Đi & Ở

Cánh mật đìu hiu 04. 02. 17 - 6:44 am

Phó Đức Tùng

 

Lấy mật ở Mèo Vạc. Ảnh từ trang này

Đến hẹn lại lên, mùa đông năm nay, tôi lại làm một chuyến chớp nhoáng qua Hà Giang, và lại quen thói dõi theo mùi hương mật bạc hà.

Mới qua Yên Minh, gặp mấy trại ong đầu tiên ven núi. Từ xa trông đã giật cả mình, lều trại trắng xóa một vùng như rắc vôi bột chống dịch. Tới gần mới biết là họ dùng bao tải đựng đường để quây làm lều lán trông ong, phủ thùng ong. Trại này có vẻ chẳng còn ngại ngần gì.

Khu vực Đồng Văn, thấy lổng chổng thùng ong vỡ vứt đầy đường. Hỏi ra thì biết dân Đồng Văn theo chỉ thị đập thùng ong ngoại nhập. Lý do là ong ngoại là giống ong Ý, to con, khỏe mạnh hơn ong bản địa, nhưng không chịu được rét, không phải là giống ong thích hợp cho vùng Đồng Văn. Đến mùa bạc hà, người ta mang ong Ý từ ngoài vào, lấy hết mật, rồi lại mang đi. Ong bản địa chịu được rét, là giống thích hợp lâu dài, nhưng không còn cái ăn mà phải chết.

Người Hmong nuôi ong bản địa, mỗi nhà một hai tổ, cả năm để tự nhiên, đến Tết mới lấy mật một lần. Tổ ong có mấy cầu mật, thì lấy đi khoảng một nửa, còn thì để lại nuôi ong. Chút mật ong ấy, họ dùng cho vào làm bánh trôi ngày Tết, còn thừa làm thuốc dùng quanh năm. (Bánh trôi người Mông làm bằng bột ngô nếp, xay rồi vê thành viên nhỏ như viên bi, không có nhân, luộc chín rồi ăn với nước mật ong âm ấm, thơm lừng. Món này hơi giống sủi dìn Bắc Kạn hay Thắng Dền ở Hà Giang, nhưng thanh hơn).

Bây giờ ong ngoại vào ăn hết mật, người Hmong cũng không còn mật mà dùng, tổ ong đến Tết không đủ mật, không lấy được mà phải để cho nó sống qua mùa đông.

Nhưng mà dân Đồng Văn quyết đập tổ ong ngoại, không cho mang đi, cũng là quá ác, nhất là ác đối với con ong. Có điều quyết định này của Đồng Văn có vẻ không hẳn là vì người Hmong, vì con ong nội, mà chủ yếu vì muốn bảo vệ cái thương hiệu mật ong bạc hà. Nhưng còn đâu mật bạc hà mà bảo vệ thương hiệu?

Tôi đi tản bộ trên núi, chỉ thấy lác đác hoa bạc hà, không nhiều như mọi năm. Những bông hoa nhỏ hơn, gầy guộc hơn mọi năm nhiều. Mọi năm, ngắt một ngù hoa bạc hà, có cảm giác chắc nịch như một bắp ngô non, vê vê trên đầu ngón tay, mật chảy ra óng ánh, thơm lừng. Năm nay bông hoa leo heo, khô xác, chẳng có chút mật nào. Các bản Hmong, không nhà nào thu mật. Hàng quen mua mật ở Đồng Văn mang ra mời một xách mật, màu đen như nước mắm loại ba, chán chẳng buồn thử.

Hoa bạc hà. Ảnh từ trang này 

Có một ông nuôi ong ở thị trấn Đồng Văn, khoe là có mật xịn “vòng 2”, tới mua sẽ quay tại chỗ. (Người nuôi ong Đồng Văn lấy mật đợt một là vào tháng 10, đó là mật hoa tạp quanh năm, gọi là mật vòng 1. Sau đó sẽ là mùa hoa bạc hà. Năm nào được mùa, có thể thu tới ba đợt mật bạc hà. Nhưng năm nay, gần hết mùa mới chỉ có mật vòng 2, tức là vòng mật bạc hà đầu tiên).

Tới nơi, thấy ông có mươi thùng ong. Ông gỡ ra hai thùng quay trước. Vòng mật này thấy bảo đã để hai tuần, mà vẫn chưa đóng nắp, ngăn nào ngăn nấy mới chỉ được non nửa. (Ong lấy mật về tổ, sẽ quạt cho se lại, khi nào đủ đầy và đủ độ khô mới đóng nắp ô mật. Khi đó mật mới là chuẩn. Còn mật chưa đóng nắp là chưa đủ độ khô, thường là còn loãng và khó để lâu).

Hai tổ ong bỏ vào quay mà chỉ được ít mật dính đáy thùng quay, chẳng đáng là bao. Ra ngoài sân, thấy ong hai tổ đang lao vào tử chiến với nhau, cứ từng đôi từng đôi bám chặt lấy nhau, quay tít như con quay dưới đất. Hỏi ra thì ông nuôi ong bảo hoa ngoài rừng hết rồi nên khi bị lấy mật, ong không còn cách nào sẽ lao vào tử chiến với nhau, vì nghĩ là tổ kia tới cướp mật. Còn nếu rừng nhiều mật, ong sẽ mải đi kiếm tiếp, không để ý nhiều đến mật bị mất.

Tôi bảo ông dừng quay ngay, được bao nhiêu mua bấy nhiêu, gọi là chút kỷ niệm năm nay thôi. Vét hết cả thùng chưa được 1 lít mật, cũng gọi là có chút phần trăm bạc hà bên trong thôi, chứ không phải loại mật bạc hà thuần khiết mà tôi từng biết.

Mỗi lần mang chai mật ra pha, lại thấy hiện trong đầu cảnh từng đôi ong quấn lấy nhau quay vù vù, vù vù. Từng giọt mật như từng giọt máu, lan ra từ đáy cốc nước, tỏa ánh xanh đìu hiu…

*

Bài đã đăng trên Tuổi Trẻ Cuối Tuần

Ý kiến - Thảo luận

10:31 Sunday,5.2.2017 Đăng bởi:  dilletant
Chịu ảnh hưởng của thuyết âm mưu (? - thuyết mà tôi ghét) và chuyện cảnh giác xưa, tôi nghĩ liệu có nhóm biệt kích nào làm hỏng bạc hà, gây cuộc nội chiến ong?
...xem tiếp
10:31 Sunday,5.2.2017 Đăng bởi:  dilletant
Chịu ảnh hưởng của thuyết âm mưu (? - thuyết mà tôi ghét) và chuyện cảnh giác xưa, tôi nghĩ liệu có nhóm biệt kích nào làm hỏng bạc hà, gây cuộc nội chiến ong? 
20:51 Saturday,4.2.2017 Đăng bởi:  ch.nguyen
Đọc nghe ... buồn xa xót.
...xem tiếp
20:51 Saturday,4.2.2017 Đăng bởi:  ch.nguyen
Đọc nghe ... buồn xa xót. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả