Đi & Ở

Yên Tử: vớt vát một chuyến kẻo rồi qua Xuân 27. 03. 17 - 6:58 pm

Candid

Ảnh toàn bài: Candid

Cứ như mọi năm Tết xong cứ cuối tuần xách xe máy chạy Đông, Tây, Nam, Bắc để đi ngắm cảnh chùa và lễ hội. Năm nay có lẽ tại thời tiết sau Tết không có chút xuân nào, không có mưa phùn lắc rắc, bay bay, không có lá non đâm chồi nảy lộc, không lạnh cóng chân tay, không đường xá lép nhép bùn… nên làm cho quên béng mất cả là đang Giêng. Tình cờ nhân bữa nhậu, có người nhắc đến lễ hội Yên Tử mới nhớ ra, ừ đang mùa lễ hội nhỉ, nhìn tờ lịch thì đã sang tháng 2, quyết tâm vớt vát đi một chuyến kẻo nhỡ cả mùa Xuân.

.

So với các nơi lễ hội khác ở miền Bắc, có lẽ Yên Tử là nơi được tổ chức tốt nhất. Địa phương không bán vé thắng cảnh, chỉ bán vé xe điện và cáp treo, nếu ai có sức khỏe leo thì không tốn đồng nào, biển chỉ dẫn rõ ràng, vệ sinh sạch sẽ, thùng rác đặt khắp nơi và có người gom rác đưa xuống núi. Có lẽ qua tháng Giêng rồi nên người cũng không đông lắm, xếp hàng một lúc là đến lượt lên cáp treo. Đến Hoa Yên bắt đầu leo núi thì mới thấy người đông đúc. Cũng như mọi nơi lễ hội khác, người người tay xách nách mang chen chúc khấn vái mong cầu lộc cầu tài.

.

Đến trạm cáp treo thứ hai, ngang qua chùa Một Mái, chỉ leo lên mấy chục bước mà nhiều người đứng thở lắc đầu không lên. Chùa nghe nói mới được xây mới lại không lâu, tuy thế cũng rất nhỏ, len mãi mới vào trong được. Điểm đặc biệt là những pho tượng Phật cổ nhỏ xíu trông chân chất. Nghĩ lại mấy trăm năm trước, giữa rừng núi hoang vu thế này, có một vị vua từ bỏ tất cả để hàng ngày đọc kinh trước những pho tượng nhỏ này mà thấy cảm động. Mấy trăm năm sau, người ta lên đây nườm nượp, ra vào lễ bái hỏi nhau ý ới chỗ này là chỗ nào ấy nhỉ?

.

Lên cáp treo thứ hai, sương gió từ đâu ập tới, bao phủ cảnh vật trong màn sương mờ mịt, cách nhau vài mét cũng chỉ thấy lờ mờ. Leo một lát là tới tượng An Kì Sinh. Trong màn sương gió hư ảo, vị đạo sĩ càng cô liêu hơn.

.

Gần đó, người ta xây tượng vua Trần Nhân Tông. Pho tượng khổng lồ không hòa nhập gì với phong cảnh, xa lạ với cái tinh thần dòng thiền Trúc Lâm của ngài. Đi qua một cây tùng cổ thụ, tôi chạm tay vào cây và nghĩ có lẽ hàng trăm năm trước, các vị sư tổ của thiền phái Trúc lâm cũng từng chạm tay vào cây chăng?

.

Đường lên chùa Đồng dốc, phải bám vào các tảng đá leo ngược lên. Người ta đã đổ bê tông những bậc thang vào đá để người hành hương dễ leo hơn nhưng vẫn khó và mệt. Người đi chùa, người thì oán thán, sao người xưa chọn vị trí xây chùa khó thế, người thì động viên nhau cố lên nốt lần này là đủ 3 năm, người thì đọc thơ “chưa đi Yên Tử chưa tròn quả tu”. Có những đứa trẻ không leo được thì bố mẹ dắt, cõng lên. Từ xa nhìn lại có lẽ như một đàn kiến đang hì hụi leo lên một chén cơm.

Chùa Đồng hóa ra là bằng đồng thật. Chùa nhỏ xíu bám chênh vênh trên đỉnh núi, người đi lễ bám xung quanh như lũ kiến bám quanh một viên đường khiến khó mà nhìn thấy chùa tròn vẹn. Chùa mới đúc được cách đây không lâu nhưng nhiều nơi đã nhẵn bóng vì nhiều người xoa lấy may mắn. Trên đỉnh Yên Tử gió lạnh thổi muốn bay cả người, mưa rét mịt mù không nhìn thấy gì cả. Nghe nói nếu trời quang, từ đây nhìn thấy biển.

Chắp tay lễ Phật rồi quay trở xuống. Đường xuống dễ dàng hơn nhưng đi ngang qua một đám thanh niên vẫn thấy kêu sao Nhà nước không cho làm cáp treo một mạch lên và xuống.

Quay trở ra bãi xe không ngờ chuyến đi kết thúc nhanh quá, mới 12h trưa mà đã xong xuôi, do còn sớm nên ghé thăm Trúc Lâm thiền viện – Chùa Lân trên đường ra. Trước cửa chùa tình cờ thấy hai chữ An (Yên) Tử viết bằng chữ Hán. Chữ An chiết tự ra là bộ miên nghĩa là mái nhà ở trên và chữ nữ – người phụ nữ ở dưới. Hóa ra cần gì leo núi để được Yên.

.

Ý kiến - Thảo luận

10:44 Wednesday,29.3.2017 Đăng bởi:  candid
Cám ơn bác Dương Trần đính chính, đúng là em nhớ nhầm thật. Nhưng chủ yếu chốt lại là nhà vua cũng không phải là người đầu tiên nghĩ lên Yên Tử tu. Có nhiều sư khác tu mà thậm chí trước đạo Phật, có An Kì Sinh là người tu tiên nên mới có tên núi là An Tử.

Còn thì đến Phật nếu em nhớ không nhầm thì cũng có nói pháp của ngài có đến 8 vạn tư nên khó có
...xem tiếp
10:44 Wednesday,29.3.2017 Đăng bởi:  candid
Cám ơn bác Dương Trần đính chính, đúng là em nhớ nhầm thật. Nhưng chủ yếu chốt lại là nhà vua cũng không phải là người đầu tiên nghĩ lên Yên Tử tu. Có nhiều sư khác tu mà thậm chí trước đạo Phật, có An Kì Sinh là người tu tiên nên mới có tên núi là An Tử.

Còn thì đến Phật nếu em nhớ không nhầm thì cũng có nói pháp của ngài có đến 8 vạn tư nên khó có thể nói pháp nào là chính hiệu, pháp nào là fake 1, pháp nào là fake 2. :D 
9:46 Wednesday,29.3.2017 Đăng bởi:  Dương Trần
Đoạn bác Candid vừa kể là truyện về vua Trần Thái Tông, không phải Trần Nhân Tông.
Còn tôi cũng không dám lạm bàn nhiều về việc tu hành của vua. Cái này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố văn hóa, chính trị, xã hội của thời đại nên chúng ta cũng không thể nói chắc được tu thế nào mới là tu.
...xem tiếp
9:46 Wednesday,29.3.2017 Đăng bởi:  Dương Trần
Đoạn bác Candid vừa kể là truyện về vua Trần Thái Tông, không phải Trần Nhân Tông.
Còn tôi cũng không dám lạm bàn nhiều về việc tu hành của vua. Cái này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố văn hóa, chính trị, xã hội của thời đại nên chúng ta cũng không thể nói chắc được tu thế nào mới là tu. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Thế nào thì dã man hơn?

Phó Đức Tùng

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả