Nghệ sĩ thế giới

“HÀNH TRÌNH CỐ VẤN NGHỆ THUẬT”: Phan Thảo Nguyên đã được bậc thầy Joan Jonas dạy nghệ thuật như thế nào 16. 02. 17 - 10:54 am

Thông tin từ BTC

HÀNH TRÌNH CỐ VẤN NGHỆ THUẬT
Nói chuyện nghệ thuật
Thời gian: 16h30 Chủ Nhật 19-02-2017

Tại Nhà Sàn Collective, tầng 15 tòa nhà Hanoi Creative City, 1 Lương Yên, Hà Nội

Nghệ sĩ Joan Jonas và Phan Thảo Nguyên. Ảnh: BTC

Joan Jonas, nghệ sĩ Mỹ đã được quốc tế vinh danh như một huyền thoại với những thực hành Performance và Video Art tiền phong sẽ cùng nghệ sĩ thị giác Phan Thảo Nguyên, người “học trò” do chính bà lựa chọn và dìu dắt trong suốt chương trình Rolex Mentor & Protégé Arts Initiative niên khoá 2016-2017, đối thoại trong buổi trò chuyện nghệ thuật được tổ chức tại Nhà Sàn Collective, lúc 16h30 ngày Chủ Nhật 19 tháng 2 năm 2017.

Joan sẽ chia sẻ những kinh nghiệm trong sự nghiệp nghệ thuật kéo dài gần nửa thế kỷ của bà, và phản ánh quan điểm xã hội của bà thông qua tác phẩm nghệ thuật.

Tiếp nối buổi trò chuyện, Phan Thảo Nguyên, một nghệ sĩ thị giác đa phương tiện đến từ thành phố Hồ Chí Minh, sử dụng hội hoạ, sắp đặt, trình diễn và video để thể hiện những ý niệm mang tính lịch sử và đương đại, sẽ chia sẻ những trải nghiệm về quá trình mà Thảo Nguyên đã đồng hành cùng Joan trong suốt 10 tháng qua.

Buổi trò chuyện sẽ là những đối thoại và tâm tình giữa hai nghệ sĩ thuộc hai thế hệ và đến từ hai nền văn hóa hoàn toàn khác biệt.

Phan Thảo Nguyên

Joan Jonas
Cố vấn (Mentor)

Hiện đang sống và làm việc tại New York, được thế giới vinh danh như một nghệ sĩ performance và video art tiền phong. Tờ Guardian của Luân Đôn nhắc đến bà như một “người khổng lồ của nghệ thuật tiền phong Hoa Kỳ”, nghệ sĩ Joan Jonas đã và vẫn đang tiếp tục để lại dấu ấn khó phai trong suốt sự nghiệp của mình trong gần nửa thế kỷ qua. Bà cho rằng nghệ thuật trình diễn đã mở ra một vùng đất mới trong thế giới nghệ thuật. Các tác phẩm tiên phong của Jonas trong bối cảnh nghệ thuật tại trung tâm thành phố New York vào cuối những năm 1960 được lấy cảm hứng từ nhiều nền văn hóa và hình thức nghệ thuật đa dạng.

Được đào tạo về lịch sử nghệ thuật và điêu khắc tại Cao đẳng Mount Holyoke ở Massachusetts, học viện của của Bảo tàng Mỹ thuật ở Boston, và tại Đại học Columbia ở New York, nơi bà hoàn thành tấm bằng Thạc sĩ Nghệ thuật chuyên ngành điêu khắc vào năm 1965, không lâu sau đó, Jonas đã từ bỏ điêu khắc và quay sang tìm hiểu các lĩnh vực còn chưa được khám phá như nghệ thuật trình diễn, video, kết hợp với nghệ thuật đa phương tiện và thể hiện hàng loạt các chủ đề khác nhau, từ những câu chuyện thần thoại đến những tấm gương.

Cuối thập niên 60, bà có tác phẩm trình diễn đột phá Mirror Pieces (tạm dịch:Những Mảnh Gương), sử dụng gương soi như một phương tiện thị giác.

Joan Jonas, “Những mảnh gương I”. Ảnh từ trang này 

Một trong số các tác phẩm tiêu biểu khác là Organic Honey’s Visual Telepathy (1972, tạm dịch: Cảm thụ thị giác của mật ong nguyên chất), mở ra cái nhìn mới về sự hoán đổi vai trò của phụ nữ.

Joan Jonas, Organic Honey’s Vertical Roll, Ace Gallery, Los Angeles, 1972. Ảnh từ trang này 

Trong thập niên 90,với những tác phẩm tiêu biểu như loạt My New Theater (tạm dịch: Rạp hát mới của tôi), Jonas đã thoát ly khỏi việc phụ thuộc vào sự hiện diện của bản thân trong tác phẩm.

Triển lãm tổng kết một giai đoạn trong sự nghiệp của bà, Light Time Tales (tạm dịch: những chuyện kể của Ánh Sáng và Thời Gian) , được trưng bày năm 2014 – 2015 tại HangarBicocca, Milan.

Tác phẩm sắp đặt đa phương tiện với tên gọi They Come to Us Without a Word (tạm dịch: Họ lẳng lặng đến với ta), gợi mở ra một thế giới bị thách thức về mặt sinh thái, đã thu hút một lượng khán giả đông đảo đến tham quan khu triển lãm của Hoa Kỳ tại Venice Biennale lần thứ 56 vào năm 2015.

Jonas cũng vừa có triển lãm cá nhân tại DHC/Art, Montreal, diễn ra từ tháng 4 đến tháng 9 năm 2016.

Nghệ sĩ Joan Jonas

Sở hữu rất nhiều danh hiệu cao quý, bao gồm giải thưởng Thành tựu Trọn đời được trao bởi Bảo tàng Solomon R. Guggenheim năm 2009, Jonas đã được mời giảng dạy tại các trường Nghệ thuật và Kiến trúc UCLA. Bà cũng từng là giáo sư tại Học viện Nghệ thuật và Thiết kế Stuttgart và có 17 năm làm việc tại MIT (Viện Công nghệ Massachusetts), nơi bà đóng vai trò là Giáo sư Thỉnh giảng của Chương trình Nghệ thuật, Văn Hóa và Công nghệ tại MIT.

Phan Thảo Nguyên
Nghệ sĩ được cố vấn (Protégée)

Là một nghệ sĩ thị giác đến từ thành phố Hồ Chí Minh. Qua văn chương, triết học và việc quan sát cuộc sống thường ngày, Nguyên quan sát và tìm hiểu những mơ hồ trong lịch sử, truyền thống và phong tục xã hội, qua đó đặt câu hỏi và thác thức những giới hạn trong nghệ thuật đương đại Việt Nam.

Phan Thảo Nguyên, “71/2 The Ishihara test for color blindness” from education of a poet series.

Hiện nay, ngoài việc hoạt động độc lập như một nghệ sĩ đa phương tiện, Thảo Nguyên còn là thành viên đồng sáng lập nhóm Lao động Nghệ thuật (Art Labor) cùng với Trương Công Tùng và Arlette Quỳnh-Anh Trần, với các dự án nghệ thuật liên ngành đi đôi với việc hỗ trợ công đồng địa phương. Phan Thảo Nguyên mong muốn thể nghiệm những hình thức nghệ thuật mới, như nghệ thuật trình diễn và hình ảnh động, dưới sự hướng dẫn của nghệ sĩ thị giác tiên phong Joan Jonas, người mà Nguyên xem như “người thầy lý tưởng”.

The Rolex Mentor and Protégé Arts Initiative

Là một chương trình thiện nguyện được khởi đầu từ năm 2002, nhằm góp phần xây dựng nền văn hóa toàn cầu. Chương trình tìm kiếm các tài năm trẻ đến từ khắp nơi trên thế giới và cho họ cơ hội được làm việc trực tiếp với các bậc thầy nghệ thuật trong suốt một năm dưới hình thức hợp tác sáng tạo thông qua mô hình hướng dẫn một-kèm-một.

Để giữ đúng tinh thần hỗ trợ tối đa cho các cá nhân xuất sắc, Rolex tạo cơ hội cho các nghệ sĩ trẻ trong bảy lĩnh vực nghệ thuật – kiến trúc, múa, điện ảnh, văn học, âm nhạc, sân khấu và nghệ thuật thị giác – thời gian để học hỏi và phát triển.

Trong vòng 15 năm kể từ khi dự án được khởi động, các chương trình cố vấn đã tiến triển thành một cuộc đối thoại phong phú giữa nghệ sĩ thuộc các thế hệ, đến từ các nền văn hóa và nhiều ngành nghề khác nhau, giúp bảo tồn di sản nghệ thuật của thế giới bằng cách truyền chúng lại cho thế hệ tiếp theo.

 

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Vì sao nên tài trợ cho nghệ thuật?

Robert Hewison - Ngọc Trà dịch

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả