|
|
|
|||||||||||||
Gẫm & BìnhLý giải chuyện tình dục qua “Cơn ác mộng” của Henry Fuseli 20. 10. 16 - 1:00 pmThúy Anh dịchCơn ác mộng (The Nightmare) là tác phẩm hội họa của họa sỹ Anh gốc Thụy Sỹ Henry Fuseli vẽ năm 1781, cách đây 235 năm, chất liệu sơn dầu, kích thước không khung 101.6 x 126.7cm. Họa sỹ Henry Fuseli sinh năm 1741 mất năm 1825, thọ 84 tuổi. Nghệ thuật của ông được cho là mang tính văn chương và mang tính kịch nghệ cao, thể hiện trình độ giáo dục cao của ông. Sau khi học xong ông được phong làm linh mục trước khi bắt đầu những hoạt động chính trị ở Zurich khiến ông bị lưu đày năm 1761. Ông vẽ bức này năm 40 tuổi. Từ khi ra đời cho đến nay, tác phẩm luôn là tác phẩm được biết đến nhiều nhất của Fuseli. Sau lần triển lãm đầu tiên 1782 tại Viện Nghệ thuật Hoàng gia Luân Đôn, bức tranh trở nên nổi tiếng. Các bản in khắc của tác phẩm được lưu hành rộng rãi và hình ảnh trong tranh được nhại lại cho các mục đích châm biếm chính trị. Do sự nổi tiếng của tác phẩm, họa sỹ đã vẽ ít nhất ba phiên bản khác nhau.
Trong tác phẩm gốc này, bề mặt toan vừa khắc họa cảnh một người phụ nữ đang ngủ mơ, vừa khắc họa cảnh tượng đang diễn ra trong cơn ác mộng của cô. Theo niềm tin dân gian xuất phát từ truyền thuyết Do Thái và châu Âu của con người thời đó, yêu quái và ngựa tượng trưng cho ác mộng. Họ tin rằng incubus hay còn gọi là incubi là loài yêu quái, một sinh vật siêu nhiên chuyên quan hệ tình dục với người đang ngủ, thường là phụ nữ. Các yêu quái ác mộng nam incubus thường xuất hiện trong giấc mơ của phụ nữ để quyến rũ và cưỡng hiếp, còn các yêu quái ác mộng nữ succubus cưỡng hiếp đàn ông trai trẻ để lấy hạt giống đưa cho yêu quái ác mộng nam mang đi cưỡng hiếp phụ nữ và làm họ thụ thai. Có nhiều bằng chứng và lời khai của phụ nữ rằng họ là nạn nhân bị cưỡng hiếp bởi một hồn ma vô hình khi đang ngủ, và hồn ma thủ phạm ấy chính là yêu quái ác mộng. Họ cũng tin rằng khi quan hệ tình dục với yêu quái ác mộng, nạn nhân bị kiệt sức và có thể chết bởi vì các yêu quái ác mộng sẽ hút sinh lực để tồn tại thông qua hoạt động quan hệ tình dục. Những ai được thụ thai bởi yêu quái ác mộng nam sẽ mang thai một cambion, tức một đứa trẻ có năng lực siêu nhiên, ví dụ như nhân vật pháp sư Merlin trong truyền thuyết vua Arthur – một thủ lĩnh huyền thoại người Anh bảo vệ nước Anh chống lại sự xâm lăng đầu thế kỷ thứ 6. Quan sát tác phẩm ta thấy một người phụ nữ vải quấn quanh mình đang nằm ngủ phía cuối giường, đầu buông thõng để lộ cái cổ dài. Nàng bị một yêu quái ác mộng nam hình thù giống khỉ có đôi tai mèo ngồi đè lên bụng, dáng điệu thu mình lăm le, đôi mắt lồi trợn to nhìn chòng chọc vào người xem. Người phụ nữ đang ngủ trông có vẻ không có sự sống, và nằm ngửa, một tư thế được cho rằng khiến gặp ác mộng. Trang phục sáng màu của cô đối nghịch với các màu đỏ, vàng và màu hoàng thổ sẫm của hậu cảnh. Tác giả dùng hiệu ứng chiaroscuro tạo tương phản mạnh giữa sáng và tối (đây là kỹ thuật đặt sáng và tối cạnh nhau làm tăng cảm giác về khối khi mô tả vật và người ba chiều, hiệu ứng tương tự trong chiếu bóng và nhiếp ảnh cũng gọi là chiaroscuro.) Làn da trắng ngần thanh khiết, đôi mắt nhắm nghiền chìm sâu vào giấc ngủ, vẻ mặt vô hại và dáng điệu mềm rũ của cô đối lập với hình thù thô kệch xấu xí và vẻ mặt dữ tợn của yêu quái. Nội thất trong tranh rất đúng thời và hợp mốt gồm một chiếc bàn nhỏ trên đó đặt một chiếc gương, lọ thuốc và quyển sách. Căn phòng được treo rèm nhung đỏ giăng phía sau chiếc giường. Ló ra giữa hai tấm rèm là cái đầu con ngựa với đôi mắt lồi trắng dã, hai cánh mũi phồng to và cái miệng mở ra thấy cả răng như biểu trưng cho sự thèm thuồng, tọc mạch. Nguồn sáng đơn đến từ bên phải, rèm làm hậu cảnh, tiền cảnh được cắt ngắn lại khá gần và trông như đang trên sân khấu. Dải vải đỏ rơi thõng khỏi mép giường thậm chí trông như dòng chảy của máu, kiểu xây dựng hình ảnh tượng trưng được dùng trong các vở nhạc kịch hoặc kịch nói. Tác phẩm được cho rằng lấy cảm hứng từ cảm giác bóng đè. Đó là tình trạng tê liệt trong giấc ngủ, người ngủ thức giấc nhưng não bộ không điều khiển tay chân và cơ thể cử động được, toàn thân như tê liệt, không nói hay phản ứng được trong lúc đầu óc nửa tỉnh nửa mê mắt mở hoặc nhắm vừa cảm nhận nhiều cung bậc ảo giác kỳ lạ đáng sợ, vừa có thể nghe và ý thức được mọi chuyện xung quanh. Những gì dường như xảy ra trong lúc bị bóng đè là một phần bộ não thức dậy, hoàn toàn tỉnh táo nhận thức mọi vật xung quanh, trong khi một phần khác của não bộ, như vùng chỉ huy hệ thần kinh vận động, vẫn ở trong giấc ngủ có trạng thái REM (cử động mắt nhanh) khiến cho hầu hết cơ vận động của cơ thể bị tê liệt. Trạng thái này giúp giữ con người nằm yên trong khi não ra sức vẽ vời những kịch bản quái dị nhất. Theo niềm tin dân gian xuất phát từ các câu chuyện cổ như nói trên, người dân thời đó cho rằng cảm giác này là do yêu quái và phù thủy xuất hiện trong mơ ám những ai ngủ một mình. Trong những câu chuyện này đàn ông sẽ bị ngựa hoặc phù thủy tức yêu quái ác mộng nữ viếng thăm, còn phụ nữ sẽ bị quan hệ tình dục với yêu quái ác mộng nam. Tên tiếng Anh của tác phẩm là Nightmare, có từ mare mà nguồn gốc xa xưa của từ mare này là từ mara có nghĩa là các linh hồn chuyên hãm hại làm nghẹt thở người đang ngủ. Theo đó, từ nightmare có nghĩa là ác mộng liên quan đến cảm giác nặng ở ngực như cảm giác bóng đè, khó thở và hoảng sợ. Ngoài nghĩa linh hồn ma ám như trên, từ mare còn có nghĩa là ngựa cái. Đây là hai từ có thể nói là đồng âm khác nghĩa. Vì vậy người ta cho rằng tác giả khi vẽ tranh chính đã vẽ thêm đầu ngựa vào nhằm chơi chữ bằng hình ảnh cho từ nightmare – tức nightmare vừa mang nghĩa gốc ác mộng, ma ám vừa mang nghĩa là con ngựa cái ban đêm nếu tách riêng thành hai từ night và mare. Bản phác họa sơ bộ ban đầu bằng phấn sở hữu bởi người viết tiểu sử cho họa sỹ không có hình đầu ngựa. Nhiều năm trước khi sáng tác tác phẩm này, tác giả Fuseli từng yêu say đắm người phụ nữ tên Anna Landholdt sống ở Zurich khi ông đi từ Rome Ý sang Luân Đôn Anh. Landholdt là cháu gái của một người bạn của ông, một chuyên gia xem tướng tên Kaspar Lavater. Năm 1779 Fuseli viết cho Kaspar kể về những cơn mộng mị của mình như sau. “Đêm qua tôi có nàng nằm trên giường với mình, tôi bí mật cởi đồ ngủ của mình, đan xoắn tay mình vào tay nàng, đốt nóng cơ thể và tâm hồn nàng bằng cơ thể và tâm hồn mình, thở vào tâm trí nàng, vào hơi thở và sức lực của nàng. Bất kỳ ai chạm vào nàng giờ đây sẽ là phạm tội ngoại tình và loạn luân! Nàng là của tôi, và tôi là của nàng. Tôi sẽ có nàng…” Tuy vậy lời cầu hôn của họa sỹ Fuseli vấp phải sự phản đối của cha nàng, và tình yêu của ông không được đáp lại dưới mọi hình thức: Nàng Landholdt đã kết hôn với người bạn khác của gia đình sau đó. Tác phẩm Cơn ác mộng vì vậy được xem là bản tự họa về khía cạnh tình dục của một tình yêu đã mất. Sử gia nghệ thuật H.W. Janson cho rằng cô gái nằm ngủ kia chính là người tác giả yêu, và con yêu quái đang ngồi lên bụng nàng kia chính là tác giả. Ý kiến này được củng cố mạnh thêm bởi hình vẽ chân dung một cô gái chưa hoàn thiện ở mặt sau tấm toan của tác phẩm. Đó có thể là vẽ nàng Lanholdt. Ngoài cách lý giải trên, tác phẩm cũng nhận được nhiều lý giải khác. Ví dụ trong cuộc nghiên cứu năm 1972 mang tên Phụ nữ là mục tiêu tình dục, tác giả của cuộc nghiên cứu đã cho rằng tác phẩm Cơn ác mộng mô tả giây phút cực khoái của phụ nữ. Một lý giải khác lại cho rằng yêu quái ác mộng trong tác phẩm là biểu tượng của ham muốn tình dục nam, sự thò đầu ra của con ngựa biểu thị hành vi tình dục nam. Dù là diễn giải nào, các nhà phê bình nghệ thuật vẫn luôn cho rằng tác phẩm Cơn ác mộng này đầy tai tiếng với chủ đề nhục dục của nó. Trước đó Fuseli đã cho ra đời nhiều bức vẽ chì riêng tư khắc họa các hoạt động tình dục phóng khoáng thậm chí đồi trụy khiêu dâm, ví dụ như bức Quan hệ ân ái khoái lạc của người đàn ông và hai phụ nữ (Symplegma of Man with Two Women) vẽ trong giai đoạn 1770-78. Các tác phẩm khắc họa thẳng thắn hoặc hàm ý tình dục phóng khoáng như thế này là cơ sở để nhận định rằng nghệ thuật của ông đại diện cho bản năng tình dục thăng hoa. Dù vậy Fuseli không hề bình luận gì về các tác phẩm của mình. Ngoài tình dục, chủ đề giấc ngủ và các giấc mơ cũng đề tài quen thuộc của họa sỹ, trong số đó tác phẩm Cơn ác mộng này là tiêu biểu nhất. Tác phẩm được biết đến đầu tiên là Joseph giải mã giấc mơ của người quản gia và người bán bánh mì về Vua Pharaoh, sáng tác năm 1768. Sau đó, 1798 ông cho ra đời tác phẩm Giấc mơ của Shepherd, được truyền cảm hứng bởi áng sử thi Thiên đường bị đánh mất của John Milton, và sau đó cùng năm là tác phẩm Richard Đệ Tam được các oan hồn thăm viếng, dựa theo một vở kịch của Shakespeare. Kiến thức của Fuseli về lịch sử hội họa rất rộng cho phép các nhà phê bình đưa ra ý kiến rằng nguồn gốc các yếu tố trong tranh là từ nghệ thuật đồ cổ, nghệ thuật cổ điển và nghệ thuật Phục hưng. Theo nhà phê bình nghệ thuật Nicholas Powell, dáng điệu của nhân vật nữ trong tác phẩm là từ tác phẩm điêu khắc bằng đá cẩm thạch Ariadne đang ngủ, còn phong cách của yêu quái là từ các hình dáng được tìm thấy tại hiện trường khảo cổ Selinunte, một thành phố Hy Lạp cổ đại nằm trên hòn đảo Sicily ở Địa Trung Hải. Hình ảnh nhân vật nữ cũng được cho là lấy từ tác phẩm Giấc ngủ của nữ hoàng Hecuba tại cung điện Palazzo Te của họa sỹ người Ý Giulio Romano sống ở thế kỷ 15–16. Powell cũng liên tưởng con ngựa với tác phẩm khắc gỗ của họa sỹ Phục hưng người Đức Hans Baldung hoặc với tác phẩm điêu khắc khổng lồ bằng đá cẩm thạch Người thuần hóa ngựa đặt trên đồi Quirinal ở Rome, Ý. Tác phẩm được triển lãm lần đầu tại Viện Nghệ thuật Hoàng gia Luân Đôn năm 1782 và được nhận xét là “thật kích động, một cấp độ bất thường của sự hứng thú”. Với ẩn ý sâu xa nhạy cảm gây tranh cãi và gây ấn tượng mạnh như vậy, tác phẩm đã được sao chép ý tưởng rộng rãi. Các phiên bản sao chép ý tưởng thường là tranh biếm họa chính trị trong đó yêu quái ác mộng hãm hại các nhân vật như Napoleon Bonaparte, Louis XVIII, các chính trị gia người Anh, thủ tướng, hoặc đô đốc Lord Nelson làm yêu quái người tình của ông làm nhân vật phụ nữ đang ngủ kia. Fuseli đã bán tác phẩm gốc với giá hai mươi đồng tiền vàng và đồng ý sản xuất các bản in khắc phát hành phổ biến đầu tháng Giêng năm 1783. Các bản in khắc có giá hợp lý đã khiến hình ảnh của tác phẩm được phân phối đến đông đảo khán giả. Do sự phổ biến này và do tác phẩm có phong cách phù hợp với định hướng nghệ thuật của phòng tranh Boydell Shakepeare thời bấy giờ, ông được phòng tranh đặt vẽ tám tác phẩm khác. Với danh tiếng của tác phẩm và của chính mình có được sau kỳ triển lãm, họa sỹ Henry Fuseli đã vẽ ít nhất ba phiên bản khác. Một trong số đó vẽ khoảng 1790–1791 được treo trong nhà của người bạn thân của ông – nhà phát hành Joseph Johnson. Bức vẽ đã trang hoàng cho những bữa ăn tối của Joseph với các vị khách của ông là các nhà tư tưởng và các nhà văn. Bức này nhỏ hơn bức gốc, đầu người phụ nữ nằm bên trái, chiếc gương soi phản chiếu bên phải nàng, yêu quái nhìn vào người phụ nữ thay vì nhìn ra khỏi mặt tranh và có đôi tai mèo, hiện được treo ở Bảo tàng Goethe ở Frankfurt Đức. Hai phiên bản kia có sự khác biệt chút ít là trên chiếc bàn nhỏ có tượng một cặp đôi đang ân ái. Ý kiến - Thảo luận
16:19
Friday,21.10.2016
Đăng bởi:
Đinh Rậu
16:19
Friday,21.10.2016
Đăng bởi:
Đinh Rậu
Cụ họa sĩ sanh nhằm năm Gà (không phải năm Mùi) này thọ ra phết hỉ. Trước kia mỗ nghĩ những ai vẽ hình trai gái kỳ lạ ma quái thường không thọ lâu. Những dằn vặt bản năng gốc của người Trung cổ xem ra cũng không khác bọn Dậu sinh giữa thế kỷ trước như tôi (căn cứ cả vào bọn bạn, nay vẫn zà mà ham).
10:22
Friday,21.10.2016
Đăng bởi:
dilletant
"cái đầu con ngựa với đôi mắt lồi trắng dã, hai cánh mũi phồng to" - khi nhìn bức tranh lần đầu moa đã không thấy đầu con ngựa, chỉ thấy cánh mũi của người đàn bà (bức đầu tiên) trên xuống.
10:22
Friday,21.10.2016
Đăng bởi:
dilletant
"cái đầu con ngựa với đôi mắt lồi trắng dã, hai cánh mũi phồng to" - khi nhìn bức tranh lần đầu moa đã không thấy đầu con ngựa, chỉ thấy cánh mũi của người đàn bà (bức đầu tiên) trên xuống. Bài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|
...xem tiếp