|
|
|
|||||||||||||
Điện ảnhCầu vàng 2017: cứu người từ danh sách đen và đề cử nào cũng có điểm tuyệt vời 31. 12. 16 - 6:08 amPha Lê tổng hợp và lược dịchDanh sách đề cử Cầu Vàng năm nay nếu có gì đáng chú ý thì đấy chính là việc nó kéo Mel Gibson ra khỏi “danh sách đen” và đưa anh về với hàng ngũ danh giá của Hollywood – một vị trí mà nhiều người nghĩ anh sẽ chẳng bao giờ với tới được nữa (sau khi anh chàng dùng lời lẽ thô tục để phỉ báng người Do Thái, người da đen, và đủ thứ người khác). Các câu phát biểu bài trừ Do Thái – trong khi Hollywood lại đầy Do Thái – của anh từng bị ghét bỏ, nhưng giờ đây rõ ràng anh đã được tha thứ, nếu không nói là thiên hạ đã quên béng những lời lẽ này từ miệng Mel. Bây giờ Mel đã nhận đề cử trong hạng mục phim hay nhất (thể loại chính kịch) và đạo diễn xuất sắc nhất cho Hacksaw Ridge – tác phẩm về Chiến tranh Thế giới thứ Hai của anh. Diễn viên An-drew Garfield của Hacksaw Ridge còn ôm luôn đề cử nam chính xuất sắc nhất. Những phim bị “lờ đi”, bị ghét, bị hụt đề cử luôn là chủ đề máu lửa trong những năm gần đây. Nhiều người không băn khoăn lắm với việc phim Sully của Clint Eastwood (một tác phẩm tẻ nhạt, già cỗi đến phát khiếp) không nhận được đề cử nào, nhưng thật đáng chán khi phim Silence đầy giá trị cũng như nhiều ý nghĩa của Martin Scorsese lại hoàn toàn vắng bóng trong danh sách vàng. Đây là tác phẩm của một nhà làm phim vô cùng nghiêm túc và có tầm. Thậm chí Scorsese còn có thể là vị đạo diễn quan trọng nhất đang làm việc ở Mỹ hiện nay. Chuyện Silence thua trong khi một phim như Lion thì đầy đề cử hẳn sẽ làm Scorsese hết muốn ăn sáng. Nhưng thôi Hollywood trước giờ cũng chẳng ưa ông mấy – hệt chuyện Hollywood ít khi nào ưu ái Spielberg – chắc Scorsese đã quá quen rồi. Phim Lion của Garth Davis là một bộ phim nhân văn, dù xét về tầm không bằng Silence. Nó dựa trên câu chuyện có thật về một cậu bé Ấn Độ lạc gia đình, được một cặp vợ chồng Úc nhận nuôi. Sau này lúc trưởng thành rồi, chàng trai Ấn đã dùng Google Earth để định vị ngôi làng nơi mình sinh ra rồi đi tìm lại người thân. Lion nhận đề cử phim hay nhất (mục chính kịch), nhưng điều khó hiểu là Dev Patel lại nhận đề cử vai phụ xuất sắc, trong khi tính kiểu gì thì cậu phải là vai chính của phim mới đúng chứ? Phải chăng ông Harvey Weinstein, giám đốc sản xuất của Lion này kiêm “bậc thầy lôi kéo phiếu bầu”, đã manh nha tính toán để tăng tối đa cơ hội giật giải cho phim? Mặt khác, nếu đánh giá chung chung hơn thì năm nay có vẻ là năm của La La Land, phim đã ẵm trọn 7 đề cử. Nếu La La Land không thắng thế, tác phẩm Moonlight vốn được giới phê bình ưa thích của đạo diễn Barry Jenkins sẽ là đối thủ nặng ký tiếp theo. Moonlight kể về cuộc đời của một anh chàng đồng tính gốc Phi, ẵm 6 đề cử. Trong khi La La Land có tên trong danh sách phim hay nhất (mục hài/nhạc kịch), nam chính xuất sắc, nữ chính xuất sắc (cũng trong mảng hài/nhạc kịch) và đạo diễn xuất sắc (chẳng rõ cái quy định lạ lùng nào đấy đã không chia hạng mục đạo diễn thành hai mảng “chính kịch” và “hài/nhạc kịch” như những hạng mục khác), thì Moonlight cũng nhận đề cử cho phim hay nhất (nhưng ở mục chính kịch), và tính nghiêm túc của bộ phim có thể sẽ tạo lợi thế cho nó vào mùa đua Oscar (khác với Cầu vàng, Oscar không ưa hài cho lắm). Moonlight mang thông điệp mạnh mẽ, dễ lay động ban giám khảo có tư tưởng đương đại, ở cái thời #blacklivesmatter(*) này, Moonlight là một tác phẩm mang tính cấp bách và liên quan nhiều đến xã hội Mỹ. La La Land là khúc hoan ca của Hollywood, khá giống phim The Artist. La La Land kể về một mối tình đáng yêu giữa chàng nhạc công jazz (do Ryan Gosling thủ vai) và một cô gái đang nuôi mộng trở thành minh tinh điện ảnh (do Emma Stone đóng); bộ phim rất hấp dẫn, lãng mạn và buồn một cách cuốn hút. Do Cầu vàng có mảng nhạc kịch nên La La Land đang hưởng rất nhiều lợi thế, còn đến Oscar thì chưa biết số phận phim sẽ ra sao. Ôm 5 đề cử, phim Manchester by the Sea của Kenneth Lonergan là một tác phẩm xuất sắc từ một đạo diễn có lòng kiên định đáng nể phục. Kenneth viết tuyệt phẩm Margaret vào năm 2003, quay nó vào năm 2005, và bỏ ra 6 năm tiếp theo để thuyết phục các nhà sản xuất đưa nó lên màn ảnh. Nhưng sau bao gian khó, chính thành công của Margaret đã mở đường cho anh làm phim tiếp, và kết quả là tác phẩm Manchester by the sea cho năm nay. Trong phim, Casey Af-fleck vào vai một người đàn ông nóng nảy, cô đơn phải ôm trọng trách nuôi đứa cháu trai khi ông anh của mình qua đời. Casey nhận một đề cử nam chính xuất sắc (chính kịch), và nàng Michelle Williams cũng ẵm một đề cử nữ phụ. Ngoài ra, bộ phim tâm lý gay cấn cực hay của Tom Ford – Nocturnal Animals – cũng nhận đề cử đạo diễn xuất sắc và kịch bản hay nhất. Phim kể về Susan (Amy Adams), một phụ nữ đang sống trong nhung lụa (dù không hạnh phúc lắm) với ông chồng thứ hai thì nhận được “quà” gửi tặng từ ông chồng thứ nhất: một quyển tiểu thuyết do chính ông chồng cũ viết. Phim đan xen cuộc sống thực của Susan với câu chuyện viết trong cuốn sách. Thật đáng buồn khi diễn viên Michael Shannon của Nocturnal Animals lại không có tên trong hạng mục nam phụ. Và Laura Linney cũng đáng nhận được gì đó cho diễn xuất tuyệt vời khi thủ vai người mẹ sầu khổ, chuyên nhúng mũi vào các cuộc hôn nhân của con gái Susan. Amy Ad-ams có thể và đáng ra cũng nên nhận đề cử nữ chính cho phim này, dù thật ra cô đã nhận đề cử nữ chính cho tác phẩm khoa học viễn tưởng Arrival rồi. Nhưng giỏi cỡ Adam thì hai đề cử cho hai phim đâu có làm sao nhỉ? Xét về các đề cử cho diễn xuất thì thật hay khi thấy Ruth Negga nhận đề cử nhờ tác phẩm Loving – kể về một cặp vợ chồng bị trục trặc pháp lý chỉ vì trong thời đại những năm 50, một số bang của nước Mỹ vẫn không cho phép hai người khác màu da kết hôn. Còn Natalie Portman đã cống hiến cho một vai diễn “đáng giá cả sự nghiệp” trong phim Jackie. Bộ phim thuật lại cuộc sống của Đệ nhất phu nhân Jackie Kennedy quá cố sau khi chồng bà, Tổng thống John F. Kennedy, bị ám sát. Nhiều khả năng Natalie sẽ ra về với một quả Cầu vàng. Chốt lại thì dẫn đầu là La La Land và Moonlight. Nhưng nếu có thể lưu lại một khoảnh khắc hân hoan đặc biệt từ danh sách Cầu vàng 2017, thì đó là đề cử phim hay nhất cho Sing Street ở hạng mục nhạc kịch/hài kịch. Đây là một bộ phim tuyệt vời và ấm áp về ban nhạc mà cậu bé Conor cùng các người bạn kỳ quặc của cậu lập nên. Sẽ thật tuyệt nếu Sing Street của đạo diễn John Carney thắng một giải Cầu vàng. * (*) #blacklivesmatter là phong trào đòi quyền bình đẳng cho người da đen bằng cách để hashtag #blacklivesmatter lên các trang mạng xã hội. Phong trào này nổ ra sau hàng loạt các vụ bạo lực nhắm vào người da đen diễn ra tại Mỹ, đặt biệt là từ phía cảnh sát da trắng. Ý kiến - Thảo luậnBài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|