|
|
|
|||||||||||||
Nghệ sĩ Việt NamĐãi người, một tấm lòng chân! 31. 12. 10 - 7:54 pmVũ LâmThế là đã hết một năm dương lịch 2010. Ở Hà Nội, một năm mỹ thuật nhiều sự kiện hay ho cũng như “dở dở dương dương” kết thúc vào đúng ngày 30. 12 với buổi bế mạc triển lãm Này, ốm à của nữ họa sĩ trẻ Lý Trần Quỳnh Giang. Buổi bế mạc diễn ra rất xúc động và sang trọng (có lẽ là buổi bế mạc sang trọng nhất trong các triển lãm diễn ra trong năm nay) với tiếng đàn mượt mà của Phó An My, hát tuồng hỉ nộ ái ố với piano ngẫu hứng (có người ví vui piano – Tuồng hòa âm với nhau giống như hai món ăn quốc hồn túy của Tây, Ta. Nói không ngờ đặt cạnh nhau nó lại “đi” với nhau hay thế. Nhưng vì cái món ăn Ta cụ thể đó “trần tục” quá đỗi, nên tôi không dám kể ở đây cho khỏi bất nhã). Bởi vì triển lãm cá nhân của Lý Giang diễn ra như một cái kết thúc “vậy như là vậy” của năm mỹ thuật 2010 (phía Bắc), nên tôi có một số cảm nhận riêng muốn nói, về triển lãm này. 1. Thưở học cấp ba, tôi ở nhà một người bạn thân ở Đường Lâm, bố của người bạn này là một “trí thức ở làng” đúng nghĩa. Thời trai tráng, ông cũng ôm mộng xuống thủ đô đấu đá trên “trường văn trận bút”, nhưng do gia đình đông con, và nhiều trắc trở khác, nên ông trở về làng, nuôi gia đình bằng nghề thuốc, mộng văn chương lẫn kinh nghiệm đường đời truyền lại cho các con trai gái. Ông là người thầy đầu tiên dạy chúng tôi những bài học sâu sắc nước đời và khai mở cho lũ choai choai con cháu cái nhìn vừa thực tế, vừa ngộ nghĩnh về thế giới nghệ thuật, một cách rất dân chủ. Tôi còn nhớ những buổi chuyện phiếm thâu đêm ở nhà người bạn, hai chúng tôi thằng nằm thằng ngồi nghe ông kể tả, bình văn, nghịch đảo, thêm thắt, xuyên tạc… đủ thứ chuyện trên đời. Ông nói triền miên, rất hóm hỉnh, thi thoảng chúng tôi lại chọc ông bằng cách giả vờ “nghe lộn” hoặc xuyên tạc cái câu gì đó ông nói, hì hì hà hà với nhau. Nhưng ông không nổi cáu, bình tĩnh nói lại từ đầu, thi thoảng điểm xuyết cười cợt nhớ nhớ quên quên… 2. Tôi dõi theo những sáng tác của nữ họa sĩ trẻ Lý Trần Quỳnh Giang đã lâu, từng có một đôi bài viết về tranh và người. Mà không chỉ riêng tôi, hầu như cả “họa giới” ở thủ đô đều rất chờ đón mỗi lần Giang bày ra tác phẩm mới. Giang giao tiếp cẩn thận, chu đáo nhưng lãnh đạm, cũng ít bạn thân. Nhưng cứ xem những người “tai mặt” trong giới đến khai mạc triển lãm và bế mạc triển lãm của nữ họa sĩ, những bình phẩm xôn xao đủ kiểu về sáng tác của cô ở mọi nơi mọi chỗ trong những ngày diễn ra triển lãm này thì đủ biết vị trí của cô trong làng họa là như thế nào. Thú thực, tôi nhỉnh tuổi hơn Giang một chút, nhưng mỗi lần trò chuyện, tôi có cảm giác cứ như nói chuyện với một người… chị nhớn. Bởi phần vì ngượng mình là đàn ông trai tráng, nhưng chưa làm được việc gì tử tế “ra tấm ra miếng”, còn lâu mới so được với cô gái bé nhỏ ngồi thu lu trầm tư kia. Phần vì tư thái của nữ họa sĩ rất nghiêm túc trầm trọng, không ưa đùa cợt tếu táo, phiếm bàn, trêu chọc, bình phẩm, nói xấu sau lưng, ngoa dụ ngoa ngôn về các nghệ sĩ khác như cánh trẻ tuổi như cô (hoặc như tôi) hay trò chuyện – một thói xấu khó nói, có lúc vui, mà cũng có lúc rất tệ của “cánh nghệ sĩ trẻ Việt Nam ta”.
Người sao thì tranh vậy! Những ai đã xem tranh Giang, không cần gặp người cũng có thể đoán định được. Trong lần phát biểu về triển lãm của một nữ họa sĩ đồng nghiệp cũng tên Giang mới bày tháng trước, cũng là tranh vẽ, khắc cào trên gỗ (thể loại mà Lý Trần Quỳnh Giang tạo ra một “vết bánh xe” đậm đặc, khó có ai đi sau có thể chèn lên được). Tôi có nghĩ đến một ý là: Xuất phát điểm làm nghệ thuật của các nữ nghệ sĩ có thuận lợi hơn các đồng nghiệp nam của họ. Đó là câu chuyện nghệ thuật, bất cứ kiểu gì của họ, thì đều phát xuất trực tiếp từ bản thân. Đó là sự trung thực có được do “thiên phú”. Còn cánh đàn ông thì quan tâm đến rất nhiều chuyện quá, thành ra nhiều khi lẫn lộn “bút pháp”, “câu chuyện” của người khác vào thành tác phẩm của mình. Ta hay gọi mỹ miều là “ảnh hưởng”. Mà cái việc phơi bày con người cá nhân đến tận đáy, trung thực với mình “dữ dội”, lại là điểm dễ tạo thành công nhất của nghệ thuật hiện đại. Điên thì cố gắng bày tỏ được trong nghệ thuật là tôi điên. Nghèo thì nói được là tôi nghèo. Cô độc, anh hùng, giảo hoạt, biến hóa, buồn chán, hứng khởi, lố bịch, đau khổ, bất hạnh, hạnh phúc, khỏe khoắn, yếu đuối… tóm lại là cố gắng mà động được đến những trạng thái gì có “nhân loại tính” một chút – cửa ngõ để đi đến “nhân văn” đấy. Nhưng vấn đề là có phải ai cũng có một cái “lõi”, một cái “thực” nào đó để mà kiếm cách bày ra không? Hay là có người cứ như củ hành, bóc hết lớp nọ đến lớp kia, mãi chẳng thấy “hột” đâu? 3. Xem tranh Giang bày lần này, “đối tượng” và “câu chuyện nghệ thuật” của cô vẫn tiếp nối nhất quán, như là những lần bày đầu tiên, cách đây 8, 9 năm. Chân dung phiếm định, chân dung tự họa, những con cú đi tất đáng yêu và tội nghiệp, có những bức y như minh họa cho câu “cú nhòm giường bệnh” của dân gian nói. Có khác lần này là những bức tranh khổ rất lớn, treo trong phòng triển lãm Viet Art 29 bức, thấy ám ảnh và “choán” được không gian ở đây. Nhìn kỹ bề mặt, thấy một điều thú vị là trong bút pháp sơn dầu của Giang, thấy có mùi vị “đao pháp” (đục khắc gỗ). Đó là các vết bút và hướng bút, giống như các luồng khắc cào trên tranh gỗ của cô. Sự chuyển dịch chất liệu, một cái là điêu (khoét xuống), một cái là “tô” (bôi vào, đắp lên) nhưng “đường thế” đều là cùng của một người, làm con mắt xem thích thú.
Hôm khai mạc triển lãm, tôi đi vòng quanh xem tác phẩm, gặp một người đàn anh, hỏi: “Anh thấy thế nào? Anh hỏi lại tôi: “Tớ cũng đang định hỏi cậu thế nào?” Tôi trả lời rằng tôi chợt nghĩ tới trong lịch sử mỹ thuật có những họa sĩ được gọi là “chim cánh cụt”. Đó là từ chỉ riêng những họa sĩ có bút pháp và nghệ thuật cực kỳ độc đáo, trước sau không có ai như thế. Điều này do tài năng, tâm sinh lý, khí chất, hoàn cảnh đặc biệt của những người ấy tạo ra như thế. Không thể học nổi (hoặc cũng không nên học làm gì). Tôi lân la hỏi chuyện một số bậc thầy và đàn anh, tạm ghi lại một số nhận xét của họ như sau (xin miễn nói rõ tên từng người): a. Trong nghệ thuật (nói riêng là hội họa ), người Việt Nam lười suy nghĩ lắm, và thường tránh chỗ khó, nên không đẩy cao lên được. Lý Trần Quỳnh Giang chỉ là vẽ thành thật đúng tâm trạng, chứ không có gì sáng tạo cả. Vậy so với mặt bằng của ta thế là thành công… Còn hơn nhiều tay khác, độc chép chỗ nọ chỗ kia. b. Đúng là phải yêu quá mức bình thường, yêu đối tượng không phải như mọi người bình thường có thể yêu được, mới vẽ nổi như thế. c. Kỹ thuật sơn dầu thì còn vụng về, vẽ mỏng một mặt, chưa tạo được chiều sâu. Nhưng đó là sự vụng về chân thành, động được đến người khác. Nhận xét của người thứ ba này làm tôi liên tưởng đến họa sĩ kỳ lạ Trần Trung Tín – cũng là một họa sĩ tự học, ngây thơ và cô đơn đặc biệt trong thời chiến. Họa sĩ Nguyễn Quân có một nhận xét rất hay và tinh tế về hội họa của Trần Trung Tín: Không hiểu tại sao họa sĩ lại có thể chạm tay vào tâm hồn chúng ta ân cần và cảm động đến như vậy. Nếu đổi lại nhận xét này với tranh của Lý Giang, có lẽ sẽ là: Không hiểu tại sao họa sĩ lại có thể tự chạm tay vào tâm hồn của chính mình ân cần và khổ sở đến vậy! Buổi bế mạc triển lãm, sau khi nghe đàn Phó An My xong, mọi người chưa về, còn bồi hồi đi lại trong phòng triển lãm. Tôi xem đi xem lại những bức chân dung phiếm định của Giang, vẽ một khuôn mặt rất giống nhau, chỉ khác cách đặt tay. Nhận ra rằng Giang muốn tạo ra một gương mặt có tính cách biểu trưng gì đó của riêng mình (gương mặt này lặp đi lặp lại rất nhiều trong tranh Giang từ trước tới nay, như một mô – đun quen thuộc của cô vậy). Gương mặt của tượng David của Michel–Ange, gương mặt Phật A-di-đà, đầu tượng châu Phi… là những gương mặt có tính cách biểu trưng. Tôi mới nhận ra thế, cũng chưa hiểu được cái “chân dung biểu trưng” của Giang tạo ra ấy là kiểu tính cách gì, chợt họa sĩ Lê Thiết Cương đi ngang qua. Tôi đùa rằng: Chợt nhìn bức này, không hiểu Lý Giang vẽ chân dung của cô ấy, hay là chân dung anh? Họa sĩ Lê Thiết Cương quay lại nhìn bức tôi chỉ, rồi anh cười khà khà một cách đầy hảo hán buông ra một câu: Ý hay!
Điều duy nhất tôi cảm thấy không thích ở loạt tranh mới này là nó “óng mướt” hơi quá. Có lẽ là do mới vẽ xong, tranh còn ướt dầu chăng? Hay còn lý do gì khác. Có phải để cũ đi một chút, dầu khô bớt đi, có “vẻ đẹp thời gian” phủ lên thì sẽ khác chăng? Chẳng phải “vẻ đẹp thời gian” cũng là một yếu tố thẩm mỹ quan trọng với nghệ thuật tạo hình sao. Ngoài Lý Trần Quỳnh Giang, còn hai nữ họa sĩ trẻ khác là Phi Phi Oanh Nguyễn (Nguyễn Phi Oanh, sinh năm 1978) và Dương Thùy Dương (sinh năm 1979) là những người tôi rất quý mến và khâm phục vì sự độc lập trong nghệ thuật của họ. Nhưng sau mỗi lần gặp họ tôi đều cảm thấy ngượng ngùng, vì tôi vẫn chưa cảm thấy mình làm việc gì được “ra hồn”. Có lẽ để khỏi ngượng ngùng với họ, đến lúc nào đó tôi cũng phải “bóc” mình ra xem nó thế nào. Không biết đến lúc ấy, tôi sẽ nhận ra mình là quả mít thơm tho, múi dày hột lắm, được phong tặng là “cây bánh mì Việt Nam”, hay mình là củ hành hăng hăng không có hột, thái để làm gia vị, phi lên thì thơm nức mũi, nhưng cũng chỉ là gia vị mà thôi… 4. Trở lại câu chuyện lan man của tôi ban đầu về ông trí sĩ Đường Lâm, người thầy đầu đời của tôi. Trong một đêm khuya chuyện vãn cũng cuối năm dương lịch như thế này, cách đây đã hơn 15 năm, tôi và bạn nằm ngồi ngả ngốn nghe ông kể chuyện gì đó chẳng nhớ nữa, rồi kết lại ông dạy: Sau này chúng mày ra đời, dù đường đời hiểm hóc “như lâm thâm uyên, như lý bạc băng” (như đi trên bờ vực sâu, như đi trên băng mỏng) thế nào. Chúng mày chỉ cần đãi người một tấm lòng chân thì sẽ không sao cả. Ông hài hước cao giọng hùng biện: Đãi người một tấm lòng chân, dù ta có bị dồn đến đường cùng, mắc phải cái chết vẫn là ta chết đúng! Nghe ông dạy thì hay đấy, nhưng tôi vẫn cố “dân chủ cãi” cho nó vui: Chết đúng hay chết sai thì cũng là chết, đều phí, không phải ai cũng có lúc phải biến hóa một tí để sống, còn làm được bao việc giúp người giúp mình, chả khoái hơn à. Bạn tôi đang nằm ngáp ngắn ngáp dài, bật nhổm dậy giả vờ giả vịt nghe nhầm: “Cái gì hả bố, đãi người một cỗ lòng chay á bố. Lòng chay thì ngon lắm. Giá có mấy miếng nhắm bây giờ nhỉ” Ông bác phì cười mắng: Chúng mày chỉ láo nào, thôi đi ngủ… Rồi ông bần thần một lúc: Chúng mày nhắc đâm ra tao lại thèm lòng, để sáng mai, mùng một nhé… P/S: Một “cỗ lòng chay” tức là ba món tim, cật, lá mía (lá lách) của con heo, có nơi dùng để cúng thay gà vào đêm giao thừa, như vào năm gà kiêng cúng gà chẳng hạn.
* Bài liên quan: – Ốm à? – Chiều nay phải đến thôi! ** – Lý Trần Quỳnh Giang: Sự mạnh mẽ của đàn bà… Ý kiến - Thảo luận
Bài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|