Bàn luận

Thế hệ tự nuông mình: vấn đề với “self-care” 16. 01. 17 - 8:36 pm

Arwa Mahdawi - Ngọc Hảo dịch

 

Minh họa từ internet

Vâng, đúng thế: Donald Trump đang làm tất cả chúng ta rối ren, và truyền thông đang tiếp tay cho ông ta. Mỗi ngày qua, tin tức càng trở nên siêu thực: nào những nguồn bí mật, nào cuộc hẹn hò với Nga, nào những thuyết âm mưu về ái nhi dựa vào… bánh pizza. Một luồng tạp âm bất tận của sỉ nhục và giận dữ; một sự thiếu tôn trọng ngày càng tăng đối với tính rạch ròi giữa sự thật với hư cấu.

Mỗi lần nhìn vào Twitter, tôi cảm giác như mình đang từ từ hóa điên.

Vì thế giờ tôi không đọc tin tức nhiều như trước nữa. Tôi không lên mạng xã hội nhiều như tôi vẫn thường lên. Tôi bắt đầu rút vào trong. Tôi đọc sách và dẫn chó đi bộ và cố như không biết ngọn lửa đốt rác đang bừng bừng ngoài kia, như không thấy mùi cháy khét của dân chủ. Tôi không chắc làm cách nào để tham gia một cách hữu hiệu vào thời cuộc, vì thế, trong lúc này, tôi dừng tham gia tất cả.

Bạn có thể gọi hành vi của tôi là “ích kỷ” hay bạn có thể gọi là (chỉ biết) “tự an thân” (self-care). Chắc bạn đã nghe thuật ngữ này rồi, nó đã trở thành một từ thời trang và thông dụng. Khi thời tiết chính trị ngày càng náo loạn, mối quan tâm tới “tự an thân” càng tăng. Độ tìm kiếm trên Google cho thuật ngữ này đã tăng cao nhất trong vòng 5 năm, liền ngay sau cuộc bầu cử tháng Mười Một.

Tuy nhiên, cũng như với nhiều cụm từ hại não khác (thí dụ: “ăn sạch” (clean-eating) hay “lành mạnh” (wellness) – những từ ít nhiều thời thượng đi cùng ít nhiều mơ hồ. “Tự an thân” (self-care) dường như mang nghĩa “không có gì”, vừa có nghĩa là “tất cả”: nếu một hành động (hay bất hành động) khiến bạn cảm thấy tốt hơn về cơ thể hay trí óc, thì đó chính là “tự an thân”. Đó có thể là yoga hay nấu ăn, hay chỉ đơn giản là tắt đi tin tức.

Minh họa từ trang này 

Trong khi “tự an thân” nghe có thể giống một ý tưởng yếm thế gần đây được một nhà trị liệu tổng quát ở Los Angeles đề xướng, thực ra nó là một hậu duệ của tư tưởng Platon và mang mục đích chính trị sắc nhọn.

Triết gia Pháp Michel Foucault từng luận rằng người Hy Lạp cổ coi tự an thân là đi liền với dân chủ: tự chăm được mình là một phần thiết yếu để chăm những thứ khác. Nó khiến bạn là một công dân lương thiện hơn, tốt hơn.

Khi bạn là phần tử của một nhóm ngoài lề, việc “tự an thân” còn quan trọng hơn. Quả thực, đó là thứ giữ cho bạn sống tiếp được. Trong một bài luận ở cuốn sách in năm 1988 có tên “A Burst of Light” (Sự bùng nổ của ánh sáng?), Audre Lorde viết rằng “tự an thân không phải là tự nuông chiều bản thân, đó là tự bảo vệ mình, và đó là một hành động đấu tranh chính trị.”

Lorde là một nhà thơ nữ quyền, một người đồng tính nữ da đen. Hội tụ chừng ấy thứ, cô nói, “có nghĩa là vô hình thực sự”. Trong một thế giới lúc nào cũng chỉ chực xóa bỏ bản sắc ta và phủ nhận giá trị ta, thì chọn tập trung vào chính ta đúng thực là một hành động rốt ráo.

Gần 30 năm đã trôi qua, quan điểm của Lorde vẫn được phản ánh trong văn hóa đại chúng. Trong album mới nhất của mình, Solange có một bài hát mang tên “Borderline – An Ode to Self Care” (Ranh giới – bản tụng cả của tự an thân). Ca từ nặng trĩu mệt mỏi và ước muốn có lúc nào đó được thoát ra:

Baby, you know you’re tired / Know I’m tired / Let’s take it off tonight … Baby, it’s war outside these walls / A safe place tonight / Let’s play it safe tonight.

(Anh yêu, anh biết rằng anh mệt mỏi/Biết rằng em mệt mỏi/ Hãy cất nó đi đêm nay… Anh yêu, bên ngoài những bức tường kia là cuộc chiến/ Một nơi an lành đêm nay/ Hãy làm như an lành đêm nay.)

Khi bàn về bài hát này trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí W, Solange diễn giải “tự an thân” với cô nghĩa là gì:

“Thậm chí ngay trong tuần này có xảy ra nhiều vụ sát hại thanh niên da đen, tôi đã quyết định lần này không xem (tin tức). Chỉ cốt để tồn tại được trong ngày ấy, tồn tại mà không nổi điên, tồn tại mà không vỡ tim… Đôi khi tôi chọn không nhìn… Đôi khi thông qua đó, (an thân) tự nó trở thành một nhiệm vụ. Bài hát là một bản tụng ca về việc làm sao để ngôi nhà của chúng ta trở thành một chốn an toàn.”

*
Rủi thay, tự an thân, hay “self-care”, đang có nguy cơ trở nên vô nghĩa hơn bao giờ hết. Nó bị những thế lực thị trường “kết nạp” và xơi tái.

Giờ đây bạn có thể mua những miếng đề-can dán móng “self-care”, những bộ tự chăm sóc bản thân (self-care kit) dễ thương. Có hẳn một dòng ghế massage mang khẩu hiệu “khoa học của self-care”. Tự an thân cũng trở thành việc lựa chọn một lối sống được chăm chút kỹ lưỡng để trưng ra với đời: có hơn 1.4 triệu bức ảnh #selfcare trên Instagram. Nhiều bức trong số đó là hình những phụ nữ mảnh dẻ đang trong tư thế yoga, hay ngâm chân trong bồn tắm sủi bọt, hoặc hình những thức uống nóng không sữa không caffeine, hay những món tráng miệng có dâu tây không đường gluten, những hũ thủy tinh đựng nước trái cây xanh tươi, đại loại kiểu thế. Về căn bản đó là Tự Nuông Mình trong một lớp áo có phần hơi cao cấp hơn người.

Tốt thôi khi nghĩ rằng bồn tắm ngầu bọt xà phòng của chúng ta và thời gian riêng tư của chúng ta có thể mang một mục tiêu chính trị rộng lớn hơn. (“Ưm, Foucault á! Tôi đâu phải chỉ biết mải mê xem Netflix, tôi đang thực thi triết học chính trị kiểu Platon đây nhằm phục vụ người khác tốt hơn!”), nhưng thường thì, hành động tự an thân của chúng ta chỉ đơn giản là những hành động mang tính đặc quyền (với bản thân).

Thay vì là một con đường dẫn tới thay đổi xã hội, tự an thân đã trở thành một đích đến.

Minh họa từ internet

Trong một cuộc phỏng vấn mới đây với tờ Chicago Reader, nhà văn cũng là nhà nhà hoạt động nhân quyền Jamie Kalven nói, ông e rằng một trong những mối nguy hiểm của chế độ Trump sắp tới đây “là người ta sẽ trở nên xuống cấp về tinh thần, rút vào (lối sống) khước từ, người ta sẽ tìm nương náu trong những thú vui và thỏa mãn đời sống riêng. Thế là ta đã bỏ phiếu trắng cho quyền lực. Ở trung Âu có một thành ngữ dùng để diễn tả những người chọn cách rút về đời sống riêng dưới chế độ toàn trị. Họ được gọi là ‘di dân nội’(internal émigrés).”

Jamie Kalven tiếp tục chỉ ra rằng “bằng cách (tự an thân) đó, những phân khúc được ưu đãi trong xã hội chúng ta đã bị móp méo nặng nề. Thực sự là nguy hiểm trong một thời đại thế này. Nếu giờ mà rút khỏi đời sống công cộng là chúng ta đã giúp và tiếp tay cho cái điều rồi ta sẽ phải hối tiếc sâu sắc.”

Minh họa của Tom LaBaff

Nước Mỹ đang trờ thành một xứ ngoại quốc, một xứ mà trong đó nhiều người chúng ta không còn cảm thấy hoàn toàn thân quen nữa. Với những ai trong chúng ta có dễ thở hơn chút nhờ đặc quyền về chính trị xã hội, việc “nội di cư” đã được hợp lý hóa là “tự an thân” đang trở nên ngày càng hấp dẫn. Rõ ràng là tiện hơn phải chuyển sang Canada sống. Nhưng chúng ta cần thận trọng: nhấp một ngụm “tự an thân” có thể nhanh chóng biến thành nốc cả chai. Chớ dành bốn năm sắp tới trong sự đê mê tiện nghi của chủ nghĩa duy ngã.

*

Đây là link gốc. Các bạn biết tiếng Anh có thể vào vào rồi góp ý thêm cho bản dịch nhé 

Ý kiến - Thảo luận

15:59 Wednesday,18.1.2017 Đăng bởi:  admin
@ Đại Ngu: Soi không đưa cmt của bạn lên vì lời lẽ sao mà hằn học. Tết đến nơi rồi mà sao tâm tính cay độc tội nghiệp vậy? :-)
...xem tiếp
15:59 Wednesday,18.1.2017 Đăng bởi:  admin
@ Đại Ngu: Soi không đưa cmt của bạn lên vì lời lẽ sao mà hằn học. Tết đến nơi rồi mà sao tâm tính cay độc tội nghiệp vậy? :-) 
11:21 Tuesday,17.1.2017 Đăng bởi:  dilletant

@ Hộng, chắc bạn đúng. Nhưng cần tính đến đặc thù "tru di tam tộc ở phương Đông. Tôi được biết có một số bạn người Kavkaz vô rừng đấu tranh đòi độc lập (cuối TK trước). Rôi họ về làm ăn bt, giải thích: vi nếu chỉ có cậu chết vì lý tưởng là một chuyện. còn khi mẹ và em gái vì cậu mà bị hành hạ...


...xem tiếp
11:21 Tuesday,17.1.2017 Đăng bởi:  dilletant

@ Hộng, chắc bạn đúng. Nhưng cần tính đến đặc thù "tru di tam tộc ở phương Đông. Tôi được biết có một số bạn người Kavkaz vô rừng đấu tranh đòi độc lập (cuối TK trước). Rôi họ về làm ăn bt, giải thích: vi nếu chỉ có cậu chết vì lý tưởng là một chuyện. còn khi mẹ và em gái vì cậu mà bị hành hạ...

 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Phê bình: siêu nghệ thuật?

John Ryan Recabar – Hồ Như Mai dịch

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả