Đi & Ở

Ngày 2 Myanmar: Bagan – như gặp muôn bạn Phật trong ngày tựu trường 25. 02. 17 - 5:58 am

Phó Đức Tùng

(Tiếp theo ngày 1)

Bagan là một trung tâm Phật giáo đã bị bỏ hoang. Trong cả một vùng rộng lớn mênh mông, còn lại hàng ngàn đền, tháp, và gần như không một bóng người. Chỉ ở những tháp chính, nổi tiếng, mới thấy những nhóm du khách nước ngoài tập trung.

Tháp là những khối kiến trúc đặc như quả núi, còn đền là những kiến trúc có khoang rỗng, bên trong đặt tượng Phật. Đền tháp ở Bagan đều được xây bằng gạch đỏ, đa số để mộc, một số ít trát vữa trắng hoặc sơn nhũ vàng. Nghe đồn thời Columbus tới đây thì đa số tháp đều được dát một lớp vàng dày cả đốt ngón tay, phóng ra hàng ngàn vạn tia sáng rực rỡ cả một vùng. Nhưng bây giờ, hầu như chỉ còn những tháp đỏ rêu phong, và một số ít đỉnh ngọn tháp dát vàng còn lấp lóa sáng trong nắng.

Đền vàng Ananda ở Bagan. Ảnh từ trang này 

9 giờ sáng nắng đã chang chang khắp nơi. Đi bộ ra khỏi trục đường chính, thời gian như ngừng trôi, không một tiếng động, không cả tiếng chim, tiếng ve. Mặt đất khô bụi mịn, mỗi bước chân êm ru mà vẫn mù lên như những đám mây nhỏ, khiến ta dễ cảm tưởng mình như một vị Alahan, cưỡi mây lướt gió mà đi.

Bốn bề mênh mang, ngút tầm mắt vẫn một màu cát bụi, cỏ khô, hoàn toàn không có phương hướng đi về đâu. Hành giả như lạc vào cung trăng, hay sao hoả, hay rơi vào giữa thời kỳ phấn trắng. Tuyệt không một hơi hướng gì của hoạt động, sản xuất, kinh doanh, trần thế. Không thấy nhà, không thấy nhà máy, ruộng vườn, cột điện, xe hơi.

Ảnh của ExpresArt

 

Hình dung một ngàn năm trước đây, những ai đi qua nơi này, hẳn không còn có thể vướng nhiễm những lo toan cuộc đời. Câu hỏi duy nhất có thể hình dung ra là đi đâu, về hướng nào, làm sao có thể ra khỏi cái chốn bụi trần này? Nhưng rồi đi hướng nào cũng sẽ như nhau, miên man vô tận, và cái nắng chang chang sẽ khiến cho mỗi bước đi dài nặng như cả kiếp người. Thế rồi anh ta sẽ dừng chân dưới một tán me, hoặc tán keo, hay tán bồ đề cổ thụ. Và anh ta sẽ cảm thấy giá trị của bóng mát, của sự dừng lại. Giữa trời nắng, trong mênh mông cát bụi, gốc bồ đề chính là Niết Bàn, và anh ta sẽ muốn ngồi liền ở đó ít nhất 49 ngày. Và sau đó, anh ta sẽ thấy được rằng cõi Phật chính là đây, khỏi cần đi đâu nữa, có chăng chỉ cần cái lán và ngụm nước là đủ sống qua ngày cho hết cái kiếp này, cho tới khi anh ta thực sự đủ độ thanh nhẹ để hòa tan vào Phật giới.

Ảnh từ trang này

Có lẽ những phật tử Bagan cổ xưa đã cảm nhận đúng như vậy. Họ đã dừng lại dưới gốc bồ đề, hay dưới gốc me, quyết định không đi nữa. Và để hỗ trợ cảm giác rằng đây chính là điểm dừng, là cõi Phật, họ bèn xây một tòa tháp, theo hình dung của họ về linh sơn Meru, nơi muôn Phật hội tụ. Rồi họ xây thêm những đền đài xung quanh, là nơi các vị Phật mà họ tưởng tượng đang ngồi thiền quanh núi. Rồi họ làm những lán trại cho bản thân, và bầu bạn với các vị Phật trong tháp.

Khi rảnh rỗi, họ lại làm một đền mới, cho một bạn Phật mới, để có thêm người nói chuyện. Như vậy, một quần thể đền tháp có thể nói gần giống như một nhà mồ Tây Nguyên, với những pho tượng gỗ quây quần bầu bạn với người chết. Ở đây, các tượng Phật bầu bạn với những nhà sư. Bởi thế, không khí ở các đền tháp bề ngoài tuy uy nghiêm như nơi Phật giới, nhưng lại không có màu sắc cúng bái. Trong các đền không hương, không khói, không lễ vật oản quả. Những tượng Phật ngồi trong đền, trên những bệ đá như người ngồi thiền trong hang chứ không phải trên bàn thờ. Mặt Phật tươi tắn, mỉm cười như bầu bạn chứ không uy nghiêm mà xa cách như ở chùa Trung Quốc hay Việt Nam. Thi thoảng thấy một vị sư, một chú tiểu, một người bản xứ lặng lẽ ngồi dưới chân Phật, hay ngồi trong một hốc đối diện, như đang tâm sự với người bạn, chứ không phải lạy lục, cầu xin.

Tượng trong đền Dhammayangyi, Bagan. Ảnh của Gerd Eichmann 

Mỗi một tu viện sẽ có xuất phát từ một vị, có thể là sư hoặc là một đại gia nào đó muốn quy y. Vị này sẽ khởi công cho một ngọn núi Meru, một nơi phật giới của riêng mình với những bạn Phật của mình. Một số người khác sẽ cùng chia sẻ với người này, và từ đó hình thành một tu viện. Mỗi tu viện sẽ có thế giới Phật của riêng mình. Hàng ngàn người muốn dừng lại đây, dẫn tới hình thành hàng ngàn tu viện, với hàng ngàn ngọn núi Meru, và nhiều ngàn đền Phật khác nhau xung quanh.

Ta lần theo vết người xưa, đi chân trần, đầu trần dưới nắng, lướt trên những đám mây bụi, dẫm lên những gai góc. Ta cảm nhận từng bước đi trĩu nặng, đằng đẵng và vô hướng như một kiếp người, rồi dừng lại, ngồi nhắm mắt dưới một gốc me. Bừng mắt ra, thấy mình đang ở giữa Tây phương, với muôn vàn chư Phật. Ta như đứa trẻ nhỏ lần đầu bước vào trường dự lễ khai giảng, bao nhiêu bạn Phật xung quanh cùng ta cất tiếng hân hoan. Và trong một khoảnh khắc, ta thấy mình tan vào tia nắng, bay vút lên tầng cao.

*

Ngày 3: Tu viện ở Salay – nơi nhà vàng, nơi ổ ăn mày

*

Về Myanmar:

- Ngày 1 Myanmar: Bagan – xem thiêu thân nữ đợi mặt trời mọc

- Ngày 2 Myanmar: Bagan – như gặp muôn bạn Phật trong ngày tựu trường

- Ngày 3 Myanmar: Tu viện ở Salay – nơi nhà vàng, nơi ổ ăn mày

- Ngày 4 Myanmar: những nhà sư ở Salay

- Ngày 5 Myanmar: câu chuyện quý phái và buồn của sơn mài Myanmar

- Ngày 6 Myanmar: curry đâu cũng gặp, ăn trầu cứ sợ nôn

Ý kiến - Thảo luận

11:14 Monday,9.4.2018 Đăng bởi:  Thùy Dương
Anh viết hay quá, có nhiều góc nhìn thật là mới lạ, đọc 1 lần hết cả series bài về Myanmar của anh. Cám ơn tác giả rất nhiều. Mong tác giả sẽ viết thêm nhiều bài về các quốc gia khác nữa.
...xem tiếp
11:14 Monday,9.4.2018 Đăng bởi:  Thùy Dương
Anh viết hay quá, có nhiều góc nhìn thật là mới lạ, đọc 1 lần hết cả series bài về Myanmar của anh. Cám ơn tác giả rất nhiều. Mong tác giả sẽ viết thêm nhiều bài về các quốc gia khác nữa. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Đi và không bao giờ đến

Phan Cẩm Thượng

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả