|
|
|
|||||||||||||
Ăn uốngWakako Zake (tập 9): “Kẻ thù” kani miso của hầu bao 02. 10. 16 - 7:04 amPha Lê(Tiếp theo tập 8) Vừa mở đầu tập này, nàng Wakako đã lầm bầm về một “kẻ thù”. Số lượng của kẻ thù này thường ít, nhưng lại có khả năng khiến người ăn uống rất nhiều sake. Nàng nhân vật chính khoái ăn ngon này mà lại đi ví một món như kẻ thù, kể cũng lạ. Nhưng nếu chúng ta là Wakako thì không chừng chúng ta cũng rủa thầm như nàng, do kẻ thù của nàng nổi tiếng vừa ngon, vừa ít, vừa… đắt. Nó làm món nhắm cực hợp nên còn báo hại ta tốn thêm tiền mua rượu uống kèm. Kẻ thù ấy là “ai” mà lợi hại vậy? Là món kani miso. Kani trong tiếng Nhật nghĩa là cua, dịch nôm na món này sẽ thành “miso cua”. Tuy nhiên nó chẳng dính gì tới miso hết, họ gọi nó như vậy vì sau khi giã mịn kani miso ra nom nó sẽ giống đậu tương lên men. Hỏi dân Nhật kani miso là phần nào của con cua, họ thường trả lời rằng “não cua”. Bê y nguyên cái phần ấy về hỏi người Việt, người Việt sẽ bảo đó là “gạch cua”. Tả vậy chẳng đúng nhưng cũng chẳng sai, do phần ấy của con cua tuy có não, có gạch, nhưng ngoài ra còn có thêm gan, tụy, ruột… toàn mớ bùi nhùi nâu nâu đỏ đỏ ấy là kani miso mà người Nhật (lẫn người Việt) đều khoái ăn. Người Việt thường khoái luộc hay hấp nguyên con cua rồi tách mai ra xơi gạch. Món cua rang me hay rang tiêu chúng ta ưa chọn cua thịt hơn là cua gạch để làm, nhưng nhà tôi có trò nếu dùng cua gạch thì tán gạch nhuyễn ra rồi bỏ vào chảo rang với tiêu hoặc me, biến gạch thành một dạng “sốt”. Người Nhật thì ăn cua theo kiểu: gọi một con to, gỡ mai ra lúc cua còn sống vì họ quan niệm rằng cua chín cần hấp/luộc lâu, mà nấu lâu đồng nghĩa với kani miso bên trong chín quá (do nó nhanh chín hơn thịt) nên teo tóp, dù vẫn ngon nhưng… hao. Thế nên họ khoái để nguyên cái mai đựng mớ kani miso sống ấy trên lò than, nướng đến khi phần gạch, não, gan lùng nhùng ấy sủi bọt là lấy ra ăn ngay. Do kani miso đã mặn sẵn, món này chẳng cần nêm nếm chi. Người Nhật thường chờ cho kani miso sủi bọt nóng rồi moi thịt cua ra chấm vào, coi kani miso như một loại sốt chấm, vừa dậy mùi cua tự nhiên vừa khỏi xài muối tiêu. Nơi nào sang sẽ bỏ thịt cua cộng thêm một lòng đỏ trứng gà vào kani miso. Nghe thấy nhiều năng lượng đến mức ăn xong có thể tay không nhổ vài bụi tre.
Ngoài ra, dân xứ anh đào còn món đậu hũ non sốt kani miso, kani miso sushi, hoặc ăn vã theo kiểu nhắm kani miso với rượu sake. Ai không thích vị hải sản sẽ chẳng ưa món này do nó hơi tanh với nặng mùi, đa số dân Tây hiện đại rất sợ kani miso. Nhưng người châu Á thuộc loại chẳng bỏ phí cái gì của con gì nên chẳng lạ cái món này, lắm kẻ còn chăm chăm xơi cua chỉ vì thích húp cái mớ hỗn độn trong mai của nó.
Nàng Wakako vốn thích rượu, nên món kani miso nàng gọi là để nhắm. Một phần có chút xíu, nhưng chính nàng cũng hiểu rằng mỗi con cua chỉ cho được chừng ấy kani miso thôi, đâu ra mà nhiều. Bởi vậy nếu nhắm món này với rượu là phải gắp thật ít, từng chút một. Chẳng phải vì sợ phí không, mà do người Nhật chẳng bao giờ chịu nấu kani miso cho chín teo tóp. Kani miso vừa chín tới sẽ có mùi rất nồng, nồng hơn kiểu gạch chín nhăn trong cua hấp nhiều. Bởi thế gắp miếng quá to bỏ vào mồm ăn vã là sẽ bị hương cua xộc lên nồng nặc. Vì vậy Wakako mới gắp ít kani miso thôi. Người nào trước giờ toàn ăn gạch cua chín nhăn sẽ không thể hiểu kani miso nó nồng như thế nào.
Wakako nghĩ mông lung rằng những bộ phận tối quan trọng giúp con cua duy trì sự sống quả là ngon thật, và rất bổ dưỡng. Wakako biết một số nước (chắc chắn không phải Việt Nam) có thói quen bỏ phần gạch cua vào thùng rác, tại những phần bổ dưỡng của động vật hay có mùi nồng. Ví dụ như gan, óc, hoặc trứng cá không phải là món ai cũng xơi được. Tuy nhiên nàng biết cũng có nhiều nền văn hóa ẩm thực sẽ xơi tuốt mọi thứ, và không bỏ phí cái gì. Đây cũng là thói quen tốt, do đã tốn công nuôi, chăm bẵm (hay đánh bắt) rồi lấy mạng của nó thì ít ra cũng không nên bỏ mứa, kén chọn ăn phần này bỏ phần kia. Bởi vậy lắm lúc đừng vì thấy “Tây không ăn” là suy ra cái này cái kia hại sức khỏe, ta cũng không ăn cho giống Tây. Dân Tây hiện đại có nhiều thói quen ăn uống rất vô duyên, phí phạm. Nếu kani miso có gì nguy hiểm, thì đấy là nguy hiểm cho… hầu bao. Món này chẳng bao giờ rẻ, nó không đắt như truffle, nhưng nó không phải món để gọi thường xuyên, và mỗi phần chỉ có một ít. Đã vậy, nếu đem nhắm với rượu thì xíu xiu kani miso đó cũng khiến người ăn nốc một đống rượu. Kani miso đặc biệt hợp sake nóng, nhìn chung món hải sản nào nồng mùi cũng vậy, nhưng kani miso đi với sake nóng là rất dễ trôi. Báo hại mình xiểng liểng hồi nào chẳng biết. Junmai sake – hay thuần mễ tửu – còn đắt hơn sake thường nữa chứ, thành ra chỉ hai của nợ này thôi là ví bắt đầu xẹp, đầu óc lại lâng lâng say.
Ai chưa xơi kani miso với sake ngon sẽ không hiểu nổi sự lợi hại của nó. Tôi có đứa bạn không ham rượu, dù đó là rượu ta, rượu Tây hay Tàu. Thấy tôi gọi đĩa kani miso với bình sake junmai ra là cô nàng đăm chiêu suy tính rằng nguyên bình thế sao uống hết. Cuối cùng ăn thấy kani miso hợp rượu sake quá, hai món đi chung hoàn hảo quá, nàng bèn chén tù tì. Nhoắng cái bình rượu hết sạch. Nhìn mặt nàng đỏ lừ tôi mới hết hồn nhớ ra rằng cô nàng lái xe chở mình ra quán, nàng mà xỉn là thôi khỏi có đường về nhà vì ai mà dám cho nàng lái xe nữa. Không biết uống rượu mà còn mê thế, chẳng hiểu đã là bợm thì còn ra sao nữa. Kani miso quả thật là một “kẻ thù” nguy hiểm. * Xem tập này tại đây Ý kiến - Thảo luận
22:07
Friday,5.11.2021
Đăng bởi:
Hieniemic
22:07
Friday,5.11.2021
Đăng bởi:
Hieniemic
Chính xác thì shirako là túi tinh, cái họ ăn là tinh dịch cá tuyết... Được tinh hoàn cũng đã mừng hic.
16:06
Friday,5.11.2021
Đăng bởi:
Neyu
しらこkhông phải là óc đâu ạ, nó là tinh hoàn của cá tuyết
...xem tiếp
16:06
Friday,5.11.2021
Đăng bởi:
Neyu
しらこkhông phải là óc đâu ạ, nó là tinh hoàn của cá tuyết
Bài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|
...xem tiếp