|
|
|
|||||||||||||
Trường pháiKỷ nguyên vàng của vùng đất thấp (bài 6): Thoát ly họa phường, bắt chước hàng Tàu 25. 11. 16 - 5:18 pmĐặng Thái(Tiếp theo bài 5) “Thợ sơn” và “họa phường” Trong tiếng Anh thì thợ sơn và họa sĩ là cùng một từ (painter). Chúng ta thường dùng “thợ sơn” để châm biếm những họa sĩ làm ra các tác phẩm kém chất lượng nhưng không phải ai cũng biết rằng thợ sơn và họa sĩ, vào thuở sơ khai ở châu Âu vốn là cùng một nghề. Ngay cả khi các họa sĩ chỉ chuyên vẽ tranh, không trang trí trực tiếp trên tường nữa thì họ vẫn hoạt động trong cùng một “hiệp hội nghề nghiệp” với các thợ sơn. Khi nhu cầu thị trường ở các nước Vùng đất thấp tăng cao thì các họa sĩ dần tách riêng ra rồi tập hợp nhau lại thành các phường hội, tương tự như phường hội của các ngành nghề khác (buôn vải, thợ thủ công…) mà ta có thể tạm gọi là “họa phường”. Các họa phường này đảm nhận vai trò đào tạo lứa họa sĩ mới, bảo vệ quyền lợi cho các họa sĩ những cũng đồng thời quản lý việc giao dịch tranh ra thị trường. Các học sinh được huấn luyện theo phương pháp cổ điển từ thời Trung Cổ đó là một thầy một trò, nhiều nhất là hai trò. Thầy trực tiếp dạy và cho người học việc làm quen với tất cả các công đoạn và kỹ thuật của một họa sĩ. Quá trình đào tạo không chỉ tốn kém mà còn rất khắc nghiệt, ít nhất là từ ba đến năm năm để đạt mức “thạo việc” (journeyman) nên các họa sĩ Hà Lan đều có kỹ thuật cực kỳ điêu luyện nhưng lại thường bị ảnh hưởng hoàn toàn bởi lối vẽ của thầy. Nhiều tác phẩm của các bậc danh họa là do học trò của họ hoàn thiện các chi tiết phụ trong tranh. Khi người sinh viên đã nắm vững kỹ thuật và muốn ra làm riêng thì sẽ vẽ một bức tranh để tốt nghiệp với sự chấp thuận của họa phường và được công nhận danh hiệu “tay nghề bậc thầy” (master). Người này lại tiếp tục nhận học trò và cứ thế phong cách vẽ được định hình dần dần từ người thầy đầu tiên. Lần lượt các thành phố lớn của Các tỉnh liên hiệp Hà Lan đều thành lập các họa phường và sản sinh ra phong cách riêng cho từng thành phố. Không chỉ họa sĩ mà những người vẽ tranh minh họa cho sách, thợ khắc bản in cũng được gia nhập cho đến khi ngành in ấn phát triển thành một mảng riêng biệt. Mặc dù các họa sĩ vẫn thường bán tranh trực tiếp cho người mua tại xưởng vẽ của mình, nhưng các bức tranh đều chịu sự định giá của họa phường. Khung giá đưa ra nhằm đảm bảo các họa sĩ không bị bắt chẹt bởi một nghề mới trong xã hội: môi giới nghệ thuật hay nôm na là buôn tranh. Nhiều họa phường có riêng người làm giao dịch và môi giới nghệ thuật. Tuy nhiên những họa sĩ có tài năng vượt bậc lại chịu thiệt thòi vì những quy chế khắt khe của họa phường. Các họa phường chỉ dần tan rã khi nhu cầu của thị trường bùng nổ. Các họa sĩ không chịu sự điều khiển của hiệp hội nữa để đảm bảo chất lượng và giá cao cho tác phẩm. Họ vẽ những gì muốn vẽ chứ không phải vẽ theo nhu cầu đặt hàng. Nhất là khi hình thức giáo dục đại trà ra đời, các đơn vị học thuật như trường đại học tham gia giảng dạy mỹ thuật một cách hàn lâm để đáp ứng nhu cầu rất lớn của những người yêu nghệ thuật và muốn trở thành họa sĩ. Việc mua bán tranh lúc này bị tách bạch hẳn khỏi quá trình đào tạo. Các họa phường độc quyền dần đi đến chỗ giải thể trước khi chính thức bị cấm hoạt động dưới thời Napoleon, khi Pháp chiếm Hà Lan và kết thúc kỉ nguyên vàng của Vùng đất thấp vào thế kỉ 18. Delftware: làm nhái hàng Tàu Ngày nay nói đến việc sản xuất đồ nhái lại các sản phẩm của Tàu thì nhiều người hẳn cho là điên rồ, nhưng cách đây mấy trăm năm thì tình hình lại không như vậy. Khi ấy sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Trung Hoa nổi tiếng đến mức không chỉ dừng lại ở tầm thương hiệu quốc gia mà người phương Tây còn lấy nó để gọi luôn tên đất nước: China – Đồ sứ. Đồ sứ Trung Quốc là thứ đồ gia dụng cao cấp nhất mà chỉ các đại gia châu Âu mới có tiền để mua. Nhu cầu mua đồ sứ nhập khẩu rất cao mà nhà Minh lại hạn chế ngoại thương khiến người Hà Lan tìm nhiều cách để thâm nhập thị trường. Sau khi Hoàng đế Vạn Lịch nhà Minh băng hà năm 1620, triều đình đã suy yếu trầm trọng, Công ty Đông Ấn Hà Lan tranh thủ sự kiện này để tấn công, ép Trung Quốc phải mở cảng Phúc Kiến. Tuy nhiên các cuộc tấn công đều bất thành, quân đội nhà Minh liên tiếp đánh bại người Hà Lan. Cuối cùng vào năm 1662, Hà Lan còn bị đánh bật ra khỏi đảo Formosa (Đài Loan), mất luôn thuộc địa ở đây. Cùng giai đoạn đó khởi nghĩa của Lý Tự Thành và việc quân Mãn Thanh tràn xuống dẫn đến sự sụp đổ của nhà Minh vào năm 1644 khiến cho tình hình Trung Quốc vô cùng rối ren. Những sự kiện này gây ra hiện tượng khan hiếm đồ sứ Trung Quốc đã buộc các thợ thủ công Hà Lan tìm cách chế ra một loại sản phẩm tương tự để đáp ứng nhu cầu thị trường. Dùng những kỹ thuật nung gốm học được từ Ý, thợ gốm ở thành phố Delft đã làm ra một loại gốm tráng men vẽ mực xanh được biết đến với tên gọi “gốm Delft” (tiếng Hà Lan: Delfts blauw, tiếng Anh: Delft blue). Gốm Deflt trông rất giống sứ men trắng hoa lam của Đông Á nhưng thật ra chỉ được làm bằng đất sét mác-nơ (tiếng Anh: Marl) một loại đất chứa nhiều đá vôi và đất sét, rồi tráng men bằng ôxít thiếc (SnO2) để tạo màu trắng (nhiều khi bị trắng đục). Cái hay của những tác phẩm gốm Delft này nằm ở hoa văn họa tiết trang trí trên gốm. Người Hà Lan không còn bị phụ thuộc vào những đề tài chim hoa lá quả của Trung Quốc mà có thể thỏa thích vẽ người, điển tích Thiên Chúa giáo hay vẽ cối xay gió, thuyền chài và những gì đặc trưng của Hà Lan lên bát đĩa. Gốm Delft phổ biến đến mức về sau các lò gốm ở Trung Quốc và Nhật Bản (và có thể cả Việt Nam) vẽ lại những mô típ trang trí này trên sứ để xuất khẩu sang châu Âu. Vì đồ gốm này rẻ nên họ còn sản xuất cả gạch ốp tường hàng loạt với mỗi viên gạch vuông lại có một hình vẽ nho nhỏ ở giữa để trang trí. Đến nay ở Bắc Âu và Pháp vẫn còn rất nhiều nhà cửa, lâu đài, bể bơi có loại gạch ốp này. * Vậy là chúng ta đã có một cái nhìn khái quát về hội họa và thủ công mỹ nghệ của Hà Lan trong thế kỷ 17, thời kỳ mà họ đạt đến đỉnh cao của thế giới về nhiều mặt. Qua đó ta cũng hiểu được rằng, nền kinh tế thị trường tự do sơ khai tuy còn nhiều mặt trái nhưng đã đem lại sự thịnh vượng cho một đất nước nhỏ bé với thiên nhiên khắc nghiệt, và hơn hết đã đem đến việc làm và cải thiện đáng kể đời sống của người dân để họ được thưởng thức nghệ thuật như một phần cơ bản của đời sống tinh thần. * Bài đã đăng trên Nhân dân hàng tháng Đặng Thái còn rất nhiều bài trên Soi. Để tìm đọc, bạn chỉ cần vào phần tìm kiếm, mục tác giả, gõ tên Đặng Thái (không cần ngoặc kép).
* Cùng một tác giả: - Nobel Banquet: Tiệc chiêu đãi những người đoạt giải Nobel - “Hồng trà” của Tàu và “Chai ” của Ấn - Ẩm thực Ấn Độ (bài 1): nồng nàn hay nồng nặc? - Ẩm thực Ấn Độ (bài 2): Chán cơm có roti, chán cà ri thì nhịn! - 16. 12: Kandinsky – một người Nga yêu nhạc - “Khách sạn Grand Budapest”: đủ cả âm nhạc, thi ca, hội họa kiến trúc và rất buồn cười - Ẩm thực Ấn Độ (bài 3): Nếu không ngại làm và không sợ dầu mỡ - Ẩm thực Ấn Độ (bài 4): Mật ngọt chết người - Ấn Độ: người bạn voi hiền lành chỉ biết giúp Việt Nam - Kẻ hảo ngọt lần theo con đường của mía - Phía nam biên giới, phía đông mặt trời: Khi thời gian trôi kiểu Fiji - Đặc sản Fiji (bài 1): Fish and chip, cà ri, vịt quay và thịt người - Đặc sản Fiji (bài 2): Itaukei – đảo và núi lửa, sulu và kava - Chưa đi chưa biết Suva, đi rồi mới biết… - Đường lên biên giới: thăm Sa Vĩ, ăn gật gù, xem Mũi Ngọc - Qua cầu Bắc Luân: xong bát mì tàu, mong về cố quốc - Kỷ nguyên vàng của vùng đất thấp (bài 1): những con buôn thông minh - Kỷ nguyên vàng của vùng đất thấp (bài 2): Đất nước đa tài và Đông Tây chạm mặt - Muốn thỏa mãn bao tử phải thử bao tử Trung Hoa - Hai anh em bánh nếp: một miền Bắc, một miền Trung - Vanuatu (bài 1): từ vị thầy chán chết đến bài học đắt giá về đất đá - Vanuatu (bài 2): run rẩy đi rình núi lửa phun - Vanuatu (bài 3): Bún nào ngon bằng bún Tân Đảo - Vanuatu (bài 4): từ “chân đăng” đến Việt kiều Tân Đảo - Vanuatu (bài 5): tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Bislama cùng chơi pétanque bên lagoon xanh xanh - Vanuatu (bài 6): Pháp đi, Mỹ đến, Trung Quốc bắt đầu vào. Chỉ Cuba là trong sáng - Vanuatu (bài 7): Xứ sở lạ kì – nơi cấm rượu và đồ ăn thì toàn organic - Vanuatu (bài 8): bỏ mứa dơi hầm, từ chối hoa hậu - Nobel Banquet (phần 1): từ ngày ra đời đến khi thắt lưng buộc bụng - Nobel Banquet (phần 2): hết chiến tranh là ăn phức tạp - Kỷ nguyên vàng của vùng đất thấp (bài 3): Người người mua tranh, nhà nhà treo tranh - Kỷ nguyên vàng của vùng đất thấp (bài 4): Hạng bét tranh tĩnh vật, hạng nhất vẽ thánh thần - Kỷ nguyên vàng của vùng đất thấp (bài 5): Dầu thay cho trứng, gỗ cứng thế bằng vải mềm - Kỷ nguyên vàng của vùng đất thấp (bài 6): Thoát ly họa phường, bắt chước hàng Tàu - Ngày ba mươi Tết giò treo đầy nhà - Rượu Tây, rượu Ta, rượu Nga, rượu Pháp - Quốc bảo thường để cất đi - Đi xem quốc bảo: ngắm núi này lo cho núi nọ - Đình Phong Phú: một nơi ấm áp và mát mẻ giữa Sài Gòn - Những cuộc phiêu lưu kỳ thú của ớt, cà phê, khoai tây và chuối - Vanuatu (bài 9): Cho đại sứ Trung Quốc ăn đấm và trở thành chư hầu trên biển - Ấn Độ: Nam-Bắc một nhà, hay là việc ăn lá đa và lá chuối - Nobel banquet 2019: “Đến cuối thì mọi việc cũng đâu vào đấy!” - “Thụy Điển kiều”: những Karl Oskar và Kristina không quên quá khứ Ý kiến - Thảo luậnBài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|