Thiết kế

Đi xem quốc bảo: ngắm núi này lo cho núi nọ 25. 03. 17 - 6:26 am

Đặng Thái tổng hợp và ghi chép

(Tiếp theo bài trước)

Nói tiếp về trống đồng. Có lần trên Soi đã tranh luận về việc có phải chúng ta là hậu duệ của những người đúc trống đồng hay không? Tại sao từ thời Bắc thuộc trở đi thì không còn đúc trống nữa? Nhưng có một hiện vật đã chứng minh được rằng người Việt cho đến mãi về sau này vẫn còn đúc trống đồng, cho dù quan niệm về thẩm mỹ, tâm linh thì đã khác biệt rất nhiều.

Bảo vật quốc gia số 6 – đợt 1: Trống đồng Cảnh Thịnh “Thời Tây Sơn, niên hiệu Cảnh Thịnh thứ 8, 1800. Đường kính 49cm. Cao 37,40cm.” Ảnh toàn bài: Đặng Thái.

“Trống đồng Cảnh Thịnh có tạo hình độc đáo, mô phỏng theo kiểu trống da truyền thống. Hoa văn trang trí chủ đạo đúc nổi đề tài Tứ linh mang ý nghĩa biểu trưng cho đất nước thái bình thịnh trị, xã hội an lạc và Long Mã cõng Hà Đồ, Thần Quy chở Lạc Thư, hai biểu tượng khởi nguyên của Kinh Dịch – tư tưởng triết học của người Á Đông về quy luật của sự biến đổi. Hoa văn trên trống vừa mang tính kế thừa, vừa phản ánh đặc trưng có tính thời đại rất rõ nét, như các hình các điệu hoa lá cỏ cây thành các linh vật như lá hóa Rồng, lá hóa Rùa, lá hóa Thao Thiết…”

Hai vòng tròn nổi trên mặt trống theo mình là một hình ảnh tượng trưng cho mặt trời, giống như trống đồng Đông Sơn dùng mặt trời 14 tia vậy. Trống đồng Cảnh Thịnh là cái trống đồng duy nhất được tìm thấy trong suốt cả nghìn năm phong kiến của nước ta. Không thể khẳng định rằng nó có những ảnh hưởng từ trống đồng Heger I, Heger II (thời Đông Sơn) nhưng cũng chứng minh được rằng không phải sau thời Đông Sơn thì người Việt không còn đúc trống nữa.Chỉ có điều quan niệm về vũ trụ lúc này đã hoàn toàn chịu ảnh hưởng của Phật giáo và Khổng giáo. Trên trống còn khắc một bài minh về việc nhân dân góp công sức, tiền của đúc trống để công đức vào chùa Nành, Gia Lâm, Hà Nội.

 

Bảo vật quốc gia số 8 – đợt 1: “Bình gốm hoa lam vẽ thiên nga. Thời Lê Sơ, thế kỉ 15. Đường kính miệng: 23,8cm. Đường kính đáy: 25,8cm. Cao 56,5 cm.”

Chiếc bình này thuộc dòng gốm Chu Đậu, một dòng gốm bí ẩn, tuyệt nhiên không còn dấu vết, đến những người làng Chu Đậu (xã Thái Tân, huyện Nam Sách, Hải Dương) cũng không biết trước đây làng mình có nghề gốm. Sau khi nhận được thư của một nhà ngoại giao Nhật nói về một chiếc bình gốm ở Thổ Nhĩ Kỳ có ghi sản xuất tại Nam Sách thì tỉnh Hải Hưng mới đi tìm và khai quật được gốm ở vùng này, rồi đặt tên theo làng Chu Đậu. Trước đây trên thế giới đã có rất nhiều gốm cùng kiểu nhưng đều gọi chung là gốm hoa lam.

Chiếc bình thiên nga này được khai quật tại tàu đắm cổ Cù Lao Chàm, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam năm 1999-2000. Sau khi khai quật con tàu này, người ta mới biết rằng Chu Đậu từng là lò gốm khổng lồ, đã từng xuất khẩu hàng triệu sản phẩm gốm sứ cao cấp, với họa tiết đặc trưng Việt Nam đi Tây, đi Nhật.

Chiếc bình vẽ bốn con thiên nga/vịt trời trong bốn tư thế “phi, minh, túc, thực” (bay, kêu, ngủ, ăn) biểu đạt những hành động cơ bản của con người nhưng đồng thời cũng là chơi chữ, thể hiện bốn ước mong: thăng (quan) tiến (chức), (tiền đồ) sáng lạn, giàu có (sung túc) và no đủ. Ngày nay, gốm Chu Đậu rất được ưa chuộng ở Hải Dương, nhiều đôi lục bình cao hơn đầu người giá hàng trăm triệu, thường dùng để “phi minh túc thực”.

 

Bảo vật quốc gia số 5 – đợt 5: Thống gốm hoa nâu, “Thời Trần, thế kỷ 13-14, đường kính miệng 35cm. Đường kính đáy 34cm. Cao 57cm” và bảo vật quốc gia sô 13 – đợt 2: Chuông chùa Vân Bản, “Thời Trần, thế kỷ 13-14, đường kính miệng 80cm. Cao 127cm”.

“Thống gốm hoa nâu được phát hiện khi đào giếng tại khu đến Trần, thôn Tức Mạc, phương Lộc Vượng, thành phố Nam Định, năm 1972.” Phải chụp ảnh như vậy để bạn đọc có thể hình dung ra kích thước rất lớn của cái thống. Chuông chùa Vân Bản “được phát hiện ngẫu nhiên tại vùng biển Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng năm 1958”. Chuông này quý vì nó cố đã đành(một trong ba quả chuông triều Trần được tìm thấy đến nay) nhưng còn quý hơn chính vì cái quai chuông của nó có hình bồ lao dưới dạng rồng thời Lý-Trần. Minh văn trên thân chuông còn chứng minh Đồ Sơn là một trong những nơi tiếp nhận Phật giáo trực tiếp từ Ấn Độ và phát triển thành trung tâm Phật giáo dưới thời Lý-Trần chứ không chỉ là một trung tâm cua ghẹ như ngày nay người ta vẫn biết đến.

Năm nay việc khai ấn đền Trần bị báo chí đập cho tơi bời, và hình như nhận thức của người dân cũng dần thay đổi nên có vẻ bớt đông hơn trước. Nhớ hồi cách đây chục năm, xe ô-tô đỗ xếp hàng nối đuôi nhau phải đến mấy cây số. Có năm nọ đỉnh điểm là giẫm đạp lên nhau, phá cửa hậu cung để tranh nhau xin một cái ấn không rõ có phải đồ cổ thật hay không. Chiếc ấn thời Trần duy nhất hiện biết có trưng bày tại triển lãm này:

Bảo vật quốc gia số 7 – đợt 1: Ấn đồng Môn hạ sảnh ấn, “Thời Trần, niên hiệu Long Khánh thứ 5 (1377). Dài 7cm; Rộng 7cm; Cao 8,5cm.”

“Phát hiện tại xã Hương Giang, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. Ấn hình vuông, đế ấn tạo ba cấp, núm ấn hình bia đá. Cạnh phải lưng ấn khắc dòng chữ Hán Môn hạ sảnh ấn – Ấn của sảnh Môn hạ. Cạnh trái lưng ấn khắc dòng chữ Long khánh ngũ niên ngũ nguyệt nhị thập tam nhật tạo…. Sảnh Môn hạ là một trong những cơ quan hành chính trung ương thời Trần, do vua Trần Minh Tông (1314-1329) đặt ra năm Khai Thái thứ 2 (1325) thay cho Hành khiển ty ở cung Quan triều thuộc Nội mật viện. Đây là cơ quan thân cận của nhà vua, có nhiệm vụ giữ bảo ấn, giấy tờ, truyền lệnh của vua tới các quan, nhận lời tấu lên vua và các công việc lễ nghi trong cung.” Sảnh Môn hạ thuộc bộ “Tam sảnh” nhà Trần gồm: Thượng thư sảnh (Văn phòng Chính Phủ), Trung thư sảnh (Văn phòng Quốc hội) và Môn hạ sảnh (Văn phòng Chủ tịch nước).

Ngoài quả ấn này thì có hai quả ấn khác, nổi tiếng hơn rất nhiều, cũng được công nhận là quốc bảo, trong số hàng chục ấn tín vàng ngọc của nhà Nguyễn.

Bảo vật quốc gia số 13 – đợt 5: Ấn vàng Đại Việt quốc Nguyễn Chúa vĩnh trấn chi bảo “Thời Lê Trung Hưng, niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 5 (1709). Cạnh:10,84cm×10,84cm; Dày 1,1cm; Cao 6,3cm.

Ấn do chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725) cho đúc làm quốc bảo. Tức là lúc này Nam Hà đã đủ vây đủ cánh, dám đúc ấn vàng để thể hiện cho quyền lực bá chủ một vùng “Chúa Nguyễn nước Đại Việt cai trị mãi mãi”. Tuy nhiên trên ấn vẫn khắc “Vĩnh Thịnh ngũ niên thập nhị nguyệt sơ lục nhật tạo”, tức là sử dụng niên hiệu Vĩnh Thịnh của vua Lê Dụ Tông để tính thời gian. Chúa Nguyễn Phúc Chu đã từng nghe lời nhà sư Thích Đại Sán, người Quảng Đông được mời sang thuyết pháp, xin nhà Thanh cầu phong làm An Nam quốc vương nhưng Nhà Thanh từ chối, chỉ công nhận vua Lê mà thôi. Thích Đại Sán có viết sách Hải ngoại kỷ sự (NXB Khoa học xã hội, 2016) kể chuyện đi Nam Hà, từng ở chùa Thiên Mụ (trong sách có mấy dòng nhắc đến chúa Nguyễn cử người ra đảo Trường Sa).

Đại Nam thực lục chép lời vua Gia Long dặn Thái tử (sau này thành vua Minh Mệnh): “Ấn báu này các đời truyền nhau, ngày xưa đã trải nhiều phen binh lửa, người chẳng chắc còn, mà ấn này vẫn cứ giữ trọn trước sau, chiếu văn và bổ dụng quan lại đều dùng ấn này, giữ tín trong nước, ai cũng hưởng ứng. Ấn này quan hệ với quốc gia không nhỏ, tức là ngôi báu trời cho vẫn có quỷ thần giúp đỡ, khiến cho ngọc bích của Triệu lại trở về để truyền lại cho con cháu. Vả lại nước ta liệt thánh nối nhau, chồng chất sáng hòa hơn hai trăm năm, nay nhờ yêu dấu thiêng liêng mà thống nhất cả nước, phúc chứa vốn đã lâu đời… Từ nay về sau nên lấy ấn này làm vật báu truyền ngôi. Con cháu ta phải đời đời để lại cho nhau, đừng làm mất đi mà truyền đến ức muôn năm dài lâu mãi mãi.”

Năm 1775, Nguyễn Phúc Ánh 13 tuổi theo ông chú là chúa Nguyễn Phúc Thuần chạy giặc Tây Sơn khỏi thành Phú Xuân, hơn hai mươi năm sau quay về lấy lại nước, chỉ còn duy nhất cái ấn này là giữ được. Ấn này cứ mất lại tìm thấy, đến nỗi chạy giặc lội sông rơi mất, có người đi sau vấp phải lại mò lên. Vậy nên mới nói là “ngôi báu trời cho vẫn có quỷ thần giúp đỡ”, chọn làm kim tỷ truyền quốc. Cho nên về mặt lâu đời thì ấn này còn quý hơn cả Hoàng đế chi bảo (nay đã mất) mà vua Bảo Đại trao cho ông Trần Huy Liệu. Quý giá như vậy nên vua Minh Mệnh cho niêm phong cất đi, không bao giờ dùng, đến nay chỉ mới thấy duy nhất hình ấn khắc trên bia chùa Thiên Mụ.

Khác với với ấn này ít dùng thì quả ấn thứ hai – Sắc mệnh chi bảo – lại được sử dụng rất nhiều. Dấu son do nó đóng lên còn được tìm thấy ở sắc phong trong các đền chùa khắp cả nước từ Bắc chí Nam.

Bảo vật quốc gia số 23 – đợt 4: Ấn vàng Sắc mệnh chi bảo “Thời Nguyễn, niên hiệu Minh Mệnh thứ 8 (1827), cạnh 14cm × 14cm, dày 2,5cm, cao: 11cm.”Ảnh: Đặng Thái.

Mặt trên ấn có khắc “Thập tuế hoàng kim, trọng nhị bách nhị thập tam lượng lục tiền” tức là vàng 10 tuổi, nặng 223 lạng 6 tiền, tương đương 8,5 kg! Vàng 10 tuổi tức là vàng nguyên chất (99,99% là vàng). Đây là cách tính độ tinh khiết của vàng ở Việt Nam thời cổ, 10 tuổi tương đương với 24k bây giờ (kara này khác vớicara để đo trọng lượng kim cương đá quý bằng 200mg).

Ấn Sắc mệnh chi bảo chủ yếu dùng để dập lên sắc phong cho thần thánh hơn là cho người. Triều đại nào (Lê Sơ, Mạc, Lê Trung Hưng, Tây Sơn) cũng có ấn Sắc mệnh chi bảo, khắc cùng kiểu chữ triện chứ không phải chỉ nhà Nguyễn mới có, nhưng ấn này của Nhà Nguyễn là ấn duy nhất còn lại. Đi kèm với ấn này là sắc phong. Tất cả các sắc phong ở Việt Nam đều được làm bằng giấy sắc, một loại giấy dó siêu bền, dát vàng, từ đời Lê Trịnh trở đi là một đặc quyền và sản phẩm bí truyền của làng Nghè (phường Nghĩa Đô, Cầu Giấy).

“Sắc phong thần đóng dấu Sắc mệnh chi bảo.Giấy.Thời nguyễn niên hiệu Tự Đức thứ ba (1850)”.Tấm sắc phong này màu khá xấu, nhìn ngoài đời cứ như ảnh in.

Vì vậy mà ấn Sắc mệnh chi bảo thể hiện cho quyền lực tối thượng của hoàng đế, đến thánh thần cũng phải chịu sắc phong của vua. Ngày nay còn lại sắc phong có dấu Sắc mệnh chi bảo nhiều nhất là dưới thời Khải Định. Năm 1924, vào dịp Tứ tuần đại khánh (mừng thọ vua tròn 40 tuổi), vua Khải Định cho viếtsắc phong “hàng loạt”, “phát” cho tất cả đình to, miếu nhỏ trong nước. Riêng tiền mua giấy sắc đã đủ để khuynh gia bại sản, chưa kể đến chi tiêu cho “đại lễ” nên ngân sách vì thế mà khánh kiệt. Cái đáng nói là năm sau thì vua chết, thọ 41 tuổi (vậy nên mới người ta mới bảo: không mừng thọ thì sống lâu, mừng thọ thì chóng chết).

Ngoài sân bảo tàng có hai tấm bia nhưng phần thông tin thì cũng có trong triển lãm:

Bảo vật quốc gia số 17 – đợt 4: Bia điện Nam Giao. Chất liệu: Đá. Thời Lê Trung Hưng, niên hiệu Vĩnh Trị thứ 4 (1679). Rộng: 157cm, dài: 214cm, cao: 287cm. Bia chạm khắc rất dẹp, tiêu biểu cho thời Lê Trung Hưng, nội dung nói về nghi lễ quan trọng bậc nhất của Triều đình là lễ tế Nam Giao. Đàn Nam Giao Thăng Long nằm ở chỗ Vincom Bà Triệu ngày nay, khác với đàn Xã Tắc ở Kim Liên.

 

Bảo vật quốc gia số 23 – đợt 2: Bia Võ Cạnh. Chất liệu Sa thạch. Niên đại khoảng thế kỉ III-IV, cao 320cm, rộng 110cm, dày 80cm. “Bia Võ Cạnh là một trong những tấm bia cổ nhất Đông Nam Á thể hiện sự tiếp thu tiếng Phạn và ảnh hưởng tư tưởng Phật giáo (Ấn Độ) vào vương quốc Champa cổ đại nói riêng và cùng Đông Nam Á nói chung.”

Cuối cùng là ba bảo vật bằng giấy, chưa cái nào đủ 100 tuổi để có thể coi là cổ vật, nhưng có thể coi là những bảo vật quốc gia đậm đà bản sắc dân tộc. Cả ba đều là trước tác của chủ tịch Hồ Chí Minh, hai vật là bút tích từ ngày còn nằm gai nếm mật cũng nghĩa quân và một vật là ngự bút.

Bảo vật quốc gia số 9 – đợt 1: Cuốn Đường Kách mệnh. Giấy. Năm 1927. Kích thước: 22cm ×15cm.

Đường Kách mệnh là tập bài giảng mà Nguyễn Ái Quốc biên soạn làm tài liệu giảng dạy cho các khoá huấn luyệnchính trị ở Quảng Châu, giới thiệu về chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa tam dân của Tôn Trung Sơn. Mục đích là tạo ra những phương tiện tuyên truyền sống.Trên cùng phía góc trái bìa sách viết: Không phải sách bán. Bên dưới tên sách trích từ tác phẩm Làm gì? của Lê-nin: “Không có lý luận cách mệnh thì không có cách mệnh vận động… chỉ có theo lý luận cách mệnh tiền phong, đảng cách mệnh mới làm nổi trách nhiệm cách mệnh tiền phong”.

Nguyễn Lương Bằng mang sách về Hải Dương theo tuyến đường thủy Quảng Châu-Hải Phòng. Sách bị bắt tại Hải Dương, đặc biệt còn lưu lại một tờ trình viết bằng chữ Nôm ghi:

“Tên con là Phó lý Nguyễn Văn Tôn, xã Hạ Trường, xin nộp quan huyện Thanh Hà quyển sách này. Con xin làm đơn trình sau. Bảo Đại năm thứ 5, ngày 29 tháng Hai (tức là 28. 3, 1930)”.

 

Bảo vật quốc gia số 10 – đợt 1: Tác phẩm “Ngục trung nhật ký”. Giấy. 1942 – 1943. Kích thước: 12,5cm × 9,5cm.

Bảo tàng có làm rất chi tiết, đăng cả ảnh chụp nguyên tác, cả phần dịch của rất nhiều bài thơ trong tập (hôm đi lại không nhớ đếm xem có đủ 133 bài không). Ngoài bìa có ghi bốn chữ Hán “Ngục trung nhật ký” (獄中日記) và ngày sáng tác (cố tình ghi sai) “29.8.1932 – 10.9.1933” đọc từ trái sang nhưng bài thơ bên dưới thì lại đọc từ phải sang. Thơ không có tiêu đề, coi như lời nói đầu cho cả tập:

Thân thể tại ngục trung,
Tinh thần tại ngục ngoại.
Dục thành đại sự nghiệp,
Tinh thần cánh yếu đại.

Bảo vật quốc gia số 11 – đợt 1: Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Giấy.Ra đời ngày 19/12/1946. Trang thứ nhất: 20,5cm× 13,5cm. Trang thứ hai: 20,5cm ×13,6cm.

“Bản thảo được viết bằng mực đen trên hai trang giấy trắng, không có dòng kẻ. Trong bản thảo, ngoài nét chữ của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn có bút tích sửa bằng mực xanh của đồng chí Trường Chinh, lúc đó là Tổng bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam”. Trong câu cuối, lời hịch viết “V.N. độc lập muôn năm!Khg’ chiến thg’ lợi muôn năm!”, Tổng bí thư Trường Chinh có bổ sung thêm sau chữ “độc lập” cụm từ “và thống nhất”, đồng thời viết thêm ngày tháng “Hà nội, ngày 19-12-1946”, gạch bỏ chữ “Tên ký” và ghi “Hồ-Chí-Minh”.

Xem xong triển lãm thấy thật là đã vì những bảo vật quý giá giờ đã được đem ra triển lãm thường xuyên hơn, nhưng đồng thời cũng thấy lo lắng cho hàng trăm bảo vật khác, không được may mắn như những bảo vật ở đây, thuộc sở hữu của các bảo tàng địa phương, đền chùa, hằng ngày phơi mưa phơi nắng, vạ vật lăn lóc ở hành lang hay tệ hơn là bia đá nghìn năm tuổi không mòn lại bị lấy bùi nhùi sắt đánh cho sạch! Chỉ biết đóng góp chút công sức bằng cách cung cấp thêm thông tin cho quảng đại quần chúng, để nhiều người có ý thức về di sản, như một cách báo đáp tiền nhân ở một đất nước đã bị tàn phá quá nhiều.

*

(Bài trước:
Quốc bảo thường để cất đi
Vậy nên triển lãm phải phi đến liền “)

*

Cùng một tác giả:

- Nobel Banquet: Tiệc chiêu đãi những người đoạt giải Nobel

- “Hồng trà” của Tàu và “Chai ” của Ấn

- Ẩm thực Ấn Độ (bài 1): nồng nàn hay nồng nặc?

- Ẩm thực Ấn Độ (bài 2): Chán cơm có roti, chán cà ri thì nhịn!

- 16. 12: Kandinsky – một người Nga yêu nhạc

- “Khách sạn Grand Budapest”: đủ cả âm nhạc, thi ca, hội họa kiến trúc và rất buồn cười

- Ẩm thực Ấn Độ (bài 3): Nếu không ngại làm và không sợ dầu mỡ

- Ẩm thực Ấn Độ (bài 4): Mật ngọt chết người

- Ấn Độ: người bạn voi hiền lành chỉ biết giúp Việt Nam

- Kẻ hảo ngọt lần theo con đường của mía

- Phía nam biên giới, phía đông mặt trời: Khi thời gian trôi kiểu Fiji

- Đặc sản Fiji (bài 1): Fish and chip, cà ri, vịt quay và thịt người

- Đặc sản Fiji (bài 2): Itaukei – đảo và núi lửa, sulu và kava

- Chưa đi chưa biết Suva, đi rồi mới biết…

- Đường lên biên giới: thăm Sa Vĩ, ăn gật gù, xem Mũi Ngọc

- Qua cầu Bắc Luân: xong bát mì tàu, mong về cố quốc

- Đình to giữa phố

- Kỷ nguyên vàng của vùng đất thấp (bài 1): những con buôn thông minh

- Kỷ nguyên vàng của vùng đất thấp (bài 2): Đất nước đa tài và Đông Tây chạm mặt

- Muốn thỏa mãn bao tử phải thử bao tử Trung Hoa

- Hai anh em bánh nếp: một miền Bắc, một miền Trung

- Vanuatu (bài 1): từ vị thầy chán chết đến bài học đắt giá về đất đá

- Vanuatu (bài 2): run rẩy đi rình núi lửa phun

- Vanuatu (bài 3): Bún nào ngon bằng bún Tân Đảo

- Vanuatu (bài 4): từ “chân đăng” đến Việt kiều Tân Đảo

- Vanuatu (bài 5): tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Bislama cùng chơi pétanque bên lagoon xanh xanh

- Vanuatu (bài 6): Pháp đi, Mỹ đến, Trung Quốc bắt đầu vào. Chỉ Cuba là trong sáng

- Vanuatu (bài 7): Xứ sở lạ kì – nơi cấm rượu và đồ ăn thì toàn organic

- Vanuatu (bài 8): bỏ mứa dơi hầm, từ chối hoa hậu

- Nobel Banquet (phần 1): từ ngày ra đời đến khi thắt lưng buộc bụng

- Nobel Banquet (phần 2): hết chiến tranh là ăn phức tạp

- Kỷ nguyên vàng của vùng đất thấp (bài 3): Người người mua tranh, nhà nhà treo tranh

- Kỷ nguyên vàng của vùng đất thấp (bài 4): Hạng bét tranh tĩnh vật, hạng nhất vẽ thánh thần

- Kỷ nguyên vàng của vùng đất thấp (bài 5): Dầu thay cho trứng, gỗ cứng thế bằng vải mềm

- Kỷ nguyên vàng của vùng đất thấp (bài 6): Thoát ly họa phường, bắt chước hàng Tàu

- Ngày ba mươi Tết giò treo đầy nhà

- Rượu Tây, rượu Ta, rượu Nga, rượu Pháp
Gạo, mạch, lúa mì, rượu gì cũng uống

- Quốc bảo thường để cất đi
Vậy nên triển lãm phải phi đến liền

- Đi xem quốc bảo: ngắm núi này lo cho núi nọ

- Đình Phong Phú: một nơi ấm áp và mát mẻ giữa Sài Gòn

- Những cuộc phiêu lưu kỳ thú của ớt, cà phê, khoai tây và chuối

- Thắc mắc về quả dưa hấu

- Vanuatu (bài 9): Cho đại sứ Trung Quốc ăn đấm và trở thành chư hầu trên biển

- Ấn Độ: Nam-Bắc một nhà, hay là việc ăn lá đa và lá chuối

- Nobel banquet 2019: “Đến cuối thì mọi việc cũng đâu vào đấy!”

- “Thụy Điển kiều”: những Karl Oskar và Kristina không quên quá khứ

Ý kiến - Thảo luận

9:20 Saturday,25.3.2017 Đăng bởi:  Candid
Loạt bài ấy em cũng đọc lâu rồi nhưng ngoài loạt bài ấy ra còn nhiều bài viết khác. Cụ Sển có qua xem nhưng không lưu ý đến cái bình ấy lắm mà cụ chú ý đến đồ gốm Thanh Hoá. Có bác Hồng Lê Thọ cũng đến xem bảo tàng ấy và chú ý đến men Celadon Việt Nam như cụ Sển.
...xem tiếp
9:20 Saturday,25.3.2017 Đăng bởi:  Candid
Loạt bài ấy em cũng đọc lâu rồi nhưng ngoài loạt bài ấy ra còn nhiều bài viết khác. Cụ Sển có qua xem nhưng không lưu ý đến cái bình ấy lắm mà cụ chú ý đến đồ gốm Thanh Hoá. Có bác Hồng Lê Thọ cũng đến xem bảo tàng ấy và chú ý đến men Celadon Việt Nam như cụ Sển. 
8:54 Saturday,25.3.2017 Đăng bởi:  Đặng Thái
Không phải cụ Vương Hồng Sển đâu bác Candid ơi, bác có thể tìm đọc series bài của phóng viên Tuổi Trẻ, bắt đầu từ bài này

Có người đã tổng hợp cả 10 kỳ báo tại link này
...xem tiếp
8:54 Saturday,25.3.2017 Đăng bởi:  Đặng Thái
Không phải cụ Vương Hồng Sển đâu bác Candid ơi, bác có thể tìm đọc series bài của phóng viên Tuổi Trẻ, bắt đầu từ bài này

Có người đã tổng hợp cả 10 kỳ báo tại link này  

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tức quá, người ta cứ nghĩ là SOI giỏi

Bạn Thành và Soi (tranh luận với nhau :-)

THẾ HỆ MỚI của Anh Tuấn

Thông tin từ triển lãm

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả