Điện ảnh

Vậy bạn muốn phim nào thắng giải, phim da đen hay phim da trắng? 04. 03. 17 - 6:27 am

Pha Lê st và dịch

Cảnh trong phim La La Land

Giải Oscar phim hay nhất năm nay về lý thuyết là một cuộc đua của 9 ứng viên, nhưng nếu tóm gọn lại thì nó chẳng khác nào cuộc tranh tài giữa MoonlightLa La Land. Chả ai nghi ngờ rằng một trong hai phim này sẽ giật giải, và cả hai đại điện cho những thái cực trái ngược nhau. Moonlight có quy mô nhỏ, mang tính cá nhân, mạnh mẽ và đương thời; La La Land lớn hơn, táo bạo hơn, hoài cổ hơn. Moonlight là câu chuyện về trải nghiệm bên lề của một người Mỹ gốc Phi; phim còn lại thì như một tiếng “hoan hô Hollywood” với dàn diễn viên da trắng áp đảo. Moonlight là chàng David đối đầu với Goliath La La Land.

 

Phim “Moonlight”. Ai muốn xem “Moonlight” thì chịu khó tải torrent phim từ mạng (hoặc xem trên mạng ở mấy trang như trang này, tuy nhiên xem trực tiếp trên mạng là chất lượng xấu dã man đó, hơi uổng). đề tài kiểu “Moonlight” sợ Việt Nam không chiếu vì khó xem quá. Hình từ Harper Bazaar 

Ấn tượng về sự cạnh tranh lại càng gia tăng qua màn trao lầm giải dở khóc dở cười. Chả là người trao giải cầm sai thư, đọc tên La La Land thắng nhưng cuối cùng hóa ra là… nhầm, báo hại đoàn làm phim La La Land phải trao Oscar lại cho đoàn Moonlight.

Hình đây. Phong thư lúc cầm lên bục trao giải phim hay nhất lại là phong thư ghi chữ “Actress in a leading role” (Nữ diễn viên chính) lù lù trên đó. Người trao giải – ông Warren Beatty – lại già, chắc mắt kém nên không để ý? Hình từ The Guardian 

Khi Moonlight bị giật ánh hào quang khỏi tầm tay một cách đầy bi kịch trong vụ nhầm lẫn này, có cái gì đó đáng buồn song hợp cảnh. Đạo diễn Barry Jenkins, biên kịch Tarell Alvin McCraney, nhà sản xuất Adele Romanski, Dede Gardner và Jeremy Kleiner đều là những kẻ ngoại đạo ngay tại chính lễ đăng quang của mình, họ bị từ chối khoảnh khắc mà họ đáng được hưởng.

Bên “La La Land” trao lại Oscar. Hình từ The Guardian 

Màn “trao lộn” của Moonlight làm chúng ta nhớ đến Hattie McDaniel của 76 năm trước khi bà phải chạy lên nhận giải Oscar cho nữ phụ xuất sắc từ chỗ ngồi ở tận cuối sảnh. Người ta xếp cho bà ngồi tách biệt khỏi bàn dành cho dàn diễn viên (da trắng) của phim Cuốn theo chiều gió, nơi ê hề nào những tượng Oscar và các chai champagne (Hattie McDaniel đóng vai bà vú của nàng Scarlett O’Hara). May mắn cho McDaniel là người ta cho phép bà vào khách sạn Ambassador để dự giải, vì khách sạn này vốn phân biệt chủng tộc. Chiến thắng của Moonlight cho ta một cảm giác tương tự – một phút khải hoàn bị lu mờ.

Hattie nhận tượng Oscar vào năm 1940. Hình từ đây 

Moonlight hoàn toàn xứng đáng chiến thắng vì rất nhiều lý do, phần nhiều trong đó là việc loại phim này thường không được Oscar để mắt đến. Đây là một chiến thắng lịch sử cho các phim về đề tài LGBT. Trong quá khứ, nhiều phim như Brokeback Mountain, Dallas Buyer Club hay Kiss of the Spiderwoman đều nhận được các giải Oscar ở hạng mục khác, nhưng không có cửa ẵm giải phim hay nhất. Quan trọng hơn, chiến thắng của Moonlight còn mang ý nghĩa lịch sử với điện ảnh Mỹ gốc Phi. Nó không phải phim về người da đen đầu tiên giành giải phim hay nhất (12 years a slave của Steve McQueen đã đạt thành tựu này 4 năm trước), nhưng nó là phim đầu tiên không nhăm nhe vào chủ đề nhân quyền hoặc chủng tộc – và đây là một cột mốc quan trọng. Ca cẩm về nạn phân biệt chủng tộc thường là thể loại phim Mỹ gốc Phi duy nhất được giới trao giản Hàn lâm công nhận, những tác phẩm kiểu như 12 Years a slave, Lincoln, In the heat of the night hay Driving Miss Daisy.

Phim “12 years a slave” thì nặng vấn đề phân biệt chủng tộc rồi. Hình từ đây 

 

Cũng sầu thảm như “12 years a slave”, nhưng “Moonlight” không tập trung nhiều về phân biệt chủng tộc mà kể về một anh người đồng tính gốc Phi. Hình từ trang này

Nếu bạn không mấy khoan dung và thiên về La La Land hơn thì bạn cũng có thể xét chiến thắng của Moonlight trong bối cảnh cuộc tranh cãi #Oscarsowhite (Oscar toàn da trắng), khi thiên hạ đùng đùng chỉ trích rằng Oscar bị thiếu đại diện Mỹ gốc Phi trong các hạng mục diễn xuất. Liệu #Oscarsowhite có ảnh hưởng đến quyết định bỏ phiếu? Chẳng nhà phê bình nào sẽ thừa nhận điều đó cả, nhưng đại đa số nhà phê bình cũng không có ý kiến tiêu cực nào về Moonlight. Nó được đánh giá tới 99% trên Metacritic, (trong khi La La Land chỉ đạt 93%).

Đoàn làm phim “Moonlight” trên bục vinh quang, âu cũng xứng đáng. Hình từ startribune 

Hoặc có thể nói rằng xếp chiến thắng của Moonlight vào bất kì cái lý do chủng tộc hay giới tính nào cũng sẽ làm giảm giá trị của nó. Sao ta không nói thẳng: phim đoạt giải vì nó xuất sắc? Đây quả là một tác phẩm mới mẻ và can đảm.

Nhưng nói luôn điều này. La La Land cũng là một phim xuất sắc. Nó cũng táo bạo, can đảm và liều lĩnh, và cũng đáng được giải phim hay nhất. Trong hoàn cảnh Hollywood hiện tại với mấy phim bom tấn có ngân sách tốn tiền khủng khiếp mới là các Goliath; MoonlightLa La Land đều là David.

Mà tại sao chúng ta phải chia phe chứ? Giữa những hỗn độn siêu thực trên khán đài đêm trao giải, khi La La Land chuyền tay tượng Oscar và phong bao đỏ cho Moonlight, người dẫn chương trình Jimmy Kimmel đã đến bên một thành viên hụt hẫng của đội La La Land và nói: “Dù sao tôi vẫn muốn thấy anh đoạt một Oscar. Sao chúng ta không thể trao giải cho tất cả bọn họ nhỉ?”

Rất nhiều người trao giải, người thắng giải đêm đó cũng nói những lời chân thành, cao thượng lẫn quan trọng về việc hàn gắn chia cắt, về thái độ nhân cách, về hành động kháng cự lại sự sụp đổ của trật tự Mỹ – và có thể là của thế giới – mà tổng thống Trump đang phá hủy.

Một trong những bài diễn văn “chống Trump” nhất là của đạo diễn Iran Asghar Farhadi, do bà Anousheh Ansari đọc. Ông Asghar Farhadi thắng giải phim nói tiếng nước ngoài cho tác phẩm “The Salesman”, nhưng không đến dự và nhờ và Anousheh Ansari nhận giải cũng như đọc diễn văn hộ. Hình từ đây

Đó chính là vấn đề ở đây: Oscar cũng như thể thao hay chính trị. Oscar tạo ra kẻ thắng người thua. Oscar thực chất có sự đấu đá của đội này với đội kia. Một phần nhỏ nào đấy, Oscar cũng dựng nên kiểu chia rẽ mà các ứng viên của nó lên tiếng phản đối. Nhưng xét đi thì cũng xét lại, ai mà muốn xem một chương trình trao giải khi tất cả mọi người đều nhận được một Oscar cơ chứ?

Nguồn: The Guardian

Ý kiến - Thảo luận

11:40 Thursday,16.3.2017 Đăng bởi:  mymy
Da nào cũng tuyệt, tôi ủng hộ cho tất cả
...xem tiếp
11:40 Thursday,16.3.2017 Đăng bởi:  mymy
Da nào cũng tuyệt, tôi ủng hộ cho tất cả 
22:27 Monday,6.3.2017 Đăng bởi:  IQ ABC
Cá nhân mình nghĩ việc trao nhầm lần này cũng có điểm thú vị và ý nghĩa riêng của nó. Kiểu có cảm giác như: "LaLa Land, tôi thấy anh thật xuất sắc, anh rất xứng đáng để nhận 1 cái cúp, mà cúp thì chỉ có 1 nên việc trao nhầm này là điều tôi muốn nhắn nhủ anh rằng, anh cũng là 1 nhà vô địch" :))
...xem tiếp
22:27 Monday,6.3.2017 Đăng bởi:  IQ ABC
Cá nhân mình nghĩ việc trao nhầm lần này cũng có điểm thú vị và ý nghĩa riêng của nó. Kiểu có cảm giác như: "LaLa Land, tôi thấy anh thật xuất sắc, anh rất xứng đáng để nhận 1 cái cúp, mà cúp thì chỉ có 1 nên việc trao nhầm này là điều tôi muốn nhắn nhủ anh rằng, anh cũng là 1 nhà vô địch" :)) 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả