Gẫm & Bình

Xem tranh Nguyễn Đình Hoàng Việt: quả là không uổng công đi 14. 11. 16 - 7:11 am

Phó Đức Tùng

Ngồi tán chuyện với Trần Trọng Linh, Linh bảo làm nghệ thuật khó quá, người Việt nam chẳng chịu bỏ tiền, bỏ thời gian cho nghệ thuật. Triển lãm mời không cũng còn khó có người xem. Mình nói là cũng cần thông cảm, vì không có nhiều triển lãm thực sự hay. Linh nói hiện đang có triển lãm của Việt ở Manzi là thực sự hay, cần đi xem ngay. Mình mới nhớ ra là Trâm mời đi triển lãm đúng lúc mình đi Sài Gòn, rồi về lại quên. Mấy anh em lập tức lên Manzi.

Quả là cũng không uổng công đi. Tranh rất hay. Thích nhất một bức thì đã bị chấm đỏ. Thích bức thứ hai cũng bị chấm đỏ, nhưng là chấm của Trâm, thế là gạ để lại được. Trâm bảo anh chờ một chút, Việt sắp qua triển lãm, thích tranh một thì sẽ thích người mười. Mà quả có thế, gặp cu cậu xong, mình phải đi xem lại tranh một vòng, và phải mua thêm một bức to nhất. Chưa thực thích lắm, nhưng mà nhân tài thế này, với túi tiền bé tí của mình, sau này e rằng phác thảo cũng chưa chắc động vào được. Thế rồi Trâm bảo, chẳng mấy khi thấy anh thích tranh của ai, vậy giới thiệu chút đi cho mọi người cùng có thông tin.

“Sự im lặng của bầy cá”, sơn dầu trên giấy báo bồi, 21 x 8 cm, 2016

Triển lãm của Việt là một tập hợp gồm 3 nhóm chủ đề, giới thiệu những tác phẩm của cậu trong năm rưỡi vừa qua. Tất cả những tranh này đều thuộc thể loại “tĩnh vật”. Chữ “tĩnh vật” tiếng việt không rõ nghĩa như chữ “stilleben” trong tiếng Đức hay “still life” trong tiếng Anh. Khái niệm vật tĩnh tương đối vô nghĩa. Trong khi đó, Stilleben vừa có nghĩa là vật tĩnh, đồng thời cũng có nghĩa là sự sống tĩnh. Nhìn ra được cái sống trong thứ tĩnh đó, thể hiện được nó mới là bản chất của tranh tĩnh vật. Người ta có thể nhìn thấy loại sự sống gì trong vật tĩnh, và khi nào thì được coi là đã thể hiện nó, thực ra trong lịch sử hội hoạ không có nhiều kiến giải. Tranh của Việt, mới trong vòng hơn một năm, đã lướt qua gần như cả chiều dài lịch sử tĩnh vật.

Trước tiên kể tới nhóm tranh vẽ những mảnh giấy, có ghi vẽ một thứ gì đó, thạch sùng bám trên tường, trên hộp, cua cá giống y như thật:

“Nghĩ”, sơn dầu trên bìa cattong, 21,1 x 23,4 cm, 2015

Những tranh này liên tưởng tới câu chuyện của cuộc thi của Zeuxis và Parrhasios trong Hy lạp cổ đại mấy ngàn năm trước. Câu chuyện này được coi là khởi thủy của hội họa tĩnh vật. (kể lại chuyện cho ai chưa nghe: Zeuxis và Parrhasios là hai họa sỹ cổ đại được coi là có kỹ thuật tả thực siêu việt. Hai họa sỹ này thách nhau thi vẽ. Zeuxis vẽ một chùm quả, giống thật tới mức có con chim bay tới định mổ. Sau đó, Zeuxis đã rất chắc thắng, và bảo Parrhasios cho xem tranh. Parrhasios nói ông tự mở tấm vải phủ tranh ra sẽ thấy. Zeuxis định mở tấm vải, mới nhận ra là bản thân tấm vải phủ đó là một bức tranh. Kết luận Parrhasios thắng, vì chùm quả của Zeuxis mới lừa được chim, còn vải phủ của Parrhasios lừa được Zeuxis).

“Bí mật”, sơn dầu trên giấy, 16 x 22,5 cm, 2016

Vấn đề trong câu chuyện này là gì: kỹ năng vẽ cực thực nhưng có mục đích (quả ngọt để dụ chim tới ăn) chỉ lừa được cầm thú. Còn để lừa được người thì nó phải hoàn toàn bất ngờ, vô dụng. Sự vô dụng này của nghệ thuật đánh dấu một tầm cao mới, làm nảy sinh tranh cãi muôn đời về câu chuyện nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh. (tất nhiên, nghệ thuật vị nghệ thuật không chỉ được thực hiện bằng tĩnh vật cực thực) Người La mã vô cùng khoái câu chuyện này, và mấy trăm năm, việc tả thực mấy đồ ăn thừa vung vãi thẳng trên Mosaik sàn nhà là một trường phải đặc trưng ở La Mã. Vấn đề không phải là để lừa người, mà ở đây là nghệ sỹ đã rách việc, vô sự tới mức có thể toàn tâm toàn ý dành cho nghệ thuật, không để làm gì cả. (chữ Muses là nghệ thuật sau này cũng có nghĩa là rách việc, nhàn rỗi)

Khi xem mấy tranh này, tôi vẫn hơi hoài nghi, liệu có thể có người đạt tới độ an nhàn, tĩnh tại như vậy trong thời buổi nay không, hay chỉ là muốn chứng tỏ tay nghề vẽ giống như thật? Khi gặp Việt, đúng là cu cậu toát ra một vẻ an định, bình yên một cách đáng làm người ta giật mình.

“Mưa”, sơn dầu trên giấy, 14 x 24 cm, 2016

Nhóm tranh thứ hai bao gồm những vết nứt, vết gãy, trong đó có những vết nứt trên tường, vết kính vỡ. Lúc này, hoạ sỹ đã không chỉ còn tả thực một thứ bất kỳ, mà đã chú mục vào những chỗ rạn nứt, chỗ không bình thường của một vật.

“Nứt 2”, sơn dầu trên giấy, 33,5 x 49 cm, 2016

Ở châu Á, quan điểm về ý nghĩa của sự phá hủy trong chu trình sáng tạo vũ trụ đã có từ rất lâu, ít nhất là nổi bật ở Ấn Độ, với thần Shiva vừa là huỷ diệt vừa là sáng tạo. Nhưng cụ thể khái niệm creative destruction mới được cho là phổ biến từ những năm 50 của thế kỷ trước, bắt đầu trong lý thuyết kinh tế (Schumpeter). Cho tới Frank Gehry đập vỡ miếng kính để tìm ý tưởng kiến trúc, Fontana rạch mặt toan làm tranh là đã vào cuối thế kỷ 20. Không rõ là Việt có biết về những lịch sử này không, nhưng sự chú mục vào vết kính vỡ là một trong những chú mục mang tính thời đại, tuy không mới nhưng không phải một mối quan tâm tầm thường.

“Nứt”, sơn dầu trên giấy, 33,5 x 49 cm, 2016

Nhưng hấp dẫn nhất là nhóm tranh gà vịt. Trong lịch sử hội hoạ tĩnh vật, có hai loại đối tượng gia cầm hay được thể hiện. Thứ nhất là những con gà vịt, nhất là chim trĩ, thú rừng săn về đã chết, và thứ hai là những con gà quay béo mọng trên bàn tiệc. Những tranh này thường phổ biến thời Barock, và thường gọi là thể loại “prunk stilleben”, tức là những tĩnh vật lộng lẫy. Ta biết rằng thời barock là một thời kỳ ăn chơi đỉnh cao của quý tộc châu Âu, và có triết lý rất cơ bản là “hình thức chính là nội dung”. Con chim trĩ chết vì bộ lông của nó. Giá trị cơ bản của nó cũng ở bộ lông đó. Vì thế, cho dù con trĩ đã chết nhưng thể hiện được kỹ lưỡng, chi tiết bộ lông sặc sỡ, lộng lẫy của nó cũng chính là thể hiện bản chất của nó. Đối với ta, con chim chết rực rỡ đó tạo ấn tượng sống động, trong khi đó một con trĩ mờ mịt bay ở xa thì dù còn sống nhưng cũng không sống động bằng. Còn con gà quay thì sống động nhờ ham muốn rõ ràng mà nó đánh thức ở người xem về một bữa ăn ngon lành.

Thế còn con gà, con vịt của Việt thì lại bị vặt hết lông, cứa cổ, phanh thây. Vậy nó là cái gì? Nó không phải con gà đẹp mã, cũng không phải con gà ngon lành, nhưng cũng không đơn giản là con gà chết. Không ai gọi con gà đó là con gà chết. Con gà chết là con gà con nguyên lông lá nằm chết cứng đơ, mà ai cũng sẽ bảo là đó là con gà chết. Rõ ràng, đó là một dạng thể hiện của cái chết, nhưng là một cái chết không cho người ta cảm giác tiêu cực, mà là một trạng thái tích cực. Freud nói rằng loài người có trực giác sợ chết, bởi thế khó có thể có cảm giác tích cực khi nhìn vào cái chết, cho dù thể hiện cách nào. Việt nói đúng là em thích thể hiện cái chết, nhưng không “bệnh hoạn”. Vậy có nghĩa là cậu không thể hiện cái chết thông thường, vì thể hiện cái chết thông thường nhất thiết là bệnh hoạn, mà cậu muốn thể hiện một cái chết khác thường.

Chỉ có 3 cái chết khác thường nổi tiếng: Thứ nhất là cái chết của Jesus trên đinh câu rút, một cái chết thê thảm, khốc liệt, nhưng lại có ý nghĩa cứu rỗi. Vì cái ý nghĩa này nên biết bao nhiêu người thấy đó là đẹp và thậm chí sẵn sàng học theo, tử vì đạo. Francis Bacon là một trong những hoạ sỹ nổi tiếng khai thác chủ đề cái chết này. Và như chính Jesus nói: “này đây là máu của ta, này đây là thịt của ta… hãy ăn đi”, Bacon nhìn thấy trong mỗi cái xác lợn, xác bò trong lò mổ một sự hiện diện, xả thân, một hình bóng của Crucifix. Tuy cũng là những con gà vịt cứa cổ phanh thây, nhưng ta không có cảm giác Việt có hình ảnh Crucifix trong ám ảnh khi vẽ những tranh này.

“Nhìn”, sơn dầu trên giấy báo bồi, 15,7 x 42,5 cm, 2016

Thứ hai là cái chết Socrate, một cái chết thanh thản, thuận theo tự nhiên. Cái chết này nhẹ và đẹp, như những cánh mai rụng đầy đất vẫn đẹp. Đây cũng là quan điểm Đạo giáo Á đông, nên các tranh có màu sắc đạo giáo hay thể hiện những cái chết như vậy. Nhưng những con gà vịt của Việt không có màu sắc này.

“Tự do ngôn luận”, sơn dầu trên giấy báo bồi, 13,5 x 38,6 cm, 2016

Cái chết nổi tiếng thứ 3 là cái chết của Phật và các thiền sư. Đó là trạng thái người ta gọi là “hóa”. Cái chết này thường không được coi như chết, mà chỉ là trạng thái hội nhập với những cảnh giới cao hơn, một dạng thiền vĩnh viễn, trong đó thân xác, hình tướng được trút bỏ. Con gà trút bỏ bộ lông, trút bỏ cái identity của nó, nằm dài một cách bình yên, chính là hình tượng của cái chết này hay của trạng thái thiền. Sự sinh động, sống động của nó đạt được bởi chính quan điểm cho rằng trong trạng thái đó, sự sống diễn ra một cách trực tiếp nhất, rộng lớn nhất.

Lý thuyết thì là như vậy, nhưng ta khó có thể tin được rằng một thanh niên trẻ như Việt lại có mối quan tâm đó và có đủ định lực để làm việc đó. Vì sự khác nhau giữa con gà chết và con gà thiền chính là ở nội lực được trút vào nó, khiến cho nó trở nên sung mãn. Những chỗ vết cắt, vết đứt, con mắt hé mở, là nơi luồng lực đó có cơ phát tiết ra ngoài, nên người xem sẽ cảm nhận rõ nét hơn. Còn những con không có vết đứt, vết cắt đó, thì sẽ khó cảm nhận hơn. Tuy nhiên, nếu xem kỹ tranh, lại ngắm kỹ người, thì ta càng cảm thấy ngày một rõ nét là luồng năng lượng vô hình đó có tồn tại, hiện hữu và đáng tin.

“Ngủ”, sơn dầu trên giấy báo bồi, 28 x 100 cm, 2016

Tóm lại, xem tranh của Việt, ta thấy rằng tuy ý tưởng còn chưa thật sắc nét, định hướng còn chưa thật rõ ràng, như có thể mong đợi ở một thanh niên. Nhưng ta cũng thấy rằng, đó là một nhân vật có định lực không tầm thường, và có khả năng dồn lực vào một câu chuyện. Hai điều đó thôi đã là thiên hạ hi hữu. Nếu phát huy lên nữa, tương lai không biết tới đâu.

11.11.2016

Ý kiến - Thảo luận

9:24 Sunday,18.12.2016 Đăng bởi:  Cadobox
Mình không hiểu ẩn ý trong tranh tác giả là gì và cũng không quan tâm lắm, chỉ biết nhìn tranh như này thì rất muốn được đi xem triển lãm!
...xem tiếp
9:24 Sunday,18.12.2016 Đăng bởi:  Cadobox
Mình không hiểu ẩn ý trong tranh tác giả là gì và cũng không quan tâm lắm, chỉ biết nhìn tranh như này thì rất muốn được đi xem triển lãm! 
21:46 Sunday,20.11.2016 Đăng bởi: 
Chính cái con gà cúng mang mầu sắc hiến tế và tạo hình tuẫn nạn ấy, đã tạo ra chất hội họa. Nó nghiêng về cổ điển. Con gà con vịt của Việt cố gắng thoát cổ điển, khá nhất quán với Tờ giấy, Vết nứt hay Con thạch sùng. Cách sử dụng chất liệu bề mặt là đúng, phù du và thời đại. Bạn Việt có lúc chỉ cần vẽ to đùng ra, là chuẩn contemprary.
Nhưng, tôi mong
...xem tiếp
21:46 Sunday,20.11.2016 Đăng bởi: 
Chính cái con gà cúng mang mầu sắc hiến tế và tạo hình tuẫn nạn ấy, đã tạo ra chất hội họa. Nó nghiêng về cổ điển. Con gà con vịt của Việt cố gắng thoát cổ điển, khá nhất quán với Tờ giấy, Vết nứt hay Con thạch sùng. Cách sử dụng chất liệu bề mặt là đúng, phù du và thời đại. Bạn Việt có lúc chỉ cần vẽ to đùng ra, là chuẩn contemprary.
Nhưng, tôi mong bạn Việt không vẽ đi vẽ lại và vẽ quá nhiều trong một chủ đề. Rất ít rất hiếm, rất kỹ rất chuẩn. Bứt ra để mọi người phải đuổi theo mình. Và rất đắt.
Đó là kiểu hội họa ...
Còn có khá nhiều thứ khác ngoài hội họa, thì anh Tùng đã nhìn thấy ở Việt cái cốt lõi rồi... 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả