Bàn luận

Về sự hạnh phúc của người Việt Nam (bài 1): đo hạnh phúc bằng cái gì? 31. 03. 17 - 6:49 am

Phó Đức Tùng

Dựa vào chỉ số nào để bảo là “hạnh phúc”?

Hiện nay, có nhiều thống kê cho rằng Việt Nam nằm ở bậc khá cao trên thế giới về hạnh phúc. Điều đó không khỏi dẫn tới tự mãn phần nào trong tư tưởng của nhiều người. Tuy nhiên, ai có tư duy mạch lạc đều phải cảm thấy rõ ràng có một mâu thuẫn gì đó giữa trình độ phát triển, nền kinh tế, trình độ văn hóa v.v. của Việt Nam và chỉ số hạnh phúc này. Phải chăng điều đó chứng tỏ những tiêu chí phát triển của loài người và hạnh phúc có thể là những tiêu chí mâu thuẫn với nhau?

Minh họa của Chris Lysy

Thế rồi lại có những người nói rằng thực ra Tây cũng không phải hạnh phúc đâu, nó có đầy cái bất hạnh, và ta cũng không phải dở đâu, vì ta có đầy cái sướng. Điều này có thể xảy ra, nhưng không dễ tin cho lắm. Kinh nghiệm sống lâu năm bên Tây cho tôi thấy rằng bọn Tây nó khôn lắm, nó không ngu đâu. Nó nghiên cứu những vấn đề cơ bản rất sâu, rất kỹ từ mấy ngàn năm nay. Không thể một thứ đơn giản như chỉ cần ra quán bia zô zô là được hạnh phúc mà nó lại không biết, không làm được, mà cứ phải phức tạp khoa học với tiến bộ, để rồi mà không hạnh phúc bằng thằng Việt Nam đâu.

*

Trước hết, hãy xem kỹ những bộ chỉ số hạnh phúc mà người ta thường dùng để đo độ hạnh phúc nhé.

Ta thường gặp nhất là 2 loại bộ chỉ số hạnh phúc chính:

– Bộ chỉ số hạnh phúc chủ quan (The Subjective Happiness Scale -SHS) hay Bộ chỉ số độ hài lòng với cuộc sống (The Satisfaction with Life Scale – SWLS), và

– Bộ chỉ số ảnh hưởng tích cực tiêu cực (The Positive and Negative Affect Schedule – PANAS)

Tất cả các loại chỉ số đều là con lai giữa hai loại bộ chỉ số này. Loại thứ nhất nói về độ hài lòng chủ quan của một người với thời điểm hiện tại và quá khứ gần. Loại thứ hai thống kê những yếu tố bên ngoài có thể ảnh hưởng tốt hay xấu tới đời sống con người và cho rằng nếu nhiều yếu tố tốt thì con người sẽ hạnh phúc hơn và nhiều yếu tố xấu thì con người sẽ ít hạnh phúc hơn.

Bất cập của những chỉ số “hạnh phúc”

Vấn đề của nhóm thứ nhất, nhận định chủ quan của từng cá nhân là nó không có cơ sở so sánh, vì sự hài lòng của mỗi cá nhân có thể là một thứ hoàn toàn khác nhau. Rõ ràng là cảm giác hài lòng của một người đang phê thuốc, một người bệnh nhân tâm thần lúc nào cũng cười và một người có đầu óc mạch lạc, minh mẫn không thể như nhau. Tương tự, sự hài lòng của một đứa trẻ được kẹo và một nhà khoa học mới phát minh ra một lý thuyết mới không thể là một. Ngay cả khi thêm vào lời khai chủ quan những chỉ số mang tính vật lý thuần túy như nồng độ Adrenalin, Dopamin v.v. cũng không cải thiện được chất lượng thông tin và khả năng so sánh. Các hormon đều chỉ là triệu chứng đi kèm theo cảm giác hạnh phúc chứ không phải định nghĩa hạnh phúc, hay là chỉ số chứng tỏ hạnh phúc. Adrenalin có thể tăng cả trong trường hợp sợ hãi, hoặc bệnh lý.

Minh họa của Chris Lysy

Nhóm thứ hai bao gồm những thông tin khách quan hơn như thu nhập, môi trường, chính sách v.v. Những bộ chỉ số này không trực tiếp đo hạnh phúc, mà đo những yếu tố được cho rằng sẽ ảnh hưởng đến mức độ hạnh phúc. Tuy nhiên ta đều cảm thấy rõ ràng là hai con người sống trong cùng điều kiện ngoại cảnh như nhau rõ ràng không có cùng độ hạnh phúc như nhau. Ở cùng một địa điểm, thời gian, môt Bill Gate không thể thấy cùng một sự thỏa mãn nếu bán được 10 cốc sinh tố như một bà già. Nói cách khác, tác dụng của những yếu tố ngoại cảnh tới từng người là rất khác nhau và như vậy tác dụng của ngoại cảnh đó tới từng dân tộc lại cũng rất khác nhau.

Tóm lại, nhóm thứ nhất tả về những thứ rất khác nhau dưới cùng một tên là “hạnh phúc”, nhóm thứ hai tả về một loạt yếu tố có tác dụng rất khác nhau đến các loại hạnh phúc khác nhau kia. Như vậy thì làm sao gọi là có cơ sở so sánh được. Khi đã không cùng một cơ sở so sánh thì mọi so sánh là khập khiễng. Tuy vô nghĩa về mặt giá trị khoa học, nhưng những chỉ số này đặc biệt có tính chất á phiện, nhất là đối với những xã hội có tầm nhận thức thấp. Nó mang lại sự hài lòng một cách đáng thương và nguy hiểm. Vì thế, với cùng một lý do tại sao cần phải bài trừ á phiện, cũng cần phải làm rõ vấn đề hạnh phúc và rất thận trọng với những loại chỉ số luyên thuyên này.

“Hạnh phúc” = hạnh + phúc

Chữ hạnh phúc bao gồm “hạnh” và “phúc” trong quan hệ nhân quả, tức là chỉ riêng cái loại “phúc” do “hạnh” mà đạt được. Trong đó riêng chữ “phúc” đã bao hàm rất lớn, là một cuộc sống tốt, đáng mong ước nói chung, chứ không phải chỉ là một cảm giác sướng hay dễ chịu nhất thời. Về điểm này, Đông Tây từ xưa đều thống nhất quan điểm. Người Hy lạp có khái niệm eudaimonia, với chính xác nghĩa như “phúc do hạnh mà đạt”.

Về riêng chữ “Phúc”:

Trước hết, muốn hiểu được thế nào là hạnh phúc thì phải hiểu thế nào là “phúc”. Bản thân chữ Phúc có nhiều nội hàm khác nhau trong từng nền văn hóa, nhưng nó vẫn là cái gì đó rất lớn. Trong văn minh Nho giáo, mỗi con người chỉ là một mắt xích trong một chuỗi quan hệ dòng tộc tử tổ tiên tới hậu duệ. Vì thế, chữ “phúc” không chỉ bao gồm cuộc sống tốt một đời, mà là cái tốt cho muôn đời tính theo dòng tộc.

Minh họa của Chris Lysy

Đối với Phật giáo, vấn đề dòng tộc không quan trọng, nhưng con người lại có muôn kiếp, vì thế cái phúc đó cũng phải là phúc muôn kiếp. Đối với Hy Lạp thì cái phúc phải là cái tuyệt đối, chân thiện mỹ. Đối với Thiên Chúa giáo, đó là cái phúc cuối cùng, cứu cánh, hay là vé vào thiên đàng.

Nếu đã coi Phúc là như vậy thì nó tuyệt đối không thể đạt được một cách ngẫu nhiên, dễ dàng, vô căn cứ, mà chỉ có thể là kết quả của “Hạnh”. Dùng thuốc lắc, uống rượu, doping không thể đạt hạnh phúc, tự kỷ ám thị cũng không thể đạt được, mà có thần kinh, ngớ ngẩn, hay tự tử cũng không bao giờ đạt tới hạnh phúc được. Ngay trong quan niệm rất thông dụng thì một người thắng cờ bạc, hay ăn cắp được tiền, hoặc tham nhũng mà giàu, hoặc bị tâm thần ngớ ngẩn đều không thể được gọi là có “phúc”. Không ai gọi một cảm giác hài lòng, sung sướng đơn thuần là có “phúc” cả.

Một xã hội không có niềm tin vào cái “phúc” thì không thể có “hạnh”, và ngược lại nếu không có cấu trúc, cơ sở nền tảng về “hạnh” thì không thể có logic về “hạnh phúc”. Nói như Wittgenstein thì cái “Phúc” là giá trị nội tại của cái “Hạnh”. Đã “bất hạnh” thì hiển nhiên là “vô phúc”. Đặc biệt chữ “bất hạnh” cho thấy rất rõ mối quan hệ trực tiếp của đau khổ nội tại với sự vắng bóng của “hạnh”. Cái đó khác hoàn toàn với “không may”, là một yếu tố chủ yếu phụ thuộc ngoại cảnh.

Minh họa của Chris Lysy

Các nền tảng cơ bản về “hạnh” và “hạnh phúc”

Trở lại, “phúc” là hệ quả trực tiếp, nội tại của “hạnh”. Hạnh không phải là những hành động đạo đức, tuân theo những luật lệ cụ thể, như kiểu làm theo 10 điều của Đảng viên, mà là cơ sở nội tại của đạo đức, là những nền móng tiên nghiệm cho toàn bộ hệ thống đạo đức. Mặc dù tất cả mọi người đều cho rằng cơ sở này là tiên nghiệm, tức là đã có trước mọi kinh nghiệm, và làm thước đo cho tính đạo đức của mọi hành vi, nhưng ở mỗi nền văn minh, cơ sở này được xác định khác nhau. Có thể nói là có những cái cây đạo đức khác nhau, xuất phát từ những bộ rễ khác nhau. Có những cây to lớn, và những cây nhỏ hơn. Nhưng dù to dù nhỏ thì những cây này cũng không chung một loại rễ, nên không dễ dàng so sánh với nhau.

Mặc dù vậy, khác với cái hạnh phúc rởm do cảm nhận chủ quan nhất thời của mỗi người tại mỗi thời điểm thì số lượng các loại bộ rễ tiên nghiệm, các loại nền tảng đạo đức trên thế giới không có nhiều. Ở bài tiếp theo, ta sẽ xét qua những kiến giải chính và xem Việt Nam có thể nằm ở đâu.

*

(Còn tiếp bài 2)

Ý kiến - Thảo luận

5:08 Sunday,7.5.2017 Đăng bởi:  Hà Phan
Theo tôi thì dù gì vẫn phải tính như cũ vì đơn giản là nếu con người không hài lòng chấp nhận cuộc sống, cứ theo chiều đi lên rồi lại thấy bất hạnh vì thiếu cái này, cái kia hay không bằng người ta...nên là nếu xét về hạnh phúc thì xét về yếu tố chủ quan là đúng nhất rồi. Một người thần kinh mà hạnh phúc trong thế giới của họ thì cũng được gọi là hạn
...xem tiếp
5:08 Sunday,7.5.2017 Đăng bởi:  Hà Phan
Theo tôi thì dù gì vẫn phải tính như cũ vì đơn giản là nếu con người không hài lòng chấp nhận cuộc sống, cứ theo chiều đi lên rồi lại thấy bất hạnh vì thiếu cái này, cái kia hay không bằng người ta...nên là nếu xét về hạnh phúc thì xét về yếu tố chủ quan là đúng nhất rồi. Một người thần kinh mà hạnh phúc trong thế giới của họ thì cũng được gọi là hạnh phúc chứ. Còn lại nếu nhìn từ quan điểm người ngoài họ cho là không hạnh phúc thì chỉ là cảm quan của họ về cuộc sống của người khác thôi. Còn về việc so sánh, nếu không so sánh như vậy thì nói thật chứ cái gì cũng là khập khiễng hết nhé từ dân tộc, địa lý, truyền thống, văn hoá...Hạnh phúc ở đây là cái họ đạt được và có suy nghĩ tích cực về nó. Vì vậy nếu nói 1 người hiện đại luôn tiến về phía trước không bao giờ dậm chân tại chỗ là không hạnh phúc thì chẳng có gì sai cả hay nói đúng hơn thì là người đó sẽ không bao giờ biết hạnh phúc là gì đối với họ 
13:22 Friday,31.3.2017 Đăng bởi:  dilletant
Hạnh phúc tỷ lệ thuận với... Tiền của họ, Thu Vân à. Xem đây này.


...xem tiếp
13:22 Friday,31.3.2017 Đăng bởi:  dilletant
Hạnh phúc tỷ lệ thuận với... Tiền của họ, Thu Vân à. Xem đây này.

 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

THẾ HỆ MỚI của Anh Tuấn

Thông tin từ triển lãm

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả