài 1): từ vị thầy chán chết đến bài học đắt giá về đất đá 11. 10. 16 - 6:49 am

Đặng Thái

Lời mở đầu: Năm nay, Tổ chức nghiên cứu New Economics Foundation ở Anh vừa công bố Chỉ số hành tinh hạnh phúc 2016 (Happy Planet Index – HPI) và Việt Nam xếp thứ 5 trong số 140 nước được khảo sát. Nhiều người còn đang tranh luận về tính xác thực của chỉ số này cũng như các căn cứ và số liệu của nhóm nghiên cứu vì họ không tin rằng Việt Nam có thể xếp hạng cao như thế. Mình thì lại quan tâm đến một quốc gia khác mà hầu như người Việt Nam ngày nay không biết đến sự tồn tại của nó: Vanuatu (Va-nu-a-tu). Năm 2016, Vanuatu đứng thứ tư, trên chúng ta một bậc trong danh sách HPI, còn cách đây 10 năm thì nước này đứng vị trí số 1. Thôi thì chép miệng, lại bán thêm sào ruộng để lên đường. Trong loạt bài này ta sẽ cùng đi tham quan học tập một xứ sở hạnh phúc diệu kì ở nơi chân trời góc bể.

Trẻ con ở Vanuatu. Hình từ trang này

Hồi học năm hai đại học, mình có một ông thầy Tây rất đẹp trai, ngũ nhạc cân đối, mái tóc xám lúc nào cũng chải ngược, rẽ ngôi thẳng tắp và luôn luôn có một sợi cố ý để cong ra trước trán. Buổi học đầu tiên lớp chật cứng chỗ, mấy em nữ trong khoa Kiến trúc xây dựng vốn nam tính mà cũng sồn sồn cả lên. Thế nhưng bài thầy giảng thì chán không thể tả, giọng thầy đều đều không có âm điệu, mình kiên cường lắm cũng chỉ được hai tiếng là gục. Mấy thằng láo toét bảo: “Ông này đầu toàn đất”, về sau anh em lịch sự hơn thì nói: “Đầu thầy có sỏi”. Sở dĩ gọi thế là vì thầy dạy môn Cơ học đất. Đặc biệt cái là mỗi khi miêu tả đất đá thầy lại trở nên hăng say lạ thường, bề mặt đất mà thầy coi nó mịn như da người tình, nói đến dung nham phun trào thì mặt thầy đỏ gay như lên đỉnh. Thi cuối kì gần một phần ba bài là hỏi tên các loại đá. Mấy đứa không thuộc mặt chữ, bỏ giấy trắng, ra về quăng sách, ức, chửi: “Học cái này thì cạp đất mà ăn à?”. Lúc ấy mình cũng nghĩ thế, cả đời này chắc chẳng bao giờ nhìn thấy mấy loại đá cổ đại chui ra từ mồm núi lửa thì học làm gì. Thế mà đời nào biết chữ ngờ, cuối cùng lại có ngày mình bỏ tiền ra đi xem núi lửa.

Ngọn núi lửa với lớp áo tro xám và những cuộn khói bốc lên ngỡ là mây. Ảnh: Đặng Thái

Vanuatu là một quần đảo được tập hợp bởi hơn 80 hòn đảo lớn nhỏ ở Nam Thái Bình Dương. Nơi đây là một điểm du lịch nghỉ dưỡng lí tưởng, đến mức nhiều người dân Úc và New Zealand chọn làm chốn dưỡng già lúc hưu trí. Thế nhưng ngoài biển xanh và cát trắng thì Vanuatu còn một điểm đến không thể bỏ qua đó là núi lửa. Núi lửa ở đây không phải chỉ bốc khói nghi ngút như ở Italia hay Indonesia mà đặc biệt ở chỗ là có thể đứng nhìn nó ngay cả khi dung nham nóng đỏ phun lên như suối lửa.

Từ thành phố Brisbane, máy bay chỉ mất khoảng hai tiếng rưỡi để hạ cánh xuống thủ đô Port Vila của Vanuatu. Vì khoảng cách gần như thế nên nếu ngại đi Bali thì dân Úc sẽ chọn Vanuatu. Tuy nhiên vì giá vé máy bay thì không tương ứng với quãng đường ngắn chút nào, nên nhiều nhà thà ngồi sáu tiếng đi Bali mà vé rẻ còn hơn. Trải dài trong khoảng từ 13° đến 21° vĩ nam, kết hợp với vị trí địa lí là một quần đảo giữa đại dương nên khí hậu ở đây thuộc dạng nhiệt đới xích đạo, nóng ẩm quanh năm. Mình chọn thời điểm vào cuối tháng Sáu, là khoảng thời gian đẹp nhất trong năm, không bão, ít mưa, vừa nắng và chưa nhiều khách du lịch vì bọn trẻ con ở Úc chưa được nghỉ học. Lúc này ở đại lục Úc và New Zealand đang là mùa đông giá lạnh, vừa mới qua ngày Đông chí của Nam bán cầu. Người Vanuatu cũng gọi mùa này là mùa đông mặc dù nhiệt độ không bao giờ thấp hơn 22°C, đại khái giống như mùa khô ở miền Nam.

Một bãi biển ở Vanuatu. Hình từ trang này

Đại gia đi bay

Thủ đô Port Vila nằm trên đảo Efaté, lớn thứ hai, còn núi lửa Yasur lại ở trên một hòn đảo nhỏ hơn tên là Tanna. Ở những đất nước toàn đảo thì đi máy bay là phương tiện di chuyển thích hợp nhất. Hãng hàng không quốc gia Air Vanuatu cũng có một chuyến một ngày bằng máy bay ATR-72. Cuối cùng mình quyết định đặt vé của một hãng tư nhân, bao trọn gói xe đưa ngựa đón, xem chơi ngủ nghỉ và đi bằng một máy bay nhỏ, chỉ có 8 ghế hành khách. Bù lại đường bay linh hoạt hơn, sẽ lượn vòng qua gần miệng núi lửa và có cửa sổ rộng để ngắm cảnh rừng biển. Tất cả chương trình tour chỉ có một ngày, đi từ trưa hôm trước đến trưa hôm sau về, không có ăn tối mà giá khá chát nên bài học thực tế về môn địa chất của ông thầy ngày nào cuối cùng lại thành “đắt giá” là vì vậy.

Máy bay đồ chơi của em. Ảnh: Đặng Thái

Có ba tour một ngày đi xem núi lửa: sáng sớm, giữa trưa và chiều tối. Tour đi vào lúc hoàng hôn là đắt nhất, vả lại nghe giang hồ đồn là xem lúc chạng vạng mới thấy nó đẹp nhất nên nhấc lên đặt xuống mãi rồi cũng quyết định móc hầu bao. Lịch trình là bay sang đến Tanna sẽ lên xe 4WD đi luôn đến núi lửa, đi đến tối mới được ăn mà bên ấy thì cơ sở vật chất còn nghèo nàn sẽ không có gì mà mua. Biết vậy nên cứ chuẩn bị trước cho chắc, trong ba lô ngoài mấy manh áo cộc còn lại toàn là đồ ăn và hai chai nước to tướng lỡ mua từ hôm trước. Ra đến sân bay nghĩ thầm, quả này an ninh không cho mang nước lên thì anh quyết đứng giữa phi trường gân cổ uống cho bằng hết. Ai ngờ anh phi công ra tự giới thiệu với cả đoàn rồi mở một cái cửa ngách để mọi người đi thẳng ra máy bay: oách như đi chuyên cơ riêng! Nhưng thấy máy bay bé tí thì cũng có người tặc lưỡi. Mình xếp đồ vào khoang thì thấy cái túi của anh râu quai nón ngồi trên có cờ của EU và ghi “Đại diện cao cấp của EU về thương mại”, thế là thấy yên tâm hẳn. Chẳng may có chuyện gì, chắc cũng được tổ chức… theo cấp nhà nước. Hai vợ chồng người Úc thì có vẻ kinh nghiệm, lấy nút tai ra bịt.

Năm mươi sắc thái của màu xanh

Giá trị lôi cuốn khách du lịch đến với Vanuatu nằm ở chính vẻ đẹp thiên nhiên nguyên sơ của nó. Khi máy bay cất cánh nhẹ nhàng rồi từ từ lên cao mới thấy rõ điều ấy. Màu xanh dần hiện lên qua cửa sổ máy bay và rồi trải dài dưới muôn vàn sắc độ khác nhau. Con mắt người lữ khách được thỏa mãn bởi tấm thảm xanh ngập tràn, mịn màng và dịu mát: trời xanh, biển xanh, đồng cỏ xanh và núi rừng xanh. Anh phi công thông báo qua… miệng rằng hôm nay thời tiết tốt, sẽ bay dưới mây. Màu xanh mỡ màng của những cánh đồng cỏ rộng lớn và nhất là màu xanh thẳm của đại dương thật khó mà diễn đạt. Có lẽ những người lập trình của game Đế chế (Age of Empires) cũng từng ngồi máy bay kiểu này chăng mà đồ họa giống hệt như những gì mình đang thấy. Cả không gian khoáng đạt cho đến tận chân trời không có một sự vật nào ngoài hai mảng màu khổng lồ: xanh da trời bên trên và xanh nước biển bên dưới. Rồi nắng vàng. Nhìn thấy rõ cả những chuyển động của sóng trên mặt nước. Gọi tên màu thanh thiên và màu xanh dương không thể chính xác hơn và có lẽ cũng đã đạt đến giới hạn của những gì mà con người có thể mô tả.

Mải ngắm nên toàn quên chụp ảnh, về xem lại thì không cái nào ra hồn. Vì chủ trương của mình là nhìn bằng mắt trước, chán chê rồi mới qua ống kính sau. Ảnh: Đặng Thái

Bạn có biết tại sao ta lại cảm thấy mát mắt khi nhìn vào màu xanh? Tại sao bác sĩ phẫu thuật lại mặc quần áo xanh lá cây hoặc xanh nước biển? Có lẽ các họa sĩ, là những người quen làm việc với màu sắc đã có câu trả lời. Vì trong phòng mổ, các bác sĩ phải tập trung nhìn vào máu của bệnh nhân và ánh sáng của đèn có công suất lớn, màu đỏ là màu có bước sóng lớn nhất trong quang phổ ánh sáng, dễ gây mỏi mắt, thiếu tập trung và làm nhòe các màu khác. Các màu xanh là những màu đối lập với màu đỏ trong bảng màu, bù lại sự cân bằng nên sinh ra cảm giác dễ chịu khi nhìn. Khi làm việc quá lâu trong phòng thì cách thư giãn mắt đơn giản nhất là ra ngoài nhìn vào những tán cây xanh. Chính vì thế mà khi máy bay chao liệng chuẩn bị hạ cánh thì mọi hành khách đều trầm trồ trước những mảng màu như tranh vẽ đang hiện ra trước mắt. Đúng là đắt xắt ra miếng, thị lực như được bồi bổ.

Sân bay Tanna bé xíu, mỗi ngày chỉ đón hai đến ba chuyến bay, những dãy nhà lợp mái tôn trông như sân bay Côn Đảo gần 20 năm về trước vậy. Từ khi máy bay dần hạ cánh cho đến lúc ngồi xe về nhà nghỉ là một màu xanh rì bao trùm lấy không gian. Những cánh rừng nhiệt đới vẫn xanh như chưa hề có bàn tay con người khai phá. Đến tận ngày nay vẫn còn một bộ tộc trên đảo kiên quyết sống theo tập tục từ thời nguyên thủy, họ được chính quyền giúp gìn giữ truyền thống để phục vụ du lịch.

*

Phần tiếp theo: “Run rẩy đi rình núi lửa phun”

 

*

Cùng một tác giả:

- Nobel Banquet: Tiệc chiêu đãi những người đoạt giải Nobel

- “Hồng trà” của Tàu và “Chai ” của Ấn

- Ẩm thực Ấn Độ (bài 1): nồng nàn hay nồng nặc?

- Ẩm thực Ấn Độ (bài 2): Chán cơm có roti, chán cà ri thì nhịn!

- 16. 12: Kandinsky – một người Nga yêu nhạc

- “Khách sạn Grand Budapest”: đủ cả âm nhạc, thi ca, hội họa kiến trúc và rất buồn cười

- Ẩm thực Ấn Độ (bài 3): Nếu không ngại làm và không sợ dầu mỡ

- Ẩm thực Ấn Độ (bài 4): Mật ngọt chết người

- Ấn Độ: người bạn voi hiền lành chỉ biết giúp Việt Nam

- Kẻ hảo ngọt lần theo con đường của mía

- Phía nam biên giới, phía đông mặt trời: Khi thời gian trôi kiểu Fiji

- Đặc sản Fiji (bài 1): Fish and chip, cà ri, vịt quay và thịt người

- Đặc sản Fiji (bài 2): Itaukei – đảo và núi lửa, sulu và kava

- Chưa đi chưa biết Suva, đi rồi mới biết…

- Đường lên biên giới: thăm Sa Vĩ, ăn gật gù, xem Mũi Ngọc

- Qua cầu Bắc Luân: xong bát mì tàu, mong về cố quốc

- Đình to giữa phố

- Kỷ nguyên vàng của vùng đất thấp (bài 1): những con buôn thông minh

- Kỷ nguyên vàng của vùng đất thấp (bài 2): Đất nước đa tài và Đông Tây chạm mặt

- Muốn thỏa mãn bao tử phải thử bao tử Trung Hoa

- Hai anh em bánh nếp: một miền Bắc, một miền Trung

- Vanuatu (bài 1): từ vị thầy chán chết đến bài học đắt giá về đất đá

- Vanuatu (bài 2): run rẩy đi rình núi lửa phun

- Vanuatu (bài 3): Bún nào ngon bằng bún Tân Đảo

- Vanuatu (bài 4): từ “chân đăng” đến Việt kiều Tân Đảo

- Vanuatu (bài 5): tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Bislama cùng chơi pétanque bên lagoon xanh xanh

- Vanuatu (bài 6): Pháp đi, Mỹ đến, Trung Quốc bắt đầu vào. Chỉ Cuba là trong sáng

- Vanuatu (bài 7): Xứ sở lạ kì – nơi cấm rượu và đồ ăn thì toàn organic

- Vanuatu (bài 8): bỏ mứa dơi hầm, từ chối hoa hậu

- Nobel Banquet (phần 1): từ ngày ra đời đến khi thắt lưng buộc bụng

- Nobel Banquet (phần 2): hết chiến tranh là ăn phức tạp

- Kỷ nguyên vàng của vùng đất thấp (bài 3): Người người mua tranh, nhà nhà treo tranh

- Kỷ nguyên vàng của vùng đất thấp (bài 4): Hạng bét tranh tĩnh vật, hạng nhất vẽ thánh thần

- Kỷ nguyên vàng của vùng đất thấp (bài 5): Dầu thay cho trứng, gỗ cứng thế bằng vải mềm

- Kỷ nguyên vàng của vùng đất thấp (bài 6): Thoát ly họa phường, bắt chước hàng Tàu

- Ngày ba mươi Tết giò treo đầy nhà

- Rượu Tây, rượu Ta, rượu Nga, rượu Pháp
Gạo, mạch, lúa mì, rượu gì cũng uống

- Quốc bảo thường để cất đi
Vậy nên triển lãm phải phi đến liền

- Đi xem quốc bảo: ngắm núi này lo cho núi nọ

- Đình Phong Phú: một nơi ấm áp và mát mẻ giữa Sài Gòn

- Những cuộc phiêu lưu kỳ thú của ớt, cà phê, khoai tây và chuối

- Thắc mắc về quả dưa hấu

- Vanuatu (bài 9): Cho đại sứ Trung Quốc ăn đấm và trở thành chư hầu trên biển

- Ấn Độ: Nam-Bắc một nhà, hay là việc ăn lá đa và lá chuối

- Nobel banquet 2019: “Đến cuối thì mọi việc cũng đâu vào đấy!”

- “Thụy Điển kiều”: những Karl Oskar và Kristina không quên quá khứ

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Đi và không bao giờ đến

Phan Cẩm Thượng

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả