Văn & Chữ

Đọc Kim Dung (bài 3): Hoạt Tử Nhân Mộ vs Tuyệt Tình Cốc 18. 04. 17 - 6:52 am

Anh Nguyễn

(Tiếp theo bài 2)

Hoạt Tử Nhân Mộ: mồ chôn của những khối lửa lòng

Trong số những địa điểm của Thần Điêu Hiệp Lữ, Hoạt Tử Nhân Mộ và Tuyệt Tình Cốc là hai nơi chứa đựng nhiều ẩn dụ nhất, mà theo John Christopher Hamn là “tấm lưới của huyền thoại và ngụ ngôn rành rành.”

Hoạt Tử Nhân Mộ là mật thất nằm ẩn dưới chân núi Chung Nam – nó vừa là cơ sở của phái Cổ Mộ, vừa là chốn hạ lạc của người sáng lập Lâm Triều Anh. Vốn dĩ là nơi giáo chủ Toàn Chân giáo Vương Trùng Dương xây lên làm cơ sở chống quân Kim, Hoạt Tử Nhân Mộ được chuyển quyền sở hữu sang Lâm Triều Anh sau khi bà ta thắng cuộc Vương Trùng Dương.

Lâm Triều Anh trong trí tưởng tượng của các… game thủ. Hình từ trang này 

Nhưng mục đích của Lâm Triều Anh khi thách thức Vương Trùng Dương không phải để thỏa mãn lòng tự kiêu, càng không phải để giành lấy Hoạt Tử Nhân Mộ, mà lại xuất phát từ tình cảm yêu đương nồng thắm với Vương Trùng Dương. Kết cục không những kế hoạch chống Kim của Vương Trùng Dương thất bại mà mộng uyên ương của Lâm Triều Anh cũng tan vỡ. Từ đó tòa mật thất trở thành mồ chôn cả tham vọng chính trị của người đàn ông lẫn giấc mơ hôn nhân của người đàn bà.

Vương Trùng Dương và Lâm Triều Anh cả đời không kết hôn – tòa mật thất này là cái chung duy nhất của hai người bọn họ. Nói một cách khác, nó là ẩn dụ về đứa con do họ cùng tạo ra. Vương Trùng Dương xây lên phần xác, Lâm Triều Anh thổi vào nó phần hồn. Thế nhưng cả hai người sáng lập lòng đều nguội lạnh như tro tàn, bởi thế Hoạt Tử Nhân Mộ có nghĩa nôm na là “mộ của người chết còn hoạt động.” Phái Cổ Mộ chính là kết tinh võ học nảy sinh từ vết thương lòng của Lâm Triều Anh.

Vương Trùng Dương. Minh họa từ trang này 

Yếu quyết của phái Cổ Mộ, vì thế, chuyên chú vào việc giới hạn thất tình lục dục của con người. Phép tu luyện dưỡng sinh của “Ngọc Nữ công” phái Cổ Mộ có mười hai yếu quyết chữ Thiểu là: “Thiểu tư, Thiểu niệm, Thiểu dục, Thiểu sự, Thiểu ngữ, Thiểu tiếu, Thiểu sầu, Thiểu lạc, Thiểu hỉ, Thiểu nộ, Thiểu hiếu, Thiểu ố (ít suy, ít nghĩ, ít ham muốn, ít làm việc, ít nói, ít cười, ít buồn, ít sướng, ít vui, ít giận, ít ưa thích, ít ghét bỏ). Không những phái Cổ Mộ là một phái toàn đàn bà, mà dường như từ sư phụ chí đồ tử đồ tôn đều lạnh lùng ít nói, bất cận nhân tình. Theo quy định, phái Cổ Mổ không nhận đệ tử nam giới. Những nữ đệ tử khi tham gia cũng phải thề cả đời không rời khỏi Hoạt Tử Nhân Mộ. Nếu cứ chiếu theo đó thì cả phái Cổ Mộ từ trên xuống dưới đều là “người chết di động.”

Tuyệt Tình Cốc: nơi ẩn náu của những kẻ “muốn” tuyệt tình

Trong khi ấy, lịch sử của Tuyệt Tình Cốc lại cũng có điểm tương tự với Hoạt Tử Nhân Mộ. Mấy trăm năm trước đó, Đường Minh Hoàng mê luyến Dương Quý Phi đến nỗi bỏ bê triều chính, dẫn tới loạn An Lộc Sơn. Một vị quan trong triều chán ngán thế sự liền rũ áo đến ẩn cư trong sơn cốc, lập ra môn phái riêng. Cái tên Tuyệt Tình Cốc chính là nhấn mạnh ý tứ “dùng kiếm tuệ cắt đứt tơ lòng.” Những đệ tử nơi đây dường như đã thực sự đạt đến cảnh giới “tuyệt tình”: họ đều mặc áo xanh, đi lại nhẹ nhàng ít nói cười, không ăn thịt uống rượu để tránh làm tổn thương đến công phu võ học, và né tránh tất cả những thứ tư tình nam nữ. Cốc chủ Công Tôn Chỉ là một kẻ có dung mạo thanh cù, cốt cách tiêu sái, tưởng chừng như sắp sửa đắc đạo tới nơi!

Trong Tuyệt Tình Cốc có mọc một thứ hoa lạ: Tình Hoa. Giữa sơn cốc nảy sinh Tình Hoa đã là một sự lạ đời, nhưng kỳ quặc hơn cả là loài hoa này thường được sử dụng như một thứ vũ khí. Tình Hoa chính là ngụ ngôn của tình yêu: nhìn bề ngoài rất đẹp nhưng lại có gai vô cùng sắc nhọn, và quả của nó đa phần không ăn được. Kỳ thực trong toàn bộ Thần Điêu Hiệp Lữ thì Tình Hoa chính là thứ độc dược đáng sợ nhất.

Dương Quá, Tiểu Long Nữ và Tình Hoa trong tưởng tượng của fan hâm mộ. Hình từ Internet

Hoạt Tử Nhân Mộ: từ trên xuống dưới chỉ nghĩ đến tình

Đến đây ta có thể thấy một số điểm tương đồng rõ rệt giữa Hoạt Tử Nhân Mộ và Tuyệt Tình Cốc.

Nguồn gốc của Hoạt Tử Nhân Mộ và Tuyệt Tình Cốc đều có gắn bó mật thiết với chữ tình, hay nói đúng hơn, sự tàn phá của tình. Những người thành lập (Lâm Triều Anh, Công Tôn tổ sư) đều gánh chịu những bài học đau đớn do tình yêu/tình dục gây ra, tất dẫn đến cảnh “con chim sợ cành cong.” Điều này đưa chúng ta tới điểm tương đồng thứ hai: cả hai xã hội bé nhỏ trong Hoạt Tử Nhân Mộ và Tuyệt Tình Cốc đều vận hành dựa trên sự tự giới hạn bản thân, trên hết là kiềm chế tình yêu/tình dục. Ái tình nam nữ bị coi như độc trùng, mãnh thú. Nhìn bề ngoài có thể tạm coi Hoạt Tử Nhân Mộ tối tăm khắc khổ là một Dystopia, còn Tuyệt Tình Cốc u nhã xinh đẹp là một Utopia.

Có điều dường như ấn tượng ban đầu đó có phần sai lệch. Cuộc sống nơi Cổ Mộ không thực sự “tắt hẳn” như ta tưởng. Trái tim Lâm Triều Anh liệu có hoàn toàn nguội lạnh với Vương Trùng Dương hay không? Rõ ràng là không, bởi trong cô đơn bà đã sáng tạo ra môn Ngọc Nữ Kiếm Pháp – nó là tâm sự giấu kín trong trái tim người ngọc, là bức thư tình bằng võ học bà gửi cho Vương Trùng Dương. Từng điểm từng điểm của Ngọc Nữ Kiếm Pháp tưởng chừng là đối chọi với Toàn Chân Kiếm Pháp, nhưng thực ra uy lực của chúng mạnh nhất khi song kiếm hợp bích, cùng kề vai kháng địch. Khi Dương Quá theo chân Quách Tĩnh lên núi Chung Nam học nghệ, có nằm mơ cậu ta cũng không thể tưởng tượng dưới chân núi lại có một Hoạt Tử Nhân Mộ – một nơi mà từ người sáng lập, võ công, cho đến những địa đạo đầy cạm bẫy đều là khắc tinh của phái Toàn Chân. Thế nhưng trên thực tế, phái Cổ Mộ và phái Toàn Chân như hai cực âm dương, tuy đối lập nhau đấy nhưng khi kết hợp với nhau lại trở nên hoàn hảo.

Nghi thức của phái Cổ Mộ có điểm hài hước: mọi đệ tử khi gia nhập đều phải… nhổ nước bọt vào bức chân dung Vương Trùng Dương. Nhưng bức chân dung này do tay ai vẽ? Chính là Lâm Triều Anh. Những bức thư Vương Trùng Dương gửi cũng được bà ta cất giữ vô cùng cẩn thận. Lâm Triều Anh không chỉ giữ gìn kỷ vật của người yêu cũ mà khát vọng được cùng Vương Trùng Dương bái thiên địa, động phòng hoa chúc cũng chưa bao giờ tắt trong bà. Đến khi chết, bà vẫn giữ “mấy thứ trang điểm của cô dâu, như mũ phượng đính ngọc, khăn hồng trùm đầu, bộ quần áo lụa đỏ” cùng các thứ trâm vòng trang điểm của tân nương. Nỗi tiết hận trong lòng Lâm Triều Anh là có thực, nhưng niềm nhung nhớ cũng là có thực nốt. Thử hỏi người sáng lập môn phái đã tiền hậu bất nhất như vậy thì làm sao các đệ tử có thể tin rằng “nam tử trong thiên hạ không có ai tốt đẹp?”

Minh họa Lâm Triều Anh và Vương Trùng Dương

Người sáng lập đã như vậy nên những nữ nhân vật còn lại của phái Cổ Mộ cũng không hề lãnh đạm. Tôn bà bà có bộ mặt xấu xí nhưng trái tim ấm áp chính là người cứu vớt Dương Quá. Lý Mạc Sầu tuy thân làm đạo cô nhưng đi đến đâu cũng hát câu “Hỏi thế gian tình là chi vậy,” trong lòng nàng ta vẫn đeo nặng mối hận tình hàng chục năm trước. Quá trình tu luyện “không yêu không giận” Tiểu Long Nữ trải qua từ tấm bé cũng không bảo vệ nổi trái tim nàng trước tình cảm nồng nhiệt của Dương Quá. Cho dù có trăm ngàn bí quyết tu luyện đi chăng nữa thì vẫn phải khuất phục trước tình ái, nhất là khi chính bản thân Tổ sư bà bà cũng không thể làm chủ lòng mình. “Ngọc Nữ công” rõ ràng chỉ là một thứ công phu tưởng tượng. Có lẽ chính vì vậy mà trong môn quy của phái Cổ Mộ có cho phép nữ đệ tử được ra khỏi Hoạt Tử Nhân Mộ, miễn là có một chàng trai nguyện chết vì nàng.

Tuyệt Tình Cốc: bị Tình Hoa làm cho điên đảo

Hoạt Tử Nhân Mộ đã không phải là một Dystopia đúng nghĩa thì địa đàng Tuyệt Tình Cốc cũng không thực sự êm đềm. Ẩn sâu dưới vẻ yên bình đấy là tầng tầng lớp lớp thù hận, dối trá, thèm khát,… Trái với lớp vỏ đạo mạo, cốc chủ Công Tôn Chỉ là một kẻ ong bướm xấu xa. Đi ngược lại nghiêm huấn của tổ tiên, y lén vợ yêu thương một người thiếp là Nhu Nhi. Khi bị vợ phát hiện, không những y giết hại Nhu Nhi để vợ lơi lỏng cảnh giác, mà còn máu lạnh đẩy vợ xuống đầm cho cá sấu ăn thịt. Vừa gặp Tiểu Long Nữ xinh đẹp, vị cốc chủ đạo mạo liền tìm trăm phương nghìn kế cưỡng bức nàng làm vợ, thậm chí sẵn sàng giết chết con gái không thương tiếc.

Dưới đáy của đầm cá sấu lại có Cừu Thiên Xích. Nỗi căm hờn đã đầu độc trái tim bà ta, khiến Cừu Thiên Xích trở thành một nữ ác nhân. Cô gái trinh nguyên Công Tôn Lục Đài thì chính là hình ảnh phản chiếu của Tiểu Long Nữ: một thiếu nữ trong sáng như gương, từ bé đã học cách kiềm chế tình cảm, và cũng… vô phương trước lực hấp dẫn của Dương Quá. Oái oăm thay, chính những cư dân của Tuyệt Tình Cốc lại bị chữ tình hành hạ đến điên dại.

Nếu Tuyệt Tình Cốc là địa đàng thì loài Tình Hoa chính là biểu tượng của trái cấm-tình yêu. Những cư dân của Tuyệt Tình Cốc vừa thờ phụng, vừa sợ hãi, lại vừa khao khát nó. Địa đàng Tuyệt Tình Cốc rốt cuộc cũng vì trái cấm này mà tan nát. Công Tôn Lục Ngạc thì trở thành một thánh nữ tử vì tình. Công Tôn Chỉ và Cừu Thiên Xích cả đời thù hằn nhau, cuối cùng khi chết lại da thịt lẫn lộn dưới đáy hang. Những đồ đệ dưới trướng Công Tôn Chỉ, trừ Phàn Nhất Ông, không ai thoát khỏi cái chết. Chẳng có kẻ thù bên ngoài nào tới đánh giết Tuyệt Tình Cốc, chính ảo mộng tình yêu khiến họ tự hại nhau, chứng tỏ dù có hô vang khẩu hiệu “tuyệt tình” thì con người vẫn bất lực trước số mệnh. Không phải ngẫu nhiên mà khi mới gặp Công Tôn Lục Ngạc, Dương Quá đã nhắc tới câu chuyện về “hồng nhan họa thủy” Bao Tự và Chu U Vương. Cảnh mất nước của nhà Chu chính là lời tiên tri dành cho Tuyệt Tình Cốc.

Công Tôn Chỉ, Tiểu Long Nữ, Dương Quá chiến đấu trên Đoạn Trường Nhai

Kết luận về hai “hang ổ”

Qua hai hiện tượng Hoạt Tử Nhân Mộ lẫn Tuyệt Tình Cốc, ta có thể thấy quá trình đè nén “thất tình lục dục” không những không có hiệu quả mà còn có tác dụng ngược, dẫn đến một thứ ung nhọt tâm lý, càng dồn ép lại càng biến dạng tới mức phi nhân tính. Con người ta có thể chết chứ không thể chối bỏ được tình yêu. Khi câu chuyện Thần Điêu Hiệp Lữ đi tới hồi kết, hầu như tất cả các nhân vật chính của hai phái Cổ Mộ – Tuyệt Tình Cốc đều bị trúng nọc của Tình hoa. Có người được tình yêu cứu rỗi như Tiểu Long Nữ, có kẻ vì nó mà bị huỷ diệt như Lý Mạc Sầu, lại có người vì tình mà hy sinh như Công Tôn Lục Ngạc, nhưng tất cả đều trải qua đau đớn vô cùng. Yêu là chết ở trong lòng nhiều lắm thay!

(Bài tiếp theo: “Tình thánh” Dương Quá và hình tượng máu” 

Ý kiến - Thảo luận

14:03 Tuesday,18.4.2017 Đăng bởi:  TL
@ huain: he he, fan hâm mộ thì vẽ cặp nào cũng ra giống nhau thôi bồ. Tưởng tượng đi :-)))
...xem tiếp
14:03 Tuesday,18.4.2017 Đăng bởi:  TL
@ huain: he he, fan hâm mộ thì vẽ cặp nào cũng ra giống nhau thôi bồ. Tưởng tượng đi :-))) 
13:40 Tuesday,18.4.2017 Đăng bởi:  huain
Bức hình (Dương Quá, Tiểu Long Nữ và Tình Hoa trong tưởng tượng của fan hâm mộ. Hình từ Internet) như chú thích thật ra là tranh fan vẽ cặp đôi Bạch Tử Họa và Tiểu Cốt trong phim Hoa Thiên Cốt đấy ạ.
...xem tiếp
13:40 Tuesday,18.4.2017 Đăng bởi:  huain
Bức hình (Dương Quá, Tiểu Long Nữ và Tình Hoa trong tưởng tượng của fan hâm mộ. Hình từ Internet) như chú thích thật ra là tranh fan vẽ cặp đôi Bạch Tử Họa và Tiểu Cốt trong phim Hoa Thiên Cốt đấy ạ. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tức quá, người ta cứ nghĩ là SOI giỏi

Bạn Thành và Soi (tranh luận với nhau :-)

Về một cách nhìn nghệ thuật!

Một thành viên của Khoan Cắt Bê Tông

Bài đã đăng

» Xem tiếp...

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả