Gẫm & Bình

Xem “Giá Thánh” của Trần Tuấn Long: huyền ảo sơn ta 09. 03. 17 - 8:15 am

Họa sĩ Đức Hòa

GIÁ THÁNH
Triển lãm tranh sơn mài của Trần Tuấn Long
Tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam số 66 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội.
Khai mạc: 18h ngày 8. 3. 2017
Gặp mặt báo chí: 16h ngày 8. 3. 2017

.

Sau 20 năm cần mẫn như con ong, họa sĩ Trần Tuấn Long đã hoàn thành bộ tranh sơn mài kỳ công về đề tài Hầu đồng. Một triển lãm cá nhân đã được anh lên kế hoạch và chuẩn bị kỹ lưỡng từ hơn một năm trước. Và như phép nhiệm mầu, chỉ vài tháng sau khi UNESCO chính thức công nhận Hầu đồng là Di sản Văn hóa phi vật thể tầm cỡ thế giới thì anh cũng là họa sĩ sớm nhất làm triển lãm chuyên về đề tài này. Được biết sau triển lãm cá nhân về Hầu đồng, Long sẽ vẫn tiếp tục đề tài tôn giáo anh đã giành nhiều tình yêu cho nó từ rất lâu.

Hầu đồng là nghệ thuật múa hát có từ ngàn xưa, thể hiện hình thức giao lưu với cõi tâm linh của người Việt. Các thánh thần cổ xưa của người Việt nhập vào các thanh đồng mà múa các điệu linh thiêng trong tiếng đàn, lời ca ríu rít, trầm bổng của các cung văn để thể hiện các thế giới trên trời (Mẫu Thượng thiên), rừng núi (Mẫu Thượng ngàn), sông nước (Mẫu Thoải), đất (Mẫu Địa phủ)… Đây cũng là một hình thức nghệ thuật dân gian có sức sống mãnh liệt, vượt qua mọi cấm đoán ngặt nghèo để trường tồn nhiều thế kỷ nay.

Về hình thức diễn xướng, thế giới Hầu đồng biến ảo lung linh, bên cạnh bài bản còn tùy thuộc vào sự xuất thần của các thanh đồng, hòa nhịp với cung văn và sự tán thưởng của các con nhang đệ tử. Các thường dân bị hấp dẫn bởi cõi thiêng, các nhà văn hóa thích thú bởi một hình thái nghệ thuật dân tộc huyền ảo đầy sức sống, các nghệ sĩ đắm mình vào không gian mộng mơ ngập tràn ảo giác nghệ thuật.

.

Đẹp đẽ như vậy nhưng thể hiện lên tranh không phải dễ. Đã có không ít họa sĩ thử đưa nghệ thuật này vào mỹ thuật mà chưa thành công. Họ khá vội vàng và chỉ muốn thử sức ngắn hạn. Chỉ có Tuấn Long âm thầm say mê, quan sát từ rất lâu và thể hiện nó bằng cả một bộ tranh sơn mài.

Tranh của Tuấn Long như có ma lực. Ưu điểm kỹ thuật của sơn mài rất hợp với Hầu đồng: những mảng trầm sâu thẳm, những lung linh vàng son hay những luyến láy uyển chuyển của sơn mài đều luôn “đồng thanh tương ứng” một cách tuyệt vời với nghệ thuật diễn xướng này. Tuy nhiên, nếu chỉ có vậy thì e rằng bức tranh thể hiện vẫn có thể đơn điệu. Tuấn Long đã tìm ra được một giải pháp thông minh: nền của bức tranh là hình ảnh phảng phất của các tranh tượng thờ quen thuộc của người Việt với các Tố nữ, Tam phủ, Tứ phủ, Hộ pháp Thiện-Ác, Tiên nữ, Cửa võng… của các đình, đền cổ. Cõi thiêng trong tranh như vậy đã có chỗ dựa vững chắc của những hình thức mỹ thuật cổ – nó là nền cho nhân vật chính: các “đồng” đang múa nổi bật phía trước.

.

.

Đến đây thì tay nghề điêu luyện của họa sĩ tìm được đất dụng võ: anh tha hồ diễn tả da thịt, dát vàng bạc, rắc trai hay vỏ trứng, tỉa tót điểm xuyết các hoa văn, vờn các mảng lửa khói… Nếu các đồng cốt múa trong thế giới tâm linh của họ thì Tuấn Long cũng được dịp “múa” trong kỹ thuật sơn mài. Anh vốn đi lên từ kỹ thuật sau nhiều năm lặn lội thử sức qua vô số bài tập kỹ thuật phong phú.

.

Xem bộ tranh này, ta tưởng Hầu đồng đắc địa nhất khi được vẽ lên tranh sơn mài. Kỳ thực Hầu đồng có thể đắc địa với mọi chất liệu mỹ thuật nếu tìm được đúng họa sĩ giỏi kỹ thuật mà am hiểu, say mê như “nhập đồng” khi vẽ sao cho thấm đẫm tính linh thiêng của hồn thần thánh… Đã từng có thời người ta cứ tưởng sơn mài khá hạn chế nếu cố miêu tả nhưng Tuấn Long là một trong số rất ít họa sĩ thừa năng lực để có thể tả hết những điều mình muốn. Tất nhiên đôi khi vì thế mà anh hơi quá đà khi ỷ vào tài miêu tả – giá mà tiết chế và cân nhắc hơn thì có khi tranh anh sẽ còn hiệu quả hơn nữa…

.

Hầu đồng là nghệ thuật của cõi thiêng và là môi trường bất tận cho các họa sĩ khai thác và thể hiện. Tuấn Long đã thành công bước đầu. Chúc anh tiếp tục thành công trên con đường dài sơn mài nhằm chinh phục cõi thiêng của Hầu đồng.

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả