Trường phái

Kỷ nguyên vàng của vùng đất thấp (bài 5): Dầu thay cho trứng, gỗ cứng thế bằng vải mềm 24. 11. 16 - 2:03 pm

Đặng Thái

(Tiếp theo bài 4)

Cây lanh: nguyên liệu mới của hội họa

Một đặc điểm quan trọng của hội họa Hà Lan chính là chất liệu. Thông thường người xem luôn quan tâm hơn đến hình ảnh trong bức tranh nhưng các họa sĩ mới chính là những người chú tâm nhất đến chất liệu (vì “có bột mới gột nên hồ”). Ta dễ dàng nhận thấy chất liệu chiếm vị trí độc tôn của hàng triệu bức tranh thời đó là sơn dầu – một nguyên liệu đã thay thế hoàn toàn tempera (màu vẽ trộn bằng lòng đỏ trứng, sữa và keo) của thời Phục Hưng và Trung Cổ. Sự phổ biến của sơn dầu ngày nay chính là bắt nguồn từ khi nó được sử dụng rộng rãi trong tranh thời kỷ nguyên vàng Hà Lan. Vậy sơn dầu là gì và có từ bao giờ?

“Bài học giải phẫu của bác sĩ Nicolaes Tulp”, Rembrandt, 1632, sơn dầu trên vải,169.5 ×216.5 cm

Nhiều người vẫn cho rằng Jan van Eyck là người phát minh ra sơn dầu. Sự thực thì nguồn gốc của sơn dầu vẫn chưa rõ ràng (đã có những tranh bích họa sơn dầu tìm thấy ở châu Á từ thế kỷ XIII) nhưng quả đúng Jan van Eyck là một trong những người sớm nhất sử dụng sơn dầu một cách thành công trong lịch sử mỹ thuật. Các họa sĩ cũng thời của ông (mỹ thuật Hà Lan thời kỳ đầu – khoảng thế kỷ 15) nhanh chóng nhận ra những đặc tính ưu việt của loại chất liệu mới này: phản quang tốt, tạo hiệu ứng ánh sáng giống thật, dễ pha màu, trơn ướt và quan trọng là lâu khô. Nhưng phải mất nhiều năm sau, khi công thức bí mật của Jan van Eyck được lưu truyền rộng rãi thì sơn dầu mới phổ biến khắp châu Âu và sang cả Ý – nơi các họa sĩ Hà Lan vẫn phải cắp cặp đến tìm thầy học.

“Đức mẹ trong Nhà thờ”, Jan van Eyck, khoảng 1438-1440, sơn dầu trên ván gỗ, 31 cm × 14 cm.

Đầu tiên, dầu được ép từ các loại hạt, trong đó có hạt lanh (tiếng Anh: linseed) là hạt của cây lanh – một loại cây công nghiệp. Sau đó người ta lấy dầu lanh đem pha loãng với dầu thông(*) và trộn cùng bột màu tạo thành hỗn hợp sơn dầu – một loại màu vẽ bóng bẩy và có thể dùng để miêu tả tự nhiên và quần áo một cách chân thực hơn nhiều lần tempera. Kỹ thuật vẽ lúc này cũng thay đổi, các họa sĩ vẽ tranh bằng nhiều lớp màu, lớp dưới cùng chỉ đơn sắc hoặc gồm những màu cơ bản nhất, rồi phủ lên các lớp màu đa dạng bên trên sau khi lớp đầu tiên đã khô, cuối cùng là lớp láng (bằng dầu trong suốt) để bảo vệ màu và tạo độ bóng. Nhờ thế mà màu của tranh rất đều và siêu bền, đến tận bây, giờ sau cả nửa thiên niên kỷ mà màu của đa số tranh vẫn còn nguyên.

Pieter de Hooch, “Mẹ chăm con”

Không chỉ màu vẽ mà cái nền để vẽ lên cũng đã có những thay đổi mang tính cách mạng. Như bạn đọc có thể thấy ở các tranh đương thời, chất liệu đa phần là “sơn dầu trên vải” (tiếng Anh: oil on canvas) trong khi vẫn có một số bức là “sơn dầu trên ván gỗ” (tiếng Anh: oil on wood panel). Ván gỗ là công cụ truyền thống từ lâu đời để các họa sĩ vẽ tranh lên nhưng có cái bất tiện là nặng nề và kích thước thường hạn chế, muốn vẽ tranh to thì phải ghép nhiều tấm lại. Thời kì này ngành hàng hải của châu Âu đang phát triển như vũ bão và các họa sĩ Ý đã tìm ra một chất liệu tuyệt vời, vốn dùng làm buồm cho tàu thuyền: vải lanh. Cũng từ cây lanh, lần này là thân cây phơi khô rồi tước thành sợi, người ta đã dệt nên một loại vải vô cùng bền chắc. Loại vải này đã được dùng từ thời cổ đại, và những tấm vải lanh liệm xác ướp Ai Cập sau mấy nghìn năm đến nay vẫn còn nguyên xi. Chữ lingerie nghĩa là “đồ lót phụ nữ” cũng xuất phát từ linge trong tiếng Pháp mang nghĩa “vải lanh”.

Cảnh sinh hoạt: cắt may vải lanh, lấy từ sách Tacuinum sanitatis (thế kỷ 14)

Đến thế kỉ 17 thì vải lanh được sử dụng rộng rãi trong hội họa Bắc Âu vì nó nhẹ, dễ sử dụng và căng lên khung là vẽ được tranh khổ lớn thoải mái. Vì vải màu nâu nên người ta phải bồi nền bằng màu sáng (thường là trắng), vừa là để màu sơn không ngấm trực tiếp vào vải. Loại chất bồi này gọi là gesso làm bằng keo trộn với phấn hoặc thạch cao, rồi bôi lên mặt vải sẽ tạo ra mặt phẳng cứng để vẽ. Ngày nay thì ta chỉ việc mua toan (tiếng Pháp: toile) ngoài hiệu dệt bằng các loại sợi tổng hợp đã nhuộm trắng để vẽ (và còn được căng sẵn lên khung nữa chứ).

Nhờ có hai chất liệu tiến bộ này mà hội họa Hà Lan đã phát triển với một tốc độ thần kì. Các bức tranh vẽ ra đạt chất lượng cao và giá thành giảm đã khiến nghệ thuật đi vào cuộc sống của nhân dân một cách rất tự nhiên. Nghề họa sĩ đã thành một nghề lao động chuyên nghiệp đòi hỏi phải có đào tạo tay nghề, có chứng chỉ và những hiệp hội họa sĩ ra đời dưới dạng thức sơ khai nhất của nó.

Gerard Terborch (1617-1681), “The Concert”, 1655

(Còn tiếp)

*

(*) Dầu thông (tiếng Anh: turpentine) là dầu thu được sau quá trình chưng cất nhựa thông, dùng làm dung môi để pha loãng sơn dầu. Ngày nay người ta sản xuất ra một sản phẩm có tính năng tương tự gọi là “dầu thông vô cơ” hoặc “nước khoáng” (tiếng Anh: mineral turpentine) chiết xuất từ dầu mỏ, không có tí nhựa thông nào cả. Nếu ai hay sơn tường, sơn cửa sẽ quen thuộc với loại “chất tẩy rửa” này dùng để rửa chổi, con lăn dính sơn và véc-ni. Ở Tây bây giờ, họa sĩ vẽ sơn dầu cũng có thể dùng loại này rửa cọ nhưng thường họ sẽ dùng loại cao cấp hơn để tránh làm hỏng màu. Ở ta thì nhiều họa sĩ vẫn dùng tạm dầu hỏa hoặc xăng.

 

*

Cùng một tác giả:

- Nobel Banquet: Tiệc chiêu đãi những người đoạt giải Nobel

- “Hồng trà” của Tàu và “Chai ” của Ấn

- Ẩm thực Ấn Độ (bài 1): nồng nàn hay nồng nặc?

- Ẩm thực Ấn Độ (bài 2): Chán cơm có roti, chán cà ri thì nhịn!

- 16. 12: Kandinsky – một người Nga yêu nhạc

- “Khách sạn Grand Budapest”: đủ cả âm nhạc, thi ca, hội họa kiến trúc và rất buồn cười

- Ẩm thực Ấn Độ (bài 3): Nếu không ngại làm và không sợ dầu mỡ

- Ẩm thực Ấn Độ (bài 4): Mật ngọt chết người

- Ấn Độ: người bạn voi hiền lành chỉ biết giúp Việt Nam

- Kẻ hảo ngọt lần theo con đường của mía

- Phía nam biên giới, phía đông mặt trời: Khi thời gian trôi kiểu Fiji

- Đặc sản Fiji (bài 1): Fish and chip, cà ri, vịt quay và thịt người

- Đặc sản Fiji (bài 2): Itaukei – đảo và núi lửa, sulu và kava

- Chưa đi chưa biết Suva, đi rồi mới biết…

- Đường lên biên giới: thăm Sa Vĩ, ăn gật gù, xem Mũi Ngọc

- Qua cầu Bắc Luân: xong bát mì tàu, mong về cố quốc

- Đình to giữa phố

- Kỷ nguyên vàng của vùng đất thấp (bài 1): những con buôn thông minh

- Kỷ nguyên vàng của vùng đất thấp (bài 2): Đất nước đa tài và Đông Tây chạm mặt

- Muốn thỏa mãn bao tử phải thử bao tử Trung Hoa

- Hai anh em bánh nếp: một miền Bắc, một miền Trung

- Vanuatu (bài 1): từ vị thầy chán chết đến bài học đắt giá về đất đá

- Vanuatu (bài 2): run rẩy đi rình núi lửa phun

- Vanuatu (bài 3): Bún nào ngon bằng bún Tân Đảo

- Vanuatu (bài 4): từ “chân đăng” đến Việt kiều Tân Đảo

- Vanuatu (bài 5): tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Bislama cùng chơi pétanque bên lagoon xanh xanh

- Vanuatu (bài 6): Pháp đi, Mỹ đến, Trung Quốc bắt đầu vào. Chỉ Cuba là trong sáng

- Vanuatu (bài 7): Xứ sở lạ kì – nơi cấm rượu và đồ ăn thì toàn organic

- Vanuatu (bài 8): bỏ mứa dơi hầm, từ chối hoa hậu

- Nobel Banquet (phần 1): từ ngày ra đời đến khi thắt lưng buộc bụng

- Nobel Banquet (phần 2): hết chiến tranh là ăn phức tạp

- Kỷ nguyên vàng của vùng đất thấp (bài 3): Người người mua tranh, nhà nhà treo tranh

- Kỷ nguyên vàng của vùng đất thấp (bài 4): Hạng bét tranh tĩnh vật, hạng nhất vẽ thánh thần

- Kỷ nguyên vàng của vùng đất thấp (bài 5): Dầu thay cho trứng, gỗ cứng thế bằng vải mềm

- Kỷ nguyên vàng của vùng đất thấp (bài 6): Thoát ly họa phường, bắt chước hàng Tàu

- Ngày ba mươi Tết giò treo đầy nhà

- Rượu Tây, rượu Ta, rượu Nga, rượu Pháp
Gạo, mạch, lúa mì, rượu gì cũng uống

- Quốc bảo thường để cất đi
Vậy nên triển lãm phải phi đến liền

- Đi xem quốc bảo: ngắm núi này lo cho núi nọ

- Đình Phong Phú: một nơi ấm áp và mát mẻ giữa Sài Gòn

- Những cuộc phiêu lưu kỳ thú của ớt, cà phê, khoai tây và chuối

- Thắc mắc về quả dưa hấu

- Vanuatu (bài 9): Cho đại sứ Trung Quốc ăn đấm và trở thành chư hầu trên biển

- Ấn Độ: Nam-Bắc một nhà, hay là việc ăn lá đa và lá chuối

- Nobel banquet 2019: “Đến cuối thì mọi việc cũng đâu vào đấy!”

- “Thụy Điển kiều”: những Karl Oskar và Kristina không quên quá khứ

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Nhuộm xanh-trắng-đỏ cùng nước Pháp

Phạm Tuấn Anh - Phần ảnh do Phạm Phong biên dịch

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả