Gẫm & Bình

Yoshitomo Nara: Ông vua của
nghệ thuật ngồ ngộ xinh xinh 21. 12. 10 - 3:40 pm

Ben Davis - Hồ Thị Như Mai dịch

 

 

Phong cách vẽ tranh theo kiểu hoạt hình của Yoshitomo Nara thật dễ nhận ra: những đứa bé trông ngổ ngáo với đầu to và mắt lồ lộ. Ở Mỹ, Nara tiến thẳng lên ‘chiếu trên’ trong giới nghệ thuật, với tác phẩm được triển lãm ở những phòng tranh tiếng tăm như Blum & Poe ở L.A. hay Marianne Boesky ở New York. Nhưng như thế vẫn chưa là gì so với Cơn cuồng Nara ở Nhật. Tại quê nhà, Nara được xem là một trong hai cái tên lớn nhất của nghệ thuật Nhật bản (cái tên còn lại là Takashi Murakami- nổi tiếng với các tác phẩm điêu khắc, tranh vẽ hoạt hình và những mẫu chữ lồng nhiều màu cho Louis Vuitton). Triển lãm của Nara ở Nhật thu hút khán giả không thua gì show nhạc rock. Tại New York, triển lãm mới đây của Nara, mang tên Yoshitomo Nara: Không dễ lừa (Yoshitomo Nara: Nobody’s Fool) tại Bảo tàng Xã hội Á châu không đến nỗi quá hoành tráng nhưng rõ là cũng cố gắng làm người xem hài lòng.

Một góc triển lãm Yoshitomo Nara: Nobody's Fool tại Bảo tàng Xã hội Á châu (từ trái qua phải): Green Girl, 2008; Sandy, 2008; Amuro Girl, 1997; Puffy Girl, 1997; Hellcat, 2000; Pyromaniac Dead of Night, 1999.

 

Tóm lại thì nghệ thuật của Nara là gì? Nếu chỉ là những đứa trẻ hoạt hình xinh xinh ngồ ngộ, mặt sưng mày sỉa thì làm sao lại có thể tạo ra được cả một cơn cuồng và thành công về thương mại đến vậy?

Nhật Bản là một đất nước có nền văn hóa đại chúng nổi tiếng đặc sắc, nhưng thị trường nghệ thuật đương đại thì chẳng có gì nổi bật. Vì thế, các nghệ sĩ Nhật thành công nhất đều đi theo đường đưa tác phẩm của mình đến với văn hóa đại chúng trước. Nara bắt đầu nổi tiếng vào những năm 90s-00s, trong làn sóng “New Pop” ở Nhật. Murakami là nghệ sĩ nổi tiếng nhất của trào lưu này, bóng của ông lớn không thua gì những những con quái vật khổng lồ hay xuất hiện ở đoạn cuối truyện tranh.  Phần lớn những nghệ sĩ cùng thời với Murakami đi theo công thức của Murakami: dùng “chiến thuật’ của Andy Warhol, biến hóa những cái kitsch (sến rởm) thành mỹ thuật rồi áp dụng vào hoạt họa kiểu khoa học viễn tưởng. Nara là một trong số ít các họa sĩ chọn con đường hơi khác, tạo cho mình một cá tính thật khác biệt-một kỳ tích đạt được bằng cách khôn khéo đồng hành với một khía cạnh đặc sắc của văn hóa đại chúng Nhật Bản. 

Untitled (hay Nobody's Fool) (Không đề), 1998. Màu nước trên giấy. 34.9 x 25.7cm.

Trong tiếng Nhật, từ kawaii có nghĩa là xinh, nhưng nó lại là một kiểu xinh rất Nhật Bản, gần như có chút gì hung hãn. (Ví dụ nổi tiếng nhất của gu thẩm mỹ này chính là chú mèo Hello Kitty). Ban đầu khán giả phương Tây đặt tác phẩm của Nara vào cùng thể loại màu mè hài hước như của Murakami. Nhưng ngay cả trong những tác phẩm dữ dằn nhất của mình, chẳng hạn bức Quá sớm để chết (Too young to die) vẽ một cô bé nhăn mày hút thuốc trên một phông nền lớn, màu xanh nhạt, tròn như chiếc đĩa – phong cách hoạt hình ngổ ngáo của Nara có chút gì nhẹ nhàng thanh thoát hơn Murakami (mặc dù vẫn là sự pha trộn toàn bộ). Tác phẩm của Murakami thường lấy bé trai làm trung tâm, trong khi đó các nhân vật chính trong tranh của Nara thường là những bé gái. Trong catalogue của bảo tàng, curator Melissa Chu nhận xét rằng tác phẩm của Nara “được phụ nữ trẻ tuổi ở Nhật Bản đặc biệt yêu thích”.

Quá sớm để chết (Too Young To Die), 2001. Màu acrylic trên vải dựng trên khung FRP. 180cm x 26.7cm.

Các nhà phê bình ở Mỹ thường ban đầu chẳng ấn tượng gì với nguồn gốc văn hóa đại chúng trong tác phẩm của Nara, rồi sau đó lại tương ra những nhận xét vừa mơ hồ vừa kiểu đánh giá sâu sắc. Điển hình là bài phê bình cũ của Michael Darling đăng ở tạp chí Frieze: ‘Trong các tác phẩm của Nara, sự ngọt ngào âu yếm và sự quen thuộc của văn hóa Pop cuốn hút người xem, nhưng cùng lúc lại có những mạch ngầm sôi sục của phiền muộn, của sự bất mãn chảy ngay bên cạnh, làm cho người ta không thể nào thoát ly khỏi thực tại”.

Nhưng nhìn qua một tác phẩm như Những con chó của ngày thơ (Dogs From Your Childhood) tại Bảo tàng Á châu, gồm ba cái tượng cún con  màu trắng, trông đáng yêu, đứng chụm đầu vào nhau, người ta khó mà thấy cái gì là phiền muộn, hay đúng ra chả có cái gì sâu sắc cả. Mấy con chó giống hệt nhau, sơn sáng bóng như đồ chơi mới mua. Vậy là ta lại bắt đầu nghi ngờ rằng biết đâu Nara thực ra chỉ quan tâm đến “sự ngọt ngào âu yếm và sự quen thuộc của văn hóa Pop’. Cũng như Murakami không chỉ xem phần thiết kế quảng cáo là việc ngoài lề, mà là một phần liên tục trong các tác phẩm của mình (năm 2007 Murakami cho nguyên cả một cửa hàng Louis Vuitton vào triển lãm kỷ niệm  ở Mỹ) – Nara thực lòng gắn bó với tôn chỉ ‘kawaii’. Nói cách khác, tác phẩm của Nara không chỉ “ngồ ngộ xinh xinh” trong ngoặc kép, mà đơn giản là ngồ ngộ và xinh xinh, thế thôi.

Những con chó của ngày thơ (Dogs From Your Childhood), 1999. Sợi thủy tinh, gỗ, vải, acrylic. 182.9 x 152.4 x 101.6cm.

Vậy thì người xem phải làm gì đây, nếu họ không chỉ muốn thưởng thức món văn hóa Pop nhiều calo mà ít chất? Bảo tàng Xã hội Á châu đưa ra hai câu trả lời. Thứ nhất là về con người của Nara, được nhấn mạnh trong suốt triển lãm. Sự gắn kết cảm xúc của người hâm mộ với tác phẩm của Nara, theo đó, liên quan đến cuộc đời của nghệ sĩ: Thời tuổi trẻ cô đơn, tự do của Nara và việc chuyển đến Đức học tại Kunstakademie Düsseldorf sau đại học. Ở đó, Nara không nói được tiếng Đức và phải trải qua một thời gian dài sống lạc lõng trước khi có tiếng tăm. Một số tác phẩm trước của Nara (khoảng giữa thập niên 80s đến đầu thập niên 90)  được trưng bày tại bảo tàng có hơi hướm ban sơ, thô mộc theo lối chủ nghĩa biểu hiện mới của Đức, thường thể hiện qua các chủ đề như hoài niệm đau buồn hay sự suy đồi của xã hội. Phải chăng nỗi ám ảnh về tuổi thơ của Nara không chỉ dừng ở những đứa trẻ ngồ ngộ xinh xinh có chút ngổ ngáo, mà hơn nữa nó còn thể hiện một khát khao đi tìm chút gì thơ ngây bị kìm nén trong một nỗi cô độc hết sức người lớn?

The Girl With the Knife in Her Hand (Cô bé cầm dao), 1991. Acrylic trên cotton. 150 x 140cm.

Cứ cho là thế thì cái ý niệm rằng bi kịch cá nhân chính là tâm điểm trong tác phẩm của Nara vẫn chưa hoàn toàn thuyết phục, bởi ngay trong những tác phẩm nổi tiếng nhất, hầu như chẳng có gì thực sự tăm tối. Những dòng thuyết minh ở Bảo tàng  Á châu nhấn mạnh vào sự yếm thế của các nhân vật chính trong tác phẩm của Nara và cho rằng chính điều này phủ nhận những ý niệm về tuổi thơ đơn thuần; bởi vì các nhân vật trẻ con của Nara thường cầm thuốc lá, cầm dao hay được thể hiện đang ra rả chửi thề hay đọc lời nhạc rock. Nhưng ngay cả trong những bối cảnh đó ta cũng khó tìm được chút gì căn cơ cả; y hệt như trong thế giới hoạt hình, những thứ có vẻ nguy hiểm thường chẳng để lại hậu quả gì. Có thể nói rằng một  kỳ The Boondocks (chuyện biếm họa dài kỳ của Mỹ) còn sắc sảo và người lớn hơn một tác phẩm của Nara. Mà The Boondocks thì ngày nào cũng xuất hiện trên báo.

Hyper Enough (to the City)-, 1997. Acrylic trên canvas. 125 x 150cm.

Khía cạnh thứ hai, có lẽ thuyết phục hơn trong chiến dịch quảng bá Nara- Một nghệ sĩ tầm cỡ chính là mối liên hệ với âm nhạc, cũng là chủ đề của triển lãm tại Bảo tàng Xã hội Á châu. Nara có một mối liên hệ dài lâu và tiếng tăm với punk rock- anh đặc biệt thích ban nhạc Ramones và đã có lần nói rằng muốn tạo ra một hiệu ứng trong tranh vẽ tương tự như punk vậy. Anh đã vẽ nhiều bìa album, bao gồm cả bìa cho ban nhạc toàn nữ cấp tiến của Nhật là Shonen Knife (ban nhạc này đáp lễ với Nara bằng cách phổ biến rộng rãi video của bài Banana Chips trong đó có avatar của các thành viên theo phong cách Nara).

Triển lãm ở Bảo tàng Xã hội Á châu nhấn mạnh đến những tác phẩm vẽ các cô bé chơi guitar và những tác phẩm gắn với lời bài hát rock yêu thích của Nara, viết nguệch ngoạc trên mặt tranh. Tập giới thiệu của triển lãm còn ghi thêm danh sách các bài hát Nara thích nhất. Một tác phẩm sắp đặt còn ngẫu nhiên đưa vào cả thông điệp của Bille Joe Armstrong, ca sĩ chính trong ban nhạc Green Day gởi Nara. Thậm chí có cả nguyên một khu vực chỉ trưng bày những bìa đĩa cũ từ bộ sưu tập riêng của Nara, chỉ để cho thấy rằng với anh, âm nhạc quan trọng ra sao.

Thông điệp của Billie Joe Armstrong, Green Day gởi Yoshitomo Nara, một phần của tác phẩm sắp đặt Doors, tại Bảo tàng Xã hội Á châu; photo by Ben Davis.

Bản thân người viết rất mê ý tưởng về nghệ thuật cố thể hiện năng lượng của punk – trong bối cảnh nhiều tác phẩm đương đại không khác gì trả bài. Nhưng trong khi ban nhạc Ramones có chút gì đó quá tuổi thiếu niên về mặt phát triển xã hội; các nhân vật của Nara chưa bao giờ vượt qua khỏi tuổi mẫu giáo. Được điều gì đó gợi cảm hứng là một chuyện, nhưng có chuyển tải được cảm hứng đó một cách sáng tạo không lại là chuyện khác. Ví dụ như bức White Riot chẳng hạn. Tiêu đề rõ ràng là được gợi từ thần tượng của tác giả, ban nhạc the Clash. Nhưng bài hát White Riot nói về tuổi trẻ giận dữ, xuống đường đánh nhau trong bối cảnh xã hội hỗn loạn của nước Anh những năm 70, còn tranh của Nara lại đi vẽ một đứa trẻ mắt to, mặt nhăn mày nhó đang mặc đồ cải trang thành một con cún trắng. Trông cứ  y như minh họa sách trẻ con vậy. (Nara cũng từng có cuốn sách dành riêng cho trẻ em, The Lonesome Puppy (Chú cún cô đơn).

Yoshitomo Nara. White Riot, 1995. Acrylic trên cotton. 100 x 120cm.

Ở đây có lẽ có điều gì đó không thể chuyển nghĩa được. Mà đúng ra, cả sự nghiệp của Nara dường như sống dựa vào một sự bất khả chuyển nghĩa nào đó. Khán giả phương Tây thì thích thú trước “tính Nhật Bản” trong cảm xúc của Nara và ý tưởng rằng Nara chính là biểu tượng của một phong cách tiên phong bí hiểm xa xôi. Nara chẳng dại gì mà không tận dụng phản ứng này. Chẳng hạn như trong tác phẩm White Ghost (Bóng ma trắng), một tác phẩm điêu khắc trông như một đứa trẻ, hoàn toàn màu trắng, làm người ta dễ liên tưởng đến những bức tượng đặt bên ngoài đền thờ ở Nhật Bản. Nhưng Nara cũng hoàn toàn ý thức được rằng chính tiếng tăm bên ngoài nước Nhật mới làm nên tên tuổi của anh: “Để có được sự chú ý ở Nhật Bản, tôi phải được người ta chú ý ở châu Âu trước,”Nara từng nói. Về nghệ thuật của mình, Nara tự mô tả rằng mình tập trung vào “bối cảnh Âu Mỹ”, bởi “ở châu Á chẳng có thị trường nào cả…Ở châu Á, người ta thích nghệ thuật nhưng không phải khi nào cũng muốn bỏ tiền ra mua tác phẩm. Có lẽ đó là một sự khác biệt về văn hóa.”

Maquette of White Ghost, 2010.

Ngay tại nước Nhật, thành công vang dội của Nara gần với những người nổi tiếng nói chung hơn là một họa sĩ đơn thuần. Nara kết nối với người hâm mộ qua blog (và cả Twitter). Trong gần cả thập kỷ qua Nara nổi tiếng với nhiều triển lãm có sự tham gia của đám đông, kể cả triển lãm năm 2006 ở Hirosaki, lúc đó Nara dùng rất nhiều tình nguyện viên để tạo ra một tác phẩm sắp đặt to như một ngôi làng.

Triển lãm ở Bảo tàng Xã hội Á châu cũng cố gắng tạo lại khía cạnh hội hè này với kiểu thiết kế như mê cung, những bức tranh lớn như biến quảng cáo treo trong những căn phòng mà người xem chỉ thấy được qua các lỗ hổng trên tường, và cả một tác phẩm sắp đặt mô tả một rạp xiếc, thực ra là một pháo đài bí mật chứa đầy tranh vẽ của họa sĩ do chính đội ngũ thiết kế mà Nara thường làm việc cùng dàn dựng. Nhưng thiếu đi sự tham gia của đám đông, những nỗ lực này không tạo ra được sự phấn khích như ở Nhật Bản. Tất cả chỉ như một bối cảnh sân khấu đang chờ đợi sinh khí từ một màn trình diễn thực sự.

YNG's Drawing Room Between the Concord and Merrimack, 2010. Courtesy Asia Society Museum; photo by Davis Thompson-Moss.

Nếu phải chọn một tác phẩm tượng trưng cho các vấn đề chuyển nghĩa trong nghệ thuật của Nara, không có gì thích hợp hơn là đám bình gốm trưng bày tại bảo tàng. Hình dáng tròn trịa, yêu yêu – y hệt những đứa trẻ hoạt hình của Nara – trên đó nguệch ngoạc những dòng chữ đen lời bài hát nhạc rock, và những gương mặt hoạt hình cũng ngồ ngộ. Chưa hết, còn cả mấy thứ biểu tượng giông giống chữ thập ngoặc của Đức quốc xã. Như trong tờ bướm có vội vã giải thích rằng, trong đạo Phật biểu tượng này có nghĩa là “vận may”. Nhưng những lời bài hát nhạc rock đi kèm viết toàn bằng tiếng Anh. Thật khó hiểu một nghệ sĩ đã học tập ở Đức- quan tâm một cách sâu sắc đến phong cách punk của Anh- lại sử dụng biểu tượng này mà không suy nghĩ đến ý nghĩa của nó. Nhưng tôi có cảm giác rằng chính Nara khi sáng tác cũng chẳng nghĩ tới mình đang làm gì, hoặc cảm thấy cũng chẳng cần phải nghĩ.

Phải khó tính lắm thì mới ghét bỏ hoàn toàn nghệ thuật của Nara được. Dễ xem, dễ thích chính là ưu điểm lớn nhất trong tác phẩm của anh. Nhưng nếu người xem muốn tìm một thứ gì đó sâu sắc hơn, thì những chiếc bình này một lần nữa lại trở thành phép ẩn dụ hay nhất. Bề mặt mịn màng. Bên trong trống rỗng.

Một góc triển lãm Yoshitomo Nara: Nobody's Fool tại Bảo tàng Xã hội Á châu (từ trái qua phải): Kids Are Alright!, 2007; I Know Well I Know, 2010; Love or Affection, 2009; Nobody's Perfect, 2007; Buck Up Against the Wall, 2010; và Schule ist nicht mehr lustig, 2009.

*

Bài liên quan:

– Yoshitomo Nara: mắt trẻ con có hận thù?
– SOI như mù dù có mắt?
– Yoshitomo Nara: Ông vua của nghệ thuật ngồ ngộ xinh xinh

Ý kiến - Thảo luận

9:21 Wednesday,22.12.2010 Đăng bởi:  an
Tớ thử nói một câu xem có động tĩnh gì không thôi, chứ chẳng ai dại mà ở lại đôi co, kiểu gì cũng thua.
...xem tiếp
9:21 Wednesday,22.12.2010 Đăng bởi:  an
Tớ thử nói một câu xem có động tĩnh gì không thôi, chứ chẳng ai dại mà ở lại đôi co, kiểu gì cũng thua. 
21:18 Tuesday,21.12.2010 Đăng bởi:  Người xem Hà Nội
An ơi, cứ bày đi rồi biết :-) Tớ sẽ viết cái mà tớ thấy tớ nghĩ (có thể rất ngu si), chứ không phải viết cái mà tớ đoán tớ hóng hớt (để được lòng người khác), cậu yên tâm.
Sao An không viết điều An nghĩ nhỉ mà lại phải thắc mắc người khác sẽ nghĩ gì? :-))
...xem tiếp
21:18 Tuesday,21.12.2010 Đăng bởi:  Người xem Hà Nội
An ơi, cứ bày đi rồi biết :-) Tớ sẽ viết cái mà tớ thấy tớ nghĩ (có thể rất ngu si), chứ không phải viết cái mà tớ đoán tớ hóng hớt (để được lòng người khác), cậu yên tâm.
Sao An không viết điều An nghĩ nhỉ mà lại phải thắc mắc người khác sẽ nghĩ gì? :-)) 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả