Lý Trần Quỳnh Giang: Sự mạnh mẽ của đàn bà…
15. 05. 10 - 11:13 am
VŨ LÂM
Ảnh: Internet
SOI – Đồng hành cùng cuốn sách 12 nghệ sĩ mỹ thuật đương đại Việt Nam (Chủ biên: Đào Mai Trang), SOI xin lần lượt giới thiệu chân dung của 12 nghệ sĩ: Vũ Dân Tân, Trương Tân, Nguyễn Minh Thành,Trần Lương, Lý Trần Quỳnh Giang, Đào Anh Khánh, Nguyễn Bảo Toàn, Lê Quảng Hà, Jun Nguyễn Hatsushiba, Đinh Quang Lê, Đinh Ý Nhi, Ly Hoàng Ly (cùng những nghệ sĩ khác mà SOI đánh giá cao những nỗ lực cùng đóng góp) với góc nhìn riêng…
Hồi còn học ở trường mỹ thuật, tôi để ý đến một cô gái gầy gò, hay mặc đồ đen, đeo kính cận gọng to, dùng son môi thâm từ khi chưa có “mốt”, tóc rất dầy hay búi tròn, và hút thuốc lá liên tục.
Mỗi chiều muộn, đi đâu đó về, hay thấy cô gái đó ngồi ở một góc tối, nghe ve kêu và ngửi hương hoàng lan trong sân trường, điếu thuốc nhấp nháy đỏ.
Có một vẻ gì đó rất khó gần ở cô gái này, do vậy, nên suốt thời đi học, tôi chưa trò chuyện với cô bao giờ… Đó là chân dung Lý Trần Quỳnh Giang, một nữ họa sĩ còn rất trẻ ở Hà Nội, và của riêng Hà Nội.
.
Ấn tượng đầu tiên của tôi với Giang là xem một tác phẩm của cô trong triển lãm sinh viên, nó khác tất cả các bức tranh bài tập kiểu phong cảnh, chân dung, trâu bò, gái dân tộc… của các sinh viên khác.
Bức tranh chia làm hai miếng toan, miếng một vẽ một cái mặt người đặt ở trên, miếng hai vẽ một đôi chân người đặt ở dưới. Giữa hai miếng là một khoảng đen kéo dài. Quả thực, bức tranh đó xem hơi sờ sợ.
Tôi gặp và trò chuyện với Giang lần đầu tiên trước khi triển lãm cá nhân lần thứ hai năm 2004 khai mạc. Đó là một buổi trưa mùa đông, chúng tôi ngồi uống trà chén và nói chuyện về nghề nghiệp.
Giang vẫn hút thuốc, tay gầy run run vì lạnh, cô nói ít, và điềm tĩnh, dường như cô đang bận tâm đến một điều gì khác hơn là câu chuyện với người đối diện. Đó không phải là sự lơ đễnh, hay “lãng đãng” kiểu nghệ sĩ, mà là sự chìm đắm trong một không gian riêng tư của cô, không ai có thể xâm phạm được.
In the room I, 2006, Sơn dầu, 70x90cm
Tuy không tỏ ra, nhưng cô vẫn bộc lộ rõ một vẻ yêu nghề rất thực tế và từ tốn, đó là khi cô nói đến bạn bè, đến những người sau khi ra trường vẫn còn duy trì việc vẽ vời, chứ không “lặn mất tăm”. Có lẽ, đó là một niềm động viên không nhỏ đối với cô…
Lần thứ hai, tôi gặp cô ở nhà sau khi cô vừa đoạt giải Ánh mắt trẻ, một cuộc thi dành cho nghệ sĩ tạo hình dưới 35 tuổi của Trung tâm văn hóa Pháp tại Hà Nội. Xưởng vẽ là một căn phòng ngay ngắn bên cạnh, rất sạch như thói quen của các thiếu nữ, chứ không lôi thôi và lem nhem mầu mè như xưởng vẽ của các họa sĩ thường gặp.
Giang đang ốm, lại có chuyện buồn vì một người bạn thân mới mất, trông cô gầy đến phát sợ. Lần này chúng tôi nói chuyện rất lâu, tôi cũng chẳng nhớ rõ là nói cụ thể về chuyện gì.
The sadness V, 2008, Sơn dầu, 155x120cm
Chỉ nhớ nhất hai điều: Một là trông cô gái gày gò ốm yếu đó, lại liếc nhìn đống tranh sơn dầu và khắc gỗ xung quanh, có những bức to đùng, mà để vẽ nó, thì cứ phải gọi là “bơi cũng mệt”, tự nhiên tôi nảy sinh lòng cảm phục.
Đầu tôi lấn vấn một câu hỏi: Tại sao một người như thế, lại làm được một khối lượng công việc như thế? (Và thú thật là tôi cảm thấy ngượng cho mình).
Thứ hai, tôi nhớ đến câu Giang nói về cái sợ sự “vong thân” của cô trong đám đông. Đó là khi bàn về tác phẩm được giải của cô, một bức tranh khắc trên gỗ hình một cô gái khoả thân giang rộng cánh tay, ở dưới chân là một đống hình những con mắt mở to trừng trừng.
Đi vào trong đám đông, ta cứ vướng vào những quan hệ mất thời gian như tơ nhện, vào những việc không đâu chẳng liên quan gì đến ta, cười cái cười của người khác, nói hùa theo những cái ý của người khác, đến bã bọt mép, thì ta bị “vong thân” (mất bản thân) là cái chắc.
Myfriend, 2008, Sơn dầu, 70x150cm
Sống lâu ở trong đám đông rất dễ bị xô đẩy như vậy, và dẫn đến mình chẳng còn là mình, chẳng được sống cho mình, Giang sợ điều đó lắm…! Đó là lý do để cô ít nói, và chúi mình vào làm việc. Cô bảo, loạt ba bức tranh vẽ khắc trên gỗ đó, cô vẽ để dành cho “những người trong bóng tối” nhìn thấy.
Có thể hiểu, những người trong bóng tối ấy là những người đã khuất, hoặc là những người mù. Bởi vì tranh cô khắc trên gỗ, những người mù có thể nhìn thấy bằng tay…
Tôi cảm thấy dường như, có một “khoảng tối” đến mênh mông ở trong tâm hồn của người vẽ ra nó. Điều gì đã xảy ra với cô, trong khi những cô gái thuộc lứa tuổi này, hầu hết chỉ lo về chuyện chồng con, công việc, mua sắm, thời trang, vô tư, phù phiếm và vui vẻ?…! Dường như Giang có những ám ảnh rất sâu đậm từ trong ký ức, với “thế giới bên kia”, với những cái đẹp đẽ tinh tế đang mất đi.
Sleeping Season II, 2009, Khắc gỗ, 102x73cm
Những người ta gọi là “bản lĩnh”, là “mạnh mẽ” thường thấy trong cuộc sống thường là những người “ăn to nói lớn”, “ăn sóng nói gió”, cương quyết, dứt khoát, yêu ghét phân minh, đôi khi cực đoan, cá tính rõ, bất kể đấy là đàn bà hay đàn ông.
Giang không phải típ người như vậy, đối với vẻ bên ngoài, với mọi người, hình như Giang luôn cố giữ một cách ứng xử cho phải phép nhất, để rồi cô “bùng” ra những cái riêng ở trong tác phẩm của mình.
Và cô cũng “tự xử lý’ chính mình trong tác phẩm là chủ yếu – cô vẽ hầu hết là chân dung tự họa dưới mọi dạng vẻ. Với tranh khắc gỗ, thường khắc trực tiếp trên gỗ và không in ra. Xem tranh Giang, người ta có cảm giác chung là buồn và “dị”.
The Cold season II, 2004, Sơn dầu, 90x120cm
Bây giờ thì cô đã là một trong những tên tuổi của những họa sĩ nữ trẻ tuổi trên dưới 30 đang làm nên “chân dung họa sĩ nữ” của giai đoạn này.
Người ta lạ lùng vì chỉ tự ngắm mình, mà sao lại có thể trình bày được tâm hồn với nhiều dạng vẻ phong phú như thế. Nhưng được xem ngắm cái quá đỗi riêng tư buồn bã ấy, và nhìn ra cái chung, thì thấy hình như chúng có liên quan, mặc dù có vẻ như tác giả và tác phẩm chẳng thèm quan sát gì cả đến “xã hội”. Khi ấy, mới hiểu ra rằng, sự mạnh mẽ của đàn bà, thời nào cũng vậy: là ở sự riêng tư yếu đuối và yêu thương!
...xem tiếp