Ở Đâu - Làm Gì

Từ 25 quyết đi xem Dấu Thăng 24. 12. 10 - 9:04 pm

Thông tin từ triển lãm

 

DẤU THĂNG
Diesis (# :tiếng Ý -thuật ngữ dùng trong ký xướng âm)

Triển lãm tranh của nhóm họa sĩ
Từ 18h ngày 25 đến hết 30. 12. 2010.
Applied Arts Center
5 Phan Đăng Lưu, quận Bình Thạnh, tpHCM

*
Cuộc triển lãm bao gồm các tác phẩm mới sáng tác trong thời gian gần đây của 7 tác giả với thông điệp chung:
 
“Dấu thăng trong âm nhạc làm tăng mỗi nửa cung của những nốt nhạc hay làm những nốt nhạc ấy khác đi. Dấu thăng cần thiết để làm phong phú hơn một giai điệu. Dấu thăng là một ví dụ điển hình cho sự khác biệt trong việc sáng tạo. Khác biệt với chính mình, khác biệt giữa mình với người khác giữa bộn bề dòng chảy nhân sinh. Sự đa dạng sắc thái biểu hiện sẽ là tiền đề để dẫn tới sự thăng hoa của nghệ sĩ lưu dấu trong từng tác phẩm nghệ thuật.”

Có 26 tác phẩm hội họa giá vẽ gồm các chất liệu: Sơn dầu, lụa, chì trên giấy.
Và 1 tác phẩm sắp đặt.

Đơn vị tổ chức: Hội mỹ thuật tp HCM, Câu lạc bộ họa sỹ Trẻ tp HCM
Hỗ trợ tổ chức và truyền thông: HIMIKO visual saloon

 

*

GHI CHÚ VỀ CÁC TÁC GIẢ THAM GIA DẤU THĂNG

 

1. Bùi Tiến Tuấn (1971)

Sau cuộc triển lãm cá nhân 2009 tiêu đề Lụa tại gallery Tự Do, Bùi Tiến Tuấn như đã bắt đựơc mạch cảm xúc và tiếp tục có những cống hiến với nền mỹ thuật trong nứơc với giải Bạc trong triển lãm mỹ thuật toàn quốc 2010. Quan trọng hơn cả là tác giả đã góp sức trong việc cải biến thẩm mỹ từ chất liệu truyền thống là lụa với tinh thần đương đại qua các tác phẩm tranh lụa khổ lớn. Chìm vào từng sớ lụa thưa, hình và mảng hoà quyện, với những hoạ tiết được chắt lọc, cô đọng tạo nên một không gian quyến rũ. Cái Đẹp hiển hiện trong hình hài những người đàn bà của thời đại này, với đa chiều các góc nhìn: Thánh thiện và Khêu gợi, Tự sự và Đối thoại, Khép nép và Phô bày…

Lụa là – tranh lụa của Bùi Tiến Tuấn, vẽ năm 2010, khổ 135 x 84cm

Tranh lụa, xưa nay vẫn được các họa sĩ khai thác vẻ phiêu bồng của cảnh vật hay trầm tư mặc tưởng của nội giới. Thậm chí đã có một giai đoạn dài tranh lụa phải mang tiếng là đại diện cho nghệ thuật bình dân nghiêng về tính thủ công mỹ nghệ do sự nhạt nhẽo, hời hợt từ chính các nghệ sĩ sử dụng chất liệu lụa.  Bùi Tiến Tuấn đã nỗ lực cải biến, dấn thân để phả vào lụa một ánh sáng huyền hoặc, lấp lánh, hấp dẫn. Vẫn không gian ước lệ, vẫn những bàn tay Tiên, nhưng bên cạnh đó các mảng hình bố cục xô lệch, đẫm chất biểu hiện, bởi theo Bùi Tiến Tuấn: “Cái Đẹp ngày nay luôn phải song hành cùng vô số sự xâm thực ngoại giới, nhưng cái Đẹp luôn còn lại sau mọi biến động”.

Khước từ niêm luật, tinh chế phù hoa, nỗ lực của Bùi Tiến Tuấn đã được ghi nhận nơi công chúng nghệ thuật và mở ra cho chính tác giả một đại lộ thong dong.
 

 

2. Mạc Hoàng Thượng (1976)

Trước khi tới với chất liệu chì trên giấy, Mạc Hoàng Thượng đã có hành trình phiêu lưu khá dài với sơn mài, sơn dầu, chất liệu tổng hợp với nhiều cách thể nghiệm: tả chân, siêu thực, biểu hiện, trừu tượng. Góp mặt lần này với “ Dấu Thăng”, Mạc Hoàng Thượng bày 7 bức họa vẽ Người. Những chân dung được tả kỹ từng chi tiết nhỏ trên diện tích lớn bởi vạn nét chì thanh đã minh chứng cho sức lao động và tầm nhìn kiểm soát tổng thể rất đặc trưng của tác giả. Thượng đang trong quá trình đào sâu vào những vỉa ngầm của sự vật thông qua đối tượng: Người.

Chân dung – chì của Mạc Hoàng Thượng

Tôi vẽ lại vẻ trời cho!” Thượng nói ngắn gọn về những tác phẩm ấy. Có lẽ sau một quãng đường dài, anh đã tự nghiệm được rằng: Vạn vật  đều có dấu ấn của tạo hóa! Một viên sỏi nhỏ cũng có linh hồn và linh hồn vạn vật nương tựa vào nhau, liên đới cùng nhau, để thành nhau.

Với ý hướng như vậy những chân dung có kích thước lớn của Thượng không hề đè nặng người xem bởi kỹ năng, thủ pháp, hay những ám tượng của sự “Phì Đại” trào lưu. Chúng như thể tự hiện, giúp người xem gần lại với sự tĩnh lặng cần thiết cho đời sống guồng vội, bươn chải. Chúng giúp Người, đối thoại được với nội tâm, gần lại sự tĩnh tâm để từ từ thấu hiểu Vô Ngôn.

 

 

3. Phương Quốc Trí (1976)

Tự học vẽ, tự đào luyện trong môi trường phức tạp nhất: thị trường nghệ thuật, Phương Quốc Trí  đã bộc lộ năng khiếu và sự đam mê hội hoạ qua nhiều cuộc triển lãm cá nhân, triển lãm nhóm.
 
Tới nay với một số giải thưởng giành cho hoạ sĩ Trẻ là hành trang, Trí đang khẳng định sự dấn thân vào con đường sáng tác chuyên nghiệp. Sự giằng xé nội tại luôn là đề tài Trí đeo đuổi.

Ẩn dấu dưới gam màu đơn sắc, những vệt sơn bung phá hay tuôn chảy, những hình hài hụt hẫng, hay đủ đầy đã làm nên một mặt tranh bộn bề, dường như Trí vẫn như chưa thoả sức. Đôi khi Trí tự làm dịu lòng mình bằng những chân dung thiếu nữ, em bé, phong cảnh, sự vật rất đời nhưng trên hết là một không gian bàng bạc, rất gần nhưng cũng rất xa xôi. Một không gian buồn của sự ưu tư.

Xuất hiện trong cuộc triển lãm Dấu Thăng với các tác phẩm sơn dầu khổ lớn như một bản giao ước với bản thân, Trí muốn nói: Đã tới lúc không còn dễ dàng thoả hiệp với những cái “Tôi” ảo ảnh.

Tồn tại hay sống trọn với đam mê là câu hỏi lớn Trí đặt ra cho mình và cho với cả công chúng nghệ thuật. Với một nghệ sĩ Trẻ câu hỏi này luôn cần thiết vì nó sẽ giúp nghệ thuật của chính họ trở nên khác biệt để sáng tạo tận lực, tận tâm.

 

 

4. Lương Lưu Biên (1975)

Từng có nhiều cuộc triển lãm cá nhân, tham gia đều đặn các cuộc triển lãm chuyên ngành, nghệ thuật của Biên đã thành một mạch chảy dài, liên tục.

Góc nhìn của Biên về cuộc sống luôn là tiêu điểm trong các tác phẩm của anh. Những con người đã được tác giả “ lột da” trở thành biểu tượng đặc trưng, xuyên suốt trong mạch chảy bền bỉ. “Lột da” để vươn tới đỉnh điểm những mối quan hệ hằng hữu: Người với Người!. Mặc dù vậy tranh Biên không hoang tàn hay kinh dị bởi sự Giao cảm luôn được ưu tiên và bồi đắp. Biên cũng đã từng thử sức với không gian trừu tượng, nhằm tìm kiếm một diện mạo khác với cái nhìn hướng thượng. Nhưng có lẽ không gian trừu tượng tuy rộng mà hẹp với Biên, bởi những mối quan hệ đa dạng của con người vẫn luôn ám ảnh. Triết lý cũng là nguồn năng lượng ảnh huởng mạnh tới các tác phẩm của Biên.

Không để mình rơi vào sự “lạ lùng” hay “kỳ vĩ”, Biên cứ để cho cuộc sống trôi qua và anh thầm lặng bồi đắp để ghi lại dấu đời. Giữ cho mình không giao động  chính là sự khác biệt ở Lương Lưu Biên.

Bên giấc mơ hiến tế – sơn dầu của Lương Lưu Biên

 

 5. Lã Huy (1979)

Một nghệ sĩ khi làm hội hoạ giá vẽ hay nghệ thuật sắp đặt không phải là cái cớ để bàn chuyện “nghệ sĩ đã khác đi”.
Lã Huy hay biệt hiệu “chàng hoạ sĩ vẽ bằng cán cọ” cũng không phải là nguồn cơn cho sự khác biệt.
Dấu Thăng ở Huy chính là sự thay đổi về cách nhìn, cách tích luỹ năng lượng, cách định hình ý tưởng, để tạo ra tác phẩm.

Trước đây cái Đẹp của Huy được công phu tạo tác, với vô vàn tầng lớp từ mặt tranh cho tới hoà sắc.
Giờ đây cái Đẹp được Huy tìm thấy và phô bày ở những “sản phẩm văn hoá, ở những “món đồ xưa” nôm na là những gì đã có. Tầm soát sự vật, đồ vật tương thích với sự nhạy cảm của bản thân, chọn lọc chúng dưới góc nhìn tri thức, Lã Huy tái tạo lại một đời sống mới cho những gì tưởng chừng đã qua. Lã Huy cấp “giấy thông hành” cho “cái chưa từng được gọi tên” hay “cái đã bị lãng quên”, để chúng đường hoàng lộ diện, song hành cùng các giá trị khác trong đời sống nghệ thuật.

Dù tác phẩm có hiện diện dưới hình thức gì, chất liệu gì, kích thước bao nhiêu…vv… thì cũng không quan trọng bằng việc thay đổi từ trong tư duy sáng tạo. Lã Huy cũng đã tự cấp cho mình một “ giấy thông hành” cần phải có trong tiến trình sáng tạo của anh.

Sắp đặt với sách cũ và sáp ong của Lã Huy

 

 

6. Võ Duy Đôn (1981)

Đôn hướng sự tập trung của người xem vào tận ngóc ngách tâm lý con người đương đại. Những hình dong đàn ông ơ thờ giữa ngập tràn tri thức, ứ nghẹn ham muốn, những cơ thể đàn bà lồ lộ đường cong nhưng lãnh cảm, tự kỷ, tất cả đã tạo thành một đám đông với những cõi riêng hoang vắng. Và từng  “cõi riêng hoang vắng” ấy tạo nên vố số trạng thái tình cảm, những câu hỏi tự vấn cho người xem. “Thú vui nhìn ngắm tiến trình cảm giác” giúp Đôn có một cái tâm bình ổn để vẽ sau khi chắt lọc vô vàn dữ liệu từ mối giao cảm với mẫu vẽ hay từ đời sống cá nhân. Sống trải để vẽ cái thực, sự thật cần hơn sự hoa mỹ.

Xả thiền – sơn dầu của Võ Duy Đôn

 
 

 

7. Nguyễn Sơn (1974)

Dấu Thăng ở Nguyễn Sơn vẫn nằm trong mạch chảy Ẩn ngữ từ Phôi pha ( tiêu đề triển lãm cá nhân vừa qua của anh).
Nghệ thuật tạo hình của Sơn từ lâu đã trên con đường tự lược bỏ để đi tìm sâu hơn vào bên trong nội tâm.
Bỏ cái giả tạm để đi tìm cái thường hằng.
Cái thường hằng trong đời sống chính là sự suy tàn!
Suy tàn đi những gì là nhất thời, để chuyển hóa sang một hình thái khác: miên man, vô tận, khôn tả.

Hỗn mang – sơn dầu của Nguyễn Sơn

Thoạt nghe tên đề tựa về ẩn ngữ,tựa như những bí ẩn mơ hồ xa xăm man mác. Nhưng khi đối diện với những bức tranh, với sự tinh tế hiển hiện của cấu trúc phức tạp nhường chỗ cho không gian lẳng đọng, đồng hiện cùng những đồ vật lãng quên xưa cũ, những rỉ sét thời gian, sự vật không còn bất động, chúng trôi như thời gian trôi. Sự phôi pha, những tâm trạng tình cảm riêng tư của tác giả không còn là một ẩn ngữ, mà là sự đồng cảm lan truyền. Người xem cảm được độ rung sâu trầm, những lay chuyển cảm xúc mà tác giả tự thú nhận rằng vẽ từ những xúc cảm riêng tư. Và cảm xúc luôn là điều cần phải có để nghệ thuật được thăng hoa.

*

Bài liên quan:

– Ảnh muộn: khai mạc DẤU THĂNG
– Từ 25 quyết đi xem Dấu Thăng
– Dấu thăng – 7 nghệ sĩ đều thăng
– Sao gán ghép nhiều ý nghĩa thế?

Ý kiến - Thảo luận

13:28 Saturday,1.1.2011 Đăng bởi:  thong
tôi thấy bản thông cáo báo chí này giống như tác giả muốn gom hết cả vũ trụ vào trong bức tranh (vốn dĩ quá đỗi bình thường, tôi thích nhìn các anh vẽ và nói rằng tôi chỉ biết vẽ có lẽ nghe triết học hơn nhiều!!!)
...xem tiếp
13:28 Saturday,1.1.2011 Đăng bởi:  thong
tôi thấy bản thông cáo báo chí này giống như tác giả muốn gom hết cả vũ trụ vào trong bức tranh (vốn dĩ quá đỗi bình thường, tôi thích nhìn các anh vẽ và nói rằng tôi chỉ biết vẽ có lẽ nghe triết học hơn nhiều!!!) 
13:19 Saturday,1.1.2011 Đăng bởi:  viêt
Điều gì đã khiến bạn nghĩ rằng tôi không đi xem? Làm sao bạn dám chắc điều đó, không đi xem thì làm sao mà biết được giữa thông cáo báo chí và triển lãm khác nhau?
...xem tiếp
13:19 Saturday,1.1.2011 Đăng bởi:  viêt
Điều gì đã khiến bạn nghĩ rằng tôi không đi xem? Làm sao bạn dám chắc điều đó, không đi xem thì làm sao mà biết được giữa thông cáo báo chí và triển lãm khác nhau? 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả