Soi học

Bài học thứ Tư: Râu ria quanh thành Troy – trước khi đánh nhau vỡ đầu 21. 09. 11 - 5:36 am

GiGi tổng hợp

(Trước khi bước vào loạt bài về cuộc chiến thành Troy, mời các bạn đọc các chi tiết râu ria xung quanh cái thành này…)

 

“The Pleiades” của Elihu Vedder, vẽ năm 1885, sơn dầu trên vải. Electra – người mà Zeus lấy – có lẽ là nàng mặc đồ xám, đứng đầu, và đẹp nhất. Trên bầu trời, chúng ta cũng có chòm Pleiades (Thất tinh).

 

Ai cũng biết, vì mâu thuẫn, Zeus bắt thần Atlas phải chịu hình phạt là giơ vai gánh đội cả bầu trời và quả đất suốt quanh năm ngày tháng. Nhưng với bản tính lăng nhăng, Zeus còn có một sự trả thù khác đối với Atlas: Atlas có 7 người con gái, gọi là các nữ thần Pleiades, lần lượt tên là Electra, Maia, Taygete, Alcyone, Merope, Celaeno, Sterope; Zeus đã dan díu với cô con gái cả Electra của Atlas, sinh ra hai người con trai là Iasion và Dardanus. Như vậy xét về mặt chi phái trong mối quan hệ luyến ái này thì Zeus chính là con rể của Atlas, nhưng trong thế giới các thần, điều đó không quan trọng lắm.

Trong hai ông con trai của Zeus với Electra thì cậu cả Iasion thừa hưởng được tính ngỗ ngược của ông ngoại Atlas, đồng thời thừa hưởng tính thích gái của bố Zeus. Iasion thường xuyên nhìn trộm các nàng tiên trên đỉnh Olympus (không thấy kể là Iasion nhìn trộm lúc các nàng tiên đang làm gì!). Nhưng tội đó cũng chưa là gì so với chuyện Iasion rồ dại theo đuổi nữ thần nông, chủ trì chuyện hôn nhân, Demeter. Mà ai cũng biết Demeter chính là một trong năm người con của Cronus, tức… chị gái của Zeus. Nổi giận lôi đình trước sự láo xược của đứa con trai (đến đây thì các thần lại giống như người thường), Zeus giáng sấm sét xuống giết chết tươi Iasion.

Tượng hoa cương Demeter hiện ở bảo tàng Hermitage, St Petersburg, Nga. Demeter đứng với một tay cầm một nắm lúa mạch, một tay ôm chiếc sừng dê chứa đầy hoa quả, tượng trưng cho sinh sôi, trù phú. Đầu Demeter đội một vòng trái cây.


“Demeter khóc than Persephone”tranh của Evelyn De Morgan, 1906. Lại một chi tiết ngoài lề nhưng không nói không được. Demeter tuy là chị Zeus nhưng cũng lại có với Zeus một người con gái, tên là Persephone. Vua âm phủ là Hades thấy Persephone đẹp quá liền bắt cóc nàng. Mẹ nàng là Demeter vật vã khóc thương con…Chuyện sau đó rất dài và dẫn đến sự tích vì sao lại có 4 mùa và có một mùa chẳng trồng cấy gì được. Cái này Soi sẽ điểm qua sau. Giờ xem tranh, bạn chỉ cần biết mặt Demeter thôi. Chú ý, thần này lúc nào trên người cũng có không lúa mì thì hoa trái.

 

Bi thương trước cái chết của anh trai Iasion, Dardanus liền rời hòn đảo Samotherace mà chàng đang cùng anh trai cai trị, lên một chiếc bè, lênh đênh trên biển. (Cũng có tích nói rằng Dardanus phải rời bỏ quê hương vì một cơn đại hồng thủy đã tàn phá tất cả, chỉ còn lại mình chàng may mắn trên một chiếc bè là còn sống sót). Chiếc bè cứ đi mãi về hướng Đông, rồi đến một ngày, nó đưa Dardanus cập bến xứ Phrygia, bên bờ vịnh Mysia. Vua xứ này là Teucer, khi ấy quá cô đơn buồn chán vì loài người khi ấy đã có mấy đâu (thiếu bạn nhậu?), thấy có người đi bè đến thì mừng rỡ vô cùng, khoản đãi Dardanus như khách quý. Rồi vua chia cho Dardanus một vùng đất trong vương quốc rộng lớn của mình, đồng thời để “buộc” chặt hơn, ông gả luôn công chúa cho con trai của thần Zeus. Đến khi vua Teucer chết, Dardanus nghiễm nhiên lên nối ngôi, cai quản xứ này. Đúng là bất chiến tự nhiên thành!

Dòng dõi của Dardanus, đời cha nối tiếp đời con cứ liên tục cai trị vùng đất này. Đến đời cháu của Dardanus, một người có tên là Tros, lên cai trị thì vùng đất này được đổi tên thành Troas, có kinh đô là Troy.

Trong cả đoạn này thực tình là không kiếm được bức tranh nào vẽ Dardanus. Có một bức liên quan đến Tros, cháu của Dardanus, và liên quan đến thói hư hỏng của Zeus, chính là bức về ăn cắp lửa của họa sĩ Christian Griepenkerl (1839 -1916), vẽ Prometheus chôm lửa trong lúc Zeus “nghỉ ngơi” bên cạnh Ganymede – con trai thứ của vua Tros. Xét ra thì rất kinh: Zeus là bố của Dardanus. Dardanus phải là ông cụ, ông kị của Ganymede, thế mà thấy Ganymede đẹp quá, Zeus cũng bắt cóc luôn về làm “bồ nhí”.

 

Rồi Tros chết, con trai cả là Ilos lên làm vua, quyết định phải xây một tòa thành hoành tráng cho xứng với danh tiếng và sự hùng mạnh của vương quốc này. Điều đầu tiên là phải chọn địa điểm, và giờ mới là chuyện chính…

Vào thời gian đó, vua Ilos sang xứ Phrygia tham gia một cuộc đấu do vua xứ này tổ chức. Ông chiến thắng, giành được giải thưởng là 50 hầu trai và 50 hầu gái. Nhà vua xứ Phrygia tặng thêm cho Ilos một con bò lốm đốm, kèm theo một lời thần dụ: con bò này nằm nghỉ ở đâu thì Ilos nên xây thành ở đó. Vậy là Ilos đi theo con bò đốm, và khi nó dừng lại tại một ngọn đồi cách kinh đô Troy không xa, ông đã quyết định (một cách rất bò) là cho xây thành Troy tại đó. Nhà vua không biết rằng đấy chính là ngọn đồi mà Zeus đã túm tóc nữ thần lú lẫn Ate ném từ đỉnh Olympus xuống. Và nếu theo tích này thì vậy là thành Troy đã khởi đầu số phận bi thảm của mình dựa trên những quyết định lú lẫn trên một ngọn đồi của lú lẫn.

Nhưng lại có tích khác là khi con bò dừng lại, Ilos không tin vào bò lắm nên mới cầu nguyện Zeus ban cho một dấu hiệu. Ngay lập tức từ trên trời thả xuống Palladium – một bức tượng gỗ tạc hình thần Pallas hay Minerva (Athena). Ilos liền cho xây thành và một ngôi đền tại đó để giữ bức tượng, và người ta tin rằng chừng nào bức tượng còn được giữ an toàn thì thành Troy còn được an toàn.

Hình đồng tiền cổ cho thấy Ilos cưỡi bò và ghìm con bò dừng lại trước một bệ đá trên có bức tượng (tạc thần Minerva).

 

Dù thế nào thì cũng là một quyết định lú lẫn: xây thành tại một địa điểm do bò chọn hay để tính mạng của cả một cái thành to phụ thuộc vào sự an toàn của một bức tượng nhỏ. Trong trường hợp thành Troy, thế giới ngày xưa rõ ràng là ngớ ngẩn hơn chúng ta ngày nay rồi. Truyện thành Troy rất dài, nhiều nhân vật, các bạn chịu khó đọc những thứ râu ria này trước vậy nhé…

Tranh khắc gỗ năm 1493, miêu tả một thành Troy tưởng tượng


Và y như rằng, Palladium cũng đến ngày bị đánh cắp. Trong tranh là Ulysse đánh cắp tượng thần Minerva của thành Troy.

 

*

Bổ sung của Pha Lê:

1. Bảy Pleiades là 7 nàng tiên sông, thuộc hạ của nữ thần săn bắn Artemis

2. Iasion dan díu với Demeter trên cánh đồng màu mỡ (mới cày xong), Zeus nghía thấy vết bẩn trên lưng áo của Demeter, gặng hỏi, và sau khi biết sự thật thì ông nổi khùng. Zeus giết chết Iasion. Một số bản kể rằng Iasion cùng người hùng Triptolemos được đưa lên thiên đàng và trở thành chòm sao song nam (Gemini)

3. Cậu Ganymede bị Zeus bắt cóc chính là con trai thứ của vua Tros. Nghe đâu để bù cho Tros, Zeus gửi ông hai con ngựa thần (giống như quà cưới). Tại sao Zeus bù cho gia đình Ganymede mà không bù cho các nạn nhân khác nhỉ?

4. Đặt tượng nữ thần Athena (Minerva) ở Troy, mà trong cuộc chiến thành Troy Athena lại theo phe Hy Lạp, thế mới đau.

 

*

Bài liên quan:

– Bài học Chủ nhật: THẦN VỆ NỮ – Gái không mẹ hay kẻ lăng loàn?
– Bài học Chủ nhật: Zeus và cây phả hệ rối ren

– Bài học Chủ nhật: ZEUS – Kẻ cưỡng bức dưới lốt thiên nga và đại bàng

– Bài học Chủ nhật: Hylas – Người tình của Herakles hay của đám tiên sông?

– Bài học Chủ nhật: Venus – một người yêu tốt và một bà vợ tồi (phần 1)

– Bài học Chủ nhật: Vụ đánh ghen của ông chồng Venus

– Bài học Chủ nhật: Ares (Mars) – vị thần không mấy ai thờ

– Bài học Chủ nhật: Hephaestos – Nạn nhân của Zeus hay của Hera?

– Bài học Chủ nhật: Hera: Có phải là Hoạn Thư của tích Hy Lạp cổ?

– Bài học thứ Tư: Cuộc thi hoa hậu đầu tiên và sự nhanh trí của thần Zeus

– Bài học thứ Tư: Paris chấm thi, hay vụ mua giải lớn nhất thế gian

– Bài học Chủ nhật: Athena thông minh nhờ chui từ đầu cha ra?

– Bài học Chủ nhật: Athena đọ sức Poseidon – Khi biển cả thua cây ô-liu

– Bài học thứ Tư: Râu ria quanh thành Troy – trước khi đánh nhau vỡ đầu
– Bài học Chủ nhật: Helen – Thảm họa chân dài
– Bài học thứ Tư: Gót chân Achilles hay sai lầm của một bà mẹ đoảng

– Bài học Chủ nhật: Poseidon – Nổi tiếng vì có vợ đẹp

– Bài học thứ Tư: Odysseus giả điên, Achilles giả gái

– Bài học Chủ nhật: Mars, Phryne, và vụ cởi truồng trước tòa án

– Bài học thứ Tư: Achilles rút lui hay anh hùng (thì luôn) giận nhau vì gái

– Bài học Chủ nhật: Iphigenia: Một vụ tế (hụt?) dẫn tới nhiều vụ giết người

– Bài học thứ Tư: Achilles ra trận – Khi con quyết đánh nhau thì mẹ phải làm gì?

– Bài học Chủ nhật: Artemis – Trinh nữ hay cũng mê gái giống bố?

– Bài học thứ Tư: Khi Achilles yêu quá hóa ác

– Bài học Chủ nhật: Artemis – Giới tính gì thì cũng gây nhiều đau khổ

– Bài học thứ Tư: Vua Priam xin xác con như thế nào?

– Bài học Chủ nhật: Apollo – Thần của lắm thứ, kể cả bệnh đau tim

– Bài học thứ Tư: Đám con lai các thần giết nhau, để cậu con nhà trần kết thúc

– Bài học thứ Tư: Odysseus – Kẻ có lắm mẹo vặt chết người

– Bài học Chủ nhật: Orpheus – chết vì đa nghi

– Bài học Chủ nhật: Cupid và Psyche – Thần tình yêu thua chân dài (kỳ 1)

– Bài học thứ Tư: Chết lãng xẹt chỉ vì bộ giáp!

Ý kiến - Thảo luận

11:36 Saturday,28.12.2019 Đăng bởi:  Mary Earneslla
*Bài Pha Lê từ năm 2011 nhưng cuối năm 2019 mới comment.*Nàng tiên Electra con gái của thần giữ trời Atlas không ngờ lại trùng tên với con gái của tướng Agamemnon và vợ là Clytemnestra nhỉ ? Maia cũng là con của Atlas, thuộc dòng Titan, nhưng nàng tiên Maia này có phải là mẹ của thần Hermes không ? Hermes là con của thần Zeus và tiên nữ Maia mà.À mà xin hỏi Pha Lê : Rốt cuộc Clytemne
...xem tiếp
11:36 Saturday,28.12.2019 Đăng bởi:  Mary Earneslla
*Bài Pha Lê từ năm 2011 nhưng cuối năm 2019 mới comment.*Nàng tiên Electra con gái của thần giữ trời Atlas không ngờ lại trùng tên với con gái của tướng Agamemnon và vợ là Clytemnestra nhỉ ? Maia cũng là con của Atlas, thuộc dòng Titan, nhưng nàng tiên Maia này có phải là mẹ của thần Hermes không ? Hermes là con của thần Zeus và tiên nữ Maia mà.À mà xin hỏi Pha Lê : Rốt cuộc Clytemnestra là chị hay em cùng mẹ (Leda) khác cha với Helen ? (Để mà còn biết tướng Agamemnon là anh rể hay em rể Helen chứ). Chồng Helen là Meleas (có sai tên không nhỉ, hay là Meneas ?), Helen có chồng có con rồi lại đi bồ bịch với Paris ; Clytemnestra khi chồng đi chinh chiến cũng tằng tịu nốt ! Cạn lời 2 chị em nhà Sparta...Đọc đến đây mới biết Ganymede có huyết thống với Zeus đấy, cậu chắt chút chít chụt chịt của Dardanus. Cùng huyết thống với vị thần ở ngôi cao nhất Olympus thì đẹp đẽ thoát tục là đương nhiên, vầy mà Zeus chỉ say sắc đẹp dù có cận huyết nữa (là thần thì phải biết thừa ai cùng huyết thống với mình chứ). Mà chả phải tìm đâu xa, Hera - vợ chính của Zeus đã là chị ruột của Zeus rồi, Demeter cũng thế... Còn mẹ con Danae - Perseus nữa, Perseus lấy Andromeda sinh ra vua Electrion, Electrion sinh ra công chúa Alkmene, Alkmene lại quan hệ với Zeus rồi sinh ra Hercules... có nghĩa lòng vòng tính lại thì Hercules gọi Perseus bằng cụ ngoại, gọi Danae là bà cố, còn Zeus vừa là bố vừa là ông cố. Thần thoại đại loạn luân... 
14:43 Saturday,29.3.2014 Đăng bởi:  cream
soi ghê quá. hơ hơ.

...xem tiếp
14:43 Saturday,29.3.2014 Đăng bởi:  cream
soi ghê quá. hơ hơ.
 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Gia Phả: Sự hòa thuận phô diễn

Mai Chi (từ Hanoi Grapevine) - Ảnh: Larissa Gehrke

Vì sao nên tài trợ cho nghệ thuật?

Robert Hewison - Ngọc Trà dịch

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả