Bàn luận

Bảo mẫu Thiên Lý bước ra ánh sáng 23. 03. 17 - 1:18 pm

Đặng Hoàng Giang

Ron DiCianni, “The Clay

Những nạn nhân của làm nhục công cộng thường chọn sự lẩn tránh, im lặng. Nhiều người giữ vết thương đó trong nhiều năm và không bao giờ muốn nhắc lại chuyện. Điều này đúng với đứa trẻ bị bạn cùng lớp bắt tụt quần ở sân trường; nó đúng với người ngoại tình bị kiểm điểm trước toàn cơ quan. Vợ chồng bảo mẫu Đông Phương, mợ của bảo mẫu Thiên Lý, cắt đứt mọi quan hệ với gia đình và chưa bao giờ về thăm lại bố từ khi ra tù.

Còn đám đông, những người trực tiếp làm nhục và những người chứng kiến, tất nhiên là đã quên chuyện từ lâu. Và nhiều người cho rằng sự quên lãng này là một ân huệ cho người bị làm nhục.

Cũng với triết lý đó, một số người chỉ trích rằng việc tôi tới gặp Thiên Lý và viết về cuộc gặp gỡ trong cuốn “Thiện, Ác và Smartphone” là một chiêu bài của tác giả, một hành vi độc ác giả đò tốt đẹp để làm mủi lòng những độc giả dễ mủi lòng. Lý luận của họ dựa trên mặc định rằng Thiên Lý chọn sự im lặng, “lặng lẽ” sống cuộc sống sau khi ra tù của mình, nhưng nay lại bị tôi lôi ra bên ngoài.

Những người này đã không thể hình dung ra khả năng chính Thiên Lý chọn để lên tiếng, chính cô chọn rời bỏ bóng tối.

Sau cuộc gặp gỡ, Thiên Lý tiếp tục trao đổi với tôi qua mạng, cung cấp thêm thông tin cho chương sách. Yêu cầu duy nhất của cô là bài viết không tiết lộ tên ấp, xã, huyện của cô, và tôi đã làm theo yêu cầu đó.

Tôi gửi cô bài phỏng vấn “Trên mạng, người ta quên nhau là con người” của tôi trên Tuổi Trẻ cách đó mấy tháng; cô share lại bài trên tường nhà mình. Tôi gửi cô chương sách “Xét xử lưu động hay show diễn công lý”, đăng trên trang Luật khoa, trong đó mô tả tỉ mỉ phiên tòa của cô. Hai tiếng sau, cô viết lại: “Thiệt sự là từ ngày cháu về lần đầu cháu được đọc một bài như cháu mong đợi. Bản thân cháu đã có cái suy nghĩ giống như vậy từ phiên tòa xét xử vụ của cháu.”

Khi sách ra, tôi gửi tặng cô một cuốn. Buổi ra mắt ở TP HCM, cô tới sớm, ngồi lẫn trong đám đông, nghe có lúc người ta nói về mình. Chồng cô tới muộn vì phải đi làm, nhưng cuối buổi hai người nán lại đợi tôi tới chót. Lý kể là chồng cô đã đem sách tới công ty cho mọi người coi.

Nếu hai vợ chồng Thiên Lý coi hành vi của tôi là ác đối với họ, chắc họ đã cư xử khác.

Hôm qua, Tuổi Trẻ đăng một bài phỏng vấn dài cả trang khổ lớn với Thiên Lý. Trong bài, cô nói với phóng viên:

Tôi đã từng bị coi không phải là người nữa. Tôi đồng ý trò chuyện hôm nay là để muốn khẳng định rằng điều đó không đúng. Tôi là một con người. Tôi đã sai lầm. Tôi đã phải trả giá. Tôi đáng được tha thứ.

Xin hãy lên án hành vi tôi đã làm, sai lầm tôi đã phạm để những người khác không lặp lại. Xin đừng chà đạp con người tôi để tôi còn được tiếp tục làm một người tốt.”

Guayasamin, “Forgiveness Hands”

Đó là những lời lẽ chín chắn và ôn hòa của một người đã vấp ngã nhưng tìm lại được bản thân. Sau gần 24 tiếng, bài đã có gần 10 nghìn lượt like và hàng trăm shares. Đại đa số các bình luận đều tích cực và mang tính xây dựng.

Monica Lewinski cần 17 năm để có thể bước ra ánh sáng và tìm lại giọng nói của mình. Khi các nạn nhân của làm nhục công cộng đủ dũng cảm để phá vỡ sự im lặng và nói về câu chuyện của mình, chắc chắn họ được chữa lành và trở nên khoẻ mạnh hơn. Thiên Lý đã làm được điều này.
*
Bài phỏng vấn Thiên Lý trên Tuổi Trẻ có thể đọc tại đây

Ý kiến - Thảo luận

5:47 Tuesday,28.3.2017 Đăng bởi:  Đại Ngu
Tôi cũng là nạn nhân của sự làm nhục công cộng suốt 1 thời gian dài. Vì tin ở đạo Phật nên tôi hiểu rằng kiếp trước mình đã từng là người có quyền chức, đã mắc sai lầm gây tổn hại cho rất nhiều người. Giờ thì mình trả nợ cho họ thôi. Dĩ nhiên khi phải trả nợ quá nhiều người thì cảm giác không hề dễ chịu. Nhưng đã có nợ thì ắt phải trả. Nếu mình
...xem tiếp
5:47 Tuesday,28.3.2017 Đăng bởi:  Đại Ngu
Tôi cũng là nạn nhân của sự làm nhục công cộng suốt 1 thời gian dài. Vì tin ở đạo Phật nên tôi hiểu rằng kiếp trước mình đã từng là người có quyền chức, đã mắc sai lầm gây tổn hại cho rất nhiều người. Giờ thì mình trả nợ cho họ thôi. Dĩ nhiên khi phải trả nợ quá nhiều người thì cảm giác không hề dễ chịu. Nhưng đã có nợ thì ắt phải trả. Nếu mình là người tốt, việc mình làm là đúng đắn mà vẫn bị mắng chửi hành hạ thì đó là cách trả nghiệp tốt nhất, nhanh nhất. Trong đạo Phật có khái niệm "nghiệp đổ", quả nhồi. Trường hợp của tôi đúng là như vậy. Ráng mà trả cho sạch nợ đi thôi.

Còn 1 lý do nữa tôi trở thành nạn nhân của sự làm nhục công cộng vì dám tố cáo, vạch mặt bọn quyền thế nên chúng trả thù. Nhưng tôi LÌ LẮM!!! Việc gì tôi BẮT BUỘC PHẢI LÀM thì tôi sẽ làm đến cùng!!! Dù kẻ thù có giở bất cứ trò bỉ ổi hèn hạ nào thì tôi cũng sẽ làm cho đến khi chúng phải ĐỀN TỘI mới thôi.

Ta không xuống địa ngục thì ai xuống địa ngục đây??!!! 
13:14 Friday,24.3.2017 Đăng bởi:  Raumuong Noigian
Hay thật, hay thật. Muốn còm chơi tập ném đá để được ai đó mắng mà không còn lời để quăng. Thôi Hiệu đã đề thơ thì Lý Bạch chỉ có vứt bút. (So thế hơi bố láo với các cụ, nhưng nghĩ rồi mình cũng sẽ thành các cụ ngồi sau nải chuối ngắm gà khỏa thân, nên cũng chẳng sao)
...xem tiếp
13:14 Friday,24.3.2017 Đăng bởi:  Raumuong Noigian
Hay thật, hay thật. Muốn còm chơi tập ném đá để được ai đó mắng mà không còn lời để quăng. Thôi Hiệu đã đề thơ thì Lý Bạch chỉ có vứt bút. (So thế hơi bố láo với các cụ, nhưng nghĩ rồi mình cũng sẽ thành các cụ ngồi sau nải chuối ngắm gà khỏa thân, nên cũng chẳng sao) 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tương tác thế nào? Ở xa làm sao nghe art talk?

Phương Vẹt & Phó Đức Tùng

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả